Ám ảnh bởi thời gian trong thơ Phùng Hải Yến

 

Phùng Hải Yến là cái tên khá quen thuộc trên thi đàn, bởi thơ cô đã xuất hiện trên các báo, tạp chí từ tuổi mười lăm. Kể từ tập thơ đầu tay Nắng thổ cẩm xuất bản năm 2013 đến tập thơ Xòe tay thả gió in năm 2021, thi sĩ người dân tộc Dao này đã đánh dấu bước trưởng thành trên chặng đường sáng tác của mình.

Dường như thi sĩ dân tộc thiểu số nào cũng đi từ gia đình, làng bản, vùng đất quê mình đến với Tổ quốc và vươn ra thế giới. Như nhà thơ Dương Thuấn từng viết:

Con bây giờ còn nhỏ

Thương nhất là mẹ cha

Lớn lên con sẽ thương thêm bao người khác

Ngôi nhà lớn của con là đất nước          

(Nhà của cha – Dương Thuấn)

Yêu quê hương thiết tha, Phùng Hải Yến cũng không ngoại lệ, đó là “Tiếng lòng kẻ xa quê”:

Bíu vào tiếng lòng của kẻ xa quê

Tôi tìm về

Xòe tay ôm

Rễ cây già sum xuê tán

Ngỡ mình chạm gốc gác, cội nguồn…

Ngắm dòng đời chuyển động trên phố xá, cô tưởng tượng mình trôi lại với quê:

Ngưng chuyển động trên làn đường, dòng người đang chuyển động

Tôi thấy mình đứng giữa cánh đồng làng, con đê, bờ bãi

Dòng sông khản tiếng gọi tôi

Dòng sông không chuyển động

Tôi

trôi từ dòng phố xá

về nơi sinh mình.

(Về phía quê mình)

Quê hương – không chỉ là gốc gác, cội nguồn của mỗi người con, mà trên hết đó là Tổ quốc linh thiêng:

Trên mốc giới đỉnh núi Phàn Liên San

Tôi ngắm nhìn hiên ngang Tổ quốc

[…]

Đến mốc giới một lần hiểu thêm nhiều lần hơn

Từng tấc đất cũng là xương, là máu

(Thiêng liêng mốc giới)

Lớn lên ở vùng văn hóa đa sắc tộc, thơ Phùng Hải Yến mang đậm dấu ấn văn hóa tộc người vùng Tây Bắc. Những nét đẹp của các dân tộc: Mông, Dao, Thái, Tày như: Lễ hội Gầu Tào, chợ phiên, tiếng khèn môi, hát then, điệu xòe, thêu tay cho đến vòng đời của mỗi con người được thi sĩ kể lại tường tận. Dù là đứa con của dân tộc Dao, thời gian dài sống ở vùng đất mang đậm nét văn hóa dân tộc Thái, qua đó điệu xòe của người Thái đã ăn sâu vào tiềm thức của thi sĩ, để bật ra những vần thơ theo cách tự nhiên nhất:

Bíu vào tiếng khèn tình

Tôi rẽ sương vào hội

Hội mùa hoa thơm thơm nếp mới

Rộn ràng xòe chiêng.

(Tiếng lòng kẻ xa quê)

Xòe là hồn cốt văn hoá của dân tộc Thái vùng Tây Bắc, được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Qua thơ Phùng Hải Yến, bạn đọc thấy được sự phong phú của điệu xòe, được trình diễn trong nghi lễ, trong đám cưới, lễ hội, những dịp sinh hoạt văn hóa cộng đồng:

Xòe cho hoa nở vàng đĩa xôi cúng ngày hội

Xòe cho lúa chật bồ, bông lúa căng mẩy ruộng bậc thang

Xòe cho tỏ rõ lòng nhau

[…]

Xòe đêm mà lòng sáng tỏ

Mặt em đẹp hơn trăng rằm

Xòe đêm, hội xòe không dứt

Chỉ lòng mình mãi nghiêng ngả cùng ánh trăng.

(Xòe đêm)

Điệu xòe gợi nhớ những bước đi của cha ông trên hành trình khai phá đất đai, trồng lúa, lấy nước, tung khăn, mời rượu… thể hiện ước mơ, khát vọng của người Thái Tây Bắc: “Sông xưa còn/ Điệu xòe nghiêng” – (Tìm điệu xòe hôm qua).

