Đặc sắc làn điệu dân ca của dân tộc Giáy

Trong kho tàng văn hóa dân gian của người Giáy, dân ca là loại hình phong phú, đa dạng nhất. Người Giáy đang sinh sống ở thành phố Lai Châu coi dân ca là điểm cốt lõi trong đời sống tinh thần của dân tộc bởi dân ca Giáy luôn gắn liền với cuộc sống, thiên nhiên và các phong tục tập quán của dân tộc.

Hát dân ca, của dân tộc Giáy có truyền thống từ lâu đời. Người Giáy coi dân ca là tiếng lòng, là lời tâm sự và sự rung động từ sâu thẳm trái tim. Dân ca là yếu tố tạo nên đời sống tinh thần của con người trong cuộc sống hàng ngày cũng như sau những buổi lao động nhọc nhằn.

Người Giáy cho rằng dân ca tạo cho con người một cuộc sống vui tươi, lành mạnh, trẻ trung, sôi nổi, ấm cúng, bình yên. Tiếng hát luôn gắn bó với họ trong lúc buồn, vui, khi lên rừng lấy củi, lúc hái rau lợn, đi tìm măng, lên nương, xuống ruộng cấy lúa. Ngay cả khi bà con gặp nhau trong các phiên chợ, đi chơi xuân, dự hội… cũng đều vang lên tiếng hát.

Lúc buồn thì hát những bài hát than thân, trách phận; giai điệu trầm buồn sâu lắng. Lúc vui thì hát những bài hát ca ngợi thiên nhiên, ca ngợi tình người, ca ngợi sự giàu sang. Các bài hát về tình yêu, niềm nhung nhớ thì có giai điệu mạnh mẽ hơn, mượt mà hơn, nghe giọng hát cũng biết người đó đang vui, hay buồn.

Những người con của dân tộc Giáy luôn đắm mình trong lời dân ca của dân tộc từ lúc mới lọt lòng, nằm trên lưng mẹ, trong lòng bà đã được nghe hát ru. Lời hát ru cho đứa trẻ nín khóc, tiếng ru của bà mẹ, anh, chị đều ru bé bằng những làn điệu của dân ca.

Người Giáy có câu: “Bò vươn, bò riêu pắn túng giạc”.

Nghĩa là “Không hát, không cười người xấu bụng ”.

Dân ca thực sự hun đúc nên tâm hồn, tình cảm, trong cuộc sống, và mối quan hệ tốt đẹp trong cộng đồng của dân tộc Giáy.

Dân ca Giáy có nhiều loại hình và rất nhiều bài hát với nội dung rất phong phú và đa dạng. Dạng hát theo ngẫu hứng, hát trong đám cưới, hát trong lễ hội, hát trong bữa tiệc, hát bên mâm rượu, hát ban đêm… Các dạng hát bài hát, nơi hát đều khác nhau về nội dung và hình thức trình diễn.

Dạng hát bên mâm rượu “Vươn Ná Láu”. Nội dung bài hát bao giờ cũng xoay quanh việc ca ngợi rượu ngon, thịt béo, bài hát có đoạn:

Láu ný, lảu hấu giáng, cang ný cang srong pạc, Pú hạc tấu bò hai,

dú quoai tắng số hỳ”. Nghĩa là:“Rượu này rượu cao lương, chum này chum hai miệng, khách lạ đến không mang, khách sang đến mới mở”.

Dạng hát chúc sức khỏe cho nhau bài hát có đoạn:

“Chau srứ rắm dù sràng,rắm dù sràng ró bóc,chau srứ rọc quanh cùi

rọc quang cùi chau liêng,chau siêng léo siêng mò”.

Nghĩa là:

“Sống như nước trong ang, nước trong ang biết cạn, Sống như chim Quynh quý, Quynh quý sống vạn niên, Sống năm này năm khác”…

Hát chúc thọ cha, ông thì lời hát là:“Tuổi bố dài hơn sông, tuổi ông cao hơn núi”…

Người Giáy hát dân ca cũng như người Kinh ngâm thơ. Ngâm thơ và hát dân ca bao giờ cũng coi trọng giọng hơn cả. Người Giáy có câu:

Cần giọng hát hay, không cần người đẹp”.

Người Giáy cho rằng: Người biết nhiều bài dân ca là người có hiểu biết, có năng lực ứng xử trong giao tiếp, biết quan hệ xã hội. Người Giáy khi tiếp súc ở nơi sang trọng, bữa tiệc và người lịch thiệp, người giàu sang… Thường hay ví von và sử dụng những vần điệu dân ca để diễn đạt, lý giải, dẫn dắt một sự việc nào đó để thăm dò cách đối đáp của đối phương.

Dạng hát ban đêm “Vươn chang hầm”của dân tộc Giáy là dạng hát vui nhất, kéo dài nhất và thu hút nhiều đối tượng tham gia nhất.

Dạng hát ban đêm là dạng hát phổ biến của dân ca Giáy. Các cuộc hát ban đêm thường diễn ra vào mùa xuân. Thường có các bạn trai, gái ở bản khác, xã khác đến chơi xuân và nghỉ tại gia đình người nhà qua đêm. Nhân dịp các bạn đến chơi xuân tại bản sở tại, các bạn trai, gái trong bản rủ nhau đến hát tại gia đình mà các bạn nghỉ. Các cuộc hát ban đêm là hát những bài hát theo thứ tự nội dung hay nói cách khác là hát bài “có khung, có sườn”. Trước tiên là bài mở cửa:

“Xin được mở cửa trước, xin được mở cửa chính, mở cả bốn cánh ra, cho chúng cháu vào nhà”.

Tiếp đó là bài chào khách và mời đối phương nhận điếu cày: “ Nếu anh thương em, nhận lấy điếu, Điếu này là điếu nghĩa, điếu tình”. Tiếp đó mới hát các bài hát, hỏi thăm nhau về sức khỏe, hát bài chào xuân mới “vươn siêng” hát về các loại chim “vươn rộc”… Rồi mới hát đến các bài hát về tìm hiểu nhau, hát đối đáp… Cuộc hát có thể kéo dài ba ngày, ba đêm. Sau các cuộc hát có nhiều đôi trở thành vợ, thành chồng.

Ngày nay, dù dân tộc Giáy ở bản Tả Sin Chải (phường Đông Phong, thành phố Lai Châu) đã giao lưu, hội nhập với các dân tộc khác nhưng vẫn gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Những bài hát dân ca dân tộc Giáy vẫn được cất lên trong dịp lễ, tết, được người cao tuổi truyền lại cho con, cháu để giữ mãi những câu hát truyền thống của quê hương.

LÒ VĂN CHIẾN

 

> Xem thêm: Tạp chí Văn nghệ Lai Châu

Facebook Văn nghệ Lai Châu


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.