Văn hóa dân tộc với truyền thống và giá trị của nó như là “tấm căn cước” của dân tộc để hội nhập vào thế giới. Việc bảo tồn, phát huy, lưu truyền, giới thiệu, quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc chính là một trong các giá trị quan trọng của văn học dân tộc thiểu số đương đại, góp phần tạo nên hệ giá trị văn học – nghệ thuật dân tộc và hiện đại. Nói về tầm quan trọng của bản sắc dân tộc trong sáng tác của các nhà văn dân tộc thiểu số, nhà nghiên cứu Phong Lê nhấn mạnh: “Thiếu cái đó – bản sắc dân tộc – tức là chưa có gì đáng nói cả, tức là chưa có cái để phân biệt họ với các nhà văn thuộc các dân tộc khác”.
Bản sắc văn hóa dân tộc được thể hiện sinh động qua việc phản ánh các phong tục, tập quán, những sinh hoạt văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc.
Có thể nói, qua sáng tác của nhiều nhà văn về dân tộc và miền núi đương đại, bức tranh về văn hóa các dân tộc thiểu số được mở ra sinh động và chân thực. Trong bức tranh ấy, các lễ hội, phong tục, nghi lễ vòng đời: từ chào đón một em bé ra đời, đầy tháng, cấp sắc – trưởng thành, lấy vợ đến việc đưa tiễn một người về với tổ tiên được thể hiện rõ nét.
Xuân về trên bản Mông, sơn dầu – Phong Minh
Người ta thường nói, nhìn vào một cái chợ là biết cuộc sống sinh hoạt của vùng đất ấy. Ở đây, chợ phiên không chỉ cho biết đời sống vật chất mà còn thể hiện giá trị văn hóa, tinh thần đậm nét của người dân miền núi. Những phiên chợ tình – đặc trưng văn hóa của miền cao được miêu tả thú vị trong nhiều tác phẩm. Chợ tình Âu Lâm một năm chỉ họp một lần vào duy nhất một ngày: “Một năm một phiên chợ tình tìm đến nhau để ngồi thầm thì bao chuyện xưa và cả chuyện nay”; “Chợ ở đây không tranh mua tranh bán, không đuổi đánh nhau vì ghen hay thù oán. Đến đây mọi bực dọc đều đã khoả dưới song, mọi toan tính đều đã được cởi bỏ trên đường, chỉ đem đến đây con tim bồi hồi và những lời thầm thì ái ân tìm vào tai người xưa.” (Chợ tình – Cao Duy Sơn). Chợ hai bảy trong Tiếng đàn môi sau bờ rào đá – Đỗ Bích Thúy “Ai cũng biết mang rượu đi chợ hai bảy để người bán người mua uống cùng với nhau. Uống cho say rồi người mua không nhớ trả tiền cũng được mà nhớ nhưng trong túi chỉ còn vài đồng không đủ mua túi muối, mang ra trả cũng được… Ở chợ, mọi người ta hồ chơi, tha hồ uống rượu. Đàn ông quên dao, quên nỏ, đàn bà quên chảo cám, quên cái đũa cả, chẳng ai chê cười”. Chợ tình – nơi những người yêu cũ không lấy được nhau gặp lại nhau, nơi những đôi trai gái trẻ mặc áo váy sặc sỡ đến để tìm đôi.
Nghi lễ hôn nhân là văn hoá quan trọng trong cố kết cộng đồng, duy trì nòi giống. Qua các tác phẩm văn học, có những phong tục về cưới hỏi đa dạng của các dân tộc thiểu số. Dân tộc Mông có tục bắt vợ, người Thái đi ở rể: “Đúng mùa cây ban rụng hạt, Sừa giục bố mẹ nhờ ông mối đem một đôi rượu, một đôi gà đến xin phép bố mẹ Tươn làm lễ “Pay Khươi” để Sừa đến nằm ở Quản” (Hồn Piêu – Kiều Duy Khánh); người Tày để lấy được một cô dâu về cần sính lễ cho nhà gái “bao nhiêu gia sản dồn hết cho đám cưới ” (Đường quê – Nông Quang Khiêm)… Người miền núi vẫn còn nặng nề trọng nam khinh nữ: “Mỗi lần mẹ đẻ một chị gái là bố lại chém vào cột nhà một nhát, đến khi có Phù cây cột không bị chém nữa” (Bóng của cây sồi – Đỗ Bích Thúy)…
Những tín ngưỡng trong thờ cúng cũng được thể hiện sinh động trong nhiều tác phẩm: “Lễ cúng báo ma nhà về việc đi bắt vợ: “ma ông bà ăn con gà chưa biết đi trống, ma bố mẹ uống bát rượu ngô lấy lần đầu để nhận mặt đứa dâu mới… cho dâu mới nó bước vào cửa gỗ chính, sẽ sinh cho nhà họ Bàng đứa trai khỏe như cây gỗ Cò Chìa trên núi đá…” (Hoa Sàng Jàng – Kiều Duy Khánh). Các nghi thức ma chay cũng được phản ánh trong nhiều tác phẩm… Tất cả những câu chuyện về nghi lễ, tập tục, thậm chí cổ tục, hủ tục đều được đưa vào tác phẩm như là yếu tố tác động mạnh mẽ tới số phận, cuộc đời, tâm trạng của nhân vật. “Súa thương Vừ, đồng ý để Vừ bắt về. Đỡ cho Vừ một ít bạc trắng” vậy mà cũng không thành đôi; cô gái Dao xinh đẹp “Dưới chân núi Sủng Nhỉ” vì bị ép lấy chồng trẻ con để có những đồng bạc trắng trả món nợ cưới xin, tang