Ngoạn lang thang trong rừng cấm Nà Khẹt.
Đang giữa mùa hè nhưng rừng cấm Nà Khẹt là một cung điện mát rượi. Lối mòn chạy uốn lượn giữa những thân cây phách, cây sâng, cây lát cao lớn. Bầy sóc nhảy nhót trên lối đi nom rất rộn ràng. Chúng nhìn Ngoạn đầy tò mò. Chúng tỏ ra săn đón người lạ thế thôi, kỳ thực là đang ngó nghiêng tìm kiếm cái hạt, cái quả gì đó chén được mà chim chóc làm rơi trên lá khô. Lá khô rừng cấm như tấm thảm dày êm ái rộng mênh mang vô tận. Lớp dưới cùng, sát mặt đất, lá đã mủn mục, sót lại khuôn lá và những đường gân mỏng manh như tơ nhện. Lớp phía trên, lá rất mềm, duỗi thẳng, thấm đẫm sương từ trên lọt xuống và hơi nước từ dưới bốc lên, đang chờ hóa thân. Lớp tiếp theo, lá khô giòn lộn xộn gối nhau nín thở. Chính lớp lá này tạo nên những tiếng rào rạo, sột soạt khi chân người, chân thú giẫm lên. Lớp trên cùng, là những chiếc lá vàng mới rụng xuống, còn óng ả, còn đọng nhựa, còn nuối tiếc chi đó nên cứ cong ưỡn lên trước mắt người. Trong số vị thuốc Ngoạn cần lấy, có thứ gân lá của cây cựa gà nằm sát mặt đất, manh manh như tơ nhện. Lá cựa gà, khi trên cành, chúng nhỏ xíu như miếng ngọc màu xanh lục trên cổ những cô tiểu thư nhà giàu mà Ngoạn thường thấy trong phim cổ trang.
Gần đây, người ta lấy thuốc hậu sản cho phụ nữ rất nhiều. Ngoạn thấy bố gọi chứng trầm cảm sau sinh là hậu sản. Bố nói, tất cả những căn bệnh của phụ nữ sau sinh đều nguy hiểm đối với không chỉ người mẹ, đứa con mà còn đối với cả cuộc hôn nhân. Suy nhược cơ thể, mệt mỏi, băng huyết, viêm tử cung, viêm đường tiết niệu, sản dịch và sản giật… ông chữa rất nhiều. Nhưng chục năm trở lại đây, hậu sản có thêm căn bệnh trầm cảm. Bố nói bệnh trầm cảm khó chữa nhất bởi chính những triệu chứng mơ hồ khi bắt đầu, yêu cầu sự kiên trì đối với cả thầy thuốc và người bệnh. Ngoạn không theo nghề của bố như bố mong muốn, anh là kiểm lâm, cán bộ lâm trường Nà Khẹt. Những lúc thảnh thơi, anh thường vào rừng lấy thuốc cho bố. Gần đây, Ngoạn chăm vào rừng hơn.
Người bệnh trầm cảm hiện đang điều trị nội trú trong cơ sở khám chữa nhà Ngoạn không phải là một sản phụ. Mà là một cô gái chỉ mới hai mươi mốt tuổi. Cô ấy tên Trâm, kém Ngoạn ba tuổi. Trâm là người thành phố, cô ấy mới trải qua một biến cố tinh thần nào đó mà người nhà cô ấy không tiết lộ hoặc bố Ngoạn không nói. Người đi theo để chăm sóc Trâm là một bà giúp việc chỉ ngoài năm mươi nom có vẻ sạch sẽ, chăm chỉ. Trong một lần lang thang đi dạo quanh khu vườn thuốc nhà Ngoạn, bà ấy hỏi Ngoạn, một héc ta rừng ở đây có giá khoảng bao nhiêu tiền. Bà ấy chỉ hỏi thế thôi.
