“Bố mẹ ơi! Ai như bác Choẽ trên ti vi kia kìa?”. Đang cầm tờ báo trên tay nghe tiếng con gái nói vậy ông Cử liền dừng đọc ngó lên màn hình vô tuyến. Bà Cử cũng buông cái bát đang rửa dở chạy vào xem. “Đúng rồi! Đúng nhà “Choẽ bò” rồi! Trông ông ấy oách ra phết đấy nhỉ!”. Bà Cử xuýt xoa trầm trồ, dán mắt vào chiêc ti vi. Thảo gần như reo lên khi thấy bà Choẽ cũng bước ra sân khấu. “Kìa, cả bác Choẽ gái nữa kìa. Hai bác ấy diện bộ quân phục trông oách quá”. “Cái con này! Trật tự xem ông bà ấy làm gì nào!”. Bà Cử gắt nhẹ với cô con gái. Ông Cử nhìn chăm chăm vào dòng chữ trên phông chính: “Âm vang Trường Sơn”.
Vừa lúc đó, cô MC dẫn chương trình lên tiếng: “Thưa quý vị và các bạn. Chào mừng 60 năm đường Trường Sơn huyền thoại, chương trình “Những gương mặt đời thường” của đài phát thanh truyền hình tỉnh ta hôm nay, chúng tôi trân trọng giới thiệu với quý vị và các bạn hai gương mặt điển hình trong việc xây dựng và phát triển kinh tế, văn hoá, là tấm gương trong công tác xoá đói giảm nghèo của tỉnh. Họ là một cặp vợ chồng cựu chiến binh, những chiến sỹ Trường Sơn năm xưa. Vâng, người ngồi cạnh tôi đây là bác Vương Đình Choẽ, biệt hiệu “Choẽ bò”, nguyên là lái xe Trường Sơn. Bên cạnh bác là bác gái Vũ Bích Thuỷ, nguyên nữ thanh niên xung phong, người vợ, người đồng đội của bác. Hai người đã gắn bó một thời với con đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Gia đình hai bác là điển hình làm kinh tế giỏi của huyện miền núi Thanh Hoà. Câu chuyện xin phép được bắt đầu”.
“Ơ! Mẹ ơi, sao họ biết cả biệt hiệu của bác ấy mẹ nhỉ? Hai bác ấy là bộ đội Trường Sơn cơ à? Sao chẳng thấy anh Chụm nói đến bao giờ nhỉ?”, Thảo giật giật gấu áo mẹ. Bà Cử gắt nhỏ: “Thì để yên theo dõi xem đã nào?”.
“Xin bác tự giới thiệu về mình cho khán giả đài truyền hình tỉnh ta biết đôi điều được không ạ?”. MC quay về phía ông Choẽ. Ông Choẽ lóng ngóng cầm chiếc micrô vẻ ngượng ngập: “Dạ… Thưa… thưa các bác nhà đài. Thưa… thưa bà con xem truyền hình. Em tên là Choẽ, Đỗ Đình Choẽ. Làng Cổ Cò… nơi em ở mọi người quen gọi em là… là “Choẽ bò”. Sở dĩ có cái tên như vậy vì nhà em nuôi nhiều bò. Hiện nay nhà em có 45 con cả thảy các bác ạ. Kinh tế nhà em đi lên từ bò đấy, thưa chị. Dạ…dạ thưa… em… em không biết nói gì nữa đâu ạ. Em xin cảm ơn!”.