ma của gia đình mà hóa điên (Nguyễn Trần Bé); “Nợ cưới vợ chồng chất thêm nợ đám ma ông nội, bà nội, nợ cưới hai anh trai rồi nợ ngân hàng mua nương thảo quả mất mùa” (Hồn xưa lưu lạc – Tống Ngọc Hân) khiến người đàn ông Mông đành cắn răng bán hết những vật dụng gia đình, cùng với đó là những kỉ vật, những giá trị tinh thần từ đời cha ông để lại. Hắn bán cây khèn đại – thứ quý nhất trong các nhạc cụ người Mông, cây khèn mà hồn hắn, hồn vợ con hắn, hồn ba đời nhà hắn đều trú ngụ êm ái, thân thiết trong ấy. Nhiều nhà văn bằng ngòi bút, đã lên án gay gắt những hủ tục, mê tín dị đoan: “Thầy cúng về cúng đất mới. Cúng một trâu, nước vẫn chưa về khe. Cúng hai trâu, trẻ con vẫn ốm, khóc ngằn ngặt. Cúng mãi đất mới vẫn chưa thành đất quen. Cúng mãi chưa hết mộng mị. Cúng mãi người vẫn chưa về. Cúng hết lợn, hết gạo, hết rượu rồi. Điện vẫn chưa thấy” (Núi vỡ – Tống Ngọc Hân). Tuy nhiên, dù có viết những những nghèo khó quẩn quanh, về những hủ tục lạc hậu nhưng những trang viết vẫn lấp lánh niềm hi vọng về cuộc sống tốt đẹp, về vẻ đẹp của thiên nhiên và con người miền núi.
*
Lễ hội là nơi thể hiện đặc sắc văn hóa dân tộc.
Các lễ hội như Gầu Tào chơi núi đầu xuân, hội Lồng tồng, hội Tung còn, hội giã cốm, đêm Hạn Khuống, những điệu múa, bài hát then, hát sli, hát lượn, những trò chơi dân gian, ném còn, ném pao… xuất hiện trong nhiều tác phẩm, là cái nền cho sự kiện cốt truyện, là không gian nghệ thuật để nhân vật xuất hiện. Có thể nói, tất cả những nét riêng trong bản sắc văn hóa dân tộc đều được đề cập đến trong văn xuôi của các nhà văn dân tộc thiểu số ở những mức độ khác nhau. Các lễ hội mùa xuân hoặc các lễ hội gắn với tín ngưỡng nào đó là những sinh hoạt văn hóa, tinh thần của đồng bào, thể hiện rõ bản sắc văn hóa dân tộc. Nhiều tác phẩm qua việc làm dậy lên âm thanh, sắc màu, không khí cuộc sống sinh hoạt, lao động, văn hóa, con người của núi rừng dường như là tấm thổ cẩm hứng dệt được căn cước văn hóa, cá tính, vô thức tập thể đặc trưng của tộc người.
Đối với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, bằng tình yêu tha thiết, các nhà văn dân tộc thiểu số luôn thể hiện niềm tự hào, trân trọng, ngợi ca các phong tục tập quán đẹp, bên cạnh sự lên tiếng về việc thay đổi, xóa bỏ những hủ tục không còn phù hợp, tác động tiêu cực đến thân phận, khát vọng tự do, hạnh phúc của con người. Cùng với đó, nhiều tác phẩm còn là tiếng nói đau đớn, xót xa và suy tư trăn trở trước dự cảm âu lo về sự suy tàn, mai một, mong manh của các giá trị văn hóa truyền thống trước sức tấn công của đời sống hiện đại.
Có một thực tế, khi bị tác động của nền kinh tế thị trường, giao lưu, tiếp biến văn hóa, mai một văn hóa truyền thống thì văn học cũng thể hiện những biểu hiện đó: từ hình thức như giới trẻ không còn thích mặc trang phục dân tộc, thay vào đó là quần bò áo phông (Núi vỡ – Tống Ngọc Hân), không còn thích nghề truyền thống (Rọ tôm – Nông Quang Khiêm)… đến những biến đổi về “chất” người như: không hiếu kính với người lớn tuổi trong gia đình (Lửa khóc lửa cười – Tống Ngọc Hân), những cô gái dân tộc xinh đẹp như hoa của núi rừng mà thành cô gái hành nghề mát xa, bán hoa (Ra phố – Du An, Ngõ trăng – Tống Ngọc Hân…); tình thầy – trò bị giải thiêng khi những cô học trò dân tộc xinh đẹp mỗi tối bị gọi lên phòng riêng của thầy giáo (Lứa không về – Du An)… Có những người đàn ông đáng tuổi ông như ông Tham hiếp dâm rồi giết chết một đứa cháu gái nhỏ trong xóm nghèo (Đá đắng – Phạm Thị Thuý Quỳnh); những người phụ nữ dân tộc có thể trở thành nạn nhân của buôn bán người (Dẻ trong Bông dẻ đẫm sương – Chu Thị Minh Huệ, Sênh trong Núi vỡ – Tống Ngọc Hân, Hoa trong Hoa bay – Chu Thanh Hương, Pà trong Đường về Sai Chản – Phan Đức Lộc)… Quả thực, nền kinh tế thị trường, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã có tác động rất lớn đến đời sống : “Cái thủy điện vẫn chưa cho điện mà đã lấy đi của San Hồ quá nhiều thứ. Lấy đi cái nết na chăm chỉ, chịu thương chịu khó của con gái San Hồ. Lấy đi cái ấm áp trong tình chồng nghĩa vợ. Những thứ ấy, không ai nhìn thấy” (Núi vỡ – Tống Ngọc Hân).
