Giá trị Đề cương Văn hóa Việt Nam gắn với xây dựng nền văn học nghệ thuật Lai Châu hiện nay

Đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, văn học nghệ thuật (VHNT) đã phát huy vai trò trong tạo động lực thúc đẩy, khơi dậy sức mạnh nội sinh và soi đường chỉ lối cho quốc dân, đồng bào. Một trong những định hướng tư tưởng quan trọng cho nền văn hóa Việt Nam nói chung và VHNT nói riêng trong thời chiến cũng như thời bình là bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo (Đề cương). Trong đó, ba giá trị của một nền văn hóa, “dân tộc hóa”, “đại chúng hóa” và “khoa học hóa” đã định vị sáng rõ về nền văn hóa mới – nền văn hóa đồng hành cùng quá trình phát triển của dân tộc. Theo cách tiếp cận đó, để hoàn thành sứ mệnh lịch sử và thời đại, văn học nghệ thuật Việt Nam cũng mang trong mình những thuộc tính nêu trên.

Lai Châu là một tỉnh miền núi biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, đang trong quá trình tìm kiếm những nhân tố hợp lý cho quá trình phát triển. Đồng hành với công cuộc xây dựng tỉnh Lai Châu phát triển, nền VHNT đã tỏ rõ vai trò trong định hướng những giá trị chân, thiện, mỹ góp phần hoàn thiện nhân cách, thẩm mỹ và làm phong phú đời sống tinh thần của con người; đồng thời là động lực thúc đẩy sự phát triển và góp phần hun đúc ý chí, nghị lực, khát vọng cống hiến trong cộng đồng Nhân dân các dân tộc Lai Châu. So với bề dày lịch sử VHNT của nước nhà, nền VHNT của tỉnh Lai Châu được đánh giá còn non trẻ bởi sự thể nghiệm các loại hình sáng tác; đặc biệt vẫn đang trong hành trình tìm tòi, khám phá và trưởng thành. Do vậy, xác định đúng đắn con đường phát triển và định vị các giá trị cốt lõi từ việc vận dụng sáng tạo các giá trị to lớn của bản Đề cương trong xây dựng nền VHNT đáp ứng yêu cầu phát triển là vấn đề được cả hệ thống chính trị quan tâm, trong đó lực lượng văn nghệ sĩ là nòng cốt. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, ba tính chất căn bản của bản Đề cương “dân tộc hóa”, “khoa học hóa” và “đại chúng hóa” gắn vào một nền VHNT địa phương như Lai Châu, cần được hiểu và vận dụng như thế nào? Đó chính là vấn đề cần được hiểu thấu đáo, chính xác và phù hợp với thực tiễn vận động, phát triển của nền VHNT của tỉnh.

Tính “dân tộc” của 20 dân tộc ở Lai Châu, tính “đại chúng hóa” mang “hơi thở” của thực tiễn cuộc sống

Theo đó, những tác phẩm VHNT phải mang trong mình sứ mệnh cao đẹp của nghệ thuật chân chính. Đó là những tác phẩm mang đậm dấu ấn, hồn cốt của vùng đất và con người Lai Châu. Những tác phẩm mang sứ mệnh lan tỏa tri thức bản địa trong công cuộc dựng xây, bảo tồn các giá trị văn hóa vùng miền; phản ánh được cốt cách, tinh thần của con người Lai Châu – những con người hồn hậu, nhân ái, mộc mạc, chân thành trong cuộc sống; chăm chỉ, cần cù trong lao động; yêu thương, trách nhiệm với cộng đồng,…. Nền văn hóa, văn nghệ ấy không chỉ đáp ứng nhu cầu thụ hưởng các giá trị tinh thần của Nhân dân mà còn phải chuyển hóa thành sức mạnh nội sinh, vật chất hóa thành những hành động cụ thể. Đó là những tác phẩm thi ca có sức truyền cảm hứng mạnh mẽ về tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc, tinh thần hăng say lao động, khơi dậy tinh thần cống hiến trong mỗi con người để hiện thực hóa khát vọng xây dựng Lai Châu phát triển nhanh, bền vững, đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc.

