Nguyễn Đình Thi là một nghệ sĩ đa tài, đóng vai trò hàng đầu ở Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ với tư cách là một người sáng tác các lĩnh vực nghệ thuật khác nhau, một nhà lý luận và một nhà lãnh đạo, một nhà giáo. Dù vậy ở phương diện sáng tác, đóng góp thành công và nổi bật nhất của ông là ở chuyên ngành thơ.
Bài thơ “Đất nước” trong chưng trình môn Ngữ văn bậc THPT và trong nhà trường
Một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của Nguyễn Đình Thi là bài thơ “Đất nước” – một tác phẩm đã trở thành biểu tượng trong tâm thức người Việt Nam. “Đất nước” (1948- 1955) là một trong những bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Đình Thi nói riêng, của thơ ca kháng chiến chống Pháp nói chung. Bài thơ mang phong cách thơ Nguyễn Đình Thi vừa hào hoa, đẹp đẽ, vừa có một phong vị trữ tình trầm mặc mà chan chứa cảm xúc mãnh liệt. Chủ đề bao trùm của bài thơ là lòng yêu
nước thiết tha, ý thức độc lập tự chủ, lòng tự hào về nhân dân, đất nước anh hùng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, kết hợp sức mạnh đại đoàn kết của nhân dân, từ trong đau thương nô lệ đã đứng lên chiến đấu kiên cường, anh dũng để giành chiến thắng, giành lấy độc lập, hòa bình.
Từ khi ra đời cho đến nay, bài thơ không chỉ mang giá trị nghệ thuật sâu sắc mà còn có vị trí quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn bậc THPT tại Việt Nam, nhất là từ năm 1990 đến nay. Trong hành trình trưởng thành của mỗi học sinh THPT ở Việt Nam đều có mạch cảm xúc, có bóng hình “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi.
Bài thơ “Đất nước” được sáng tác vào năm 1948 đến 1955, trong bối cảnh đất nước đang diễn ra cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vô cùng gian khổ. Qua từng câu chữ, bài thơ toát lên một tình yêu quê hương đất nước vô bờ bến, vừa da diết, vừa kiêu
hãnh. Nguyễn Đình Thi đã khéo léo kết hợp giữa tư tưởng yêu nước và hình ảnh thi ca, làm cho bài thơ trở thành một bản hùng ca về đất nước.
Bối cảnh chính của bài thơ “Đất nước” là mùa thu ở chiến khu Việt Bắc sau những ngày chiến thắng Điện Biên Phủ tràn đầy niềm vui, từ đó tác giả suy ngẫm về dân tộc, về kháng chiến, về những năm tháng đau thương và khát vọng của dân tộc nhưng “trong cái khí thế ngùn ngụt của chiến thắng ấy nếu thiếu đi cái nỗi buồn như ở đầu bài thơ thì phong vị của bài thơ sẽ không được phong phú và trọn vẹn và có lẽ chất trữ tình sâu thẳm ở đầu bài thơ góp phần làm cho những câu thơ chính luận đanh thép ở phần cuối trở nên thuyết phục và cảm động hơn”
– (Thiên Sơn – Thơ Nguyễn Đình Thi, Những tầng suy tưởng – Tao Đàn, 4/2024).
Theo lời kể của tác giả: “Trên đường hành quân cùng bộ đội, một buổi chiều muộn, qua cánh đồng miền trung du, nhìn lên trời cao trước mặt, đồn giặc có dây thép gai nhọn sắc in lên bầu trời có ráng đỏ như máu chiếu xuống cánh đồng một màu đỏ ối”. “Ôi những cánh đồng quê chảy máu/ Dây thép gai đâm nát trời chiều…” là những câu thơ có sức lay động tâm hồn và khơi gợi lòng căm thù giặc, lòng yêu nước của mọi người dân Việt Nam.
Hình ảnh “Đất nước” trong bài thơ không chỉ đơn thuần là vùng đất cụ thể mà còn là tâm hồn, lịch sử, văn hóa, những gì thiêng liêng nhất mà mỗi người Việt Nam đều phải trân trọng. Những câu thơ nổi tiếng đã bao thế hệ học sinh học thuộc đã thể hiện sâu sắc mối liên hệ giữa con người với quê hương, gắn liền với trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi cá nhân với cộng đồng:
“Xiềng xích chúng bay không khóa được
Trời đầy chim và đất đầy hoa
Súng đạn chúng bay không bắn được
Lòng dân ta yêu nước thương nhà!
…
Ngày nắng đốt theo đêm mưa dội
Mỗi bước đường mỗi bước hy sinh
Trán cháy rực nghĩ trời đất mới
Lòng ta bát ngát ánh bình minh”.
Trên chiến khu Việt Bắc, những vần thơ của ông vừa hào sảng vừa khái quát, và đặc biệt, luôn thấy thật rõ dáng đứng Việt Nam, khí phách Việt Nam: “Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. “Ở thời điểm vừa mới thoát khỏi kiếp nô lệ đã có được khí phách ấy thật hào sảng xiết bao. Mạch nguồn ấy ở đâu nếu không phải là: Nước chúng ta, nước của những người không bao giờ khuất/ Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về” – (Phùng Văn Khai – Thơ Nguyễn Đình Thi: Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em – Báo Đại đoàn kết, 01/2018).