Xòe là biểu tượng văn hóa Thái góp phần gắn kết con người với con người, con người với trời đất, thấm đẫm trong hồn thơ của thi sĩ, đến độ, hành động xòe tay, tiếng khóc chào đời của một sinh linh cũng làm cô liên tưởng đến điệu xòe: “Em xòe tay thả gió/ Thấy mây trôi giữa trời” – (Gặp nhau ở chợ tình); “Mùa thu đại ngàn/ Nở xòe tiếng chào đời em” – (Cỏ thơm). Sau đêm xòe cô thiếu nữ “Bẽn lẽn úp mặt vào cái siết tay/ Tưởng hơi ấm sau điệu xòe nằm lại” – (Siết tay), mộng mơ về một mối tình trong tương lai.

Tất cả nói lên một tình yêu tha thiết với văn hóa tộc người của Phùng Hải Yến.

Bên cạnh nét đẹp văn hóa đa dân tộc, thơ Phùng Hải Yến đậm nỗi ám ảnh của thời gian. Qua thời gian, Phùng Hải Yến cảm nhận rõ thành – bại, chết chóc – hồi sinh, đau thương – hạnh phúc. Trong thơ cô thường nhắc đến hai chữ thời gian, có nhiều tính từ chỉ thời gian, năm tháng.

Này là người con quặn buồn nhìn thời gian đi qua đôi tay của mẹ, mái tóc của cha:

Khi ngồi lặng thầm, ngắm gió và thời gian

Tôi hay quặn buồn, thở dài cùng sương sớm

Tôi đã thấy hạt thời gian trên da tay mẹ

Trên tóc rụng của cha

Trên mái đá đen nhà trình tường khô cằn cỏ

Đến bước chân tôi về cũng nhẹ nhàng

Sợ dẫm phải vết thời gian

(Gió mang màu thời gian)

Rồi thời gian lướt qua cuộc tình không thành, chỉ khúc giao duyên vẫn còn ngân nga mãi:

Tháng tháng năm năm tưởng câu ca chết lặng đáy suối cạn

Người Dao Khâu mấy người còn nhớ câu hát đối

Em đã lên chức bà, thêu mũ bảy màu cho cháu ngoại đáng yêu

Trước ngôi nhà trình tường cây mọc dầy mái đá

Tôi thẫn thờ nhặt câu ca bỏ ngỏ mấy chục năm

(Vẳng vọng giao duyên)

Thi sĩ nhìn thấy thời gian trôi qua cuộc đời của những người đàn bà ở bản xa:

Những người đàn bà truyền đời ở bản xa

Đếm khoảng thời gian nhàn rỗi bằng chỉ thêu mảnh dẻ

Chẳng hiểu trong lòng có nhân đôi buồn tẻ

Hay nghĩ ngợi gì về hồi ức, tương lai.

(Thêu tay)

Rồi nhìn lại chính mình, trong chuyển động không ngừng của thời gian, thi sĩ có những phút ưu tư, lắng đọng nỗi nhớ quê hương:

Tôi chuyển động trong phút giờ chuyển động,

Có phút ngưng

nhìn lại

góc quê mình,

Có lúc ngẫm:

thời gian nên ngừng lại,

Phút giây thôi

để nhớ

với để mong…

(Về phía quê mình)

Ám ảnh về thời gian, thi sĩ tự bạch:

Thơ của tôi…

ôi, làm sao tôi biết:

Đã hoen vệt bờ mi

hay đọng đầy vết xước thời gian?

Thơ của tôi có dấu tích hoang tàn

Một ngày nào tháp Chàm tự trong lòng đổ nát…


Thơ tôi chắt tiếng thở dài

của mỗi ngày sắp trôi đi rót hoàng hôn xuống chậm

Thơ tôi

Bung nở cánh

Ngạo nghễ đêm.

(Thơ tôi)

Suốt một hành trình sáng tác, Phùng Hải Yến luôn bị ám ảnh bởi thời gian. Ngay từ những ngày đầu cầm bút, cô có bài “Độc thoại thời gian” và mới đây nhất là bài “Khóc trên đỉnh Hoàng Liên”. Cùng nói về thời gian, nhưng qua hai bài thơ đã nói lên sự chuyển mình mạnh mẽ của thơ Yến, sự trưởng thành của một cây bút vùng cao.

