Đồng hành cùng nông dân Lai Châu giảm nghèo bền vững

 Những năm qua, cùng với nhiệm vụ xây dựng tổ chức hội, hội viên nông dân vững mạnh, Hội Nông dân tỉnh Lai Châu đã có nhiều nỗ lực trong các hoạt động hỗ trợ nông dân, nhất là hỗ trợ vốn sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, mang lại kết quả tích cực, góp phần giúp người dân làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Năm 2012, Nậm Nhùn là huyện mới thành lập trên cơ sở chia tách từ hai  huyện Mường Tè và Sìn Hồ, toàn huyện có 11 dân tộc; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 95%, phần lớn người dân Nậm Nhùn định cư dọc theo 2 bờ sông Đà và các con suối nhỏ. Từ bao đời nay, bà con nơi đây vẫn quen lối canh tác truyền thống, sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ. Trước thực tế ấy, Hội Nông dân huyện đã đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ hội viên nông dân về vốn, kỹ thuật chăn nuôi để hướng tới chăn nuôi gia súc theo hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân.

Con đường bê tông sạch đẹp đưa chúng tôi về bản Nậm Sảo 1, xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn trong tiếng nói cười đùa của con trẻ sau giờ tan học. Nghe các cao niên bản nói chuyện, giờ cái ăn của người Mảng không còn đứt bữa như trước. Bản làng đã đổi thay, có điện, có đường, trường mới, con trẻ chịu khó đến lớp. Người dân học được nhiều kiến thức mới trong chăn nuôi trồng trọt từ những lớp tập huấn dạy nghề của các cấp Hội nông dân triển khai. Qua ti vi, sách báo, bà con nắm rõ các được chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước.

Bí thư Chi bộ bản Nậm Sảo 1 Lò Me Thơ, người Mảng, trẻ tuổi, năng nổ, nhiệt tình dẫn đoàn, chị phấn khởi: Trước năm 2012, Nậm Sảo 1 thuộc xã Nậm Ban của huyện Sìn Hồ, địa phương còn tồn tại nhiều hủ tục, tệ nạn như: Nghiện rượu, hôn nhân cận huyết… Những năm qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, xây dựng nông thôn mới”. Đặc biệt là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất giỏi”, giờ bà con người Mảng mình ai ai cũng hăng hái tham gia, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Đời sống của người Mảng mình thay đổi nhiều lắm!

Mô hình nuôi cá lồng mang lại thu nhập ổn định, giúp người dân làm giàu và giảm nghèo bền vững.

5 năm trước, gia đình chị Lò Me Lưởng (dân tộc Mảng) ở bản Nậm Sảo 1 thuộc diện nghèo nhất bản, dù ở bản nhà cũng có tiếng là chăm chỉ, làm việc quần quật cả ngày trên nương rẫy. Vậy mà, chưa khi nào bồ thóc được “ngủ yên” sang vụ sau. Nhà có 6 miệng ăn, chưa giáp hạt đã phải “rồng rắn” xếp hàng trước cổng ủy ban xã chờ gạo cấp của Nhà nước. Làm lụng quanh năm chẳng đủ ăn, cám cảnh, chị Lưởng về Hà Nội làm đủ nghề từ rửa bát, phụ hồ, làm đồ nhựa…, nhưng cuộc sống xa nhà, biết bao chi phí, có lúc hết việc thế là đi tong cả tháng lương cho chi phí sinh hoạt chờ việc. Nhiều đêm trăn trở cảnh thất nghiệp, chị quyết ngược núi về bản, chị được Hội Nông dân xã giới thiệu tham gia lớp tập huấn, dạy nghề, chuyển giao kĩ thuật chăn nuôi, và tiếp cận nhiều mô hình kinh tế điển hình của địa phương. Chị đã cởi được “nút thắt” bấy lâu trong việc lựa chọn hướng phát triển kinh tế gia đình.

Nhận thấy lợi thế địa phương với nhiều bãi chăn thả, nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi đại gia súc. Tranh thủ sự hỗ trợ của Hội Nông dân các cấp, cùng với 5 hộ trong bản, chị Lưởng được xét vay vốn từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân để phát triển mô hình chăn nuôi  trâu sinh sản. Các hộ tham gia dự án được vay 50 triệu đồng trong thời gian 3 năm với cam kết sử dụng vốn vay đúng mục đích để phát triển chăn nuôi có hiệu quả, hoàn trả gốc và phí đầy đủ, đúng hạn.