Ông Cử bật cười: “Giời ạ! Trên ti vi mà nói thế à? U60 rồi, còn nhà em với chả nhà anh gì nữa. Rõ là buồn cười!”. “Thì thế mới là ông “Choẽ bò”. Cứ lại như ông thao thao bất tuyệt à? Thử hỏi ông, ông có cái thành tích gì không?”, bà Cử cắt ngang lời ông Cử. Ông Cử bực lắm nhưng cố nín lặng. Bà lại dám so tôi với cái lão “Choẽ bò” ấy ư? Đường đường tôi cũng là anh cán bộ xã nghỉ hưu. Hồi đương chức, khối người chả sợ rúm ró ra ấy chứ. Tôi nói một tiếng cả trăm người nghe. Thế mà bà lại so tôi với cái lão chăn bò? Đúng là bì phấn với vôi. Lừ mắt vợ một cái, ông Cử quay ngoắt đít về phía chiếc ti vi, giở tờ báo ra đọc mặc kệ vợ con với cái ti vi đang oang oang trước mặt.
Ở làng Cổ Cò này, ông Cử là người khá thành đạt. Cái gì ông cũng cho mình là hơn. Thời chiến tranh, mọi thanh niên của làng ra trận hết, chỉ sót lại Cử vì lý do sức khoẻ. Thấp bé, nhẹ cân, tai lại hơi nghễnh ngãng nên kỳ khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự nào, Cử cũng bị “out”. Ở lại hậu phương, đàn ông như Cử thuộc diện “mì chính cánh”. Cử tiếp tục học hành, làm đội trưởng sản xuất rồi leo lên đến chức phó chủ tịch xã phụ trách mảng văn hóa xã hội. Lúc nào đầu tóc Cử cũng bóng lộn. Nhiều người gọi Cử là anh “phó mượt”. Tuy xấu trai nhưng to chức, lại có khiếu ăn nói, hơn nữa làng chẳng còn mấy đàn ông nên Cử rất có giá. Chị em bám theo khá đông. Cuối cùng Trang, con ông phó chủ tịch huyện đã giành được anh phó chủ tịch xã trong một đêm giao lưu văn nghệ “Tiễn anh lên đường”.
Từ ngày nghỉ hưu đến giờ, ông Cử rất chú ý chăm sóc bản thân. Ông càng tạo dáng, trông càng phong độ và trí thức. Tuy nhiên, chắc do hụt hẫng nên ông chỉ quanh quẩn ở nhà chẳng giao tiếp với ai. Duy chỉ có câu lạc bộ thơ là ông Cử rất năng nổ hăng hái. Ông đăng đàn diễn thuyết, ông trình diễn thơ. Thơ ông viết có dễ đến hàng trăm bài. Bài nào ông cũng tâm đắc. Những buổi sinh hoạt câu lạc bộ, ông chiếm diễn đàn nói chuyện và đọc thơ. “Chém gió” là nghề của ông mà. Đặc biệt, khi báo tỉnh in thơ ông thì ông càng tỏ ra vĩ đại. Cái Thảo, con gái ông đem lòng yêu Chụm con lão “Choẽ bò” thì ông phản đổi kịch liệt. “Tao cấm mày yêu đương thằng ấy nghe chưa? Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống. Nhà nó quê một cục. Đường đường bố mày thế này mà lại thông gia với nhà “Choẽ bò” à?”. Thảo ấm ức lắm song cô vẫn âm thầm yêu Chụm. Ngược lại, Chụm cũng thế. Mặc cho ông Cử cấm cản, anh vẫn cứ lao vào yêu con gái ông.
