Ba Ngàn, ngàn ngạt gió

Cơn gió lạnh đầu đông cuốn những chiếc lá cuối cùng của mùa thu trút xuống con đường trải thảm lá vàng.

Những chiếc lá cuộn theo chân người bước, nhẹ bay. Có một người khách đang sải bước trên tấm thảm ấy hướng về phía ngôi nhà nhỏ nơi góc đồi. Khách thấy tôi từ xa thì đứng lại nhìn. Khách đứng lâu trên tấm thảm ấy, không rõ vì sao nhưng cái khoảng cách ấy rất lâu sau được mới rút ngắn dần lại. Gương mặt khách tươi tắn, nụ cười trên môi, khóe mắt ướt. Gió vẫn thốc ngang đồi, lạnh buốt. Lá vàng cứ rơi, cứ rơi.

Khách ăn mặc sang trọng, tay cầm chiếc vali. Nhìn từ xa khách giống một dấu chấm than màu đen trên bức tranh vàng buồn bã. Tôi thích bức tranh quen thuộc, tôi không thích dấu chấm than đi lạc kia. Tôi đoán là cò đất, mới sáng ra đã gặp cò. Mảnh đất Ba Ngàn này đang phát triển mạnh, giá đất tăng vùn vụt rồi sinh ra đám cò. Con cháu tôi cũng tập tành làm cò rồi tranh giành đất cát. Để đỡ nhìn thấy cảnh con cháu cãi cọ, tôi bỏ lên đồi sống một mình. Vậy mà chúng có để cho tôi yên thân đâu. Sau chiến thắng lịch sử, tôi cùng đồng đội lên xây dựng kinh tế mới, Ba Ngàn ngày ấy rộng lắm, mênh mông lắm, cứ thoải mái chọn thoải mái cuốc, cuốc tới mỏi tay mà không hết đất. Nhớ lại những ngày xưa ấy, thật thích. Nhớ lại mà thấy cái sự tranh giành của con cháu ngày nay nó thật bội bạc. Giờ ném cho chúng một mảnh đất khai hoang cùng cái cuốc như tôi ngày trước, biết đâu chúng lên người. Không ai hiểu Ba Ngàn bằng tôi, không ai nhớ những con người đã từng sống chết với mảnh đất này nhiều như tôi cả. Giờ nó đang thay đổi, còn được mấy người yêu thương mảnh đất này như xưa đâu. Tôi an phận và vui vẻ ở đây, sống trên quả đồi quá khứ với những ký ức về một thời đã qua, nghĩ về những con người mà phấn lớn họ đã bị lãng quên. Cái thời mà Ba Ngàn ngàn ngạt gió và vang vang những tiếng cười, tiếng cười tuổi trẻ.

Khách nhiều tuổi, chắc cũng hơn tuổi thằng con trai cả của tôi. Những tiếng vo vo xuất hiện quanh khách, là đám ong rừng. Khách có phần hoảng nhưng vẫn đứng im. Đàn ong bay quanh nhưng chúng không đốt, khách giờ như con ong chúa để cả đàn bâu lại. Cũng hơi lạ, không ít khách lên đây bị ong đuổi đốt phải cong đít chạy. Tôi nhớ năm tôi ngoài hai mươi, lần đầu bước lên đồi đàn ong rừng cũng chào mừng tôi như vậy. Ngày ấy đồi chỉ toàn cỏ tranh và rắn, tôi định dùng mồi lửa làm sạch đồi nhưng vì đàn ong cứ vo vo bên cạnh mà tôi không đốt. Tôi phát từng ngọn cỏ, cuốc từng mét đất chúng vẫn luôn bên cạnh, quấn lấy. Rồi chúng tôi thành bạn, những người bạn đặc biệt trên quả đồi lộng gió này.

Khách giống cơn lốc đang di chuyển từ từ về phía tôi. Tôi vung quạt về phía cơn lốc, cơn lốc tách ra thành tấm thảm bay về rừng. Khách chào tôi, tôi cười thân thiện. Tôi bảo nhìn khách rất quen nhưng tôi không nhớ đã gặp ở đâu. Khách bảo là lần đầu chúng tôi gặp nhau. Tôi mang bình rượu quý ra mời khách, bảo:

– Rượu Ba Ngàn ngấm lắm, ngấm tới từng khúc ruột.

Khách bưng bát rượu, tay run run. Uống xong khách bảo:

– Cũng không khó uống lắm, uống xong rồi thì bừng gan ruột.

