“Tôi có nhiều cảm xúc với con người, mảnh đất Lai Châu và đã in 12 tập sách thuộc thể loại: tiểu thuyết, truyện ký, thơ về đề tài này. Với mong muốn sẽ tiếp tục sáng tác tác phẩm bằng những hình tượng thơ trữ tình, nói lên tình cảm của tôi với nơi mình gắn bó cả đời, tập trường ca đầu tay của tôi cũng là cuộc “thử sức” ở một địa hạt hoàn toàn mới” – Lời tâm sự của tác giả Huỳnh Nguyên (bút danh của Nguyễn Thanh Tịnh – Chi hội Văn học Nghệ thuật thành phố Lai Châu) vừa khiến những cây bút trẻ như chúng tôi khâm phục, vừa giục giã chúng tôi đọc trường ca “Tiếng vọng non ngàn” để hiểu thêm về Lai Châu qua các thời kỳ lịch sử.
94 trang trường ca được tác giả Huỳnh Nguyên viết với mạch cảm xúc trân trọng, yêu thương miền quê mình đang gắn bó – Lai Châu – nơi trọn cuộc đời ông đã gắn bó với nghề “gieo chữ”. Chỉ có thể loại trường ca mới có dung lượng lớn, giúp tác giả viết về một khoảng thời gian dài, trong một không gian phóng khoáng như thế. Đúng như tâm trạng của Huỳnh Nguyên, đang “mắc nợ” với vùng núi rừng gian khó, tập trường ca giãi bày phần nào tâm trạng của nhà thơ. Xuyên suốt 8 chương là nội dung tác giả gửi gắm từ ý nghĩa từng câu chữ. Chương I, “Miền đất lạ” bắt đầu bằng thể thơ thất ngôn kể về hành trình của nhân vật tôi – một chàng trai trẻ đến với non ngàn, “Nơi ấy có đàn em trìu mến/ Chờ đón chúng tôi mỗi sáng chiều”. Những hình ảnh thật đẹp: “Dòng suối thu rì rào khúc hát/ Lúa mùa xanh đồng ruộng bậc thang”. Với tâm niệm “Miền đất lạ, đâu phải là xa lạ”, anh giáo trẻ với “Những hoài bão ước mơ cháy bỏng” đã sẵn lòng cống hiến cho nghề bảng đen phấn trắng từ đây.
Nối tiếp mạch cảm xúc, chương II “Tây Bắc nơi tôi đến” viết tiếp những dòng kể về bản mường, miền đất huyền thoại và tình người nồng đượm. Nhịp cảm xúc cứ dồn dập theo ngôn ngữ cuộn chảy, như người “đãi chữ” công phu và tỉ mỉ, mỗi từ ngữ sử dụng đều được tác giả cẩn thận lựa chọn phù hợp, không chỉ toát lên nội dung, còn bật lên hình tượng thơ, gợi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ. Trong gian khó, con người vùng cao nổi bật với tâm tính thật thà, tình cảm. Thầy giáo trẻ với bao trăn trở đối mặt với khó khăn, từ cơn sốt rét đến đổ vỡ về mặt tình cảm, nhưng vẫn “Ra rừng tiếng chim, ở nhà tiếng trẻ/ Tôi và trò vui cuộc sống sang trang”. Trước thực trạng nhiều thầy cô bỏ về xuôi vì chán nản, gây xáo động, nhưng lúc ấy “Tôi giật mình bật sáng con tim/ Bỗng nhớ trường Dục Thanh/ Nhớ thầy Nguyễn Tất Thành/ Nhớ Bác!/ Nguyễn Văn Trỗi, anh như thầm nhắc…”, từng tấm gương chiếu rọi khiến người thầy khỏa lấp tâm tư, quyết tâm gắn bó với miền đất. Mở ra chương III “Người con của bản”. Câu thơ gợi cảnh sắc thiên nhiên vùng núi, đẹp đến nao lòng “Mây bông trắng bồng bềnh đỉnh núi”, “Bếp nhà sàn đã xanh ngọn khói”. Trong khung cảnh lãng mạn ấy, thật xúc động khi: “Lần đầu tiên nơi này vang Quốc ngữ/ Ở đầu mường cuối bản tiếng o, a”. Vẫn là những dòng thơ mang giọng kể, nhưng cũng là câu chuyện dài của nghề thầy với sức nặng của ý nghĩa nghề cao quý này. Không gì cao quý bằng ánh sáng trí thức lan tỏa. “Như cây xanh đón nắng ban mai/ Như rừng tối đã ngời ánh sáng”. Ngôi trường mới và tiếng gọi non ngàn khiến thầy giáo thấy “Đường xa ngái nhưng lòng không xa ngái”, tình yêu thương níu chân, để thầy trở thành người con của bản. 18 trang thơ đủ để giãi bày nỗi niềm của thầy giáo Tịnh, như lời tri ân với nơi tuổi trẻ mình cống hiến. “Người thầy giáo nặng tình đất ở/ Ký ức một thời đẹp biết bao nhiêu”.