Trước sự tác động của nhịp sống hiện đại, các nhà văn có ý niệm về sự bảo toàn văn hóa truyền thống dân tộc. Chẳng hạn, Tống Ngọc Hân qua Hồn xưa lưu lạc thể hiện một nỗi niềm xót xa khi văn hóa truyền thống bị mất đi, bị cưỡng bức của văn hóa bên ngoài. Do đói nghèo, người đàn ông Mông phải bán tất cả những thứ đồ dùng cũ kĩ, cả những kỉ vật tình yêu, những báu vật, linh vật có từ thời cụ kị (như chiếc khèn), những “hồn xưa” sắc tộc cho những “bảo tàng” nơi miền xuôi, đến tận America, tận đẩu đâu nữa. Mất đi không gian sinh tồn, người dân “như con bù nhìn sau vụ gặt, chơ vơ trên thang ruộng”. Những nhân vật như ông Dừn, Lang bà trong Sình ca (Tống Ngọc Hân), ông già Sẩm Ky trong Đàn trời (Cao Duy Sơn)… là những đại diện cho con người luôn truyền giữ văn hóa đặc sắc của vùng miền. Sình ca chính là văn hóa phi vật thể, là “những câu hát đối đáp giao duyên, như kiểu ông bà cụ kỵ nhà ta ngày xưa hát xoan, hát ghẹo”. Ông Dừn và Lang bà đã sẵn sàng vượt qua khó khăn, định kiến, sự nghiệt ngã của tật bệnh để bảo vệ, gìn giữ, chứng minh giá trị và sức ảnh hưởng của sình ca. Lão mù Sẩm Ky thổi sáo lưu giữ ký ức cũ kỹ và xa xưa, mang trong mình mạch nguồn văn hóa vùng miền, như lớp trầm tích vọng về từ quá khứ đang được nối dài ở hiện tại, vang vọng tới tương lai. Trân trọng, giữ gìn văn hóa ấy cũng chính là cuộc trở về cội nguồn.
Nói chung, các tác phẩm ở mức độ khác nhau đã giúp lưu giữ, bảo tồn, ngợi ca văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời cũng lên tiếng về việc đẩy lùi, xóa bỏ những hủ tục. Văn học còn giúp truyền thông văn hóa đến với cộng đồng độc giả ở vùng miền khác, quốc gia khác; khơi gợi sự hấp dẫn bản sắc văn hóa, kích thích trí tò mò, khám phá du lịch của cộng đồng.
*
Bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số thể hiện ở không gian sinh tồn, thói quen sinh hoạt của các tộc người.
Các tác phẩm văn xuôi dân tộc miền núi đương đại khắc hoạ khá rõ nét bức tranh thiên nhiên miền núi: vừa hùng vĩ, vừa nên thơ, hữu tình, lãng mạn, nhưng cũng có những khắc nghiệt rất riêng, lạ so với các vùng miền khác. Trong không gian sinh tồn ấy, cuộc sống của người vùng cao hiện lên đầy sinh động: cuộc sống lao động thường ngày với những công việc đồi nương, nhuộm vải, trồng lanh, se sợi, vẽ sáp trên thổ cẩm, thêu thùa, khâu vá, xay ngô, nấu rượu ngô, ăn mèn mén, tắm suối, gội đầu nước gạo: “Mái tóc dài và đen nhỏng nhảnh thơm mùi nước gạo ngâm luôn buông dài… Tươn đội lên mái tóc vẫn “tằng cẩu” nhánh đen. Búi tóc có cái trâm bạc Sừa tặng ngày cưới vẫn còn sáng trắng như mảnh trăng liềm” (Hồn Piêu – Kiều Duy Khánh)…; những căn nhà đất, nhà gỗ, những căn bếp tối, những ô cửa sổ nhỏ từ căn buồng ngủ… Ở ngoài kia, những vạt cải, những cánh đồng hoa tam giác mạch, những cành đào, cành mận, mơ, lê, táo mèo… nở trắng xóa khi mùa xuân đến; đồi núi trập trùng, những con đường quanh co, vực sâu, sương và mây mù bao phủ; những chiếc váy sặc sỡ phơi trên bờ rào đá… Không hiếm gặp một vùng thiên nhiên, không gian sống của người miền núi trong nhiều tác phẩm, như: “Sông Dâng lấp lóa chở cả bầu trời mây bạc như một dòng thiếc”, “phía ấy mặt trời đang lên, từng thửa ruộng bậc thang như vòng tay chồng lên nhau lớp lớp” (Đàn trời – Cao Duy Sơn); Những chân ruộng bậc thang xinh xắn, những nương ngô thoai thoải sườn non, con trâu nghiêng nghiêng cùng người xiết mũi cày liếm vào chân đá… Có tiếng cối nước giã gạo thậm thịch đều đều êm ả, hội cát chăm ngày xuân rộn rã tiếng cười. Tiếng vó ngựa thanh bình dạo trên đường núi loà xòa mây trắng (Lắng lòng quê thương – Hà Phong)… Lối sống hòa hợp với tự nhiên là truyền thống ứng xử lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số. Cũng không quá khi nói, những đoạn văn miêu tả quang cảnh thiên nhiên tạo nên nét hấp dẫn, mới lạ của mảng đề tài văn xuôi dân tộc và miền núi.