Tác giả Phùng Hải Yến (Ngoài cùng bên phải) tác nghiệp tại chợ phiên San Thàng. Ảnh: Vũ Nguyên

Trong “Độc thoại thời gian”, thi sĩ khóc – cười với mình, với người yêu, với tình yêu. Một cảm giác của cô gái mới lớn “cắt lát những mùa yêu” để thấy “chông chênh tin/ chông chênh yêu”. Từ “Em rải mầm những hạt buồn qua mùa hè sống sót/ Chờ tái sinh…” đến “Không nuối tiếc dư dả thời gian từng tan vỡ/ khóc – cười phút giây”. Thời gian là lát cắt của tình yêu giữa hai người trẻ. Gần và xa, giận rồi thương, khóc lại cười… bao nhiêu là cảm xúc. Sự tái sinh trong bài thơ là tái sinh tình yêu qua những hờn giận của tuổi mới lớn. “Em không giữ lại thời gian bên nhau/ Em đếm ngược thời gian yêu nhau…/ thời gian xa nhau…” Cô gái độc thoại với thời gian, mà mỗi phân đoạn là dấu ấn rung cảm của hai tâm hồn. Một chút cô đơn, một chút chênh chao của một tình yêu chưa lấy gì làm chắc chắn. Vẫn chưa có sự khẳng định chắc nịch nào, cái kết của một tình yêu vẫn còn ở phía trước.

Từ “Độc thoại thời gian” sang “Khóc trên đỉnh Hoàng Liên”, thời gian được nhìn và diễn đạt hoàn toàn khác:

Trên vách đá một ngàn bốn trăm lẻ một mét

Em đã khóc khi nhìn thấy bờ bên kia

Hoa Đỗ Quyên bung từng chùm trên cao

Ngạo nghễ hớp gió trời

Nở hòa vào mây

Xòe tay ôm Hoàng Liên ngàn tuổi.

Một ánh nhìn của thi sĩ khi bắt gặp khoảnh khắc đẹp đến lặng người. Vách đá cao vòi vọi kia, loài đỗ quyên kiêu hãnh bùng nở rực rỡ, hòa quyện vào mây vào gió như vòng tay ôm đỉnh Hoàng Liên sừng sững. Thật khó để mô tả hết vẻ đẹp của thiên nhiên, mà qua con mắt của thi sĩ, vẻ đẹp ấy vụt sáng thành thi ảnh lấp lánh. Cái đẹp lóe lên, trong một sát-na, thi sĩ được khai ngộ (thấu hiểu xuyên suốt) để rồi bật khóc. Đó là sự thấu cảm của một tâm hồn trưởng thành, từng trải. Từ đốm lửa ấy, thi sĩ nhìn thấy bản chất của mọi thứ tồn tại xung quanh: Làng bản, cánh hoa đỗ quyên đang hiện hữu đến “người gái đẹp đêm xòe lặng khóc bên bờ sông Đà thuở trước”. Thi sĩ khóc vì “Nhìn thấy bé mọn mình giữa thung lũng sương”.

Em đã ôm mẹ cổ thụ cháy khô

Máu đen bám phủ trời những ngày rần rật lửa

Nhựa sống trôi quánh đặc sông Đà.

 

Em đã khóc cùng Hoàng Liên bạo bệnh hiểm nghèo

Bao tế bào chết đi, chồi nụ khi nào hồi sinh để ngày mai rừng thức?

Trên hun hút Hoàng Liên

Lặng khóc giữa xưa – nay.

Nếu trong “Độc thoại thời gian”, thi sĩ khóc – cười với mình, với người yêu, với tình yêu, thì “Khóc trên đỉnh Hoàng Liên”, thi sĩ khóc về sự biến thiên của thời gian, hồi sinh và cái chết, bừng sáng và u tối qua đỉnh Hoàng Liên, sông Đà dấu yêu. “Độc thoại thời gian” – thời gian chỉ là những lát cắt của một cuộc tình, một đoạn đường đời, bước sang “Khóc trên đỉnh Hoàng Liên”, thời gian rời bỏ giới hạn trong phạm vi cá thể, mà trải rộng hơn. Thời gian trải dài vô tận, từ quá khứ đến thực tại, tương lai của bao lớp người. “Độc thoại thời gian” là không gian hẹp, chỉ có mỗi tác giả độc thoại với chính mình, thì ở đây không gian dài rộng trùng trùng, hun hút của núi rừng Tây Bắc với đỉnh Hoàng Liên uy nghi, sông Đà dũng mãnh.

