Chứng tích chiến tranh trên mảnh đất anh hùng

70 năm trước, để hạ gục “pháo đài khổng lồ không thể công phá” – Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), các chiến sỹ quân đội ta phải trải qua “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn”. Sức mạnh đoàn kết, quả cảm của cả dân tộc làm nên chiến thắng lịch sử “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Du khách tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Trận chiến lịch sử 39 ngày đêm trên Đồi A1

Bên cạnh con đường 7/5 giữa lòng thành phố Điện Biên Phủ có quả đồi chiếm vị trí quan trọng bậc nhất trong 5 quả đồi cứ điểm của thực dân Pháp ngày ấy. Đồi A1 diện tích 83.000m2 từng được ví như “chìa khóa” của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với trang bị vũ khí hiện đại từ xe tăng, súng máy, lỗ châu mai, lô cốt, hầm hào bí mật, kiên cố. Nơi đây chốt giữ lực lượng quân đội, hỏa lực hùng mạnh nhất của địch, “Ổ đề kháng” Điện Biên Phủ được ví là bức tường thành chắn giữ, nhìn thẳng ra hướng Hầm Đờ Cát – Sở Chỉ huy của quân địch.

Không chỉ Đồi A1, nhìn bao quát từ trên cao, những hầm hào chằng chịt bao quanh khu vực Mường Thanh kể lại nhiều câu chuyện anh dũng. Khi đó, Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ (xã Mường Phăng, huyện Điện Biên) do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy cách trung tâm Điện Biên đến 25km. Ngoài việc thay đổi phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy lực lượng bộ đội sử dụng các đường hào chằng chịt bao vây từng khu vực lô cốt phòng thủ của địch. Những đường hào sâu 1,7m, rộng 1,2m, dài đến hàng trăm km dần siết chặt vòng vây địch được bộ đội ta chủ yếu đào dũi đất vào ban đêm và sử dụng ngụy trang. Do đồi đất cứng, mưa xuống nhão, lượng đất lớn phải chuyển ra bên ngoài… Không ít máu xương đã đổ trên những đường hào nhưng cũng chính từ phương pháp này đem đến sức tiến công bất ngờ như trong cuốn “Điện Biên Phủ – Điểm hẹn lịch sử” từng viết: “Trận địa địch là những đường hào, hầm hố đỏ quạch, bố trí rất tập trung, khép kín, nằm chết cứng giữa rừng dây thép gai màu chì và bãi mìn, chi chít những chiếc dù sặc sỡ. Trận địa ta là một đường hào trục chạy dài ngút tầm mắt bao quanh trận địa địch… trong quá trình phát triển tự nó lại mọc thêm những nhánh mới. Vòng dây khổng lồ, sinh sôi nhanh chóng này chính là cái sẽ quyết định số phận của con nhím thép Điện Biên Phủ”.

Cũng trong trận chiến sinh tử trên Đồi A1, chiếc xe tăng Bazeille bị Đại đội 674 (Tiểu đoàn 251 – Trung đoàn 174 – Đại đoàn 316) tiêu diệt sáng 1/4/1954. Trận chiến trên Đồi A1 diễn ra oanh liệt nhất khi ta mở đến 4 đợt tấn công mới chiếm được nửa quả đồi, ta – địch giành giật nhau từng tấc đất. Khối bộc phá 960kg được đào bí mật là khâu “then chốt” quyết định thắng lợi khi các chiến sỹ giật nổ lúc 20 giờ 30 phút ngày 6/5/1954, tiêu diệt 1 Đại đội địch. Lô cốt cây đa cụt “Ụ thằng người” bị Đại đội 671 tiêu diệt lúc 1 giờ 30 phút ngày 7/5/1954. Trận chiến trên Đồi A1 đã có hơn 2.000 cán bộ, chiến sỹ quân ta hy sinh anh dũng để đến 4 giờ sáng 7/5/1954 chiếm đóng được cứ điểm, mở đường cho Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ giành thắng lợi hoàn toàn chỉ 13 tiếng đồng hồ sau đó.

Trải bao mưa nắng, hố bộc phá, chiếc xe tăng, lô cốt… vẫn còn nguyên vẹn trên di tích Đồi A1, là bài học sống động nhất của lịch sử dân tộc đấu tranh giữ nước giữa lòng thành phố hoa ban hôm nay.