*
Bản sắc văn hóa còn thể hiện ở nhiều yếu tố như những giai điệu dân tộc, những hoạ tiết, trang phục dân tộc, kiến trúc nhà ở, ẩm thực, y học cổ truyền…
Các tác giả dân tộc thiểu số cũng thể hiện đời sống ẩm thực thường ngày của dân tộc mình trong nhiều tác phẩm: như người Mông thường có món mèn mén làm từ ngô, nấu và uống rượu ngô, ăn thắng cố, ăn phở chợ phiên; người Thái thích đồ nướng, thịt treo gác bếp, những người phụ nữ dân tộc thường khéo tay làm nhiều loại bánh… Ta thấy một niềm tự hào về văn hoá ẩm thực dân tộc mình. Chẳng hạn: nhân được trộn gia vị của rừng là thảo quả chứ không phải hạt tiêu, còn hạt gạo thì đã được nhuộm đen nhánh bởi bột than của cây núc nác (chứ không phải bằng gạo cẩm, hay nhuộm gạo bằng tro rơm) (Cổ tích bánh chưng đen – Hà Phong). Đến cả không gian ẩm thực cũng rất đặc trưng Tây Bắc: ra ngồi ngoài “hạn khuống” để vừa ăn vừa ngắm nhìn trời đất bao la. Rồi uống lẩu kép dưới trăng, cùng nhau chuyện trò râm ran, rồi hát… Có cả một trầm tích văn hoá ẩn chứa dưới những hương vị đơn sơ – những nguyên liệu đều của mảnh đất ấy, phù sa ấy, núi đồi ấy.
Âm nhạc dân tộc cũng là một yếu tố văn hóa xuất hiện nhiều trong các tác phẩm văn xuôi dân tộc miền núi đương đại. Những nhạc cụ, những chàng trai thổi sáo, thổi khèn hay… là những hình ảnh khá quen thuộc: Vừ trong Lặng yên dưới vực sâu – Đỗ Bích Thúy thổi sáo – những giai điệu hạnh phúc khi bên Súa, day dứt, buồn thương khi không lấy được người mình yêu; những điệu khèn hoang sơ, chơi vơi của núi rừng; những tiếng sáo, tiếng kèn lá, tiếng đàn môi gọi bạn tình suốt đêm… gợi về một vùng cao xa lãng mạn với văn hóa giao duyên rất đặc trưng. Chử trong Tiếng đàn môi sau bờ rào đá – Đỗ Bích Thuý xuất hiện với cây đàn môi và âm thanh du dương. Âm điệu réo rắt của tiếng đàn môi khiến tâm hồn của cô gái mới lớn là May xao động, khiến mẹ già với nỗi hoài niệm về tuổi thanh xuân bị mất mát bừng lên khát khao hạnh phúc riêng tư… Sừa trong Hồn Piêu của Kiều Duy Khánh đêm nào “cũng mặc bộ quần áo đẹp nhất, đem cái khèn bè đến dưới cầu thang nhà Tươn thổi. Tiếng khèn như có lửa khiến đôi má Tươn đã đỏ càng thêm ửng hồng…”. Dường như, có một người nghệ sĩ trong mỗi chàng trai miền núi khi họ đều biết sử dụng nhạc cụ dân tộc, lấy đó để gửi đi tâm tư của mình.
Những làn điệu dân ca cũng được thêm vào, vừa góp phần thể hiện không gian nghệ thuật, vừa bộc lộ tâm lí nhân vật trong ngữ cảnh cụ thể. Nhân vật Xí trong Lặng yên dưới vực sâu – Đỗ Bích Thúy hát “Ngày trước bố mẹ ăn gì sinh ra anh/ Để em ngắm nhìn đôi má anh/ Lúc nào cũng tươi tắn…” cũng là lúc con tim biết yêu. Kía hát: Mây nắng bảo anh đi, mây mưa bảo a về… Anh buông tay em, tay như rụng khi nhớ thương Dí mà không lấy được nhau (Con dê bốn mắt – Đỗ Bích Thúy). Nông Quang Khiêm ghém vào Nẻo về một làn điệu “iếu” của người Tày khi cô gái bị ép duyên: Bao giờ nai lìa rừng mới bỏ/ Lúc nào trâu lìa cỏ mới thôi/ Đổ nước cho đầy sọt mới lìa/ Đổ nước cho đầy vợt hẵng xa… Là câu dân ca Mông mở đầu tiểu thuyết Chúa đất của Đỗ Bích Thúy: Mưa ngâu thấm lên cây/ Gầu Mông trầm ngâm làm con dâu đường xa…, để thấy những số phận bi kịch bên những cột đá treo người… Những câu hát như gửi gắm cả tâm sự của nhân vật. Âm nhạc truyền thống của dân tộc thật sự là văn hóa, là nơi gửi gắm tâm tư, tình cảm của con người. Và văn học đều nhận diện điều đó.
