Sáng nay, tôi bị thức giấc bởi tiếng chim hót ríu rít trên giàn hoa giấy bên hiên nhà. Nắng dìu dịu lách khe cửa ú òa, gió xào xạc trong tán lá run run dưới làn sương mỏng. Mùa đông đã về trên cao nguyên!
Cao nguyên Sìn Hồ như cánh diều chơi vơi giữa nền trời thăm thẳm xanh. Độ cao ấy, khiến cho mùa đi qua luôn muộn hơn ở những vùng khác và có đặc trưng rất riêng. Mùa này Sìn Hồ bớt mưa và có nắng. Không phải nắng vàng ươm quả thị như quê tôi. Nắng lẫn trong sương nên cả phố núi khoác tấm áo vàng chanh nhẹ tênh trong gió lúc ban trưa. Chiều tối và sớm mai sương mịt mờ khuất núi – cái thức đặc sản được ông trời ban tặng riêng cho miền non cao mây trắng khiến ai đến Sìn Hồ cũng rùng mình vì lạnh. Còn tôi, mỗi bận về quê hay đi công tác dài ngày, tôi lại thèm hơi sương lành lạnh phả vào mặt, ướt mềm tóc và cảm giác nó len lỏi vào cơ thể. Cái thèm ngớ ngẩn nhưng tôi dám chắc, ai xa Sìn Hồ cũng sẽ nhung nhớ bồi hồi, da diết như tôi thôi.
Sìn Hồ những ngày này không khí nhẹ bâng, sương mỏng tang như hơi vương vấn trên tán rừng mới phủ màu xanh suốt dọc Phìn Hồ, Làng Mô, Tả Ngảo. Chè non nhú búp vụ đầu, lơ thơ góc núi nhưng đến lúc nắng nghiêng vách đá “nẻ” cũng đầy lu cở về nhà. Chè ngon hái thủ công, sao đúng độ lá chè còn ngậm sương thì lúc thưởng trà mới thơm, đậm vị đến lúc trà loãng. Nhà “nẻ” có cả nương chè mới trồng, cây chưa xòe tán nên mỗi bận hái chè tự sao cũng được đôi ba cân để uống và đủ làm quà cho khách quý. Ở Tân Uyên, Tam Đường dân giàu lên vì chè, nhờ cây chè mà cuộc sống đổi thay còn ở Sìn Hồ dường như bây giờ sự sống mới lại bắt đầu. Là một sự sống mới, sinh sôi nảy nở trên những quả đồi trọc, phủ xanh nhưng sườn đá chênh vênh bạc màu ngô lúa vụ xuân.
Chè Sìn Hồ có vị riêng. Vị chát mặn của giọt mồ hôi, vị đắng của cuộc đời lam lũ, vị ngọt hậu đọng nơi cuống họng sau tuần trà thơm. Tứ vị quyện hòa khiến người thưởng lần đầu cũng thấy yêu cả cái màu nước vàng như màu đất bùn mùa lũ dội về. Chè cổ ở Sà Dề Phìn lại khác. Cây mấy trăm năm tuổi vươn cành lá sum suê, vững chãi ôm trọn cả đỉnh Cát Chùa Sì trong lòng xanh thẳm. Lá chè bánh tẻ, dày cứng, giòn tan khi vò để hãm ấm trà xanh sẽ có vị hơi ngai ngái. Nhai búp chè non thì ngọt ngay đầu lưỡi rồi giữ vị ở cổ họng cho đến khi có thức khác thế vị. Người dân vùng này truyền tai: Cái ngon của chè cổ phải có duyên với đất này mới cảm nhận được. Tôi tự vui với lòng bởi cái duyên với cao nguyên của mình.