Tôi chú ý tới bàn tay của khách, tôi cũng có cái bàn tay to bè ấy nhưng giờ nó nhăn nheo và sần sùi. Khách uống xong bát rượu thì mở va li, bảo là có món quà muốn gửi lại tôi. Tôi nhận ra vật bên trong. Tôi nhìn khách cùng những câu hỏi trong đầu. Khách bảo:

– Một người bạn của bác nhờ cháu mang gửi lại. Cô ấy nhờ cháu lâu rồi nhưng giờ cháu mới có dịp, giờ mới tìm thấy bác.

Tôi mỉm cười với khách rồi tự rót cho mình bát rượu và uống. Rượu ngấm vào cơ thể già nua, tôi hỏi:

– Cô ấy giờ vẫn khỏe chứ?

– Cô ấy mất lâu rồi, từ khi cháu còn nhỏ, rất nhỏ cơ. Nhỏ tới mức, cháu không nhớ nổi gương mặt của cô ấy nữa.

Khách nói nhanh như đang cố trút bỏ điều gì đó trong mình, rồi những lời ấy chậm dần, chậm dần. Tôi bị sốc, cố gắng ngồi cho vững. Khách nói thêm:

– Mảnh đất này thật đẹp, cô ấy từng sống ở đây sao?

– Phải, chúng tôi lên đây xây dựng kinh tế mới và coi nó là nhà, là quê hương của mình.

– Những con người được sống trên mảnh đất này họ thật may mắn, may mắn vì những

người đầu tiên khai hoang nó mang trong mình tình yêu mãnh liệt với nó.

Khách nhìn quanh núi đồi, nhìn dòng sông và cánh đồng, nói tiếp:

– Còn một đứa trẻ hay một người đàn ông, liệu anh ta có hạnh phúc không khi không thể biết mình có được sinh ra từ tình yêu thương?

Tôi cũng không biết nữa. Câu nói của khách làm tôi cảm thấy đau ở ngực. Tôi kể cho khách nghe câu chuyện về vật trong chiếc vali. Tôi chỉ biết là mình cần kể và tôi kể một cách từ tốn.

*

Ba Ngàn trước là thung lũng của hổ và thổ phỉ, chúng tôi là những người đầu tiên lên khai hoang ở đất này. Ngày ấy hổ nhiều lắm, có đêm hổ vào nông trường vồ bò rồi vào bản bắt chó, lợn của dân. Có lần hổ cắn chết hơn chục con bò của nông trường. Chúng cắn chết rồi để đấy, không ăn cũng không tha vào rừng. Chúng tức giận chuyện gì đó. Chúng tôi làm chòi canh hổ, mỗi chòi ba người có hổ thì nổ súng xua đi.

Đêm ấy tới phiên tôi gác. Đứng trên chòi nhìn thấy rõ cánh đồng dưới trăng, nông trường đang ngủ yên và phía xa là dãy núi mờ. Tôi yêu những phút giây bình yên ấy, yêu đồi núi và những cánh đồng mà chúng tôi đang khai phá. Niềm tin vào tương lai trên vùng đất này. Niềm tin rằng thế hệ con cháu chúng tôi sẽ có một cuộc sống tốt đẹp không còn nghèo đói hay chiến tranh. Bỗng có tiếng loạt xoạt bên dưới, hình như là hổ. Tôi chĩa súng xuống, anh bạn tôi thì chiếu đèn pin. Có tiếng hét bên dưới:

“Đừng bắn, đừng bắn!” “Ai, bước ra ngay!”

Chúng tôi quát. Một cô gái bước ra, quần áo cô sẫm màu lẫn trong đêm nhưng khuôn mặt thì sáng. Cô cười tươi tắn bảo:

“Em bị lạc!”

“Người ở đâu? Không sợ hổ sao mà giờ này còn lang thang trong rừng”.

“Em ở đội ba, chiều nay em đi lấy củi trong rừng thì bị lạc. Giờ em đang tìm đường về”.

“Đội ba ở trên kia cơ mà có ở đằng này đâu. Mà sao lại lạc?”

“Dạ mải chơi quên đường về”. “Thế củi đâu?”

“Vứt đi hết rồi!”

Cô gái trả lời hồn nhiên như không rồi cô nhìn quanh nói:

“Các anh trông chừng em chút, em sợ cả buổi giờ mới nhớ ra việc gấp”.

