Nhớ về cội nguồn

Một đời người có bao điều để nhớ. Có nỗi nhớ theo ta suốt cuộc đời Những buồn vui hay kỷ niệm về đạo lý làm người, làm công dân tốt, những thành công hay chưa thành công trong sự nghiệp đã giúp ta nhìn lại mà vươn lên sống và phấn đấu không ngừng. Bao tấm gương của các bậc tiền nhân  các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh cho đất nước và dân tộc….

Chuyến đi tìm lại hình ảnh của Bác Hồ, nơi Bác đã sống và làm việc cùng Trung ương Đảng, Chính phủ một thời lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân, với chúng tôi là dịp may mắn. Chuyến đi du lịch tham quan các tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên để được đến những điạ danh nổi tiếng của cách mạng và kháng chiến; được gặp gỡ  đi thăm giao lưu cùng bạn bè văn nghệ sỹ.

Nhóm hội viên cao tuổi của Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Lai Châu có cuộc hành trình lên phía Bắc, nhà thơ MạcVăn Đích, nhà thơ – nhà nhiếp ảnh  Lò Văn Chiến, nhà thơ  Huỳnh Nguyên. Tuổi trung bình của ba nhà thơ tròn tám mươi, ít tuổi nhất trong đoàn cũng đã sống qua  bảy mươi bảy mùa xuân. Hành trang ngoài vật dụng cá nhân cũng lỉnh kỉnh dụng cụ của người đi tác nghiệp. Nghệ sỹ nhiếp ảnh Lò Văn Chiến mang đầy một ba lô, máy ảnh to, máy ảnh bé, chân máy..

Chuyến đi về cội nguồn có thuận lợi lớn là nhận được sự hỗ trợ một phần về tài chính của anh Mạc Quang Trung – con trai nhà thơ Mạc Đích, trực tiếp lái xe đưa đi và chăm sóc giúp đỡ trong sinh hoạt. Sáu ngày năm đêm cho một chuyến đi có mục đích hấp dẫn và thiết thực nên đoàn phấn chấn ngay từ đầu, xua tan cái tâm lý tuổi già sức yếu.

Ngày đầu khởi hành, xe chạy thẳng Hà Giang , xế chiều xe vượt dốc, nhìn lên lưng chừng núi phía Tây thấy dòng chữ lớn:  “Cao nguyên đá Hà Giang công viên địa chất toàn cầu”, cả đoàn đã thấy vui. Xe bon bon lên dốc Cổng trời  với cảm xúc mới lạ kỳ thú. Vượt Cổng trời,  đến thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ. Hai bên đường, những thửa  ruộng bậc thang lúa chín vàng xen kẽ với những đám hoa tam giác mạch như  những chiếc khăn voan dịu màu vừa  trắng hồng phơn phớt tím ai trải bên đường, hứa hẹn mùa lễ hội tam giác mạch tưng bừng, mọi người cảm thấy choáng ngợp bởi trời đất mênh mông, lớp lớp núi chồng lên cao chót vót như lạc vào thiên cung. Mây bay từng đám, từng đám chờn vờn triền núi ven đường. Có lúc xe qua những của tròn ôm trọn nửa quả núi, bất ngờ hiện ra những những dãy núi đá và đá, tầng tầng, lớp lớp  đá xếp bên nhau từ chân núi lên đến đỉnh. Đang ở trên tầng cao đội trên đầu một lớp mây mỏng, ánh mặt trời xuyên xuống sáng trắng, cảm thấy lành lạnh. Bỗng đám mây trắng phía trước bung ra khoảng trời cao nguyên sáng bừng một màu vàng kỳ lạ. Đá chiếm hết diện tích đất, còn sót lại những vạt đất nhỏ bằng chiếc khăn vuông hay nắm đất trong những kẽ đá vẫn có bóng người  canh tác. Trên bầu trời, sắc vàng giữa trưa đã chuyển sang màu vàng nhạt của buổi chiều đầy gió cao nguyên.

