Những cơn mưa thu

Mùa thu luôn là cảm hứng đẹp cho nhiều cây bút. BBT trân trọng giới thiệu truyện ngắn “Những cơn mưa thu” của tác giả Thanh Tám được chọn đăng trên Tạp chí Văn nghệ Lai Châu tháng 11.

 

Mưa rả rích kéo dài cả tháng trời. Những cơn mưa rừng như thế này làm cho tiết trời ngày hạ lành lạnh. Ngồi bên màn hình máy tính trong căn phòng nhỏ của ngôi nhà đơn sơ bên bìa rừng, nước mắt Dịu tuôn ròng ròng theo con chữ. Trong từng câu chữ, Dịu gửi vào đó tất cả những cảm xúc của một người con xa xứ về miền mây trắng với người mẹ thân yêu ở quê nhà.

Hôm qua, Khâm đưa con gái nhỏ về quê. Tiễn chồng và con ra bến xe, Dịu cố kìm nén cảm xúc không để nước mắt trào ra. Bây giờ, chỉ có một mình, Dịu thỏa sức khóc.

Đã hai tháng nay, cả ngày Dịu không ăn nổi một chút thức ăn nào vào bụng. Chỉ cần thức ăn qua họng thì lập tức nó quay lại nơi bắt đầu và trào ra. Cả sữa Dịu cũng không uống được. Sức khỏe Dịu không tốt nên Khâm thay vợ đưa con gái về thăm quê nhân ngày “huý nhật” của mẹ. Nhớ về mẹ, nhớ về quê hương với biết bao nhiêu kỷ niệm ngọt ngào. Vừa mới đó mà đã gần chục năm trời.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông. Nhà chỉ có hai anh em. Anh Miền tốt nghiệp trường cao đẳng sư phạm đúng vào thập niên cuối của thế kỷ trước. Thời điểm đó, các tỉnh miền xuôi dư thừa giáo viên do đào tạo ồ ạt. Anh Miền mang hồ sơ đi khắp nơi xin việc, đến đâu cũng được trả lời một câu: “chờ”. Nhưng chờ mãi không thấy hồi âm. Đang loay hoay tìm việc làm thì anh Khâm – bạn cùng làng, các anh chơi thân với nhau từ hồi Tiểu học đến học sư phạm, đến chơi. Anh Khâm nói: “Lúc tối, tớ xem ti vi thấy tỉnh Lai Châu (mới) đăng tin tuyển giáo viên nên cơm nước xong là đến đây luôn. Nếu cậu đồng ý đi thì mai bọn mình lên huyện gửi hồ sơ theo đường bưu điện”.

Sáng sớm hôm sau, cả hai anh tất bật đi huyện. Hơn tuần trôi qua nhanh chóng, một ngày đầu thu giấy báo trúng tuyển về tới nhà lúc ấy cả gia đình mới biết các anh quyết định lập nghiệp ở một nơi xa tít tắp. Bố mẹ khuyên can mấy cũng không được. Bố cho họp gia đình, giải thích cặn kẽ với chút hy vọng anh chuyển ý. Vì rằng nhà ta đã ba đời độc đinh. Cụ nội cố gắng sinh tới mười hai người con cũng chỉ được mình ông nội là nam. Ông nội trưởng thành, lấy vợ cũng mong có được hai, ba người con trai làm đẹp lòng cụ. Nhưng rồi cuối cùng cũng chỉ có mình bố Dịu. Bố nói: “Nhà thằng Khâm còn có mấy anh em trai, nhà ta chỉ có mình con. Các con đi xa thế biết bao giờ quay lại quê hương bản quán. Rồi còn lấy vợ sinh con ra sao?”. Mẹ khóc cả tuần. Anh Miền bảo: “Chúng con quyết chí đi nơi xa làm việc mong được vào biên chế để ổn định cuộc sống. Đâu cũng là quê hương mình cả”. Dù các anh nói thế nào thì cũng không làm bố mẹ yên lòng. Sau chuyện ấy, bố mẹ giận anh Khâm, giận lan sang cả gia đình bên nhà anh một thời gian dài.