Cô chui vào đám cỏ tranh rồi ngồi sụp xuống. Chúng tôi cười, quay mặt đi nhưng đèn pin thì vẫn chiếu. Tôi bảo:

“Người đâu mà vô tư tới sợ”.

“Gái nông trường mà, biết sợ ai đâu”. Anh bạn tôi nói thêm:

“Tớ giao nhiệm vụ cho cậu đưa cô ấy về. Phải hoàn thành một cách nghiêm túc đấy nhá!”

“Ơ sao lại là em?”

“Cậu chưa vợ, thêm cái tội khen cô ấy xinh. Nhanh, nhiệm vụ đấy”.

“Dưới đó có hổ”.

“Con gái nhà người ta còn không sợ, cậu sợ cái gì”.

Tôi đu thang xuống. Cô ấy thấy tôi thì cười bảo là về một mình được. Tôi bảo là nhiệm vụ được giao, không đi không được. Tôi đi trước, cô ấy theo sau.

Trăng hôm ấy soi sáng hai chúng tôi và núi rừng. Chiếc đèn pin nhỏ rọi trên đường chỉ gọi là cho có. Tôi bảo giờ gặp hổ cô có sợ không. Cô bảo hổ không vồ người đâu nhưng hổ thì ai chẳng sợ.

“Miền xuôi không có hổ, em chỉ mong một ngày được sờ lưng hổ nhưng phải hổ sống cơ”.

Tôi nói đùa bảo:

“Phải cưỡi hổ như cưỡi trâu mới thích chứ”.

“Ừ nhỉ”.

Với cái giọng hào hứng ấy, nếu bắt được hổ chắc cô cũng cưỡi luôn. Tôi bảo chỉ mong hổ bỏ thung lũng chạy lên những dãy núi kia để đêm mọi người được ngủ ngon. Chúng tôi im lặng đi bên nhau. Cánh đồng và núi rừng mênh mông, trời man mát gió. Cô bảo:

“Em nhận ra anh, em nhớ là anh có một chiếc cuốc rất tốt. Hôm nào anh cho bên đội em mượn nhá, bên em có mấy khu đất khó cuốc”.

“Sao em biết?”

“Bên em ai cũng biết. Nó màu đỏ, to đùng mà. Mọi người bảo là mảnh bom của Pháp còn sót, anh mang rèn thành cuốc”,

“Tôi tìm được nó trên đồng trong đêm mưa bão. Cục sắt đỏ rực như lửa ấy từ trên trời rơi xuống đấy. Tôi mất cả tháng mới rèn cục sắt ấy thành chiếc cuốc”.

Cô bảo không tin chuyện tôi kể rồi ngân nga hát. Một bài hát dân ca. Tôi nhớ là cô ấy có tham gia đội văn nghệ của nông trường. Tiếng hát thiết tha, dịu dàng lan xa trên đồng. Cơn gió mát lành, thung lũng hoang vu, mọi vật sáng bừng dưới trăng. Rồi tiếng hát ngưng, tôi và cô gái đứng sững. Con hổ đứng trên mỏm đá, nó đang nghe hát và nhìn lên những dãy núi xa. Nó oai phong nhưng cô độc và buồn. Nó nhìn chúng tôi, đôi mắt của nó màu đỏ, cơ thể dưới trăng như những dãy núi cuồn cuộn. Chúng tôi đứng im nín thở. Hổ bỏ đi.

Ngày hôm sau tôi làm chiếc lồng sắt to để bắt hổ. Ai cũng bảo tôi ngờ nghệch, hổ khôn không dại gì chui đầu vào lồng. Tôi mang lồng ra ven rừng bên trong đặt con lợn còi. Hổ chui vào lồng thật, sáng hôm sau cả nông trường đến xem hổ. Tối hôm ấy cô sang xem, cô bảo nó là con hổ hôm chúng tôi gặp trong rừng. Đầu ngẩng cao, mắt nó lơ đãng

nhìn về phía rừng. Nó vẫn oai phong dù nằm trong lồng. Cô ấy lại gần, qua khe hở cô thận trọng sờ tay vào lưng hổ, người nó rung lên. Cô ngồi xuống bên tôi và hát khe khẽ, hát cho tôi và chú hổ nghe. Những câu hát giao duyên và cả những bài dân ca của miền đồng bằng. Những câu hát của cô làm tôi nhớ nhà, nhớ quê. Còn con hổ kia thì nhớ rừng.