Xe chúng tôi  rẽ  vào thăm Dinh thự họ Vương. Đi qua một khoảnh đất rộng đông người có hai dãy bàn bày các nông sản miền núi, hình ảnh đầu tiên bắt mắt chúng tôi là những bông hoa rừng mà các em bé Mông bày bán phục vụ khách du lịch. Tiếp theo là hàng bán những vật làm kỷ niệm du lịch địa phương và đồ ăn nhanh phục vụ du khách. Bước lên cao thêm vài bậc vào trong, từng tốp du khách đứng quây quần trước cổng, trong sân, trong phòng  nghe các cô gái hướng dẫn viên người Mông giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc người Mông  nơi đây, đặc biệt mấy đời gia thế họ Vương đầy bí sử. Cụ Vương Chí Sình  là đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên  nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được Bác Hồ giác ngộ đi theo Cách mạng. Kết nghĩa anh em với Người, mấy đời họ Vương phục vụ cách mạng, có người làm cán bộ lãnh đạo  địa phương. Họ đã hiến cho nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ nhiều của cải tiền bạc… Tham quan dinh thự họ Vương, càng khâm phục sự sáng tạo từ một lối  kiến trúc độc đáo độc nhất vô nhị đậm nét bản sắc văn hóa Mông. Di tích đã được bộ Văn hóa thông tin Thể thao du lịch cấp bằng chứng nhận di tích lịch sử quốc gia năm 2017.

 

Qua một chặng đường, mỗi ngày tích lũy thêm vốn sống, những cảm xúc, đoàn nhà thơ càng thêm hồ hởi, linh hoạt hơn trong mỗi bước chân. Khi cột cờ Quốc gia Lũng Cú hiện ra trước mặt. Cột cờ trên đỉnh núi cao, lá cờ rộng 54m2, tiêu biểu cho 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam. Nghe nói ,ai chưa đến cột cờ  Lũng Cú coi như chưa đến Hà Giang. Nhà nhiếp ảnh Lò Văn Chiến  từng bước leo dốc,  ngược dốc lại xuôi dốc, tay nâng máy ảnh ngắm nghía sẵn sàng  tìm góc độ thích hợp để bấm máy, ánh đèn máy không ngừng chớp sáng. Hai nhà thơ Mạc Đích, Huỳnh Nguyên nhìn lá cờ đỏ sao vàng cảm nhận hào khí thiêng liêng và  uy linh của lá cờ Tổ quốc . Nhà thơ Mạc Đích rút  giấy bút trong túi áo ra ghi ghi chép chép, nhà thơ Huỳnh Nguyên đứng lặng trầm tư nghiêm trang chiêm ngưỡng lá cờ Tổ quốc. “Tổ quốc hiện diện nơi đây, người cao tuổi chúng tôi muốn  trẻ lại tiếp tục cống hiến cho Người !”. Niềm tự hào Tổ quốc dâng lên.

Lên cột cờ nhìn ra hai phía Đông Tây có hai cái hồ trong như ngọc, dân địa phương gọi là Lùng Thàng –  ao rồng.  Lùng Thàng có hai mắt rồng đêm đêm tỏa sáng khắp vùng.

Ráng chiều đã đỏ, tạm biệt cột cờ Lũng Cú xe chuyển bánh vượt hoàng hôn qua phía thị trấn Đồng Văn rồ  dừng lại giữa dốc Mã Phì Lèng ngắm cảnh rồi mới đi tiếp sang Mèo Vạc. Xe chạy thi với thời gian, lái xe Mạc Quang Trung đưa chúng tôi đi trên “Đường hạnh phúc” – do Bác Hồ đặt tên), nghe nói đây là một “ chiến tích” của con người vật lộn với gian nan thử thách. Con đường ngày ấy được mở bằng ý chí sắt son và lòng dũng cảm, vượt qua bao  gian khổ cả hy sinh xương máu. Con đường là niềm tự hào của bao thế hệ chiến sỹ bộ đội, thanh niên xung phong và đồng bào các dân tộc Hà Giang. Một tượng đài kỷ niệm vinh danh con người mở đường sắp hoàn thành sừng sững bên triền núi.

Hoàng hôn đã dần buông xuống, thật mê hồn trước cảnh đất trời núi non hùng vĩ, dòng sông Nho Quế sâu thẳm hiện lên song song với con đường Hạnh phúc, hướng về  tương lai, níu chân du khách. Nó như một bức tranh mà Mẹ thiên nhiên đã sáng tạo ra để ban tặng cho muôn đời con cháu. Hai câu  hát về Hà giang như văng vẳng bên tai chúng tôi:

Hà Giang mến yêu ơi

Hà Giang mến yêu của tôi !

