Trong dòng xoáy hối hả của nền kinh tế thị trường cuốn theo bao kiếp mưu sinh vào vòng quay nghiệt ngã. Người người bươn trải, ruổi rong trong phù sinh, được mất. Rồi một ngày bỗng thấy lòng xao xuyến khi những nét văn hoá truyền thống ngàn đời ngày một mai một, rụng vơi. Và rồi đến lúc tĩnh lại bất chợt thấy tiếc hối đến ngẩn ngơ vì cái vô tình, vô cảm của chính con người.
Khi những chiếc lá bàng rộm đỏ chao đảo rời cành như những cánh diều đứt dây. Trời âm u, mưa bay lất phất cũng là lúc gió bấc nhoi nhói vút làn hơi lạnh bủa vây bao trùm khắp ngả. Cái lạnh luồn lỏi vào da thịt cứ như kim châm dao cứa làm cho người ta co ro, tay chân tê buốt. Vậy là đã ở cữ rét đậm, rét hại lắm rồi. Cái lạnh khắc nghiệt làm cho tâm hồn ta chùng xuống, ùa về nỗi bâng khuâng xâm lấn. Ờ đã chạp rồi nhỉ! Vậy là vươn cánh tay cảm giác đã chạm vào hồn xuân vấn vít.
Tháng chạp của bao điều mong ước, buồn vui, bao nỗi nhớ nhung chờ đợi. Nhìn cuốn lịch cứ hao gầy đi theo thời gian, chỉ còn ít ngày nữa là đến tết. Nhắc đến tết là lòng dạ cứ rộn lên bởi những nguyên do khó tả. Cái được, cái mất, hiện tại và tương lai, nhưng rồi tất cả cũng qua đi theo thời gian chỉ còn lại một vùng ký ức xanh rờn. Dù vui hay buồn ký ức vẫn trung thành, đồng hành cùng ta trên con đường thiên lý cuộc đời. Thời gian như bóng câu qua cửa. Một năm sắp trôi qua, xốn xang đến lạ. Cái bồn chồn cứ nghèn nghẹn một nỗi niềm thắc thỏm của ngày xuân xum vầy, đoàn tụ.
Tháng chạp là tháng cuối cùng của một năm tính theo âm lịch. Tháng tổng kết hết một kỳ con giáp, hết một nấc thời gian theo kế hoạch, dự định, ước muốn của mỗi người, mỗi gia đình. Rong ruổi tháng ngày bôn ba, tháng chạp mọi người lại lo thu vén công việc sao cho nhanh gọn. Ít ai muốn công việc dây dưa qua năm sau, chỉ những việc không đừng. Ai cũng muốn bước sang năm mới mọi thứ đều suôn sẻ, thông hành, may mắn.
Người đi làm ăn xa phấn đấu dành dụm, cầu mong được số tiền dư giật để trang trải nợ nần, gom góp sắm cái tết cho tươm tất cùng gia đình. Trẻ nhỏ mong thời gian trôi nhanh, chúng đếm đốt ngón tay chờ từng ngày để được ông bà, bố mẹ cho đi chợ tết. Người đi xa mong ngóng ngày về người ở nhà thấp thỏm chờ mong. Tất cả niềm thương, nỗi nhớ cứ dồn tụ về tháng chạp da diết, ngọt ngào.
Tôi đã ở vào cái tuổi không còn bị cuốn vào cái rực rỡ của hoa đào, hoa mận nở vào dịp xuân về, không còn bị ánh mắt dao cau của mỹ nhân nào lúng liếng nhẩm nháy gợi tình. Bởi thế lên sự tĩnh tâm đã đang vào thời cuộn tổ. Thời gian trôi qua thì đời người lại ngắn lại, đó là quy luật của tạo hoá. Việc đó đồng nghĩa với tóc trên đầu lại dầy thêm màu sương gió. Nhưng xuân thì cứ đến, thời gian vô tình, bất biến. Song cũng không sao tránh khỏi nỗi lòng xốn xang khi tháng chạp xấp xểnh ngang qua. Nhưng dù sao vẫn nối tiếc nên tôi hay cưỡng lại để trẻ hoá bằng cách đi ngược thời gian, ngược lại gió mùa đông bắc, ngược năm, ngược tháng về tuổi trẻ, về với năm tháng ấu thơ để đằm lòng với quê hương yêu dấu.