Ngày hai anh khoác ba lô ra khỏi con ngõ nhỏ, bố cầm chiếc điếu cày ngồi lặng lẽ cả buổi bên hiên nhà. Mẹ khóc, chạy theo anh dặn dò đủ lời. Dịu nhìn bố mẹ thấy lòng quặn thắt. Dịu ước giá mình là anh Miền thì nhất định mình không để bố mẹ buồn. Mình sẽ cất chiếc bằng cử nhân sư phạm vào tủ. Ở nhà chăn lợn, làm ruộng, lấy vợ chăm sóc bố mẹ lúc tuổi già.

Anh Miền đi hôm trước thì hôm sau đánh điện báo về là anh đã nhận công tác tại trường Ma Sao. Anh Khâm thì dạy ở trường xã bên cạnh. Hai trường cách nhau chừng hơn chục cây số. Cũng ngày ấy, Dịu nhận được giấy báo nhập học trường sư phạm. Dịu đã giấu nhẹm tờ giấy dưới đáy tủ. Hôm ấy trời mưa tầm tã, mẹ tranh thủ làm việc nhà. Trong lúc dọn nhà, thấy tờ giấy nhập học của con gái dưới đáy tủ. Lúc ấy Dịu đang quấy dở nồi cám lợn dưới bếp. Nghe mẹ gọi giật giọng, Dịu vội dập lửa chạy lên nhà. Đôi má Dịu đỏ hồng, sững sờ nhìn mẹ cầm tờ giấy báo nhập học của Dịu. Dịu lấy tay quệt mồ hôi lấm tấm làm bết sợi tóc mai trên trán. Dịu bị mẹ mắng tơi tả. Bố nhẹ nhàng giải thích: Dù anh Miền con có đi làm xa thì con cũng vẫn phải đi học vì chỉ có con đường học tập mới giúp con người ta tiến bộ. Rồi bố mẹ gấp rút bán mấy tạ thóc và đôi lợn thịt lấy tiền cho Dịu nhập học.

Ở trường, Dịu thường nhận được thư của anh Miền. Anh động viên Dịu rất nhiều. Anh định hướng cho Dịu lựa chọn nơi làm việc sau khi tốt nghiệp. Anh hay kể về học trò của anh. Những đứa trẻ có nước da bánh mật, mớ tóc hung đỏ rối xù nhưng đôi mắt trong veo. Anh nói để được học cái chữ bọn trẻ phải băng rừng lội suối, nhịn ăn bữa sáng đến trường. Đôi chân chúng chắc, dẻo như sợi dây, cây gỗ trên rừng. Anh hay kể với Dịu về cậu bé tên Chen – lớp anh chủ nhiệm. Chen bị suy dinh dưỡng nặng. Đầu và bụng to tướng nhưng mông lại hóp tọp. Bố Chen nghiện thuốc phiện. Mẹ một mình xoay xở làm lụng vất vả nuôi cả gia đình. Nuôi cả những bữa “cơm đen” hằng ngày của bố. Chen là con lớn trong nhà. Mẹ và anh em Chen thường xuyên bị bố đánh đập vì những chuyện không đâu. Cậu bé thích đến lớp học hơn là việc cả ngày phải lầm lũi trong ngôi nhà ọp ẹp.

Nghỉ hè anh Miền về nhà đúng một tuần rồi lại xách ba lô ngược núi. Anh nói lên bản, các anh sẽ đến nhà học sinh vận động bố mẹ bọn trẻ cho bọn trẻ đến lớp đầu năm học mới. Để công tác vận động thuận lợi, các thầy cô giáo không quản ngại khó khăn. Có khi sẽ đi cắt lúa hoặc lên nương thu ngô giúp phụ huynh. Ngày mưa, các thầy cô đến tận nhà học sinh, phụ đạo kiến thức cho các em. Trước khi quay lại trường dạy học, anh Miền mua tặng bố chiếc điện thoại di động. Anh bảo để thi thoảng anh ra huyện (ở huyện mới có sóng điện thoại) thì anh gọi về nhà nắm bắt tin tức của gia đình. Dịu thi tốt nghiệp xong, anh gọi điện bảo Dịu lên trường anh dạy học chơi vài ngày cho thỏa mái đầu óc rồi quay về trường nhận bằng tốt nghiệp và nộp hồ sơ xin đi làm là vừa.