Hà Giang đã đi vào tác phẩm văn học nghệ thuật, cũng như nhiều địa phương trên đất nước Việt Nam. Từ sâu thẳm trong lòng, mỗi chặng hành trình trên đất Hà Giang với chúng tôi là một tình yêu. Mảnh đất biên cương nơi xa  nhất phía Bắc, nơi có địa hình cao nhất Việt Nam. Bao thế hệ người Việt Nam đổ xương máu để gìn giữ mảnh đất này, nơi đã đứng mũi chịu sào qua các thời đại.

Sau đêm ở Mèo Vạc êm đềm trong tiếng khèn Mông réo rắt ấm lòng, đoàn chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình về Cao Bằng, nơi mang đậm dấu ấn của cách mạng và  kháng chiến, nơi có di tích lịch sử đặc biệt của Đảng và Bác Hồ. Chỉ nghĩ đến thôi là lòng chúng tôi đã thấy rạo rực xốn xang. Như những đứa con trở về thăm nhà, Đảng, Bác Hồ là hình ảnh thiêng liêng vừa cụ thể vừa trừu tượng luôn hiện hữu trong lòng mỗi người chúng tôi. Đã  từng là  người  thầy giáo, người cán bộ lãnh đạo huyện đã được học lịch sử cách mạng mà hôm nay thấy lòng xao xuyến  lạ kỳ. Những địa danh lịch sử quen thuộc đã biết, nơi đã đến hay chưa đến vẫn mang tâm trạng mong chờ. Đường dài lắm dốc nhiều cua, chỉ một mình anh Trung lái  xe không khỏi có lúc mỏi mệt nhưng không khí trong xe vẫn luôn sôi động, mỗi câu chuyện kể, mỗi bài hát cho nhau nghe đã làm mọi người luôn tỉnh táo. Cảnh vật, con người  nhân ái  thân thiện biết bao. Quê hương mỗi ngày càng phát triển phồn vinh, đời sống  đã được ổn định yên bình. Xe chạy qua những cánh đồng, bản mường, trường học…những người phụ nữ dân tộc Tày hiền dịu với trang phục dân tộc thoăn thoắt trong mọi hoạt động, gợi cho chúng tôi nhớ tới các bạn văn nghệ sỹ Cao Bằng: nhạc sỹ Bế Kha, nhà văn Hữu Tiến, nhà văn  Hoàng Quảng Uyên.. mà chúng tôi thường ngỏ lời nhau giao lưu thăm thú,

Xe bon bon vào Thành phố Cao Bằng, đến một ngã tư  rẽ trái đưa chúng tôi vào thăm Pác Bó.  Đoạn đường này tuy dài trên năm mươi cây số,  công tơ mét của xe bao giờ cũng chỉ trên bảy mươi cây số/ giờ. Cột mốc km O (đường Hồ Chí Minh đã xuất hiện).  Một tình cảm thương mến trào dâng. Mọi người nhìn quanh như muốn tìm kiếm, sự ngưỡng mộ và một cảm giác bồn chồn như nỗi nhớ nhung. Nhà thơ Mạc Văn Đích nói: “Năm xưa Bác Hồ đã hoạt động ở vùng này!” Chúng tôi nhìn ra xung quanh, thấy núi rừng hiểm trở, dốc đứng, đỉnh núi cao chót vót, suối nước chảy ào ào  hòa trong tiếng nhạc vang văng vẳng …  Trong khuôn viên rộng lớn, trước mặt chúng tôi phía bên trái là Nhà trưng bày lưu niệm Bác Hồ, xa hơn là bản Pác Bó- một bản dân cư  đẹp khang trang, có con đường rải nhựa.  Đây là  phía ngoài của  khu di tích hang Cốc Bó. Hang ở phía trong núi, đường ô tô  đi vào còn hơn một cây số.