Trang phục truyền thống dân tộc cũng là một nét đẹp văn hóa tiềm ẩn, độc đáo được thể hiện trong các tác phẩm văn học. Những cô gái Thái làm khăn piêu, chăn đệm trước khi lấy chồng; Những cô gái Mông thêu váy áo đẹp đi chợ phiên. Phụ nữ Mông hay cuốn xà cạp nơi bắp chân, chiếc váy thổ cẩm có thể cầu kì hay đơn giản nhưng luôn có cái thắt lưng. Tất cả những chi tiết đó đều đi vào văn học: Bà Kia cũng đã chuẩn bị bộ váy áo đẹp dệt từ cây lanh đầu vụ. Dâu ngoan mặc bộ váy truyền thống này để ma nhà ưng nhận mặt, để từ nay biết se sợi lanh không bị đứt, ăn bát mèn mén biết thấy vị ngon” (Hoa Sàng Jàng – Kiều Duy Khánh); “Piêu đầu tiên là cái piêu để mọi người biết cái khéo của mày đấy con gái à. Nó là cái khăn linh thiêng nhất, là “Mặc Piêu” (khăn yêu) vì nó giữ cái hồn của người con gái đã làm ra nó” (Hồn Piêu – Kiều Duy Khánh)…
Trang phục không chỉ là vật chứng của giá trị tinh thần, giá trị văn hóa vật chất truyền thống mà còn giúp thể hiện phẩm chất nhân vật, tình cảm giữa con người với nhau. Chiếc thắt lưng thêu trong (Ðợi mùa nắng ấm – Tống Ngọc Hân) vốn là vật quý của người phụ nữ dân tộc Mông. Nhưng vì cần tiền mua thuốc cho mẹ chồng mà Dâu bán đi; nhưng rồi người mẹ chồng đã lẳng lặng bán mớ ngô giống dành cho mùa sau để chuộc lại chiếc thắt lưng thêu ấy lại cho con dâu mình. Trong Chợ tình, đôi giày vải là kỉ vật tình yêu giữa Sinh và Ếm. Đôi giày do mú Ếm đã khâu tặng gần sáu mươi năm về trước. Đôi giày ấy lão đã đem theo bên mình “bằng cả mười lăm đời ngựa”. Đôi giày được lão Sinh hết sức nâng niu, giữ gìn như giữ gìn tình cảm sâu nặng với người con gái yêu mà không lấy được nhau. Lão luôn để đôi giày trong ngực áo, khi “vuốt nhẹ từng đường chỉ khâu, lão cảm giác như đang vuốt lên các ngón tay thon mềm mại của Ếm”, “giày này tay em khâu, anh chỉ đi cho một mình em nhìn thấy” (Chợ tình – Cao Duy Sơn). Hình ảnh đôi giày, câu chuyện về đôi giày vải giúp thể hiện tính cách thủy chung, nghĩa tình của người miền núi.
*
Bản sắc văn hóa thể hiện ở vẻ đẹp phẩm chất con người miền núi.
Người miền núi thuần hậu, chất phác, mộc mạc, thẳng thắn, hồn nhiên như đất trời, như cây cỏ. Họ sống nghĩa tình, cao thượng, chung thủy trước sau như một. Những điều này đều được thể hiện qua cá tính, phẩm chất, vẻ đẹp tâm hồn của nhiều nhân vật trong các tiểu thuyết, truyện ngắn. Con người là nhân tố cốt lõi của văn hóa. Xây dựng hình tượng con người miền núi với cảm hứng trân trọng, ngợi ca cũng là một cách thể hiện niềm tự hào về đất và người, bản sắc văn hóa dân tộc.
Pa Mạc và mú Sắn Pì trong Đàn trời – Cao Duy Sơn là những hình tượng tiêu biểu cho con người miền núi, chất phác, mộc mạc, trong lành như nước suối đầu nguồn. Họ là hiện thân của bản mường, cộng đồng, là đại diện cho lòng nhân ái và sự bao dung. Pa Mạc hiền lành, chất phác, trung thực và nhân hậu, kiệm lời nhưng rắn rỏi, không bao giờ thất hứa với ai khi nhận lời, không bao giờ làm phiền ai. Pa Mạc dạy đứa con nuôi là Thức thành người ngay thẳng, chân thành và cứng cỏi. Mú Sắn Pì, người đàn bà cao lớn, xấu xí, kỳ dị lại là người yêu thương, bao bọc và bảo vệ đứa trẻ không phải con mình đẻ ra – là Thức còn hơn cả tính mạng của bản thân. Cũng như người đàn bà xấu xí trong Đường mưa – Tống Ngọc Hân, sẵn sàng chấp nhận đứa con riêng của chồng. Ngay cả khi phát hiện ra đứa bé bị hở hàm ếch ấy không phải con của chồng thì chị cũng dang tay đón nhận. Cũng như mẹ già Mao trong Tiếng đàn môi sau bờ rào đá – Đỗ Bích Thúy dành cả tuổi thanh xuân để nuôi hai con riêng của chồng khôn lớn bằng tất cả tình yêu thương. Thầy Hạc trong Ngôi nhà xưa bên suối – Cao Duy Sơn là hiện thân của sự hi sinh, tấm lòng cao cả ẩn mình dưới một thân hình bé nhỏ và thân phận đáng thương.