Ngày đầu tiên Dịu chạm chân trên mảnh đất Lai Châu là ngày trời mưa như thác đổ. Anh Miền đi dạy phổ cập. Anh bảo lớp học ở bản dưới. Học sinh lớp phổ cập ngày là các thanh niên đã quá tuổi mười lăm nhưng chưa được học cấp trung học cơ sở. Lớp buổi tối đặc biệt hơn. Học viên là các bác, các anh chị cán bộ xã. Ban ngày họ làm việc ở Ủy ban, tối đi học để nâng cao trình độ văn hóa. Khi tới lớp, họ phải mang theo chiếc đèn bão để lấy ánh sáng học bài. Cả trường chỉ có chưa đến mười thầy cô đa số là thầy cô miền xuôi lên. Bây giờ, các thầy cô đang nghỉ hè ở quê. Chỉ có anh Miền và thầy Hiệu trưởng ở lại dạy phổ cập. Thầy Hiệu trưởng lấy vợ là cô học trò cũ. Thầy vào nhà bố vợ ở cùng gia đình luôn cho tiện. Vợ thầy mới sinh em bé nên tuần này anh Miền nhận dạy cả những tiết của thầy.

Ngồi một mình trong gian nhà nhỏ dựng ngay đầu dãy lớp học trong khung cảnh vắng vẻ, chỉ có tiếng mưa rơi khi thì tí tách lúc lại rào rào ngoài sân. Nhìn ra xung quanh bốn bề chỉ thấy mây núi và cây rừng. Nhớ nhà, nhớ bố mẹ Dịu muốn khóc. Chợt nhớ, sáng nay trước khi đi dạy anh Miền có đưa cho Dịu chiếc chìa khóa phòng bên cạnh. Anh nói đó là thư viện trường trong ấy có rất nhiều sách hay. Nếu em buồn thì mở cửa thư viện lấy sách ra đọc. Gần trưa nấu cơm đợi anh. Trời mưa to quá thì chủ động ăn cơm một mình vì cây cầu nối từ bản này sang bản Ma Sao sẽ bị ngập. Nói là cầu nhưng thực ra nó là đập tràn. Mỗi khi trời mưa to, nước sẽ tràn lên mặt đập. Lúc ấy, xe máy, người đi bộ không thể đi qua. Anh đã nhiều lần phải nghỉ trưa lại bên bản Ma Sao đợi nước rút mới về nhà được. Dịu tìm trong giá sách, có rất nhiều loại sách trong nhà trường. Dịu chọn cuốn “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng đọc. Quãng gần trưa thì trời tạnh mưa. Sân trường nền đất có vài vũng nước đọng. Mấy đứa trẻ đen nhẻm vày vùa vũng nước, chúng nhặt những viên sỏi bị nước cuốn thành đống ném vào vũng cho nước bắn tung tóe lên người nhau rồi cười khanh khách. Khi chúng phát hiện ra Dịu đang ngồi bên ô cửa sổ say sưa ngắm chúng thì chúng bỗng trở lên thẹn thùng dừng cuộc chơi, nép vào nhau nhìn lại Dịu một cách xa lạ. Một cơn mưa khác ập tới, bọn trẻ mau chóng rời khỏi sân trường mang theo cả tiếng cười trong veo và cái thẹn thùng vào bản. Đến khoảng mười một giờ kém thì thời tạnh hẳn. Anh Miền về với bó măng và một xâu nhái treo lủng lẳng bên xe. Anh nói một học viên biết hôm nay anh có khách nên tối qua cậu học trò rủ bạn đi bắt nhái. Sáng đi học cậu bé xin mẹ thêm một xâu măng sặt. Anh Miền bảo Dịu xào măng, còn anh đem xâu nhái chế biến món chả lá nốt. Món này không lạ với Dịu, lúc bé ở quê vào mùa hè bố và anh Miền đã từng đi soi nhái về làm chả. Chả nhái ngọt đậm, thơm và ngon miệng ăn kèm với măng chua xào, rắc thêm vài lá húng đỏ, tía tô ngoài vườn vị măng dậy mùi thơm lừng cả bản.