Còn nhớ thời tôi còn tuổi nông nổi, cũng như bao chúng bạn khác cứ háo hức trông chờ đến ngày lễ Giáng Sinh, cùng kéo nhau đến nhà thờ. Bọn trẻ chúng tôi náo nức, nô đùa hoà vào ngày hội. Không hiểu sao tôi thích mê mẩn những tà áo dài trắng nữ đồng trinh. Những khuôn mặt trong dàn thánh ca đẹp như thiên sứ cuốn hút lạ kỳ. Tiếng hát du dương êm ái, vút lên tan vào màn đêm giá lạnh mông lung. Cảm giác ấy như mời gọi người người xích lại gần nhau trong tình yêu thương tạo hóa. Cái êm ái ngọt ngào trong đêm Noel giá lạnh lại càng thấy tình người ấm áp, sâu thẳm bao dung.
Còn nhớ sau vụ mùa, lúa đã phơi khô quạt sạch ngủ yên trong bồ. Ngoài đồng chỉ còn trơ những gốc rạ và mặt ruộng nứt nẻ vết chân chim, nơi cho lũ trẻ mục đồng chúng tôi thả trâu, đá bóng. Gió bấc hun hút cuốn theo đám khói đốt đồng thả lên trời mờ ảo mùi thơm nồng ấm. Quẩn trong làn khói, lũ trẻ nô đùa, ho rũ rượi. Những câu đồng dao trẻ trâu ai cũng đằm lòng “Khói về đằng kia ăn cơm với cá/ Khói về đằng này lấy đá đập đầu…” Mùi khói rơm rạ, mùi cá đồng nướng thơm lừng, những hạt lúa còn sót trong rơm rạ bén lửa nổ lép bép, mùi châu chấu, cào cào nướng ngầy ngậy. Tất cả các hương vị đồng quê ấy đã bền quện lại thành hương vị đồng đất quê lắng sâu ký ức.
Cứ mỗi chạp về trong tôi ký ức nẩy chồi xuân phới phới. Bước sang tháng chạp mẹ tất bật, mải miết thu xếp công việc đồng áng, bởi sợ thời gian trôi nhanh mà công việc cuối năm dồn ứ lại nhiều. Có hôm bóng chiều đã chạng vạng nhìn tấm lưng còng, mái tóc bạc phất phơ, bập bõm trong gió đông trên cánh đồng mẹ vẫn mải miết rơm rạ. Hình ảnh ấy in dấu mãi trong tôi khi nghĩ về mẹ. Càng cận tết càng vội vã, rồi mẹ còn phải lo bao thứ việc chuẩn bị cho tết. Từ đồ ăn thức uống, bó măng, nắm miến… trăm thứ đều từ tay mẹ. Vậy mà mẹ vẫn vui, vui vì con cháu về xôm tụ đón tết. Mẹ cười nói như không hề biết mệt nhọc. Mẹ mong anh em tôi tết về được đông đủ, đi đường được thuận tàu, thuận xe. Nỗi âu lo, thấp thỏm sâu thẳm lòng mẹ chập chờn theo vào giấc ngủ. Chỉ đến khi bọn chúng tôi về đến nhà thì mẹ mới yên tâm. Suốt cả năm trời xa cách nỗi nhớ tích tụ, dồn nén càng đến tháng chạp nỗi nhớ càng da diết hơn. Cộng hưởng với khoảnh khắc, không gian, sự dồn nén nỗi nhớ như đoàn tàu dồn toa về ga hối hả.