Nếu như chương IV “Ấm áp tình người” nhắc nhiều đến các nhân vật ở vùng cao mà thầy giáo quen: từ mẹ già, lũ trẻ… và các phong tục tập quán của nhân dân. Từ điệu xòe, mùa gặt cũng trở nên quen thân. Thì chương V “Đồng nghiệp của tôi” lại kể về những thầy giáo từ các tỉnh miền xuôi đi theo lý tưởng, đến với miền núi bằng cả tình yêu, trách nhiệm, dìu dắt đàn em thơ trưởng thành. Giáo dục Tây Bắc ngày một phát triển, chính là công sức tận tình của mỗi con người hy sinh thầm lặng. “Cái chữ làm nên ngọn đuốc soi đường”, đằng sau “Chặng đường dài đi không mệt mỏi” của thầy cô giáo, là “Bao thế hệ học trò lấp lánh tiềm năng”.
“Dạy học bổ túc văn hóa”, chương VI là một chương khá đặc biệt, nhà thơ dành riêng nói về việc xóa mù chữ sau giải phóng. Nhiệm vụ cấp thiết đưa học tập lên hàng đầu, để “cái chữ khơi mạch nguồn cuộc sống”. Nhà thơ “Thương các thầy đi gieo cái chữ/ Không phải gieo dưới ruộng trên nương/ Gieo vào lòng người cái khôn ngoan/ Gieo lòng người thêm sự hiểu biết”. Đó là không gian “Vui những ngày học tập bình yên/ Ấm áp những đêm thầy trò sinh hoạt”. Rồi cả những vất vả khi thầy giáo lội suối, trèo đèo đến từng xã, từng bản chiêu sinh. Thầy thì kiên trì không nản chí, trò ngày càng đọc thông viết thạo đã tạo nên “những mầm non thế hệ tương lai”. Đuổi xua được “giặc dốt”, nhà thơ tiếp tục kể về “Năm tháng không quên” ở chương VII, khi “Đất nước tôi những năm đánh Mỹ/ Đồng nghiệp xung phong chia lửa chiến trường/ Mỗi thầy giáo cũng là chiến sỹ/ Bao lần chia tay bạn lên đường”. Cả những hy sinh, vì “Thầy ra trận mãi mãi không về”. Rồi đâu chỉ vì chiến tranh mới có mất mát, “Có thầy giáo quên mình/ Cứu các em trong cơn lũ quét”. Và còn nhiều những câu chuyện xúc động ở ngôi trường bán trú, tình thầy trò trong gian khó, chăm nhau lúc ốm đau. Cả kỷ niệm ngày thầy, cô cùng dân quân diệt phỉ, giữ kho thóc. Quả là những năm tháng gian nan, không thể quên.
Chương VIII “Đến mùa quả ngọt”, vẫn là cái nhìn hồn hậu của nhà thơ Huỳnh Nguyên với cuộc sống xung quanh. Tình yêu ấy “Ta vun trồng ngày mai tươi đẹp/ Đất trời ban mưa nắng chan hòa/ Cây xanh tốt hẹn mùa thu hoạch/ Trái ngọt lành mơ ước vươn xa”. Cuộc đời sang trang đổi mới, xã hội văn minh, con người tri thức, khoảng cách giữa miền núi – miền xuôi không còn xa ngái, nhìn con cháu sống hạnh phúc, bản thân ông giáo già cũng vui niềm vui ngày hôm nay. Khép lại tập trường ca, phần cuối, thầy giáo trở lại nơi xưa, gặp lại bao thế hệ học trò đã trưởng thành. Những kỷ niệm, ký ức sáu mươi năm ùa về, dâng trong nhà thơ nỗi xúc động, thúc giục ông sáng tác với một niềm cảm hứng say mê mà trong trẻo. Tập trường ca không chỉ là những áng thơ trữ tình, còn là những trang sử quý giá về nghề thầy gieo chữ trên miền đất khó.
VŨ NGUYÊN