Đêm ấy không biết ai đó đã mở chốt, sáng hôm sau không thấy hổ trong lồng. Mọi nghi ngờ của tôi đổ dồn về phía cô ấy. Tôi sang bên đội cô ấy chơi, hỏi dò. Cô ấy bảo tôi cho đội ba mượn cuốc mấy hôm cô ấy mới nhận. Mà nhận thì sao, bắt đền à, đổi người thay hổ nhá. Tôi bảo đổi nhá. Cô ấy ậm ừ, cười. Sau đợt ấy tôi sang đội ba chơi nhiều hơn cũng cùng cô ấy đi chơi nhiều hơn.

*

Một đêm giông bão, trời đất tối rầm. Tôi nghe tiếng hổ gầm lẫn trong tiếng sấm. Cửa lách cách tiếng gõ, là tiếng gõ của người chứ không phải tiếng hổ cạo vách. Nhưng ai lại lên đồi vào giờ này, tôi mở cửa. Cô ấy đứng trước tôi ướt sũng, người co lại vì lạnh. Mưa rạt rừng, chớp sáng rực trời. Cô bước vào nhà, ngồi xuống ghế. Tôi không đốt lửa trong nhà vì có đàn vo vo trú mưa. Tôi mang quần áo của tôi cho cô ấy mặc. Thay quần áo xong cô ấy ngồi tựa đầu vào vai tôi. Tôi ôm nhẹ lấy vai cô ấy. Bên ngoài, lá cây lâu ngày thiếu nước rung lên theo mưa nặng hạt. Vết nứt trên mặt đất như vỡ ra bởi dòng nước mưa đầu mùa. Trong ngôi nhà nhỏ tôi và cô ấy bên nhau, hàng ngàn con vo vo đậu trên mái nhà rực sáng như bầu trời sao.

Vài tuần sau tôi cùng đồng đội tham gia tiễu phỉ trên núi. Chủ yếu vẫn là làm dân vận nhưng vẫn cần chiến đấu. Rồi tôi bị thương phải ở lại một bản người Mông trên núi. Vài tháng sau tôi trở về nông trường thì mọi người bảo cô ấy về quê vì ở nhà có việc gấp.

Tôi cứ đợi cô ấy, đợi mãi thôi. Cánh đồng Ba Ngàn từ ngày ấy vắng đi tiếng hát của cô ấy. Hổ cũng không xuống nông trường hay vào bản nữa, chúng đi sâu vào trong những cánh rừng.

*

Khách đứng dậy, ngắm rừng cây.

– Sao ông không đi tìm cô ấy.

– Ngày ấy chiến tranh, loạn lạc, đi lại khó khăn.

– Đó không phải là lý do cũng không nên có lý do nào cả.

Phải, không có lý do nào cả. Khách được quyền chất vấn tôi, ai cũng có quyền. Những ngày tháng sau đó tôi có thể bỏ lại tất cả ở nơi đây để đi tìm cô ấy nhưng tôi chọn ở lại. Khách nói, vẫn không nhìn tôi:

– Tôi muốn mua quả đồi này.

– Đất dưới khu chợ Ba Ngàn có giá hơn.

– Không, chỉ quả đồi này thôi.

– Tôi không bán nó.

– Một ngày, tôi sẽ mua được nó.

– Tùy anh, chắc khi ấy tôi đã chết.

Khách đẩy chiếc cuốc về phía tôi. Tôi nhận và đưa cho khách một bức ảnh nhỏ, đã cũ. Bức ảnh của cô ấy, bức duy nhất. Khách cầm bức ảnh trên tay, cứ nhìn, nhìn mãi. Khách không nhìn tôi, khách cố giấu đôi mắt của mình. Tôi cũng muốn giấu đôi mắt của mình đi.

Khách cúi chào chủ nhà, chủ nhà tiễn khách một đoạn. Chúng tôi đi bên nhau, im lặng. Tôi chờ đợi một điều gì đấy trên đoạn đường ngắn ngủi ấy, nhưng nó không xảy ra. Tôi đứng lại, khách vẫn bước tiếp. Tôi đứng ngắm khách, tôi nhận ra những bước đi ấy, nó vững vàng và chậm rãi giống tôi của một thời. Tôi biết sẽ là lần cuối tôi nhìn thấy khách. Khách đi xa dần và mất hút chỉ còn lại con đường với những chiếc lá vàng rơi.

HIẾU TRUNG LONG

>>> Xem thêm: Tạp chí Văn nghệ Lai Châu


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.