Người đàn ông tinh khôn, từng trải và mẫn cảm như ông Triều, bố Ngoạn, không khó gì để phát hiện ra cậu con trai duy nhất của mình, vốn chưa có người yêu, đang phải lòng bệnh nhân nữ trầm cảm. Ông đã từng gọi Ngoạn ra để nhắc nhở một cách ý nhị nhất. Rằng tình yêu đơn phương vô vọng, không đem lại kết quả gì đâu, đừng tự hành hạ quả tim mình. Và Ngoạn buồn. Buồn vì cha ít thì buồn vì thằng hàng xóm thì nhiều. Trong lúc ông Triều muốn chữa cho bệnh nhân khỏi nhanh nhất có thể, để cô ấy trở lại thành phố với gia đình, thì Ngoạn lại chùng chình, muốn Trâm ở lại lâu hơn. Thậm chí anh đã dò hỏi vườn rừng của nhà bà Diện, vốn là trang trại nuôi ong mật, đang muốn sang nhượng để còn về thành phố chăm con dâu mới sinh. Nhưng bà Diện hét giá cao lắm. Kiểu được giá thì bán chơi, không thì để đó. Người Giáy thường thế. Nhất là người có điều kiện, con cái thoát ly, có công danh, tiền bạc rủng rỉnh. Ngoạn cũng hỏi thế thôi. Để có lúc nào đấy, bà giúp việc hỏi đến thì anh sẽ nói.
Hàng xóm nhà Ngoạn, ngoài gia đình bà Diện, còn có gia đình ông Chử. Ông Chử có ba con trai thì Chan là út, độ tuổi Ngoạn, từng có những năm tháng tuổi thơ hai đứa chơi với nhau. Nhà ấy, cả bốn bố con đều làm nghề chăn dê. Dù ranh đất đã phân định nhưng thi thoảng đàn dê xám cả trăm con của nhà hắn, toàn con to cao lực lưỡng vẫn tràn sang vườn thuốc nhà Ngoạn mà phá phách cho tan hoang chỉ trong nháy mắt. Khi ấy, hai nhà lại xô xát. Đàn con trai nhà ông Chử, ba đứa đều có súng. Phong trào nộp súng cho chính quyền diễn ra trong nhiều năm, nhà ông Chử giao nộp hằng chục khẩu súng săn các loại. Phần lớn là súng tự chế. Kiểm lâm cũng có súng nhưng quy định sử dụng súng của ngành rất ngặt nghèo. Nhiều lần, bà Diện nuôi ong kể chuyện ong nhà bà ấy bỏ đi. Bà bóng gió nghi cho Chan xịt nước hoa vào tổ. Như thế, dù chả nói ra, thì bà Diện và Ngoạn có chung một kẻ thù. Phải biết lợi dụng cơ hội này để trục xuất cái hộ chăn nuôi dê ra khỏi khu rừng tốt tươi này. Bao năm nay, xung đột quyền lợi giữa những hộ làm kinh tế chăn nuôi với hộ trồng trọt ở vùng rừng này chưa bao giờ kết thúc. Ba gia đình là hàng xóm của nhau, nhưng lại không thể thân thiết nhau, vì mỗi gia đình một lối sống, một tập tục khác nhau. Gia đình Ngoạn là người Kinh dưới phố huyện chuyển lên đây sống sớm nhất, từ lúc Ngoạn mới mười tuổi. Bố Ngoạn nói, làm nghề thuốc nam thì phải lấy rừng làm vườn thuốc, biến vườn thuốc thành rừng. Người Kinh dù sống ở rừng núi hay đồng bằng thì thứ người ta ưu tiên hơn cả, ấy là tiện nghi cuộc sống. Cho nên được đồng nào, bố mẹ Ngoạn dành để kiến thiết dựng xây nhà cửa hết cả. Còn gia đình bà Diện là người Giáy làng Cốc Vài, lên đây sau nhà Ngoạn vài năm làm nghề nuôi ong lấy mật. Trước đây, bà Diện chỉ cất cái lều tạm bợ để ngủ lại những ngày vắt mật ong, nhưng sau khi làm con đường xe máy đi lên được thì ông bà cất nhà gỗ to để ở. Gia đình ông Chử là hộ người Mông từ huyện bên di cư sang sau cùng. Thậm chí, họ tới vào thời điểm cụ thể nào thì Ngoạn cũng không nhớ. Nơi sinh sống của đại gia đình ông Chử là một nếp nhà nhiều gian thấp tè làm bằng cây bương ở rừng, lợp cỏ tranh và tường trình bằng đất. Họ cứ nói, nhà ấy ở mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Dù rằng ở ngoài sát rừng cấm của người Tày, nhưng bố con ông Chử không dám vào rừng cấm chặt gỗ tốt về làm nhà, chỉ lùa đàn dê vào đó. Giống như ong của hộ bà Diện bay khắp rừng lấy mật, giống như nhà Ngoạn vào rừng lấy thuốc. Trong mắt thần linh, bố và Ngoạn như những con ong mật hiền lành. Còn những con dê phá phách kia, rồi sẽ đến lúc bị trừng phạt.
