Mường Kim – quê hương cách mạng từng trải qua không ít gian khó nhưng người dân nơi đây vẫn luôn một lòng trung kiên, sắt son với Đảng. Phát huy truyền thống, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân luôn đoàn kết đồng lòng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh. Nghị quyết của Đảng đang đi vào cuộc sống, Mường Kim hôm nay ngày càng khởi sắc.
Vừa qua, chúng tôi có dịp về các bản xã Mường Kim và thật ngỡ ngàng trước sự đổi thay của vùng quê cách mạng. Hình ảnh ấn tượng trước mắt chúng tôi là những ngôi nhà sàn, mái tôn đỏ au khang trang, vững chãi xen lẫn là mô hình kinh tế của bà con các dân tộc bản địa. Bao quanh bản là cánh đồng lúa vàng óng báo hiệu mùa màng bội thu. Xa xa, là hồ Thủy điện Bản Chát cảnh bà con phát triển kinh tế nuôi trồng thủy sản tấp nập. Mường Kim như một bức tranh nông thôn mới (NTM) đang hiện hữu hàng ngày.
Ngược dòng lịch sử, ngày 02/12/1949, tại bản Lướt, xã Mường Kim, huyện Than Uyên, tỉnh Yên Bái, Ban Cán sự Đảng Lai Châu đã triệu tập hội nghị thành lập chi bộ gồm 20 đảng viên trong đó có 18 đảng viên chính thức, 02 đảng viên dự bị. Đồng chí Trần Quốc Mạnh được cử làm Bí thư Chi bộ. Hội nghị cũng xác định nhiệm vụ của chi bộ, trách nhiệm của đảng viên và quy định thời gian sinh hoạt chi bộ.
Một góc khu vực ngã ba Mường Kim (xã Mường Kim, huyện Than Uyên) hôm nay. (ảnh Minh Hưng)
Việc thành lập Chi bộ Lai Châu là sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng đánh dấu sự ra đời của Chi bộ Đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh, khẳng định sự trưởng thành của phong trào cách mạng địa phương. Từ đây phong trào đấu tranh của nhân dân đã có tổ chức Đảng trực tiếp lãnh đạo, là bước ngoặt trong đời sống chính trị của đồng bào các dân tộc Lai Châu. Trong thời gian hoạt động tại bản Lướt, các đồng chí trong Chi bộ Lai Châu được Nhân dân đùm bọc, yêu thương, che chở, giúp đỡ, bí mật nuôi giấu và tạo mọi điều kiện thuận lợi để Chi bộ Đảng hoạt động, góp phần vào chiến thắng chống giặc ngoại xâm của cả dân tộc.
Để khẳng định vai trò, ý nghĩa lịch sử của căn cứ hoạt động của Ban Cán sự Đảng Lai Châu, nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 1569/QĐ-UBND, ngày 6/10/2009 công nhận Khu di tích Bản Lướt, xã Mường Kim là Di tích lịch sử cấp tỉnh, di tích lịch sử cách mạng thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1946 – 1954. Khu di tích Bản Lướt có tầm quan trọng đặc biệt, trở thành “địa chỉ đỏ”, điểm đến hấp dẫn và có ý nghĩa quan trọng giáo dục thế hệ trẻ lòng yêu nước, niềm tự hào về truyền thống cách mạng của Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu.