Bố mẹ Chụm hiền lành, chất phác. Cùng là cựu quân nhân, họ gắn bó thương yêu nhau từ hồi còn ở Trường Sơn. Nghe đâu chuyện tình của họ cũng thi vị lắm. Người lái xe chở đạn ra chiến trường, kẻ san lấp hố bom mở đường ra trận. Hai người gặp nhau sau một đợt bom vùi, nhận ra nhau cùng ở làng Cổ Cò. Thế là yêu nhau. Yêu mê yêu mệt, quên hết mọi gian lao nơi tuyến lửa. Cũng may, bom đạn là thế, ác liệt là thế, bao nhiêu người đã hy sinh song họ vẫn an toàn vẹn nguyên trở về. Cứ tưởng đôi vợ chồng chiến binh ấy sẽ cho ra một đàn con bụ bẫm kháu khỉnh, thế mà có đến dăm năm sau ngày cưới họ vẫn không có gì. Dân làng có người đã bảo rằng đôi ấy có khi dính chất độc da cam nên mới thế. Mặc, họ vẫn nồng nàn yêu nhau. Thế rồi, trời không phụ lòng họ. Thằng Chụm, cái Choè lần lượt ra đời. Chụm lớn lên giống cha như đúc. Không học giỏi như những đứa trẻ khác nhưng Chụm được cái thông minh, tài vặt. Trượt đại học, Chụm buồn mất mấy tuần. Sau đó, anh theo học nghề thợ mộc. Con gái làng không đưa Chụm vào “tấm ngắm”. Chỉ có Thảo là phải lòng, yêu vụng nhớ thầm anh.
Ông Cử thì cho rằng “lý lịch nhà đó quê lắm, kém lắm”. Ông nội Chụm là phó cối, bố Chụm tuy là cựu binh đấy nhưng chỉ là anh chăn bò. Giờ đến Chụm lại theo nghề thợ mộc thì… Người ta lấy người có chữ chứ ai lại lấy kẻ thịt bắp vai u? Tuy nhiên, công bằng mà nói, ông vẫn nhận ra mặt mạnh của Chụm. Thằng này có chí. Mới mấy năm theo nghề thợ mộc mà giờ đã thành ông chủ rồi. Tạo công ăn việc làm cho gần chục thanh niên của xóm, thu nhập hàng trăm triệu đồng một năm chứ ít à? Đồ mộc nó sản xuất ra gọi là nhất nhì cái xã này. Bố mẹ nó giàu lên từ chăn bò. Nhà cửa khang trang, đồ đạc tiện nghi sinh hoạt nhiều nhà ở phố còn thua xa nhà lão Choẽ. Không chỉ thế, lão Choẽ còn giúp đỡ bao nhiêu gia đình khác vươn lên xoá đói giảm nghèo. Vợ chồng nhà ấy, cả doanh nghiệp của thằng Chụm nữa, đã cung tiến cho làng bao nhiêu việc lớn. Từ làm đường, xây cổng, đến các hoạt động văn hóa thể thao… Hễ làng xã có việc gì là cha con lão ấy hăng hái ủng hộ tài trợ. Mình mang tiếng là cán bộ xã nghỉ hưu nhưng đã giúp gì được cho làng? Đôi lúc, chính ông Cử cũng ngậm ngùi, tự cật vấn mình như vậy.
“Thưa quý vị và các bạn! – Tiếng MC cất lên cắt ngang dòng suy nghĩ của ông Cử – 60 năm đường Trường Sơn huyền thoại. Câu chuyện mà vợ chồng bác “Choẽ bò”, nhân chứng sống của thời đó đã để lại trong lòng chúng ta biết bao nhiêu là cảm động. Một thời đạn bom, một thời hào hùng. Từ trong máu lửa, dân tộc ta đã đứng dậy, đi lên bằng bàn tay, khối óc của mình. Đường Trường Sơn năm xưa, thế hệ cha anh như hai bác đây đã “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, mở con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, để hôm nay, con đường ấy đã thênh thang rộng dài suốt chiều dài đất nước thanh bình, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Hơn hai vạn chiến sỹ Trường Sơn đã ngã xuống cho chúng ta có cuộc sống hôm nay. Trở về với đời thường, những chiến sỹ Trường Sơn ấy vẫn âm thầm lặng lẽ, hàng ngày, hàng giờ phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận mới xây dựng quê hương, đất nước. Vợ chồng bác “Choẽ bò” thật xứng đáng là “những gương mặt đời thường” sáng danh của tỉnh”.