Nguyễn Đình Thi đã đưa vào bài thơ nhiều giá trị tư tưởng có ý nghĩa sâu sắc. Trước hết, bài thơ truyền tải một thông điệp mạnh mẽ về tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc. Đất nước không chỉ là nơi sinh ra mà còn là một phần trong bản sắc con người. Lòng yêu nước được thể hiện qua những hình ảnh giản dị, gần gũi nhưng đầy sức sống. Hơn thế nữa, bài thơ cũng gợi nhắc đến trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với đất nước. Qua những câu thơ của mình, tác giả khuyến khích mỗi người phải biết trân trọng và gìn giữ những giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc. Tình yêu quê hương không chỉ nằm trong cảm xúc mà còn phải gắn liền với hành động cụ thể trong cuộc sống.
Kể từ năm 1990, bài thơ “Đất nước” đã được đưa vào chương trình Ngữ văn của lớp 12 cấp học Trung học phổ thông và trở thành một trong những tác phẩm tiêu biểu để giảng dạy cho học sinh. Qua việc phân tích tác phẩm trong sách giáo khoa, học sinh không chỉ được tiếp xúc với những giá trị nghệ thuật mà còn nhận thức được ý nghĩa sâu sắc của bài thơ trong bối cảnh lịch sử, xã hội Việt Nam thời kì kháng chiến chống Pháp, từ những ngày rời Thủ đô Hà Nội đến với chiến khu Việt Bắc, những ngày “cánh đồng quê chảy máu/ Dây thép gai đâm nát trời chiều” đến những ngày Điện Biên máu lửa “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.
Bài thơ này từng được sử dụng trong chương trình SGK Văn học 12 giai đoạn 1990-2006, nhưng đã được chuyển thành đọc thêm trong SGK Ngữ văn 12 từ năm 2007. Từ năm 2020, khi bắt đầu thực hiện Chương trình GDPT 2018, bài thơ “Đất nước” được lựa chọn đưa vào giảng dạy trong SGK bộ Cánh Diều của Nhà xuất bản Đại học Huế trong chùm chủ đề Thơ Tự do (in văn bản và câu hỏi hướng dẫn đọc – hiểu VB từ trang 70 đến trang 73)
Trong chương trình học, việc tìm hiểu bài thơ “Đất nước” không chỉ giúp học sinh nâng cao nhận thức về văn học mà còn khơi dậy tình cảm yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc. Hơn nữa, trải qua những buổi học, học sinh có cơ hội thảo luận, chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ của mình về quê hương đất nước, từ đó hình thành một thế hệ hiểu lịch sử, biết yêu nước, có trách nhiệm với tương lai dân tộc.
Tích hợp nội dung bài thơ “Đất nước” trong môn Lịch sử
Kể từ năm 1990, bài thơ “Đất nước” đã được đưa vào chương trình Ngữ văn của lớp 12 cấp học Trung học phổ thông và trở thành một trong những tác phẩm tiêu biểu để giảng dạy cho học sinh. Qua việc phân tích tác phẩm trong sách giáo khoa, học sinh không chỉ được tiếp xúc với những giá trị nghệ thuật mà còn nhận thức được ý nghĩa sâu sắc của bài thơ trong bối cảnh lịch sử, xã hội Việt Nam thời kì kháng chiến chống Pháp, từ những ngày rời Thủ đô Hà Nội đến với chiến khu Việt Bắc, những ngày “cánh đồng quê chảy máu/ Dây thép gai đâm nát trời chiều” đến những ngày Điện Biên máu lửa “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.
Bài thơ này từng được sử dụng trong chương trình SGK Văn học 12 giai đoạn 1990-2006, nhưng đã được chuyển thành đọc thêm trong SGK Ngữ văn 12 từ năm 2007. Từ năm 2020, khi bắt đầu thực hiện Chương trình GDPT 2018, bài thơ “Đất nước” được lựa chọn đưa vào giảng dạy trong SGK bộ Cánh Diều của Nhà xuất bản Đại học Huế trong chùm chủ đề Thơ Tự do (in văn bản và câu hỏi hướng dẫn đọc – hiểu VB từ trang 70 đến trang 73)
Trong chương trình học, việc tìm hiểu bài thơ “Đất nước” không chỉ giúp học sinh nâng cao nhận thức về văn học mà còn khơi dậy tình cảm yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc. Hơn nữa, trải qua những buổi học, học sinh có cơ hội thảo luận, chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ của mình về quê hương đất nước, từ đó hình thành một thế hệ hiểu lịch sử, biết yêu nước, có trách nhiệm với tương lai dân tộc.
Bài thơ “Đất nước” không chỉ thể hiện tình yêu quê hương mà còn phản ánh bối cảnh lịch sử, văn hóa, và những biến động lớn của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Khi giảng dạy môn Lịch sử, phần cuộc kháng chiến chống Pháp, cả ở cấp THCS và cấp THPT, giáo viên có thể gợi dẫn những câu thơ về những hi sinh gian khổ của quân dân ta thời kì này.