Hôm ấy, ca trực của của Ngoạn ở trạm số 4 Nà Khẹt kết thúc lúc bảy giờ sáng. Con đường về nhà dù đã được mở rộng nhưng vẫn còn dốc lắm. Xe máy leo dốc thì chỉ số một. Giữa dốc, Ngoạn thấy bà giúp việc của Trâm tất tưởi chạy sầm xuống, nước mắt ngắn dài. Ngoạn phanh xe, chống chân và hỏi thì bà nói cô Trâm bỏ đi đâu mất rồi, bà chỉ giặt xong mấy bộ quần áo, ra sân đã không thấy Trâm đâu. Ngoạn khẳng định rằng con đường từ trạm về, Ngoạn không gặp ai cả. Hay là Trâm vào rừng cấm? Ngoạn chở bà giúp việc về nhà, cất xe rồi hai người ngược dốc, theo lối mòn phân ranh giữa nhà bà Diện và nhà Chan mà vào rừng. Mũi bà giúp việc rất tinh. Ngay tại cửa rừng bà ấy nói ngửi thấy mùi nước hoa Trâm hay dùng. Hai người đi sâu vào rừng khoảng một cây số thì Ngoạn nghe tiếng cười đùa của một đôi trai gái. Nếu cứ tiếp tục đi trên lá khô, thì bọn họ sẽ biết và lẩn trốn. Vì thế, Ngoạn bảo bà giúp việc chờ mình, anh thoăn thoắt leo lên một thân cây lá phấn có lớp vỏ xù xì nhưng cành rất dai chắc. Từ trên cao nhìn xuống, anh thấy hai người bọn họ đang nằm trên thảm lá khô cạnh dòng suối Khun. Chan nửa nằm nửa ngồi, chống cằm nhìn Trâm đắm đuối. Trâm mặc váy trắng muốt, đầu kết vương miện hoa rừng, nằm nghiêng trên thảm lá. Trông họ như một đôi uyên ương. Ngoạn đang định tụt xuống và bỏ về thì thấy Chan lấy từ thảm lá khô lên một cây khèn đại. Ngoạn nhắm mắt lại, bàn tay như lạnh đi. Thằng Chan mà chơi khèn thì mọi cánh cửa đều khép lại trước mắt anh. Quả đúng như thế, khúc nhạc dìu dặt vang lên ngay từ những thanh âm đầu tiên, những da diết cuồn cuộn chảy trong đầu Ngoạn. Chan thoăn thoắt với những cú đá chân, uyển chuyển xoay tròn như con công đực. Hắn khéo léo trong những pha nghiêng người và mạnh mẽ nhảy lên rồi đáp xuống lá khô rất mực nhẹ nhàng như những con sóc. Tiếng khèn mê mụ không dứt. Chan là vũ công tài hoa trong điệu múa bất hủ mà tổ tiên hắn truyền cho hắn. Lá khô bay rợp trời. Cả những chiếc lá nằm sát mặt đất chỉ còn manh manh gân lá. Tiếng cười của Trâm giòn tan. Ánh mắt Trâm như thế nào thì Ngoạn không trông thấy. Nhưng một điều lạ lùng đã diễn ra. Trâm đứng dậy và cô bắt đầu với những bước nhảy đầu tiên dẫu còn vụng về. Bọn họ tay trong tay đắm say. Màu váy trắng của Trâm quyện vào màu chàm của Chan. Chan là một vũ công thật sự. Bọn trai Mông ở quanh vùng này, đứa nào cũng là một vũ công tài hoa. Chúng nó không có nhiều tiền. Đứa nào khá giả nhất thì có đàn dê, chục đõ ong hoặc vài con trâu. Tại sao đàn bà con gái ở cái xứ này cứ bị chúng nó dụ dỗ? Ngay cả những đứa con gái thực dụng nhất, đua đòi nhất mà Ngoạn biết cũng lần lượt phải lòng mấy thằng trai Mông sống quanh rừng cấm? Tổ tiên cho bọn họ cây khèn đại và những điệu múa quyến rũ đã đành. Nhưng chả nhẽ tổ tiên lại cho bọn họ cả định mệnh và duyên trời. Tự nhiên, Trâm tìm đến Nà Khẹt để nhờ bố Ngoạn chữa bệnh. Tự nhiên Chan vào vườn thuốc nhà Ngoạn đuổi dê và trông thấy Trâm. Không phải là duyên trời sao? Tự nhiên Ngoạn dẫn Trâm đi thăm vườn thuốc làm gì, để họ có cơ hội nhìn vào mắt nhau? Không phải là định mệnh sao? Ngoạn thất vọng ê chề, tụt xuống khỏi cây lá phấn và bảo bà giúp việc. “Trâm ở trong kia, bà cứ đi vào đó đưa cô ấy về, tôi về trước có việc”.
