Nói đến văn hóa tinh thần của dân tộc Thái không thể không nhắc đến cây đàn tính. Cây đàn hiện diện trong tất cả các hoạt động văn hóa tinh thần của từng cá nhân đến cộng đồng làng xã, quy mô bản mường.
Người Thái có nhiều truyền thuyết giải thích sự ra đời và tồn tại của cây đàn tính. Bà con dân tộc Thái ở xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè thường kể câu chuyện về đến một chàng trai mồ côi rất nghèo. Hàng ngày, chàng đi mò cua, bắt ốc nuôi thân, đêm về ngủ trên hòn đá cuội to bên bờ suối. Một hôm, có cơn gió đã đưa một quả bầu khô trôi theo dòng nước, mắc lại hòn đá cuội nơi chàng thanh niên ở. Thấy kỳ lạ chàng đem về tra cán làm gáo múc nước. Trong một đêm thanh vắng, đám côn trùng bay vào chiếc dây chài vắt dọc theo cái gáo múc nước phát ra âm thanh ấm áp và lôi cuốn. Chàng lấy dây chài kéo qua chiếc gáo rồi gẩy thì âm thanh ấy càng ấm và trong hơn. Từ đó cây đàn trở thành người bạn tâm tình của chàng trai cô đơn. Cũng nhờ có cây đàn, chàng đã nên vợ nên chồng với một cô gái đẹp trong bản.
Bao đời nay, người Thái coi cây đàn tính vừa là một người bạn trong cuộc sống thường ngày cũng như là bảo vật linh thiêng của cả cộng đồng. Cây đàn tính là món ăn tinh thần có mặt trong tất cả những sinh hoạt văn hóa tinh thần của qua bao thế hệ người Thái. Đàn tính được dùng để đệm cho hát dân ca, múa xòe và các lễ hội, được sử dụng trong hát giao duyên tỏ tình trai, gái. Cây đàn trở thành một trong những biểu tượng của văn hóa Thái. Đàn tính là một phương tiện giao tiếp mang đậm bản sắc, đồng thời được coi như linh hồn trong nghệ thuật dân ca dân vũ. Trong không khí rộn ràng, ngập tràn hương sắc mỗi độ xuân về, các chàng trai, cô gái lại cất lên lời ca đằm thắm, mượt mà với điệu then và cây đàn tính quen thuộc. Âm thanh ấy như dòng sông, con suối chảy mãi, nối tiếp nhau, từ mùa xuân này tới mùa xuân khác, trường tồn cùng thời gian.
Để làm được cây đàn tính phải trải qua rất nhiều công đoạn phức tạp, như: chọn bầu, làm cần, mặt đàn và chọn dây đàn. Công đoạn chọn bầu đàn là quan trọng nhất, bởi bầu đàn quyết định âm thanh và độ trầm bổng của đàn. Bầu đàn làm bằng làm bằng vỏ quả bầu khô. Kích cỡ quả bầu có thể thay đổi nhưng đường kính thường là 15-20cm. Làm đàn khó nhất là tìm bầu. Quả bầu không quá to, cũng không quá nhỏ, hình dáng bên ngoài phải tròn đẹp, vỏ dày, gõ vào phải kêu đanh, như thế đàn mới có âm sắc chuẩn.
Nghệ nhân Lâm Văn Điện (xã Nậm Hàng) cho biết: Người Thái ở Lai Châu hay làm cần đàn tính bằng gỗ cây Mảy pin pết; Mảy mú. Đây là những cây thân gỗ dẻo, ít mối mọt, nhẹ và thẳng. Chọn gỗ phải lựa chọn những cây gỗ già, mịn, ít vân, ít mắt thì cần đàn mới có độ bền cao, đàn dùng lâu mà cần không bị cong vênh. Thường thì độ dài của cần đàn phụ thuộc vào chính người chơi, theo đội dài ngắn của sải tay, khoảng chừng 5 đấm tay của người chơi đàn. Theo kinh nghiệm dân gian thì số đo đó thích hợp với cỡ giọng hát của người chơi đàn. Đàn tính có hai con dây làm bằng dây cước. Trước đây, dây đàn được làm bằng dây tơ, tơ phải là tơ mịn, là loại tơ cuối, lấy từ tơ tằm ra, sợi càng nhỏ càng tốt.