Như vậy, trong bối cảnh hiện nay, tiếng nói của thi ca, nghệ thuật khi đan cài tính dân tộc cần đảm bảo sự hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, để nghệ thuật không chỉ mang trong mình tính thẩm mỹ đặc trưng mà còn có những sứ mệnh cao cả với quê hương, đất nước – sứ mệnh gìn giữ, bảo tồn và phát huy các các giá trị truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán trong tiếp biến, giao lưu với các xu hướng, làn sóng văn hóa hiện đại, tiệm cận đến tinh hoa văn hóa nhân loại.

 

Các văn nghệ sĩ tỉnh dự Hội thảo “Nâng cao chất lượng sáng tác văn học nghệ thuật trên Tạp chí Văn nghệ Lai Châu”. Ảnh: Ngọc Thắng

Tính phổ quát của văn học nghệ thuật đòi hỏi các văn nghệ sĩ phải có khả năng điển hình hóa và khái quát hóa được hệ giá trị của các cộng đồng, tộc người sinh sống trên mảnh đất Lai Châu. Có thể thấy, con đường ngắn nhất để đưa cuộc sống dung dị đời thường đến với quần chúng Nhân dân là bằng các tác phẩm nghệ thuật. Bằng ngôn ngữ nghệ thuật và cảm quan của người nghệ sĩ, tác phẩm nghệ thuật đã truyền cảm hứng mạnh mẽ thông qua các thông điệp mà tác giả gửi gắm. Đó có thể là tình yêu quê hương đất nước; tình yêu lứa đôi; là những gương người tốt việc tốt; những mảnh đời, số phận éo le khiến lòng trắc ẩn trong mỗi người được đánh thức. Hay đó là nét đẹp hữu tình, hào sảng và phóng khoáng của mảnh đất Lai Châu miền biên viễn xa xôi; những chủ trương, đường lối, chính sách thể hiện bản chất dân chủ, nhân văn của Đảng và Nhà nước.

Bằng lăng kính nghệ thuật, tất cả những câu chuyện đời thường đó chạm đến tận cùng trái tim của của mỗi người. Ngoài ra, với đặc thù của tỉnh Lai Châu, giá trị thời đại trong mỗi tác phẩm văn học nghệ thuật yêu cầu các văn nghệ sĩ phải điển hình hóa được đời sống sản xuất; phản ánh được tư duy, nếp sống, nếp nghĩ của các cộng đồng, tộc người. Trong đó, bằng các thủ pháp, hình tượng nghệ thuật, mỗi tác phẩm chứa đựng sức mạnh tinh thần to lớn, bền bỉ để đấu tranh với cái xấu, cái ác, những hủ tục lạc hậu ăn sâu bám rễ trong đời sống Nhân dân, đồng thời lan tỏa những giá trị nhân văn, lý tưởng cao đẹp, với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”… Tức là, “đại chúng hóa” là yêu cầu nhưng đồng thời cũng là một phẩm chất, một năng lực của nền văn học nghệ thuật cần phải đảm bảo để đáp ứng sự phát triển của địa phương.

Tính vận động của nền văn hóa mới

Văn học nghệ thuật mang tiếng nói, hơi thở của thời đại, nuôi dưỡng mạch nguồn dân tộc, diễn giải những nguyện vọng tha thiết của quần chúng nhưng trên hết là định hướng những giá trị đúng đắn trong tư tưởng tình cảm. Có thể thấy, văn học nghệ thuật là một trong những phương tiện truyền thông tích cực, hiệu quả góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp, tiến bộ và nhân văn. Nên trên hết, khi sáng tạo nghệ thuật, các văn nghệ sĩ phải nhất quán, kiên định những nguyên tắc cơ bản của những người chiến sỹ văn hóa Mác-xít. Đó là yêu cầu về một thế giới quan khoa học và phương pháp luận biện chứng trong sáng tạo bất cứ hình tượng nghệ thuật nào.