Người miền núi yêu ghét rạch ròi. Đã yêu thì nghĩa tình, chung thủy, cả đời không quên. Nhiều mối tình minh chứng cho điều đó. Trong đó, chuyện tình giữa Sinh và Ếm (Chợ tình – Cao Duy Sơn) là một câu chuyện cảm động và cũng tiêu biểu cho phẩm chất này của người dân tộc vùng cao. Sinh và Ếm như nhiều đôi trai gái khác, yêu nhau không lấy được nhau. Đến tuổi xế chiều, sau khi con cái trưởng thành, họ mới trở lại chợ tình tìm gặp nhau. Họ đến bên nhau không phải để hưởng thụ vật chất, cũng không phải để thỏa mãn bản năng, họ không tham lam, đòi hỏi mà chỉ để chia sẻ với nhau, được ăn với nhau bữa cơm đạm bạc rồi về. Lão Sinh và Ếm vốn là những người dân miền núi chân chất, lam lũ nhưng bên trong những chiếc áo chàm bình dị ấy là tâm hồn thật khoẻ khoắn và giàu có, là trái tim nhân hậu và ấm áp vô cùng. Họ sống và yêu mộc mạc nhưng nghĩa tình, chung thuỷ; giản dị nhưng nồng nàn, sâu sắc vô bờ bến.
Người miền núi còn mang trong mình tố chất của sức mạnh đại ngàn. Họ dũng cảm, giàu khả năng chịu đựng, hồi sinh, tái sinh như “khóm ngải tàn khóm ngải lại lên xanh”. Ở họ có một tình yêu thiết tha không bao giờ vơi cạn đối với con người và cuộc sống, có niềm tin bất diệt vào ngày mai tươi sáng. Nhờ sự nâng đỡ của niềm tin ấy, con người có thể chấp nhận những cay đắng tủi hờn của số phận, lặng lẽ sống trong u ám sương mù để đợi ngày mai tươi sáng. Có thể xem các tác phẩm văn xuôi dân tộc thiểu số là những bài ca ca ngợi sức sống tiềm tàng của con người miền núi.
Tóm lại, con người và đời sống ở miền núi đều được các nhà văn đưa vào tác phẩm của mình qua những câu chuyện, hình ảnh tiêu biểu giàu tính chân thật, như đời sống vốn vậy. Người đọc, qua tác phẩm có thêm những hiểu biết về nhiều phương diện của đời sống tộc người, đồng thời cảm nhận tình yêu thiết tha của các nhà văn khi viết về những vẻ đẹp văn hóa truyền thống.
Có thể nói, những phong tục tập quán, những hội hè đình đám, những lối ăn lối mặc… đúng là nó mang vác hồn vía, tính cách, thói quen, tâm lí… dân tộc nhưng không phải là cái duy nhất. Tất nhiên, những yếu tố văn hóa mang tính bản sắc, dễ nhận diện thì được chú trọng miêu tả hơn. Tuy nhiên, văn hóa dường như nằm trong mọi yếu tố của đời sống. Bản sắc văn hóa, về bản chất không hoặc ít thay đổi nhưng không phải là một cái gì cố định, bất biến, mà có sự tái cấu trúc liên tục về chất liệu. Văn hóa không phải là cái thuộc về quá khứ. Văn hóa luôn thuộc về thì hiện tại, nó luôn đồng hành với con người, luôn luôn. Văn hóa ăn sâu vào tiềm thức, vô thức của nhà văn qua không gian và thời gian mà họ tồn tại. Và khi nhà văn giải phóng con người cá nhân của mình, dù ở mảng đề tài gì, thì nó vẫn hàm chứa văn hóa. Nói như Cao Duy Sơn “Cái hay nhất vẫn là cái mình chưa viết ra được”. Bởi bản sắc văn hóa vừa là cái được bộc lộ – cái đặc trưng nổi trội, dễ nhận ra, lại vừa như “mã gen” được ẩn giấu, chỉ có thể nhận diện khi được nghiên cứu rất sâu.
*
Văn học là nghệ thuật ngôn từ. Chính qua ngôn ngữ, văn hóa được thể hiện. Có thể thấy, ngôn ngữ và giọng điệu văn chương của nhiều nhà văn đã rất thành công khi mang đặc trưng “người vùng mình”. Nhà văn có thể không sử dụng tiếng mẹ đẻ để sáng tác, nhưng cách tư duy, biểu đạt thì bằng lối nghĩ, lối viết của dân tộc, vận dụng những tinh hoa ngôn ngữ dân tộc mình. Nhà văn dân tộc thiểu số có thế mạnh trong khi khai thác “chất người miền núi” trong chính con người mình để thể hiện cội nguồn văn hóa. Do bản thân họ thấm đẫm hồn cốt, bản sắc của dân tộc mình mà tác giả người Kinh phải học hỏi, phải nhìn bằng con mắt khách quan. Giáo sư Phong Lê từng khẳng định rằng: “Không ai là người nói lên được tốt nhất thế giới tâm hồn và khát vọng của mỗi dân tộc bằng chính người viết của dân tộc mình… Chỉ có người viết dân tộc mới có khả năng làm ánh lên được những nét riêng trong cảnh sắc sinh hoạt, trong nét dáng tâm lý và ngôn ngữ con người dân tộc mà thôi”. Sẽ thật đáng quý nếu các nhà văn dân tộc thiểu số có thể sáng tác được song ngữ bằng cả tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt trong giữ gìn vẻ đẹp của ngôn ngữ dân tộc, của bản sắc văn hóa. Nhưng nhà văn dân tộc thiểu số cần vượt qua được giới hạn chủ quan để thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc ra cộng đồng quốc gia, khu vực, thế giới.
