Bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch

Với quan điểm Văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, những năm qua công tác bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch ở Lai Châu được phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Là tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch như: nằm giữa hai điểm du lịch nổi tiếng Sa Pa và Điện Biên Phủ, có các quốc lộ 4D, QL 32 và QL 12 nối Lai Châu với Hà Nội – Điện Biên Phủ – Lào Cai và Vân Nam (Trung Quốc), đường cao tốc Lào Cai – Hà Nội cũng là lợi thế để Lai Châu có thể thu hút một lượng khách lớn từ Sapa sang. Ngoài ra, Lai Châu còn có 22 di tích lịch sử (trong đó có 05 di tích cấp quốc gia và 17 di tích cấp tỉnh); có hệ thống đường thủy Sông Đà và các hồ lớn tại các công trình thủy điện; là nơi sở hữu những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nhiều di tích danh thắng đẹp như: Cao nguyên Sìn Hồ, Động Pusamcap, động Tiên Sơn; đỉnh Putaleng với độ cao 3.040m… Đặc biệt là bản sắc văn hóa của 20 dân tộc luôn được quan tâm bảo tồn, phát huy và gắn kết với các loại hình du lịch như: du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch lễ hội, du lịch cộng đồng… Thực hiện quan điểm của Đảng trong xây dựng phát triển nền văn hóa Việt Nam: “gắn kinh tế với văn hóa” , “xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch”, “xây dựng phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”… những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Lai Châu đã thường xuyên chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển nhiều loại hình, sản phẩm du lịch.

Lượng khách du lịch quốc tế đến với Lai Châu ngày một nhiều hơn. Ảnh: Văn Thắng

Việc xây dựng các bản văn hóa du lịch cộng đồng, trong đó điểm nhấn là loại hình du lịch homestay đã được tỉnh Lai Châu tập trung quy hoạch, xây dựng. Tỉnh đã chú trọng khai thác các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Những năm gần đây, du lịch cộng đồng ở Lai Châu đã dần trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút đông đảo du khách trong nước và khách quốc tế, từ đó mang lại nguồn thu cho địa phương, nhất là cho người dân bản địa.

Nếu như huyện Phong Thổ có bản văn hóa du lịch Vàng Pheo nổi tiếng với những điệu xòe không tuổi, những món ấm thực của người Thái trắng; Bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ với vẻ đẹp của những con suối, ngọn thác, rừng cây, những món ẩm thực độc đáo như: gà mèo vùi tro, thắng cố, mèn mén, canh bí nương… thì huyện Tam Đường lại tập trung phát triển du lịch theo hướng khác như: Bản Nà Khương, xã Bản Bo với những cọn nước hoạt động suốt ngày đêm, không cần đến sức người, không cần đến động cơ. Bản Thèn Pả xã Tả Lèng với đồi thông rộng gần 4ha, theo đánh giá của nhiều du khách, khu du lịch không kém phần hấp dẫn với các điểm trang trí phong cách vô cùng bắt mắt nhưng vẫn giữ được sự nguyên sơ, mộc mạc, tự nhiên như nó vốn có. Nơi đây được ví như “Đà Lạt” của Lai Châu…

Tuy mỗi bản đều có những cách làm khác nhau để thu hút du khách nhưng tựu chung lại, các bản văn hóa du lịch này đều là những cộng đồng có truyền thống, bản sắc văn hóa đặc trưng riêng biệt để thu hút du khách đến tham quan trải nghiệm. Những bài hát, điệu múa, lễ hội truyền thống, hay các trò chơi dân gian như: tung còn, đẩy gậy, múa sạp, múa xòe, các món ẩm thực… đã tạo sức hấp dẫn đối với khách du lịch.

Hòa mình vào bản du lịch cộng đồng với những ché rượu thơm nồng, những điệu xòe, lời ca say đắm lòng người giữa tiết trời đặc trưng của vùng Tây Bắc mới cảm nhận được những đặc trưng riêng có của đất và người nơi đây. Chị Tạ Thị Thiết đến từ Vũng Tàu chia sẻ: “Nhờ bạn bè giới thiệu Đoàn chúng tôi quyết định đến với Lai Châu trong chuyến hành trình này. Mặc dù đường xa, nhưng về cơ bản chúng tôi cảm thấy rất thích thú với bản sắc văn hóa, vẻ đẹp bí ẩn của đất và người nơi đây trong đời sống và các sinh hoạt văn hóa truyền thống. Các thành viên trong đoàn thích thú với Đồi thông Tả Lèng được ví như “Đà Lạt thu nhỏ của Lai Châu”, hay việc được bà con bản Nà Khương (Bản Bo) cho mặc thử trang phục truyền thống, hướng dẫn cách dệt may trang phục, cùng làm các món ẩm thực… Đây thực sự là một kỷ niệm đáng nhớ đối với các thành viên trong đoàn, nhất là các bạn trẻ hiểu thêm về cuộc sống của người dân Lai Châu”.

Chủ tịch UBND xã Bản Bo (Tam Đường), Đèo Văn Tình cho biết: “Ngày đông nhất, bản Nà Khương đón đến 800 du khách, trong đó có nhiều đoàn khách ngoài tỉnh, khách du lịch nước ngoài và một số bạn trẻ đến chụp ảnh cưới… Hàng chục hộ dân ở bản làm dịch vụ homestay và các dịch vụ khác đã có thu nhập trung bình mỗi ngày từ 500.000 đồng đến 600.000 đồng.

Song song với du lịch cộng đồng, gần 100 lễ hội được tổ chức hàng năm cũng là nét đặc trưng thu hút khách du lịch đến với Lai Châu. Cùng với lễ hội truyền thống như: Then kin pang, Nàng Han của người Thái trăng (Phong Thổ); Tết mùa mưa của dân tộc Hà Nhì, tết ngô dân tộc Côống (Mường Tè)… thì lễ hội Đền Vua Lê Thái Tổ, tết Độc lập được tổ chức vào các dịp chào mừng ngày Quốc khánh (2/9) hàng năm… luôn là điểm nhấn thu hút du khách thập phương đến tìm hiểu khám phá. Những năm gần đây các tour, tuyến du lịch gắn với các lễ hội đã được hình thành, vừa tạo sức bật cho du lịch Lai Châu vừa giúp bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống kết tinh trong từng lễ hội.

Bằng nhiều giải pháp kích cầu gắn với phát triển các tour, tuyến, điểm du lịch đã không những tạo sức bật cho du lịch Lai Châu mà còn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Năm 2018 có trên 289.400 lượt khách đến với Lai Châu, tăng 15% so với năm 2017. Tổng thu từ hoạt động du lịch đạt 454,08 tỷ đồng (đạt 108,8% so với kế hoạch năm 2018), tăng 16,1% so với năm 2007.

Để thu hút khách du lịch đến với Lai Châu, thời gian tới ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Phát triển du lịch tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016 – 2020”; đẩy mạnh công tác sưu tầm, khôi phục và bảo tồn văn hóa vật thể, phi vật thể, những phong tục tập quán đặc sắc của đồng bào các dân tộc như tiếng nói, làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ, trang phục truyền thống, lễ hội, trò chơi dân gian; tại các bản văn hóa du lịch cộng đồng, thường xuyên duy trì từ 1 – 2 đội văn nghệ biểu diễn các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ, các trò chơi dân gian truyền thống phục vụ du khách thập phương.

Bảo tồn bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch là chủ trương đúng, hợp với xu thế phát triển. Nhưng bên cạnh những nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền các cấp thì chính người dân cần tự nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc giữ gìn nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Và đó cũng là lời giải cho vấn đề xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch hiện nay.

Nhật Minh

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.