Đàn tính của người Thái có 2 dây; trong khi đàn tính của các dân tộc Tày, Nùng thường có 3 dây. Tiếng đàn có âm sắc êm dịu, thanh thoát, khi thì cao vút, khi thâm trầm. Người làm đàn giỏi không chỉ có đôi tay khéo léo mà còn phải có khả năng cảm thụ âm nhạc. Ở bản Nậm ty, xã Nậm Hàng, huyện Nậm nhùn có các nghệ nhân đàn tính giỏi như ông Lâm Văn Điện; Khoàng Văn Hóa; Lò Văn Kín…
Với đồng bào Thái, đàn tính là nhạc cụ không thể thiếu trong những đêm xòe, những ngày hội hay trong các nghi lễ. Đàn tính gắn kết với đồng bào Thái Trắng trong các lễ hội cầu mưa, cầu mùa, hát Hạn khuống, Kin Pang Then, Xên bản, Xên mường… và hiện diện trong hoạt động văn hóa mỗi dịp lễ tết, dịp xuân về.
Hát then với đàn tính bao giờ cũng đi liền với nhau. Cùng với người hát thì cây đàn tính hòa với hát then tạo nên một tác phẩm âm nhạc đặc sắc. Trong tín ngưỡng dân gian, đàn tính như sợi dây tâm linh vô hình nối giữa cõi thực với cõi tiên. Trong lễ hội tín ngưỡng dân gian, đặc biệt là nghi lễ Then, đàn tính dùng để thể hiện các làn điệu hát then, hát thơ và hát cúng các vị thần linh trên trời. Lúc này, tiếng đàn trở thành linh thiêng.
Nghệ nhân Lâm Văn Điện tâm sự: “Tôi mong muốn các nhạc cụ của dân tộc mình không bị mai một, mà ngày càng được phát huy nên dành nhiều thời gian cùng bà con trong bản tập luyện, duy trì sinh hoạt văn hóa truyền thống trong cộng đồng. Thành viên trong CLB văn nghệ của bản Nậm Ty, ngoài những nghệ nhân, bà con là người cao tuổi, còn nhiều thành viên trẻ tuổi yêu thích loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc, nỗ lực đưa các giá trị văn hóa này trong cuộc sống hàng này”.
Cuộc sống thường này bận rộn, việc tập hợp và thống nhất thời gian tập luyện cũng gặp khó khăn, nhưng bằng tình yêu và lòng đam mê với văn hóa dân tộc, các hội viên đều cố gắng sắp xếp công việc một cách hợp lý để tham gia tập luyện hoặc biểu diễn. Các nghệ nhân như ông: Lâm Văn Điện; Khoàng Văn Hóa; Lò Văn Kín… thường xuyên tìm tòi, sưu tầm các làn điệu đàn tính, hát then truyền thống để bà con tập luyện và sinh hoạt, phục vụ hiệu quả cho hoạt động văn hóa, văn nghệ tại cơ sở. Ngoài ra, các nghệ nhân còn tích cực sưu tầm các làn điệu dân ca, dân vũ, các tiết mục múa; hướng dẫn bà con tập luyện và biểu diễn trên sân khấu. Nhiều tiết mục đã tham gia tại các cuộc giao lưu dân ca trong và ngoài tỉnh.
Tiếng đàn tính vừa tha thiết ngọt ngào như âm thanh của núi rừng, vừa gần gũi bình dị giống như sự giao hòa trong cuộc sống giữa con người với thiên nhiên. Cây đàn tính sẽ được lưu giữ và phát triển cùng với thời gian bởi chính những người nắm giữ và trao truyền văn hóa trong cộng đồng.
NGỌC ANH