Hiện nay, Đảng bộ xã Mường Kim có 25 chi bộ với 335 đảng viên. Xã có 11.705 nhân khẩu gồm 3 dân tộc (Thái, Kinh, Khơ Mú) cùng sinh sống ở 19 bản. Thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy Than Uyên, Đảng ủy xã đã tập trung rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động của các chi bộ, nhất là chất lượng sinh hoạt của các chi bộ thôn, bản để tìm ra biện pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo Bác gắn với việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các phong trào thi đua, chú trọng phát huy vai trò nêu của cán bộ, đảng viên góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Song song với công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, Đảng ủy xã tập trung lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế – xã hội. Phân công từng đồng chí cấp ủy viên phụ trách các chi bộ bản, nắm bắt, rà soát, tham mưu cho cấp ủy thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh đất đai với diện tích đất tự nhiên rộng 6.814ha để trồng cây lương thực, cây công nghiệp hằng năm, lâu năm; tận dụng diện tích mặt nước ở lòng hồ thủy điện chăn nuôi thủy sản… Hiện nay, xã tuyên truyền, vận động bà con đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, bên cạnh sản xuất lúa với diện tích 320ha lúa hàng hóa chất lượng cao gồm Séng cù, J02; duy trì các mô hình liên kết giữa người dân và doanh nghiệp như: Khoai tây vụ đông 20ha; bí xanh, dưa chuột 15ha; dưa hấu 4,72ha; ớt 7ha…
Nhờ phát huy tốt vai trò lãnh đạo cấp ủy ở địa phương, vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, sự chung sức đồng lòng, nỗ lực vươn lên của nhân dân kinh tế – xã hội ở vùng quê cách mạng đã có nhiều khởi sắc. Năm 2023, năng suất lúa đạt 64,2 tạ/ha, sản lượng đạt 4.529,1 tấn; diện tích sản xuất rau màu 105ha; diện tích cây trồng lâu năm 384,1ha; có 348,83ha chè trong đó chè kinh doanh 290,46ha, sản lượng chè búp tươi đạt 1.742,26 tấn. Đàn gia súc 11.689 con, gia cầm 41.000 con. Sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản 385 tấn, 723 hộ có ao nuôi thả cá, diện tích mặt nước 27,63ha, 41 hộ nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện với 405 lồng cá. Duy trì 4 sản phẩm OCOP (02 sản phẩm cá sấy, 01 sản phẩm thịt trâu sấy, 01 sản phẩm thịt lợn sấy).
Xã thường xuyên duy trì các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng, chú trọng phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với du lịch cộng đồng để nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân. 96,5% số hộ đạt gia đình văn hóa, 18/19 bản đạt bản văn hóa; 5/5 cơ quan, đơn vị đạt văn hóa đạt 100%. Giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục Tiểu học ở cấp độ 3, phổ cập giáo dục Trung học cơ sở cấp độ 2 và xóa mũ chữ ở cấp độ 1. Duy trì trường đạt chuẩn quốc gia ở các bậc học. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được nhân dân quan tâm và đồng tình ủng hộ. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được thực hiện tốt, giữ vững xã đạt chuẩn y tế: Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ 5 tuổi về chiều cao 27,59 % giảm 2,32%, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ 5 tuổi cân nặng 16,24% giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2022; tỷ lệ sinh phụ nữ sinh đẻ được cán bộ y tế đỡ đạt 99%.
Công tác an sinh xã hội được quan tâm đã thực hiện tốt công tác lao động, dạy nghề, giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa; thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà của các cấp, các ngành cho thân nhân liệt sỹ, người có công với cách mạng trên địa bàn. Qua đó, giáo dục tinh thần yêu nước, lòng biết ơn của thế hệ trẻ với những người đã cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc.
Đồng chí Nguyễn Văn Dung, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Với sự đoàn kết, phấn đấu của cả hệ thống chính trị, Mường Kim hôm nay đã khởi sắc, điển hình là diện mạo nông thôn ngày một khang trang, sạch đẹp. Năm 2019, Mường Kim về đích chương trình NTM giai đoạn 2016-2020, chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM đã từng bước được nâng cao. Đời sống người dân trong xã không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người tăng dần qua từng năm: năm 2020 đạt 34 triệu đồng (tăng 25,5 triệu đồng so năm 2015), năm 2023 đạt 48 triệu đồng, phấn đấu đến năm 2025 đạt trên 50 triệu đồng”.
Kế thừa, phát huy truyền thống quê hương cách mạng, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc xã Mường Kim không ngừng phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng trù phú, giàu đẹp. Cùng với phương thức lãnh đạo của Đảng bộ có sự đổi mới, kịp thời và đạt kết quả tốt; hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội tiếp tục được nâng lên. Nhiều năm liền Đảng ủy xã được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tặng nhiều bằng khen và cờ thi đua của UBND tỉnh. Năm 2023, Đảng bộ xã Mường Kim, huyện Than Uyên được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh tặng Bằng khen có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
THANH HOA