Đương quy đang rộ mùa. Chạm cửa ngõ thị trấn ở Phăng Sô Lin đã thoảng hương thơm nồng nàn của sâm đương quy trong gió. Những luống đương quy vừa bật gốc lên khỏi mặt đất đã nườm nượp khách phân loại, thu mua. Chùm rễ gân guốc như bàn tay người phụ nữ vất vả chẳng mấy chốc mà trắng ngần, nõn nà khi được rửa nước tách lớp lụa bên ngoài. Lá đương quy vương vãi trên nên đất cũng được thu gom để dùng cho hươu ăn lấy lộc nhung làm thuốc. Lá non ấy, xào trứng, xào thịt bò thì “rau cần chỉ còn là cái tên”. Hợp vị, bổ máu và rẻ đặc biệt. Người qua đường có thể xin bất cứ ở vườn nào để thay đổi khẩu vị cho bữa cơm gia đình. Lá già đun nước tắm theo bài thuốc tắm của người Dao khâu vùng này thì tốt cho cả người già, trẻ nhỏ, đàn ông, đàn bà… Đấy, một vụ đương quy giờ chỉ bỏ lại trên đất tả tơi tấm nilong phủ tránh cỏ mọc mà thôi. Đi đâu rồi cũng nhớ, tình người giản dị mà hào sảng, lam lũ mà thảo thơm. Nhớ hương trà trong gió rừng, nhớ vị đương quy thoang thoảng bốc lên từ nồi nước tắm trong bếp nhà nào mỗi tối…
Tôi đi qua những mùa Sìn Hồ hoang hoải miền nhớ. Tôi nhớ bố mẹ, nhớ mảnh đất miền Trung oằn mình chạy bão, nhớ những tháng năm thơ dại gắn bó với mái nhà nhỏ dưới tán cây ăn quả lâu năm… Trong số đám bạn cùng trang lứa, tôi là đứa được học hành đầy đủ nhất. Cũng dễ hiểu, bởi khi ấy bố tôi là cán bộ. Cho nên, khi người ta đua nhau cho con cái đi làm công nhân thì bố tôi vẫn ép chị em tôi học. Năm học mới nào chúng tôi cũng được bố dẫn ra nhà may để may quần áo mới. Mỗi năm hai bận, năm học mới và tết. Đến năm tôi lên cấp ba thì bố nghỉ việc ở xã. Cũng từ năm ấy, mùa khai trường chúng tôi không được may quần áo nữa. Họa hoằn, tết đến mẹ sẽ chia để đứa nào cũng có quần hoặc áo mới. Tôi là chị cả, bắt đầu dậy thì, người cũng phổng phao hơn nên trong đống quần áo cũ mẹ xin của thím tôi về chỉ có tôi là mặc vừa. Với tôi, đó là những món đồ quý giá nhất, bởi có thể mặc đi học. Nhờ nó mà tôi không quá nghèo khi xuống huyện học phổ thông. Những chiếc quần rộng bụng được mẹ hướng dẫn cách khâu hai bên hông cho vừa. Những chiếc áo thênh thang cũng được mẹ khéo léo chiết eo bó sát để hợp với tôi hơn. Vài chỗ sờn vải mẹ dạy tôi cách “mạng” bằng chỉ, dù lúc ấy nhà tôi chỉ có chỉ đen và trắng. Tôi háo hức với việc dùng chỉ khâu “mạng” thành những hình trái tim, bông hoa bốn cánh hay hình mặt trời, hình mạng nhện trên chính những chiếc quần chiếc áo chưa cũ hẳn. Cuộc sống vất vả đã nuôi lớn mơ ước tôi… Tất cả những điều tôi ước giờ đã thành hiện thực. Chị em tôi đều xa quê lập nghiệp xứ người. Căn nhà bố mẹ ở quê giờ vắng cả tiếng bước chân quen thuộc. Nằm lặng lẽ dưới tán cây ăn quả lâu ngày không có người hái. Mùa này, vườn nhà bố mẹ đầy hoa trái: Mít thơm nức vườn, bưởi rụng quanh gốc, na mở mắt chín muộn nứt vỏ, khế lúc lỉu trên cành… Những thức quả quen thuộc có thể mua được ở bất cứ đâu. Song tôi lại thèm vị quả ngọt vườn nhà, thèm được hít hà mùi khói bếp, thèm được nghe tiếng mẹ giục gọi bữa cơm chiều….
Có phải khi con người ta đã trải đủ cay đắng ngọt bùi của cuộc đời thì thứ cần nhất là sự bình yên chăng? Bình yên đúng nghĩa. Tôi bớt đi những mong cầu mình sẽ là gì mà hướng đến việc sẽ sống như thế nào cho ý nghĩa. Tôi lờ đi những ác ý của người khác mà hướng đến niềm vui cho chính mình. Thực khó. Nên trong hành trình cuộc đời tôi luôn hướng về miền yêu thương trong tâm tưởng để trưởng thành hơn. Trưởng thành – khi bố đã rời xa những hỉ nộ ái ố đi về miền cực lạc. Dẫu vậy, nơi ấy – quê nhà, vẫn là nơi neo đậu tâm hồn lúc tôi mệt mỏi, muộn phiền.
Tôi tự nhận là người may mắn. Bởi tôi có một quê hương trong miền nhớ và một quê hương gắn bó duyên nợ với phần đời còn lại của mình. Mùa về, chạm đâu cũng đong đầy những yêu thương…
CHÂM VÕ