Suốt buổi chiều hôm ấy, Ngoạn cứ thấy Trâm cười. Còn bế con búp bê lên và hát. Tất nhiên là từng thay đổi dù nhỏ nhất của Trâm, ông Triệu đều biết. Ngoạn thấy đau trong ngực, buốt trong ruột gan. Ngoạn nghĩ đến cây súng để trong tủ ở cơ quan. Ngoạn nghĩ đến con dao dựa đi rừng của anh cất dưới gầm tủ thuốc. Ngoạn nghĩ đến những cái bẫy thú rừng. Nhưng dù nghĩ đến bấy nhiêu đó thì Ngoạn biết mình vẫn nắm chắc phần thua. Ngoạn tận mắt thấy Chan bắn rơi một quả sổ trên cây chỉ sau một cái vung tay mà không cần phải ngắm bắn, khi nó mới mườilăm tuổi. Tài phi dao của Chan thì tuy không bằng hai người anh trai đã có vợ, nhưng đối với đội quân kiểm lâm trẻ như Ngoạn thì không ai là đối thủ. Còn những cái bẫy thú, người Mông vốn là cha đẻ. Ngoạn từng nói với Chan rằng “mai kia tao lớn, tao làm kiểm lâm tao sẽ thu hết bẫy của mày”. Chan trả lời “mày thu cái này tao làm cái khác”. Cho nên, dẫu có muốn đem những thứ ấy ra để dằn mặt Chan thì cũng không ổn. Phải nghĩ cách khác. Phải dùng mưu.
Nhưng cứ ở nhà để cho bố sai việc thì Ngoạn không nghĩ được gì. Nên Ngoạn lấy lý do tìm thuốc để vào rừng cấm. Và rồi, cứ như xui khiến, Ngoạn tìm đến bờ suối, nơi có thảm lá khô mà Trâm đã nằm ở đó. Nơi bọn họ đã bên nhau ba ngày trước. Rừng cấm có rất nhiều cây thuốc quý, có cả mật ong rừng và phong lan. Có rất nhiều loại lá cây mà bọn dê ăn vào sinh đàn đẻ lũ. Thằng Chan xem rừng cấm là nhà. Nó luôn là người đem về những nhành lan rừng đẹp nhất hay những bầu ong mật treo cao nhất. Để loại nó ra khỏi tầm mắt không dễ dàng gì. Gia đình nó cũng không hề có ý định sẽ chuyển nhượng trang trại hay vườn đất cho ai đó. Họ sẽ ở đây đến khi rừng cấm xơ xác, hết thiêng, may ra mới rời đi, đến khu rừng khác. Bên kia dòng suối, đi thêm khoảng gần một cây số là vực gió, con vực sâu hoắm lởm chởm đá, nguy hiểm nhất vùng Nà Khẹt. Có cách gì để dụ thằng Chan đến đó không nhỉ?
Ngoạn ngồi xuống thảm lá khô, nhặt một chiếc lá đưa lên mũi. Ngoạn thấy phảng phất mùi nước hoa của Trâm. Nhưng anh cũng thấy lởn vởn mùi chàm. Ngoạn muốn xé nát cái áo chàm cũ Chan mặc mà không bao giờ cài nút. Ngoạn vung chân đá bay đám lá khô bằng một vũ điệu cuồng ghen. Hồi học cấp hai, Ngoạn từng đại diện cho câu lạc bộ Karate để đi thi đấu. Nhưng sau một chấn thương nghiêm trọng, Ngoạn từ bỏ môn võ thuật này. Tuy nhiên, nếu để hạ gục thằng Chan bằng những cú đá, thì Ngoạn tự tin là mình làm được. Có nhẽ, công khai đấu với nhau một trận là khả thi nhất. Hồi trước, lúc còn nhỏ, hai thằng từng đấu với nhau rất nhiều lần để tranh giành nhau khi thì một con họa mi, lúc là một con dế mèn biết gáy. Có lần Ngoạn thua nó, nhưng cũng có lần thắng nó.