Buổi chiều, khi nắng đổ thành từng vệt dài trên cánh rừng trước mặt, anh Miền và Dịu đi bộ quanh bản thăm hỏi bà con. Hoàng hôn nơi núi rừng Tây Bắc đẹp như tranh vẽ. Dòng suối bao quanh ôm lấy bản như bà mẹ hiền ôm đứa con thơ trong lòng. Nước suối mùa này ngầu đục phù sa miệt mài xuôi về phía hạ lưu. Các chị phụ nữ đi làm về, họ bận trang phục dân tộc Lự với màu chủ đạo là màu đen viền vải hoa nhiều màu trang trí. Các chị, ai cũng nhuộm răng đen nhánh như hạt na. Lâu lắm rồi, bây giờ Dịu mới lại được nhìn thấy người phụ nữ nhuộn răng đen (ngày bà nội còn sống, bà cũng có bộ răng đen nhay nháy với vành môi đỏ thắm màu trầu khiến bà dù đã già mà vẫn đẹp). Chiếc vòng tay, vòng cổ bằng bạc làm cho các chị trở lên mạnh mẽ mà vẫn giữ được nét duyên dáng của người con gái. Gót chân các chị nứt nẻ như gót chân mẹ Dịu ở quê. Trên lưng các chị là đon củi được siết chặt bởi dây rừng, hai đầu củi bằng nhau chăn chắn. Bên hông có một chiếc giỏ đựng cua, ốc suối… Có chị còn xách trên tay một túi nhỏ rêu suối hoặc măng, rau rừng,… Vào bản, Dịu thấy những ngôi nhà sàn dựng nối tiếp nhau. Dưới sàn mỗi ngôi nhà đều có chuồng lợn, gà,… ngăn để củi (rất nhiều củi, họ xếp gọn gàng và đẹp mắt), một ngăn để dụng cụ làm ruộng… Ngay dưới cầu thang là một chiếc khung cửi. Trên hiên, phía trước nhà nào cũng treo làm một chiếc sào tre dùng để treo những bắp ngô vàng óng, còn phía sau nhà thì sào tre để phơi quần áo. Trước cửa nhà thường là một vườn rau được rào bằng phên lứa. Bên chái nhà có cây mận, cây đào hoặc cây xoài… đang lúc lỉu quả ngọt.

Đi quanh bản, những đứa trẻ lễ phép khoanh tay chào thầy Miền. Người già, đám thanh niên nhìn Dịu nở nụ cười tươi rói rồi họ chuyển nụ cười sang phía anh Miền đầy ý tứ. Còn anh, anh luôn miệng giới thiệu với bà con: đây là cô giáo Dịu mới ra trường, là em gái của anh.

Buổi tối hôm ấy, trời mưa to nên lớp phổ cập được nghỉ. Gia đình hai anh chị hàng xóm đến phòng ở của anh Miền chơi. Chị Sâu Tun mang một rổ lạc đến. Anh Miền nhóm bếp vừa để luộc lạc vừa đun ấm nước pha trà. Mọi người ngồi quanh ấm trà, ăn lạc và trò chuyện vui vẻ. Bây giờ, Dịu mới biết, mấy đứa trẻ chơi ở sân trường buổi sáng là con của các anh chị Sâu Tun, Đi Xeng. Nhà của họ ở giáp trường học. Họ vẫn thường lui tới phòng của thầy Miền trò chuyện hoặc mời thầy đi dự họp bản cùng bà con. Trong câu chuyện bên rổ lạc luộc, Dịu nhận thấy họ yêu quý, trân trọng anh Miền như yêu quý người thân trong gia đình.

Ngày chủ nhật, anh Khâm đến thăm hai anh em Dịu. Cả ba người cùng nhau đi chợ huyện. Dịu muốn ra chợ mua mấy bộ quần áo và tập vở về làm quà cho mấy đứa học trò của anh Miền. Anh Khâm mua hai túi chè cổ thụ. Anh đưa Dịu và bảo: “Em mang về biếu hai bác một túi, nói cho anh gửi lời xin lỗi vì đã rủ Miền đi Tây Bắc, khi nào về anh sẽ sang tận nhà xin lỗi hai bác sau. Một túi, nhờ em mang sang nhà làm quà cho bố mẹ anh”.