Văn học nghệ thuật là việc phản ánh thế giới khách quan thông qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ. Một trái tim nhân ái, một tinh thần cống hiến là điều kiện cần của một người nghệ sỹ nhưng trên hết điều kiện đủ là một nhân sinh quan khoa học. Nhân sinh quan khoa học để tái hiện những hình tượng nghệ thuật hướng tới diễn giải hệ giá trị của cả cộng đồng người. Nhân sinh quan khoa học sẽ giúp người nghệ sĩ vượt lên cái tôi nhỏ bé, tránh bẻ cong ngòi bút vì sự sai lầm trong tư duy và nhận thức. Bên cạnh đó, phương pháp luận biện chứng giúp người nghệ sỹ xác định rõ được mục đích chân chính trong sáng tạo nghệ thuật; để mỗi tác phẩm không thuần túy là tấm thảm dệt ngôn hay chỉ chú trọng đi sâu tái hiện các hình tượng nghệ thuật sao cho đẹp đẽ, lộng lẫy mà quên đi sứ mệnh nhân sinh cao cả là khảng định lẽ phải, sự công bằng, định hướng những giá trị chân, thiện, mỹ và đấu tranh, phản bác những cái xấu xa, phản tiến bộ…

Lai Châu là một tỉnh còn những hạn chế nhất định trong quá trình phát triển, trong đó trình độ nhận thức của người dân không đồng đều, một phận dân cư dễ bị kẻ xấu và các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá Đảng và Nhà nước. Nên trữ tình và chính luận là hai mặt của vấn đề sáng tác cần được quan tâm khi xây dựng, phát triển nền văn học nghệ thuật của tỉnh nhà. Chất chính luận đòi hỏi người nghệ sỹ cần có sự sắc nét trong tư duy và nhận thức để mỗi tác phẩm không chỉ chất chứa tính nghệ thuật mà còn là một sản phẩm văn hóa cộng đồng định hướng tư tưởng, hành động cho Nhân dân.

Mỗi tác phẩm nghệ thuật không chỉ là sự kết tinh, định vị một địa chỉ văn hóa cụ thể mang tính vùng miền mà còn chưng cất lên những giá trị mang tầm định hướng trong tương lai. Tức là cùng với giá trị dân tộc, đại chúng, tính khoa học của mỗi tác phẩm văn nghệ phản ánh năng lực tư duy, tầm nhìn thời đại, khả năng truyền thông, nhận thức lý luận của mỗi người nghệ sỹ.

Như vậy, có thể thấy, ba nguyên tắc vận động của văn hóa: “dân tộc hóa”, “đại chúng hóa” và “khoa học hóa” hay ba tính chất: “dân tộc”, “đại chúng” và “khoa học” khi định hướng hoạt động sáng tạo nghệ thuật cũng chính là ba trụ cột quan trọng trong xây dựng, phát triển một nền văn học nghệ thuật nói chung và văn học nghệ thuật tỉnh Lai Châu nói riêng.

Thời gian có thể khiến quá khứ chìm vào dĩ vãng, lớp lớp các thế hệ tiếp nối sẽ phủ trên đó lớp bụi của lãng quên, nhưng những thứ thuộc về giá trị của lịch sử, của dân tộc mãi mãi trường tồn cùng năm tháng. Hơn tám thập kỷ đã trôi qua nhưng những giá trị lý luận và thực tiễn của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đến nay vẫn con nguyên giá trị trong xây dựng, phát triển văn hóa. Văn học nghệ thuật là một thành tố của văn hóa nhưng đồng thời là phương tiện phản ánh sống động giá trị văn hóa của một thời đại, một cộng đồng, một dân tộc. Vận dụng ba nguyên tắc vận động của văn hóa: “dân tộc hóa”, “đại chúng hóa” và “khoa học hóa” trong xây dựng, phát triển nền văn học nghệ thuật tỉnh Lai Châu góp phần phát huy vai trò, sứ mệnh của văn hóa trong công cuộc phát triển Lai Châu hiện thực hóa khát vọng phồn vinh, hạnh phúc.

 

NGUYỄN HỒNG

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.