Ngoạn rời khỏi vùng lá khô xao xác, đi về phía vực núi. Đây là lần đầu tiên anh thấy căm hận thảm lá khô dày như tấm nệm. Anh từng rất yêu thích những chiếc lá khô. Có thể mê mẩn đi trong rừng mùa lá rụng cả buổi không chán. Còn bây giờ thì anh căm hận chúng. Vừa đi anh vừa đá cho lá bay lên tả tơi. Cây cối ở đây rậm hơn, là thủ phủ của ong rừng. Đang đi, bỗng Ngoạn nhìn thấy một chiếc áo chàm của ai vứt trên thảm lá khô. Nhặt chiếc áo lên, Ngoạn có cảm giác ai đó vừa cởi áo ra, ném lại. Ngoạn ngước nhìn lên trời, sững sờ khi thấy một người đàn ông cởi trần đang bị sợi dây thừng thắt ngang bụng treo lửng lơ trên một cành cây lớn cách xa thân cây mẹ và cách mặt đất đến bảy tám mét. Không khó để Ngoạn nhận ra mái tóc của thằng Chan. Tại sao nó lại bị treo lên cây sâng kia chứ? Trừ khi nó tự treo mình lên. Nó chả có lý do gì để tự tìm đến cái chết cả. Mà người ta chết bằng cách thắt cổ chứ không thắt bụng. Cái áo này là sao? Hay nó cởi áo ném xuống như một cách để báo cho người đi phía dưới biết? Nghĩa là nó không muốn chết? Và đó chỉ là tai nạn. Thôi đúng rồi. Sợi dây thừng bảo hiểm của đội chuyên đi lấy mật ong trong rừng già. Sợi dây không đủ dài so với độ cao mà bọn ong làm tổ. Và chỉ cần sảy tay là người ta rơi xuống. Ngoạn bắc tay lên miệng gọi nhưng không thấy Chan thưa. Nó chết rồi sao? Nên chạy về báo mọi người hay trèo lên, hạ nó xuống đã. Nếu nó còn sống thì sao? Ngoạn vội vàng tìm cách để leo lên cây to đến hơn một vòng tay người. Năm phút trôi qua thì Ngoạn đến được cành cây nơi Chan buộc sợi dây thừng vào đó. Giờ cắt sợi dây thì thằng Chan rơi xuống gãy cổ. Mà kéo nó lên thì Ngoạn không đủ sức. Thằng Chan có cơ bắp, thậm chí còn vâm váp hơn Ngoạn. Vậy làm cách nào bây giờ. Ngoạn lấy chân đá vào sợi dây thì thấy cái chân của Chan còn cử động. Nghĩa là nó còn sống. Cơ hội rất tốt để loại bỏ cái gai trong mắt đây chứ đâu. Mà Ngoạn không phải động chân động tay. Anh chỉ cần tụt xuống, đi về nhà và im lặng. Ngoạn tụt xuống đến ngang thân cây thì mồ hôi túa ra đầm đìa. Mới tối hôm trước, ở cơ quan, anh Khán bảo Ngoạn giết con chồn bị thương để nhắm rượu giải sầu, Ngoạn không dám ra tay, xin anh tha cho nó. Giết một con chồn dính bẫy bị thương nặng Ngoạn còn không dám. Thì làm sao Ngoạn dám giết người? Ngoạn vội vàng tụt xuống. Anh hối hả vun lá khô thành một đống lớn và cao lên như một tấm đệm dày đến cả mét. Những chiếc lá khô tội tình anh từng yêu, từng ghét, giờ lại cần đến chúng. Mồ hôi lại túa ra, nhưng không phải túa ra từ chân tóc như lúc trước, mà từ lưng, ướt đầm chiếc áo kiểm lâm màu xanh.