Một tuần ở bản Ma Sao nhanh chóng trôi qua. Hôm ra xe về trường nhận bằng cử nhân, anh Khâm đến tiễn chân Dịu. Anh Miền lấy cớ đi giúp nhà cậu bé Chen thu ngô nên nhờ anh Khâm đèo giúp Dịu ra bến xe.

Con đường mòn xuyên qua cánh rừng hôm ấy trời nắng đẹp. Ánh nắng chan hòa qua tán cây rừng, chảy tràn trên con đường gập ghềnh đá sỏi. Suốt dọc đường, anh Khâm chỉ nói chuyện về những cô cậu học trò của anh. Đến tận lúc Dịu lên xe, anh bắt tay Dịu thật chặt và nói nhỏ: “Anh mong năm học mới được gặp Dịu ở trường”. Nhìn ánh mắt chứa chan hi vọng của Khâm, Dịu vô cùng bối rối. Cả quãng đường dài trên xe khách về quê, Dịu thấy trong lòng xốn xang bao nhiêu cảm xúc: những cặp mắt trong veo của bọn trẻ ở bản Ma Sao, cặp mắt dịu hiền và hình bóng của Khâm cứ bám chặt lấy Dịu. Dịu thiếp đi trên tay ghế, trong giấc ngủ mơ màng Dịu thấy mình đứng trên bục giảng, cầm tay từng đứa trẻ trường Ma Sao, nhẹ nhàng uốn nắn những nét chữ đầu đời cho chúng trong tiết trời Tây Bắc mênh mang vào thu…

Về quê, mỗi khi màn đêm buông xuống, Dịu ngồi dưới ánh đèn khuya bên tập hồ sơ, cô thấy nhớ da diết bản Ma Sao. Ngoài kia trăng vằng vặc sáng. Khu vườn sau nhà, đóa quỳnh đã bung nở tự lúc nào. Hương quỳnh ngan ngát không gian tỏa vào căn phòng bé nhỏ của Dịu mùi hương ma mị đầy quyến rũ nhưng Dịu lại thấy mình lạc trong mùi khói bếp bập bùng vách nứa, mùi lạc luộc, mùi mồ hôi chua chua của mấy đứa trẻ chơi trên vũng nước ngoài sân trường. Và cả ánh mắt đầy tự tin của thằng bé có đầu to quá khổ khi đứng lên đọc bài vanh vách trước lớp. Dịu nhớ cả xiên mộc nhĩ rừng đã phơi khô thằng bé Chen mang đến tặng Dịu làm quà về xuôi. Dịu biết sẽ rất khó khăn để cô mở lời thuyết phục bố mẹ nhưng Dịu tin bố mẹ sẽ vui khi Dịu tìm thấy niềm hạnh phúc trong những ngày đầu tiên đứng trên bục giảng.

Thấm thoát thời gian trôi qua nhanh như một giấc mơ. Mẹ về nơi chín suối sau một cơn bạo bệnh. Anh Miền đã yên bề gia thất. Dịu và Khâm cũng đã nên đôi. Cả mấy anh em cùng an tâm ở lại cõng chữ lên ngàn, gieo bao ước mơ tươi đẹp cho những đứa trẻ vùng biên viễn Lai Châu. Vợ chồng anh Miền muốn đón bố lên Lai Châu để tiện chăm sóc nhưng bố bảo: “Bố vẫn còn khỏe. Bố phải ở lại quê chăm sóc phần mộ các cụ và mộ mẹ. Các con công tác tốt, sống hạnh phúc; mỗi dịp hè, tết các con, cháu về thăm bố, thắp cho mẹ nén nhang thơm là bố vui lắm rồi!”.

Dịu bặm môi, giọt nước mắt mặn chát, tê tê nơi đầu lưỡi. Dịu đưa tay xoa bụng, nựng đứa con đang thành hình trong cơ thể cô. Dịu ru vỗ con hay an ủi chính mình. Mưa vẫn lã chã rơi ngoài trời. Dịu biết, chỉ ít ngày nữa thôi thì những cơn mưa dai dẳng kia sẽ chấm dứt nhường không gian cho mùa thu với tiếng trống ếch rộn ràng ngày khai trường.

 

THANH TÁM

 

 

> Xem thêm: Tạp chí văn nghệ Lai Châu

Facebook  Văn nghệ Lai Châu

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.