Sáu giờ sáng tiếng loa truyền thanh trong bản vang lên lời bài hát “….Ơi núi rừng Pác Bó quê ta mấy mùa qua in bóng người…”

Chúng tôi dậy từ sáng sớm chuẩn bị để vào di tích hang. Trời  không nắng nhưng tạnh ráo vương chút mù sương, vài đám mây trắng mỏng bay vờn trên ngọn cây đầu núi. Nơi tập trung để lên hang là một dãy nhà dịch vụ khang trang có sân rộng nhìn ra dòng suối lớn. “Suối sâu, núi cao..” như lời một  câu hát. Nhìn thấy bên kia suối có dòng chữ vàng lớn: Suối LÊ NIN. Ở trên  vách đá rất cao phía sau cũng dòng chữ vàng lớn: Núi CÁC MÁC, lòng chúng tôi rạo rực vô cùng. Từng tốp người đứng chụp ảnh. Không gian rộng lớn, núi rừng bao la, lòng người bỗng thanh thản nhớ lại  ngày ấy.  Khi Bác Hồ từ nước ngoài trở về lãnh đạo cách mạng, Người đã ở nơi này. Đoàn du lịch về nguồn theo cô hướng dẫn viên người địa phương đi đến hang Cốc Bó. Đoạn đường này đi bên dòng suối, trên phim tài liệu thấy Bác đã đi qua. Người khoác áo bộ đội không cài cúc, đội mũ cát, tay phải chống gậy, có chiếc khăn mặt vắt vai, chân bước đi nhanh khỏe khoắn. Nhiều người thay nhau qua chỗ hòn đá ngày nào Bác ngồi câu cá bấm mấy tấm ảnh làm kỷ niệm, tưởng tượng Bác như vẫn ngồi đây mà trong lòng xao xuyến nhớ Người. Dọc theo bờ suối  năm xưa ấy đã in dấu chân Người, chúng tôi lại nhớ câu hát: “Dấu chân Người đi, đất chuyển dời theo người”, khâm phục Bác bao nhiêu càng thương nhớ Người bấy nhiêu. Bản lĩnh, nghị lực của người cách mạng đã giúp Bác vượt qua khó khăn để làm việc và sinh sống trong hang  lạnh chật hẹp, ẩm thấp lấy mặt phiến đá làm giường nghỉ, lấy đá lạnh làm gối đầu.

Thăm hang Cốc Bó, được thấm thía bài học về cần, kiệm,liêm, chính, chí công, vô tư mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy gây giờ vẫn còn nguyên ý nghĩa.

Rời Cốc Bó, đoàn chúng tôi sang Bắc Kạn. Chặng đường dài, phải cố vượt, sợ  tối  nhưng cũng không tránh khỏi đến muộn.Trước khi vào thành phố Bắc Kạn, đoàn chiêm ngưỡng cảnh đẹp khu du lịch sinh thái hồ Ba Bể. Dù được trực tiêp chỉ dẫn từ xa của nghệ sỹ nhiếp ảnh Quang Luận của Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Bắc Kạn nhưng chúng tôi vẫn còn chút lúng túng khi tìm bãi đáp. Nhưng rồi cũng gặp nhau tay bắt mặt mừng. Anh em vui mừng gặp mặt, cùng nhau tâm sự về cuộc sống, chuyện làm nghề. Sáng hôm sau, Nhà thơ Dương Khâu Luông – Chủ tịch hội Văn học – Nghệ thuật Bắc Kạn , nhà thơ Quách Đăng Thơ, nghệ sỹ nhiếp ảnh Quang Luận, các văn nghệ sỹ khác đã nâng chén  giao lưu trao đổi thân mật và trao tặng nhau tác phẩm. Thời gian không cho phép kéo dài nhưng  tình cảm văn nghệ thâm sâu.

Rời thành phố Bắc Kạn đi Tuyên Quang ,đoàn chúng tôi đã ghé du thuyền trên hồ Núi Cốc và  thăm quần thể khu di tích cách mạng và kháng chiến: Lán Nà Lừa, đền Tân Trào, đền Hồng Thái-  nơi thành lập quân đội nhân dân Việt Nam, nơi  Bác Hồ đã ở, nơi đã diễn ra Đại Hội Quốc Dân, bầu ra Quốc Hội, Chủ tịch nước và Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ấn tượng nhất là phiến đá trước cửa đền Tân Trào và bát hương nơi Bác Hồ đã tuyên thệ: Quyết tâm giành độc lập!

Chuyến đi sáu ngày năm đêm, dù tuổi cao nhưng sức khỏe của mọi người trong đoàn vẫn được an toàn. Mọi người được hiểu thêm sâu sắc hơn về cuộc đời hoạt động của Bác Hồ kính yêu trong đấu tranh cách mạng và kháng chiến chống thực dân Pháp; càng thêm tin tưởng vào đường lối cách mạng và sự lãnh đạo của Đảng.


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.