Chạp về ký ức đã nẩy chồi xuân. Từ ngày hai ba tết ông Công ông Táo trở đi không khí làng quê đã nhộn nhịp lắm. Nhà nhà tất bật sửa sang, dọn dẹp nhà cửa. Những người đi làm ăn nơi xa đã lục tục kéo nhau về quê ăn tết, kẻ nói người cười, mừng mừng, tủi tủi cứ rộn vang đường làng. Chả biết từ khi nào mà từ hai mươi tháng chạp trở đi đã gọi là tết. Phiên chợ nào cũng gọi là chợ tết. Những cô những bác đầu thít khăn vuông chào hỏi vội vàng rồi hẹn hò nhau “Hăm sáu đi chợ tết nhé!”. Vậy là tết đã cận kề. Dù ai có lơ đãng bao nhiêu đi nữa thì trong lòng vẫn thấy xốn xang không khí chuẩn bị đón xuân. Chợ quê tôi cũng như bao chợ miền quê khác. Chợ tết đông vui và nhộn nhịp lắm. Bởi ngày đó đến tết không xa, mua bán hàng gì cũng hợp, không sợ sớm và cũng không cận tết quá. Phong tục xa xưa truyền lại, hàng hóa hôm ấy đã đem ra chợ dù đắt hay ế người ta cũng bán hết để được may mắn cho năm mới. Họ đi chợ không chỉ là mua bán mà còn là một nhu cầu chơi chợ tết. Con cháu ở xa về cũng lũ lượt kéo nhau chơi chợ.
Đã bao năm xa quê do mải miết mưu sinh đất khách nhưng ký ức chợ tết quê thì không hề phai nhạt. Bồi hồi nhớ lại những ngày tháng chạp xa xưa mà lòng nao nao chống chếnh nỗi gì? Phải chăng sự nghiệt ngã thời gian, phải chăng sự đổi thay của làng quê? Vẫn biết và không phủ nhận cuộc sống của người dân quê tôi giờ đã khá lên. Nhiều nhà đã khá giả, nhà cửa khang trang, ô tô, xe máy các nhu cầu phục vụ cuộc sống cũng chả kém gì nơi phố thị. Vẫn biết cuộc đổi thay nào cũng phải có cái mất đi, nhưng sao cứ thấy bâng khuâng, hoang hoải.
“Gió đồng rửa mặt tha hương/ Ta về quê chữa vết thương thị thành” – (Thơ Lương Tử Đức). Đấy là dự cảm của nhà thơ. Ước sao quê tôi không bị lây vết thương khó chữa ấy. Vẫn chỉ là ước vây thôi! Còn đó cây đa, bến nước, sân đình, còn đó mái đình cong rêu phong cổ kính, mái chùa thâm nghiêm, vẫn chiều chiều ngân tiếng chuông rung. Hương hoa mộc lan tỏa ngát cõi từ bi. Chỉ sợ một ngày nào đấy hình ảnh thân yêu quê nhà bị nhạt nhòa của sự cải hóa tân tiến kiểu nửa tỉnh nửa quê. Sợ ngày nào đây những ống khói nhà máy khu công nghiệp ngạo nghễ, những dòng nước thải làm nhớp nhớp sông quê, những bê tông hóa cao tầng lấn át làm khuất lấp những mái đao cong đình làng. Gặp người làng mà cứ như lạ lẫm khách đường xa. Nghĩ đến dự cảm đã thấy lòng mình như hẫng hụt điều chi?
Chiều nay đứng chắp tay trước bàn thờ tổ, khi bác trưởng họ áo dài, khăn đống kính cẩn dâng hương ơn dầy tiên tổ, trong nghi ngút khói hương lan tỏa, lòng tôi lâng lâng, cảm giác đã đằm vào giữa mùa xuân.
Tháng chạp về ký ức lắng đọng nẩy chồi xuân xanh mướt trong ta.
Công Thế