Rồi Ngoạn lại thoăn thoắt leo lên cây, bò ra cành, nằm úp xuống, chân quặp chéo xương dưới thân cành. Lưỡi dao đi rừng bén ngọt chuẩn bị cắt ngang mối buộc dây thừng ở chỗ căng nhất. Chắc chắn Chan đã tính toán sai. Sợi dây này chỉ đủ cho Chan lấy những bầu mật ong ở những cành cây không cao quá. Nhưng năm nay nước nhỏ hơn năm ngoái, trời cũng ít mưa, ong mật sẽ không làm tổ cao thế. Hay còn có gì phía trên kia, tít hút trong tán lá dày kia? Ngoạn ngẩng nhìn. Mắt anh chói lóa bởi một sắc vàng kiêu sa lộng lẫy của loài lan đặc trưng rừng Nà Khẹt. Lan Hoàng Thảo. Nếu chỉ để lấy giò lan về bán, Chan sẽ không mạo hiểm thế. Vì Chan đâu có túng thiếu. Chắc chắn, Chan muốn lấy nó để tặng một người. Ngoạn thấy cay mũi. Bàn tay cầm dao của anh run rẩy. Nhưng Ngoạn vẫn một tay siết mạnh lưỡi dao, tay nắm lấy sợi dây thừng. Sợi dây đứt, Ngoạn từ từ buông tay nhưng cả khối nặng phía dưới vẫn rơi rầm xuống đống lá khô.
Sợi dây thừng thắt ngang bụng Chan được cắt ra. Mắt Chan nhắm nghiền. Mũi và miệng Chan ứa máu. Chan bị nội thương và sợi dây này đã treo Chan ít nhất một buổi sáng trên rừng. Ngoạn cõng Chan về. Ông Triều xem mạch rồi bảo phải đưa Chan đến bệnh viện ngay mới kịp.
Chan cao số, thoát chết trong gang tấc, lầm lỳ trở về, lùa đàn dê vào tận sâu trong rừng làm lều ở lại đó. Trâm gần như bình phục hoàn toàn. Gia đình đã đón cô ấy về thành phố. Ngày cuối thu, rừng Nà Khẹt lốm đốm những quầng lá vàng ruộm, sắp sửa cho một mùa thay lá mới. Ngoạn sắp một ba lô quần áo và nói với bố mẹ, anh sẽ lên trên trạm số 4 ở một thời gian. Trước khi anh đi, ông Triều gọi anh vào phòng căn dặn vài điều. Người đàn ông điềm tĩnh như ông Triều thường ít khi nổi cáu với con cái cho dù sai lầm đến đâu. Thế nên, Ngoạn biết, bố gọi mình vào để nhắc nhở gì đó thôi. Cửa mở, Ngoạn bước vào. Bố anh vẫn đang dùng kính để soi những tấm phim chụp của người bệnh. Anh bình thản ngồi xuống ghế. Trên bàn, phía trước mặt anh là sợi dây thừng cũ cuộn tròn. Ông Triều không nhìn con trai, vào luôn câu chuyện, như thể không có gì nghiêm trọng. Bố cảm ơn con vì con đã làm được một việc tốt dù không dễ dàng gì. Ngoạn cười khẽ. Có gì khó đâu bố, leo trèo, mang vác là nghề của con mà. Ông Triều trầm giọng. Có một chuyện bố muốn kể với con. Hồi nhà ông Chử mới lên đây và phát triển đàn dê, bố và ông Chử mâu thuẫn gay gắt lắm, còn gấp trăm lần con và Chan bây giờ. Hai người thiếu nước dí súng vào đầu nhau mà cùng bóp cò. Ông ấy cho rằng một số cây thuốc bố trồng cạnh lối đi khiến dê của ông ấy ăn vào sinh bệnh tiêu chảy, còi cọc, rụng lông. Cây thuốc ấy có đầy ngoài rừng nhưng phân bố tự nhiên, loài dê ăn cùng với nhiều loại lá thì không sao. Nhưng khi bố trồng thành từng vạt, dê ăn vào thì có hại. Con biết đấy, chẳng ai lại rào rừng cả, ranh giới là những lối mòn, nhưng là với người, còn vật nuôi thì không biết cái ranh giới ấy. Đất nhà ông ấy lại kẹt vào giữa hộ nhà ta và hộ bà Diện nên không ngừng gây hấn và cứ để mặc cho dê phá phách vườn thuốc bố mới trồng. Khi ấy, nhà ta còn khó khăn lắm. Vay mượn nợ nần, bệnh nhân thì khó tới vì đường sá không thuận, vườn thuốc chưa cho