Chứng nhân lịch sử Hầm Đờ Cát

Hầm Đờ Cát (thuộc cánh đồng Mường Thanh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) từng là lô cốt cố thủ vững chắc nhất trong pháo đài, là sự kiêu hãnh, tự tin của quân địch. Từ trên cao nhìn xuống, Hầm Đờ Cát vẫn sừng sững như những ngày từng diễn ra chiến tranh. Hầm chỉ huy của địch có chiều rộng 8m, dài 20m với những gian phòng làm việc và phòng ở xây dựng kiên cố bằng sắt, bao cát. Cũng tại bàn làm việc của tướng Đờ Cát Tơ Ri với những chiếc ghế sắt đã diễn ra những cuộc họp bàn tác chiến quan trọng của quân địch, nhắc nhớ một thời Nhân dân ta lầm than dưới xiềng xích nô lệ. Xung quanh Hầm ken đặc dây thép gai phòng thủ, hệ thống công sự trận địa vững chắc khiến 16.000 lính Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ tin rằng trừ phi “xuất quỷ, nhập thần” chứ Việt Minh không có cách nào đến gần căn cứ này. Cũng vì lẽ đó, tướng Đờ Cát Tơ Ri đã giữ nguyên vẻ ngạc nhiên khi bị bắt sống tại Hầm Đờ Cát lúc 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954.

Ngay ngoài Hầm Đờ Cát hôm nay có đặt tấm bia ghi lại hình ảnh tướng Đờ Cát Tơ Ri bị bắt sống. Lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” tung bay trên nóc hầm là dấu hiệu sớm chiến thắng của toàn Đảng, toàn quân ta trước kẻ thù đế quốc hung hãn. Xung quanh nơi đây đã thắm nở hoa hồng, mảnh đất ngày nào chất chứa bom đạn nay bình yên với nhịp sống hàng ngày nhưng Hầm Đờ Cát vẫn còn mãi đó để nhắc nhớ một thời đau thương mà hào hùng của lịch sử. Để lớp lớp thế hệ sau ghi khắc công ơn những anh hùng liệt sỹ ngã xuống bảo vệ vùng quê tươi đẹp.

Giữa thành phố lịch sử Điện Biên Phủ đang phát triển từng, thăm mỗi di tích, du khách lắng lòng với những câu chuyện kể, dù là đau thương hay tự hào bất khuất thì cũng đều nhắc nhớ đến thế hệ đi trước đã vững lòng tin theo ngọn cờ Đảng, soi rọi vượt qua gian khó, làm nên chiến thắng.

Trong Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ, nhà trưng bày (giai đoạn 1) có đến gần 1.000 hiện vật, ảnh, tài liệu…. cùng với lời thuyết minh sinh động phần nào tái hiện lại những câu chuyện năm xưa. Đó là câu chuyện về những người lính kiên trung với trái tim quả cảm, giờ phút hy sinh vẫn một lòng đấu tranh với kẻ thù bạo tàn; Là những sáng kiến cải tiến xe cút kít chở được số lượng lớn vũ khí, cải tiến chiếc xe đạp thồ chở được gấp 3, gấp 5 lần khối lượng lương thực hậu cần tiếp tế cho tiền tuyến; Là hành trình kéo pháo cao xạ 37mm gian khổ băng suối, xuyên rừng lên Điện Biên Phủ, tạo nên trận địa pháo cao xạ bất ngờ lớn đối với kẻ địch, khiến những chiếc máy bay rải bom napal của địch trên bầu trời Điện Biên nổ banh xác. Số lượng 62 “con chim sắt” bị bắn rơi, 186 chiếc bị trúng đạn hư hại cho thấy “cuộc chiến không cân sức” đến hồi ngã ngũ mà phần thắng thuộc về bên yếu thế hơn cả về trang thiết bị, vũ khí.

Thăm quan Bảo tàng Chiến thắng, chị Phạm Thị Oanh (phường Tân Phong, thành phố Lai Châu) chia sẻ: “Qua lời giới thiệu truyền cảm của hướng dẫn viên du lịch, tận mắt ngắm những hiện vật chiến tranh, chúng tôi như sống lại trong dòng hồi ức xưa với bao gian khó của một thời lửa đạn. Hình ảnh bức tranh tròn lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam về chiến dịch Điện Biên Phủ truyền lửa cho những thế hệ trẻ, tiếp tục trân trọng lịch sử và tiếp nối truyền thống, xây dựng quê hương hôm nay, mai sau”.

Cách Bảo tàng không xa là Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh – nơi những anh hùng Tổ quốc không tiếc máu xương để lớp đàn em lại được đến trường, cam Mường Pồn lại đỏ, lúa Mường Thanh trĩu vàng. Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong 10 di tích quốc gia đặc biệt quan trọng và sẽ luôn là niềm tự hào trong lòng mỗi người dân Việt Nam về tinh thần bất khuất của dân tộc anh hùng, không chịu cúi đầu trước kẻ thù xâm lược.

VŨ NGUYÊN


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.