Khi cầm bút, bất kể nhà văn chân chính nào cũng tìm kiếm một cách thể hiện độc đáo, đổi mới phương thức trần thuật để tiệm cận đời sống theo ý tưởng sáng tạo của mình, nhằm tạo ra các tác phẩm có giá trị cả về nội dung và hình thức. Ngày nay, trong nghệ thuật thể hiện, những yếu tố hiện đại dần nổi trội hơn cho hợp với thị hiếu, thời đại và nội dung được phản ánh. Tuy nhiên, có vẻ như với mảng đề tài dân tộc, miền núi, dù nghệ thuật đã được đổi mới thì yếu tố truyền thống vẫn còn giữ vị thế ưu tiên. Nhiều nhà văn vẫn khá chung thủy với lối kể chuyện truyền thống trong kết cấu tác phẩm, điểm nhìn, lời văn trần thuật… mà vẫn tạo nên được những tác phẩm giá trị. Bởi dường như, những lối kể chuyện quá hiện đại, phương Tây hóa đi xa tầm đón nhận của người đọc, nhất là người đọc dân tộc thiếu số, nên khó tạo được sức hấp dẫn và phần nào làm mờ đi bản sắc dân tộc trong nghệ thuật thể hiện.
Một số tác phẩm mang lại ấn tượng như là “Những câu chuyện kể nghe như cổ tích” (Cao Duy Sơn) và hình ảnh những con người như bước ra từ cổ tích. Ngôn ngữ trong văn xuôi dân tộc thiểu số mang vẻ đẹp mộc mạc, giản dị, tự nhiên như cây cỏ. Họ định nghĩa tổ quốc thật gần gũi và đơn giản thế này: “Đây là nhà của chúng mình, là tổ quốc của mình. Tổ quốc được bắt đầu từ chân cầu thang tì dưới mặt đất bắc lên sàn nhà” (Đàn trời – Cao Duy Sơn). Do sống gần gũi với thiên nhiên nên người miền núi thường so sánh con người với thiên nhiên và cấp cho thiên nhiên những đặc tính của con người. So sánh thường có xu hướng cụ thể hóa cái trừu tượng theo lối tư duy trực giác. Chẳng hạn, “Seo Mây đẹp như con chim công, đẹp cả bộ lông lẫn tiếng hót” (Hoa mía – Bùi Thị Như Lan). Giọng lão Mạc trong Đàn trời – Cao Duy Sơn “như mạch nước ngầm trào ra từ lòng núi, đi qua những ghềnh đá, những vực cao, những rừng sâu đầy những bất trắc rình rập”…
Các nhà văn cũng thường kế thừa, tiếp thu tinh hoa của thơ ca cổ, truyện thơ cổ, những làn điệu, những bài hát dân ca, vận dụng những câu thành ngữ, tục ngữ, tiếng của dân tộc mình…, một cách sáng tạo, nhuần nhuyễn trong quá trình sáng tác. Những vẻ đẹp ngôn từ này cùng với tình yêu tha thiết với văn hóa quê hương, với dân tộc đã góp phần thể hiện bản sắc dân tộc. Từ đó bản sắc dân tộc lên hương lên nhạc, tạo được sự mới lạ và sức hấp dẫn riêng với người đọc.
Những tác phẩm văn xuôi vừa có những cách tân, đổi mới về nghệ thuật cho phù hợp với thời đại, lại vừa kế thừa được thành tựu của giai đoạn văn học trước, phát huy được vẻ đẹp của ngôn ngữ dân tộc là một yêu cầu, thách thức với các nhà văn đương đại.
Ngày nay, nhiều tác phẩm văn xuôi dân tộc và miền núi được chọn dịch và giới thiệu ra nước ngoài hoặc một số truyện tiếng Việt lại được đông đảo cộng đồng người Việt ở nước ngoài đón nhận. Điều này giúp mở rộng biên độ tiếp nhận và góp phần tạo nên sự giao lưu văn học, văn hóa. Đồng thời thể hiện sự cố gắng, tự tin hội nhập của các nhà văn Việt Nam với sắc màu và bản lĩnh riêng. Có thể kể đến một số tác phẩm tiêu biểu như tập truyện ngắn Ngôi nhà xưa bên suối của Cao Duy Sơn được nhận Giải thưởng Văn học Asean của Hoàng gia Thái Lan, tiểu thuyết Chúa đất của Đỗ Bích Thúy được dịch sang tiếng Hàn, truyện ngắn Hồn Piêu của Kiều Duy Khánh được dịch sang tiếng Anh và đăng tải trên báo Việt Nam News…
*
Tóm lại, với bản chất linh động và dân chủ của thể loại, văn xuôi có khả năng lưu giữ cái sinh động, phong phú của những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc ở mọi lĩnh vực, cả văn hóa vật thể và phi vật thể. Không chỉ lưu giữ, bảo tồn, ngợi ca, tự hào về những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, mà văn học còn là một phương cách hữu hiệu trong truyền bá, giới thiệu văn hóa dân tộc tới cộng đồng thế giới.