thu nhập đáng kể. Bố lần mò trong rừng tìm cây thuốc về trồng thử nghiệm. Đã có lần, mải đào củ mài về làm thuốc, thấy sột soạt, ngẩng lên, bố nhìn thấy một họng súng săn gác trên cành cây, chĩa vào bố, chỉ cách ba mét. Đấy là cách ông ấy báo cho bố biết, nhà ta khôn hồn thì rời đi nơi khác. Cho tới một hôm. Khi bố đến vực gió, nơi có cỏ kim tuyến mọc nhiều bên vách đá. Trong lúc trườn người trên tảng đá nhô để gỡ cỏ, thì tảng đá lở ra rơi xuống, bố bám vội vào một nắm dây dại nên không bị rơi xuống nhưng cũng không thể leo lên miệng vực. Chân bố bị đá sắc xé toạc máu đang chảy ròng ròng. Cái dây cũng dần rão ra và nguy cơ đứt. Trong lúc bố tuyệt vọng kêu cứu, hy vọng người đi rừng nghe thấy thì ông ấy xuất hiện. Giống như ông ấy luôn theo dõi bố vậy. Và bố nghĩ trong đầu, chắc chắn một điều là ông ấy sẽ bỏ đi hoặc đứng thêm vài phút để nhìn bố rơi xuống, mất hút dưới đáy vực sâu. Tuy nhiên, ông ấy đã vứt sợi dây thừng này xuống để bố bám vào rồi kéo bố lên. Ông ấy đã xé cái áo chàm cũ đang mặc để băng vào vết rách ở bắp chân bố. Đây con nhìn đi. Vừa nói, ông Triều vừa vén ống quần lên để Ngoạn nhìn thấy một cái sẹo màu chàm mà có lần Ngoạn từng hỏi bố tại sao. Rồi tiếp tục. Bố chưa bao giờ kể với hai mẹ con về chuyện này là bởi, nếu kể ra, thì mọi người sẽ không ủng hộ bố việc ở lại đây làm vườn thuốc. Nhưng bố đã lựa chọn, đưa cả gia đình lên đây, bố không thể đầu hàng, không thể bỏ cuộc.
Ngoạn đứng dậy khoác ba lô lên vai. Anh nói nhỏ với bố. “Mọi chuyện qua rồi bố ạ. Con đi đây. Cuối mỗi mỗi tuần con sẽ về”. Đi được vài bước, Ngoạn ngoái đầu nhìn lại, thấy ánh mắt rất lạ của bố dõi theo. Anh hỏi. Bố còn điều gì định nói nữa sao? Ông Triều nhìn cậu con trai duy nhất đang thất tình sầu não mà lòng đau nhói. Nhưng ông đành nói thật. Thằng Chan lùa dê đi vào rừng sâu không phải để lánh mặt con, mà vì không muốn bầy dê phá phách vườn thuốc nhà ta nữa. Sau đó, nó cũng để đàn dê trong rừng cho anh trai chăn. Hôm qua, bố gặp nó đang bốc vác dưới bến xe thành phố. Nó đang làm mọi cách để đến gần người nó thương. Nếu con không cam tâm thì con cũng có thể gác lại công việc ở rừng, xuống thành phố làm việc khác để tìm kiếm cơ hội. Bố sẽ không cản trở con nhưng cũng không thể giúp gì cho con. Việc kiếm tìm tình yêu và hạnh phúc, đôi khi là một hành trình đơn độc.
Tiếng động cơ xe máy lạc lõng trong rừng vắng, lạc lõng với chính tâm hồn Ngoạn. Xe đang đổ dốc thì Ngoạn thoắt thấy một mảnh vải chàm cũ ai đó thắt lên cây Hoàng Đàn non. Đây là cây Hoàng Đàn duy nhất mới được phát hiện ở khu vực này, tại sao ai đó lại tùy tiện đánh dấu nhỉ? Ngoạn từ từ phanh lại rồi dựa xe vào một gốc cây, anh tiến lại cẩn thận xem xét như bản năng nghề nghiệp. Đang định cởi mảnh vải chàm cũ ra khỏi cành cây thì Ngoạn phát hiện. Hóa ra, đó là một cành cây bị rách toạc khỏi thân khoảng một phần ba. Ai đó đã dùng áo cũ để băng lại cho nó. Trong cảm giác tức tối, ghen tỵ hỗn độn trộn lẫn, Ngoạn vẫn thấy le lói trong tim mình một nỗi niềm gì đó mang tên Chàm. Hình như người ta vẫn gọi cảm xúc ấy là niềm ngưỡng mộ.
TỐNG NGỌC HÂN
>> Xem thêm: Tạp chí Văn nghệ Lai Châu