Chợ Xuân

Cũng như mọi vùng quê khác, chợ xuân Lai Châu thường bắt đầu từ ngày hai lăm đến ba mươi tháng chạp với đủ loại mặt hàng phục vụ cho những ngày Tết. Cứ đến thời điểm này, mọi nhà đều rục rịch mua sắm và thưởng ngoạn không khí xuân sang. Đối với người dân vùng cao quê tôi, đây còn là phiên chợ nghĩa tình cuối năm, nơi người ta vượt đường sá xa xôi đến gặp nhau thoáng chốc, chỉ để nói một câu chúc năm mới tốt lành…
Sau một năm làm lụng vất vả, cứ đến dịp này là người dân quê tôi lại đến chợ mua sắm, chuẩn bị cho một cái Tết đầy đủ và ấm cúng. Chợ Tết bày bán đủ loại hàng hóa: từ bánh mứt, kẹo đến các loại quả để mọi người lựa chọn mâm ngũ quả trên bàn thờ tổ tiên. Rồi còn đèn, hương, nến, vàng mã, câu đối, hoa, cây cảnh… tất cả đều rực rỡ màu sắc, tươi mới khiến mọi người đều muốn mua về trưng bày ở nhà mình. Đi mua hàng Tết nên chẳng mấy người bận tâm đến việc mặc cả từng giá cho món hàng mình mua. Những người bán hàng dường như cũng đon đả, xởi lởi hơn mọi ngày, niềm nở, tươi cười với khách.
Là con gái lớn trong nhà nên năm nào tôi cũng cùng mẹ xách làn đi chợ Tết, đi để cảm nhận không khí mua bán tấp nập ở chợ và chủ yếu là để xách đồ cho mẹ tôi. Vì ai cũng vậy, khi ra khỏi chợ Tết là tay xách nách mang đủ thứ hàng hóa.
Ngày hăm chín, ba mươi có lẽ là những ngày chợ tết đông người mua, kẻ bán nhất. Những người bán rau, hoa thì dậy thật sớm để thu hoạch mang ra chợ. Chợ tết kéo dài từ cổng đến tận đường cái. Không khí nhộn nhịp, tấp nập ấy khiến mọi người quên đi cái lạnh hun hút vùng cao. Nhưng vui nhất, đặc sắc nhất phải kể đến cảnh mua bán ở các chợ phiên cuối năm, nơi họp mặt của bà con dân tộc thiểu số ở các xã, bản. Phiên chợ Tết bày bán đủ loại sản vật miền núi, nụ cười thân thiện nở trên môi những người dân chất phác, thuần hậu quê tôi. Tiếng ríu rít nói cười của đoàn người đi bộ, rồi tiếng vó ngựa khua dồn với những thồ hàng nặng trịch, tiếng còi xe máy vang trên suốt đoạn đường dốc… là những gì chúng ta hay nhìn thấy trên mọi ngả đường vùng cao khi bà con đến chợ xuân.
Đông đúc, ồn ã, nhiều màu sắc… là cảm nhận khi chúng ta bước đến chợ phiên ngày xuân. Xuân về trên cảnh vật, khiến cây cối tốt tươi, hoa lá nảy chồi, đơm bông. Xuân về trên lúng liếng mắt cười thiếu nữ, trên má hồng rạng rỡ em thơ. Xuân nở hoa trên những bộ váy áo thổ cẩm muôn sắc màu, xuân bình dị nhẹ nhàng đến trong màu chàm – màu gắn với con người xứ núi.
Dù là chợ phiên San Thàng (thành phố Lai Châu), Dào San (huyện Phong Thổ) hay thị trấn Sìn Hồ thì người đến chợ vẫn có những cảm nhận ngọt ngào về tình đất, tình người nơi đây. Góc bên này là những dãy hàng bán rượu ngô, các loại bánh, tào phớ, góc bên kia là sản vật rừng: các loại hoa, quả, măng, mật ong… Người ta đi chợ như để du hí ngày xuân, đi để cảm nhận không khí xuân đang len nhè nhẹ vào từng góc, từng góc chợ, len khe khẽ trong tim mỗi người. Đi chợ xuân là dịp để cánh đàn ông gặp mặt nhau, khề khà kể những câu chuyện cuối năm, khoe những mùa thu hoạch ngô đầy sân, lúa đầy sàn. Những người phụ nữ tranh thủ mua sắm đồ đón Tết sao cho chu đáo. Những bé em hớn hở vui mừng chạy loanh quanh theo mẹ, háo hức với tất cả mọi thứ nhìn thấy ở chợ, hân hoan khi mẹ mua cho tấm áo, đôi giày mới. Nơi những người bạn già tìm về tiếng lòng xưa cũ của mình, nhìn lại cả một trời tuổi trẻ đang tươi mới lại, như vẫn còn vẹn nguyên thời ký ức nồng nàn thuở nào…
Đi chợ mua sắm tết, chợt nhớ đến câu mà nhà văn Vũ Bằng từng viết: “Chợ Tết có một sức hấp dẫn kỳ lạ, muốn về nhưng lại cứ muốn đi, để xem thiên hạ mua bán, để xem bao nhiêu cái ngon, cái đẹp của quê hương, để đi xem… chợ Tết” – (Thương nhớ mười hai).

HẢI YẾN


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.