Nếu như các công trình văn hóa học, dân tộc học, sử học, nhân học, Việt Nam học… thường nghiên cứu bản sắc dân tộc từ góc nhìn đồng đại hoặc lịch đại với cái nhìn khách quan, không bao hàm thái độ của tác giả; thì trong tác phẩm văn học, các tri thức văn hóa truyền thống được lồng vào câu chuyện với các nhân vật và tình huống truyện và nhà văn thường bao giờ cũng gửi vào đó tình cảm, thái độ của mình dù ở những mức độ đậm nhạt khác nhau. Đó thường là tình yêu, niềm tự hào, trân quý với các giá trị văn hóa cội nguồn; hoặc nỗi lo lắng về sự mai một của các giá trị tốt đẹp, về sự hỗn tạp, lai căng văn hoá, về sự tha hoá, biến chất của con người trong thời đại mới; là tiếng nói phê phán, bài trừ những yếu tố văn hoá không còn phù hợp, ngăn cản sự phát triển của xã hội và tiến trình xây dựng con người mới, xây dựng nền văn hoá tiên tiến, vừa đậm đà bản sắc dân tộc vừa hội nhập.
Thực tiễn, văn xuôi dân tộc miền núi đương đại đã mở rộng biên độ, thể hiện khá đa dạng, sinh động bản sắc văn hoá dân tộc, tuy nhiên cũng chưa thật đầy đủ và toàn diện. Văn xuôi dường như mới chỉ chú ý những nét bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo, tiêu biểu đã được lưu truyền từ nhiều thế hệ. Thời kì hội nhập, cuộc sống số và cuộc cách mạng công nghệ đang biến đổi từng ngày thì những giá trị văn hóa cũng có ít nhiều biến đổi theo. Những biến đổi tinh vi của đời sống văn hóa, những góc khuất của đời sống văn hóa thực tiễn miền núi, dù đã được đề cập tới nhưng chưa được quan tâm nhiều, hoặc có thể văn học chưa kịp thời cập nhật, chưa khám phá ra, chưa “tới hạn”.
Cái đích cuối cùng của văn chương vẫn là truyền tải thật hiệu quả các vấn đề của dân tộc và thời đại đến với người đọc. Văn học phải hài hòa giữa hai bờ truyền thống và hiện đại, vừa giữ gìn, vừa hội nhập, hội nhập nhưng phải thể hiện bản lĩnh dân tộc, không hoà tan. Trên tinh thần ấy, các nhà văn để trở thành những “người giữ lửa”, người góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cần lặn thật sâu vào cội nguồn truyền thống để hiểu tận tường đời sống văn hóa dân tộc, phải tìm thấy ở truyền thống văn hóa dân tộc mình cái hay, cái đẹp, phải yêu và có nhu cầu gìn giữ, phát huy, phát triển vốn văn hóa ấy qua sáng tạo nghệ thuật thì mới có những tác phẩm giá trị. Nhiều nhà nghiên cứu đồng tình rằng: “Văn hóa là thứ không thể bịa đặt, người viết không thể hư cấu. Vậy, để có thể viết được những tác phẩm văn học về dân tộc và miền núi, tác giả cần phải nghiên cứu, tìm hiểu và thấm nhuần giá trị văn hóa của dân tộc”. Nhưng nhà văn cũng cần có cái nhìn rộng mở, làm mới mình trong giao lưu văn hóa, sẵn sàng chắt lọc những tinh hoa văn hoá nhân loại, cải biến để phát triển văn hóa dân tộc, đảm bảo tinh thần hội nhập. Văn hoá nhân loại luôn có mẫu số chung hướng tới chân – thiện – mĩ. Văn hoá dân tộc là cái riêng, nhưng không thể đi ra ngoài cái chung. Chỉ có như thế, tác phẩm mới mang tầm thời đại, và được đón nhận bởi công dân toàn cầu, nhưng trước hết vẫn phải thể hiện tính dân tộc, bản sắc văn hoá dân tộc “Dù toàn cầu hoá hay quốc tế hoá mạnh mẽ tới đâu thì về phương diện văn hoá, thế giới không bao giờ chỉ là “phẳng”. Nếu như quốc tế hoá, toàn cầu hoá làm cho “thế giới phẳng” thì một xu hướng song trùng, đối trọng là “dân tộc hoá quốc tế” sẽ làm cho thế giới lúc nào cũng “gồ ghề” và đa dạng” (Ngô Đức Thịnh).
Thời đại ngày nay, ngụy giá trị luôn tồn tại song song với giá trị đích thực, đòi hỏi nhà văn cần có tâm, có tài và bản lĩnh trong ý thức bảo tồn, phát huy, làm đẹp, làm giàu cho bản sắc văn hóa dân tộc mình. Đó chính là con đường phát triển của văn học nói chung, văn xuôi dân tộc thiểu số nói riêng, góp phần thể hiện bản lĩnh dân tộc trong thời kì mới./.