“Tôi… tôi xin có…có ý kiến!”. Bỗng tiếng lão Choẽ cất lên cắt ngang lời dẫn của MC. Ông Cử vội xoay người lại. Mắt ông trân trân nhìn vào màn hình. Lão “Choẽ bò” giơ một tay lên quá đầu như kiểu người ta xin phát biểu ở hội nghị. Hai mẹ con bà Cử cũng tròn xoe mắt. Cả ba cùng hồi hộp theo dõi. Cô MC lúng túng trước tình huống bất ngờ này.
“Trong ngày vui trọng đại này – Lão Chõe nói tiếp – vợ chồng em xin… xin hát tặng các bác nhà đài và toàn thể bà con một bài hát về Trường Sơn được không ạ?”. Cô MC cười tươi: “Ôi! Thế thì tuyệt quá!”.
“Đúng là là…”. Ông Cử lẩm bẩm. Thảo loe xoe: “Hai bác ấy cũng biết hát cơ à?”. “Thì để yên xem nào”. Bà Cử gàn con gái.
“Trên đỉnh Trường Sơn ta hát bài ca… gửi tới quê nhà…”. Lão “Choẽ bò” cất giọng. Tiếp đó, bà Thuỷ, vợ lão cũng cầm micro hoà theo. Hai người say sưa hát. Tiếng hát của họ quyện vào nhau bay bổng. Bài hát này chỉ dành cho đơn ca thế mà họ hát song ca lại hay đến thế. Không có nhạc đệm mà tiếng hát của họ ngọt ngào, du dương, nghe sởn cả da gà. Rồi cả cô MC cũng hát theo. Họ không còn nghĩ là mình đang diễn trên ti vi nữa. Họ hát tự trái tim. Kỷ niệm Trường Sơn ùa về qua từng câu hát của họ. Nhìn ánh mắt họ như thấy cả đại ngàn rừng Trường Sơn với bước quân đi rầm rập, ào ào lá đỏ. Có cả con nai rừng ngơ ngác nữa. Đẹp! Đẹp quá! Ông Cử tự nhiên thốt lên và miệng ông cũng mấp máy hát theo.
Thảo hết nhìn ti vi lại nhìn bố. Bố là người mê hát và hát hay. Bây giờ lại thấy và nghe vợ chồng hai bác Choẽ cũng hát hay nữa mới tuyệt chứ. Mà lại hiên ngang hát hẳn trên ti vi luôn. Bà Cử ngẩn người trước cảnh này. Cặp môi bà cũng mấp máy. Hai tay bà vỗ nhịp và người bà lắc lư theo câu hát. Tuy không được vào Trường Sơn nhưng qua sách báo và buối truyền hình này bà cảm nhận thấy tất cả niềm tự hào xúc động vô cùng. Đường Hồ Chí Minh, con đường huyền thoại. Đúng là… nhất vợ chồng lão “Choẽ bò”. Lặng lẽ, im ỉm thế, thế mà tài tử ra phết. Nói thì ấp a ấp úng mà hát thì lại hay thế quá chừng.
Bộ ba người trên màn hình càng hát càng hay. Giữa họ không còn ranh giới già trẻ, không còn ranh giới sân khấu và cuộc đời. Họ hát bằng cả trái tim và tấm long tin yêu của mình. Ông Cử buông tờ báo xuống. Máu văn nghệ nổi lên. Ông vừa hát vừa vỗ tay làm nhịp. Trường Sơn âm vang, âm vang Trường Sơn. Trường Sơn đã lôi cuốn họ du dương cùng tiếng hát. Cả nhà ông Cử không hề biết Chụm đã đến tự lúc nào. Anh lặng lẽ đứng sau ông Cử, bà Cử và nắm lấy bàn tay Thảo. Bóp chặt tay người yêu, anh ra hiệu cô im lặng để cho tiếng hát cất cao, vang xa. Hai trái tim họ cùng đập rộn ràng và Trường Sơn hùng vĩ thì đang lung linh trước mắt họ.
Đỗ Xuân Thu