Lịch sử kháng chiến chống Pháp: Học sinh sẽ hiểu rằng bài thơ được sáng tác trong một giai đoạn đất nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thể hiện tinh thần yêu nước và ý chí kiên cường của nhân dân Việt Nam.
Vai trò của văn hóa trong kháng chiến: Nhấn mạnh rằng văn học, đặc biệt là thơ ca, đóng vai trò quan trọng trong việc khích lệ tinh thần người dân, góp phần vào cuộc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa. Bức thư có đoạn: “…Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, đăng trên Báo Cứu quốc, số 1986, ngày 5-1-1952, trong bối cảnh toàn dân đang thực hiện đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện” chống thực dân Pháp xâm lược. Trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước ta đều coi văn hóa, văn học nghệ thuật là một mặt trận và văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng – văn hóa.
Nội dung bài thơ “Đất nước” có thể được tích hợp vào các bài học về lịch sử văn hóa Việt Nam. Nội dung này có thể bao gồm: Các giá trị văn hóa truyền thống; giới thiệu cho học sinh về các phong tục, tập quán và bản sắc văn hóa của người Việt Nam. Bài thơ có thể được sử dụng để minh họa cho sự kết nối giữa con người và đất nước, giữa lịch sử và văn hóa. Sự đóng góp của văn học trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa: Giáo viên có thể dẫn dắt học sinh phân tích vai trò của các tác phẩm văn học trong việc củng cố tinh thần dân tộc, cũng như tạo nên niềm tự hào về lịch sử và văn hóa của đất nước.
Việc tích hợp bài thơ “Đất nước” trong môn Lịch sử cũng nhằm mục đích phát triển tư duy phản biện cho học sinh khi cho các em thảo luận về các giá trị lịch sử qua thơ ca. Học sinh có thể được yêu cầu thảo luận về cách mà các tác phẩm văn học, chẳng hạn như bài thơ “Đất nước”, gợi lên những cảm xúc và ý nghĩa về lịch sử, từ đó liên hệ với các sự kiện lịch sử đã học. Dựng lại các sự kiện lịch sử qua thơ ca: Giáo viên có thể dẫn một đoạn thơ trong bài “Đất nước” và yêu cầu học sinh viết một đoạn văn ngắn về một sự kiện lịch sử cụ thể, từ đó tạo cơ hội cho học sinh thể hiện ý kiến của mình về lịch sử.
Tích hợp nội dung bài thơ “Đất nước” vào môn Lịch sử không chỉ làm phong phú thêm bài học, mà còn giúp học sinh nhận thức được mối quan hệ mật thiết giữa văn học và lịch sử, từ đó phát triển lòng yêu nước và tự hào về dân tộc. Qua đó, học sinh cũng sẽ có cơ hội được tiếp cận và cảm thụ sâu sắc hơn về những giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc mình.
Ngoài các sách giáo khoa chính thức, bài thơ “Đất nước” còn được đưa vào nhiều tài liệu tham khảo, sách hướng dẫn ôn tập, sách bài tập môn Tiếng việt, môn Ngữ văn ở các lớp khác nhau. Những tài liệu này thường cung cấp thêm kiến thức và hướng dẫn phân tích bài thơ cụ thể hơn.
Bài thơ “Đất nước” cũng có thể xuất hiện trong các chương trình học ngoại khóa, hoạt động tìm hiểu văn hóa, lịch sử, qua đó làm nổi bật giá trị tinh thần của tác phẩm trong việc giáo dục lòng yêu nước cho học sinh.
Bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi không chỉ đơn thuần là một tác phẩm nghệ thuật ý nghĩa mà còn mang lại nhiều giá trị tư tưởng sâu sắc. Bài thơ đã trở thành một tác phẩm được chọn để dạy học đọc – hiểu văn bản trong nhiều năm ở bậc Trung học phổ thông tại Việt Nam, được tích hợp dạy liên môn Lịch sử và nhiều hoạt động ngoại khóa… trở thành một phần trong hành trang trưởng thành về tâm hồn, nuôi dưỡng tình yêu Tổ quốc của nhiều thế hệ học trò. Những vần thơ thấm vào trái tim và trí tuệ trong từng suy ngẫm của người học. Qua việc đưa tác phẩm vào giảng dạy, học sinh không những được tiếp xúc với những giá trị nghệ thuật, mà còn thấm nhuần tư tưởng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, hướng dẫn thế hệ trẻ ý thức về trách nhiệm của mình đối với quê hương, đất nước.
Hy vọng rằng, bằng những kiến thức đã tiếp thu được từ tác phẩm này, mỗi học sinh sẽ trở thành những người công dân có trách nhiệm với lịch sử dân tộc, trân trọng và biết ơn cha ông, biết yêu nước từ những điều bình dị, biết phấn đấu trưởng thành để đóng góp cho sự phát triển của đất nước trong tương lai. Và bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi, bằng những cách tiếp cận khác nhau sẽ còn tiếp tục đồng hành với nhiều thế hệ học trò trên bước đường trưởng thành.
ĐINH HỒNG NHUNG
>> Xem thêm: