Chợ “Giật lùi ” trên mười hai tầng dốc núi

Gần tám giờ sáng, sương mù đặc quánh chẳng tỏ mặt người. Những bước chân rộn rịch mỗi lúc một đông, rồi tiếng lợn kêu ụt ịt, tiếng cục cục của những chú gà bản, tiếng xe máy gồng mình rú ga, tiếng chân ngựa cồm cộp gõ móng vào đá làm náo nhiệt cả một vùng mà ngày thường vốn yên ả. Đó là những hình ảnh đầu tiên trong ngày chợ phiên của người Dao đỏ trên mười hai tầng dốc núi thuộc xã biên giới Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ.

Để đến được chợ phiên Sì Lở Lầu, bắt buộc du khách phải leo lên 12 tầng dốc núi. Thế nên, theo tiếng Dao, Sì Lở Lầu còn có nghĩa là “mười hai tầng dốc”. Bà con nơi này vẫn quen gọi chợ phiên Sì Lở Lầu là chợ “Sừng”, bởi chợ họp vào ngày hai con có sừng trong 12 con giáp là con dê (ngày Mùi) và con trâu (ngày Sửu). Như vậy, cứ sáu ngày chợ họp một lần. Theo cách tính lịch âm hai ngày này cách nhau sáu ngày. Ví như phiên chợ này họp vào thứ bảy thuộc ngày Mùi, thì phiên chợ sau sẽ là thứ sáu của ngày Sửu, tuần sau nữa là thứ năm… cứ lùi dần như thế theo kiểu lùi vòng tròn, nên chợ còn có tên gọi khác là chợ “Giật lùi” nghe lại càng lạ hơn.

Sì Lở Lầu là xã biên giới thuộc huyện Phong Thổ, trước đây xã có 100% dân tộc Dao đỏ. Thực hiện Nghị quyết số 866-NQ/UBTVQH về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Lai Châu, ngày 10/1/2020 huyện Phong Thổ có hai xã được sắp xếp, sáp nhập là Ma Ly Chải và Sì Lở Lầu thành xã Sì Lở Lầu. Nay Sì Lở Lầu với hai dân tộc chính là Dao đỏ và Hà Nhì.

Đến chợ “Giật lùi”, điều làm chúng tôi ấn tượng và choáng ngợp là những gam màu đỏ, đen, trắng có độ tương phản mạnh được phụ nữ Dao nơi đây sử dụng làm họa tiết chính chính trên tông màu chàm thổ cẩm. Bạc được sử dụng rất nhiều trên mỗi y phục như: cúc áo, viền áo, hoa tai, vòng cổ, vòng tay… Mặt trời càng lên cao, những thứ trang sức có màu trắng kia như được lên ngôi. Bởi khi gặp ánh nắng chiếu, tự thân nó sẽ phát ra những tia sáng gắt, kiểu như người thợ ảnh tác nghiệp trong điều kiện thiếu sáng nên phải bật đèn flash.

Sì Lở Lầu phiên âm từ tiếng Quan Hỏa nghĩa là “số mười hai”, nó ứng với mười hai tầng dốc núi. Có người nói đứng từ dưới trông lên sẽ thấy mười hai tầng núi xếp lên nhau như mười hai tầng lầu. Không biết cách nói nào đúng, nhưng chỉ biết rằng muốn đến được phiên chợ “có một không hai” này, du khách phải vượt qua mười hai tầng dốc núi với nhiều khúc cua tay áo vô cùng hiểm trở. Chúng tôi dừng chân tại một sạp hàng tạp hóa trò chuyện với cụ bà người Dao đỏ, Sùng Tả Mẩy, 98 tuổi. Ở cái tuổi bách niên, nhưng trông cụ còn tinh anh lắm. Cụ Mẩy đang phụ bán hàng cho cô con gái Phàn Sử Mẩy năm nay cũng đã ngoại lục tuần. Thấy tôi tò mò và thắc mắc tại sao ở đây có nhiều phụ nữ tên Mẩy đến thế, Chủ tịch UBND xã Sì Lở Lầu – Tẩn Sài Đông cười, rồi anh giải thích một cách rất cặn kẽ cho cả đoàn hiểu. Với người Dao đỏ Sì Lở Lầu, nếu sinh con gái đều đặt tên Mẩy, theo tiếng Dao, Mẩy có nghĩa là “gái” và phụ nữ Dao đỏ chỉ phân biệt theo thứ tự mà thôi. Ví như Tả Mẩy nghĩa là (gái cả), Lở Mẩy (gái thứ hai), Lụ Mẩy (gái thứ sáu)… Khi nghe tên gọi Phàn Sử Mẩy ta hiểu ngay đây là “gái thứ tư” nhà họ Phàn.

Trước vẻ đẹp lão và bộ trang phục đầy ấn tượng của cụ Mẩy, Thanh Thanh – nữ đồng nghiệp trong đoàn muốn ngỏ ý chụp ảnh lưu niệm với cụ. Thấy Thanh Thanh cứ mân mê chiếc áo tấm tắc khen. Đang trò chuyện rôm rả thì cụ Mẩy tự dưng đứng dậy đi vào trong nhà, khiến cả đoàn ai cũng lo ngại, phỉa chăng đoàn đã làm điều gì phật ý cụ. Nhưng lát sau, cụ Mẩy từ trong nhà khệ nệ ôm bộ trang phục ra đưa cho Thanh Thanh, ý bảo mặc vào chụp ảnh mới đẹp. Cũng phải mất đến mười phút, Thanh Thanh mới vận xong bộ đồ độc đáo này. Thế mới biết bà con người Dao nơi đây nhiệt tình và hiếu khách. Nhìn bộ cánh sặc sỡ đính rất nhiều bạc, tôi ước tính cũng phải có đến mấy đồng cân chứ không ít.

Ở đây, ngoài những mặt hàng lâm thổ sản như: quế, hồi, thảo quả, mắc khén, măng rừng, mật ong… Thì xem ra, đồ trang sức rất được chuộng, như: vòng tay, vòng cổ, thắt lưng, khuyên tai, dây xà tích được chế tác thủ công hoàn toàn bằng bạc. Bà Mẩy cho biết một bộ trang phục truyền thống như thế này có giá khoảng bốn mươi triệu đồng. Như vậy không phải người con gái nào lớn lên cũng có ngay một bộ trang phục như thế. Theo bà Mẩy để có một bộ áo váy truyền thống đầy đủ của dân tộc Dao đỏ, người phụ nữ phải sắm dần dần và cũng tùy vào điều kiện của mỗi gia đình.

Nghe nói, trước đây đến chợ “Giật lùi” muốn ăn một bát phở thì chỉ có duy nhất một quán ăn của ông Tẩn Phủ Cuổi. Nhưng bây giờ thì đã có khá nhiều các quán ăn mọc lên, chợ ngày càng sầm uất. Phiên chợ này có đủ các mặt hàng từ xuôi chuyển lên, hay từ bên kia biên giới sang…………. Nhiều nhất vẫn là  sản phẩm bản địa, do chính người dân địa phương làm ra………………. Chợ “Giật lùi” còn nổi tiếng với món đậu phụ lên men. Đây là món ăn cổ truyền của người Dao. Theo lời chị Tẩn Sử Mẩy, chủ nhân của món đặc biệt này, thì đậu phụ “nhự” là món không thể thiếu trong mỗi gia đình người Dao, nó là món ăn rất tốt trong mùa lạnh. Phải là những người phụ nữ Dao đảm đang mới biết chế biến món ăn này. Một thứ quà không thể bỏ qua khi đến với chợ “Giật lùi” đó là rượu thóc, thứ rượu riêng có của người Dao Sì Lở Lầu…………………  Chẳng biết có mua hay không, nhưng hễ đàn ông đến chợ là sà ngay vào hàng rượu. Những can rượu được bàn tay người phụ nữ Dao rót liên tục mời khách nếm thử, cứ nếm cho đến say ngả nghiêng trời đất mới thôi. Tôi có cảm giác ở đây hình như rượu không còn là hàng hóa nữa, nó trở thành một thứ văn hóa đặc biệt.

Chợ “Giật lùi” cũng như hầu hết các chợ phiên vùng cao, không chỉ để mua bán trao đổi hàng hóa mà nơi đây còn là điểm gặp gỡ của các chàng trai, cô gái đến tuổi hẹn hò. Người có gia đình rồi đi chơi chợ để thỏa nỗi nhớ, mong gặp người quen… Hay đơn giản chỉ để chia sẻ những riêng tư với bạn bè, người thân mà ngày thường không có dịp gặp. Phải chăng đó là những nét văn hoá rất riêng mà chỉ có ở những phiên chợ vùng cao!

Minh Hà


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.