Ám ảnh bởi thời gian là một ám ảnh siêu hình, từ đó thơ Phùng Hải Yến cũng đã phần nào vượt thoát khỏi không gian nơi nhà thơ sống và viết: Không gian vùng cao của đồng bào mình. Thơ Yến không dừng lại ở “bản sắc” như ta thường thấy ở các nhà thơ dân tộc thiểu số, mà vươn ra.

Thế nên không lạ, khi Yến đã chọn cách thể hiện khác.

Qua thể thơ tự do không vần, giọng thơ Phùng Hải Yến đầy nội lực, vừa mạnh mẽ, vừa đằm thắm, quyến rũ. Ngôn ngữ thơ của thi sĩ từ tập thơ đầu tay đến tập thơ gần đây có sự thay đổi rõ rệt. Vẫn là thể thơ tự do không vần ấy, nhưng ở bài thơ sau này, câu thơ lắm lúc kéo dài tới 15 từ và hơn nữa, cho thấy nội lực và mạch đi mạnh mẽ của con chữ. Ở đó bài thơ “Khóc trên đỉnh Hoàng Liên” là một điển hình. Những tính từ, động từ mạnh được thi sĩ ưa dùng khiến cả bài thơ, từ “khóc” dầu được điệp lại nhiều lần, nhưng người đọc cảm nhận rõ không phải sự khóc lóc ủy mị, yếu đuối mà là sự khóc của một tâm hồn mạnh mẽ. Khóc cho quá khứ, khóc với thực tại, và khóc cho tương lai. Thông điệp của bài thơ nằm trọn ở câu: “Bao tế bào chết đi, chồi nụ khi nào hồi sinh để ngày mai rừng thức?” – Đó cũng chính là hy vọng, là khát vọng thiên nhiên tươi đẹp hồi sinh của tác giả.

Lạ là, các câu thơ dài dằng dặc ấy không khiến người đọc cảm thấy chán hoặc mệt, ngược lại còn làm người đọc cảm thấy thích thú khi được đuổi theo con chữ đến tận cùng của sự bùng vỡ:

Đại bàng không thể thở trong bốn khối tường xi-măng

Tôi đã ngấm khát khao tự do tung tẩy

Thênh thang cao nguyên mới đủ bão gió buông cánh chim sải mỏi

Đồng cỏ rộng dài mới chứa nổi khát vọng vượt thoát chờ tái sinh

 

Tôi nghe tiếng đập cánh thiêm thiếp trong những giấc mơ bí bách khốn cùng

Con cá lăng không thể nằm im trong lạch nước đục

Trong vắt, hung tợn sông Đà là nơi tôi vun vút khỏa nước

Lao săn sắt mũi tên qua từng dải đá ngầm, hai bên bờ ban nở trắng đại ngàn xanh.

(Cá lăng và đại bàng)

Là một cây viết được đào tạo bài bản, Phùng Hải Yến từ cái nôi văn hóa dân tộc, vừa yêu quý bản sắc vừa biết đưa cái nhìn ra ngoài – rộng và xa hơn. Thi sĩ vừa suy nghiệm về quê hương, đồng thời ưu tư về đời người, về thời gian và sự chuyển dịch không ngừng của vật thể và tâm tình con người. Phùng Hải Yến rất ý thức kết hợp yếu tố vùng miền với tư duy thơ sắc sảo cùng lối viết hiện đại để tạo được giọng thơ riêng không thể nói không độc đáo của mình. Giống như cô đã bộc bạch: “Đối với tôi, sáng tác giống như một cuộc tìm về bản cũ, nơi mình được sinh ra. Bên hiên nhà trình tường lợp mái đá đen, tôi thấy bà nội, thấy bố và chính mình thuở thơ bé. Mỗi sáng tác của tôi đều giống như một tiếng chuông trong lễ hội cấp sắc, ngân lên một câu chuyện nhỏ, mong muốn giới thiệu nét văn hóa vùng cao, kể cả nỗi đau, sự mất mát hay những niềm vui đơn thuần của người dân quê mình…”.

THÈN HƯƠNG

 

 

 

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.