Khi có vốn trong tay, cùng những kiến thức tích lũy có được khi tham gia các lớp tập huấn và học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình tiêu biểu. Lò Me Lưởng bắt tay vào xây dựng chuồng trại, chuyển từ phương thức chăn nuôi thả rông sang chăn thả tập trung, tuân thủ nghiêm các quy định trong phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng định kỳ cho đàn gia súc, nhờ vậy mà đàn gia súc của gia đình chị sinh trưởng và phát triển tốt.

Đến nay, gia đình chị Lưởng đã có gần 20 con trâu, bò, hơn 15 con dê và hơn 100 con gia cầm các loại. Ngoài phát triển chăn nuôi, chị còn trồng thêm 2.000m2 nghệ đen, 0,5 ha nương ngô, sắn và hơn 3 sào lúa nước 2 vụ. Hàng năm, từ chăn nuôi và trồng trọt đem lại cho gia đình chị thu nhập trên 100 triệu đồng. Từ một hộ khó khăn trước đây, nay gia đình chị Lưởng là tấm gương điển hình của đồng bào Mảng vươn lên thoát nghèo, có của ăn của để nhất nhì bản.

Cũng như chị Lưởng, tranh thủ nắm bắt cơ hội, ông Cà Văn Khám và nhiều hộ trong bản Nậm Cầy, xã Nậm Hàng đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Từ 50 triệu đồng, số vốn ban đầu tiếp cận từ nguồn vốn quỹ Hội nông dân, gia đình ông Khám chuyển toàn bộ hơn 2ha đất bỏ hoang sang trồng quế và xây dựng mô hình nuôi trâu sinh sản.

Ông Cà Văn Khám đã thành công với mô hình chăn nuôi, trồng trọt có quy mô hơn 30 con trâu, bò và 2ha quế. Với nguồn thu ổn định trên 150 triệu đồng/năm, ông trở thành điển hình trong phong trào đảng viên phát triển kinh tế của bản, xã: “Trước đây, gia đình tôi rất khó khăn do thiếu vốn để phát triển sản xuất. Nguồn vốn ban đầu của Quỹ hỗ trợ nông dân đã tiếp thêm động lực để tôi cố gắng vươn lên, tạo lập lên trang trại chăn nuôi có quy mô như hiện nay. Trách nhiệm của tôi bây giờ là đóng góp lại xây dựng nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân để giúp các hội viên khác được vay vốn phục vụ sản xuất, vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống no ấm”, ông Khám chia sẻ.

Vượt qua những khó khăn ban đầu, ông Khám và các hộ dân của Nậm Cầy đã tìm thấy “chìa khóa” thoát nghèo. Những trang trại chăn nuôi tập trung quy củ đã phá vỡ lối tư duy canh tác sản xuất nhỏ lẻ, hoang dã đầy rủi ro. Vốn cần cù lao động, những hội viên nông dân Nậm Cầy đã biến vùng đất bỏ hoang thành vườn quế, chanh leo và nhiều cây ăn quả xanh tốt, làm cho diện mạo, đời sống nông thôn miền núi nơi đây đang ngày càng khởi sắc.

Chia tay vùng cao Nậm Nhùn, chúng tôi xuôi về thăm những người nông dân miền “đất gió” Than Uyên. Trong câu chuyện cùng bà con người Thái, Khơ Mú các xã Mường Kim, Ta Gia, Khoen On, Pha Mu được biết, năm 2015 nhà máy thủy điện Huội Quảng và Bản Chát đi vào hoạt động. Từ một dòng suối Nậm Mu nhỏ bé, giờ đây có 2 nhà máy thủy điện lớn tạo thành vùng lòng hồ rộng lớn, đó là điều kiện “vàng” để phát triển nuôi trồng thủy sản và du lịch sinh thái.

Với lợi thế đó, những năm qua, các hộ dân sinh sống gần hồ, từ chỗ chỉ tập trung khai thác nguồn lợi tự nhiên đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư làm lồng nuôi cá. Theo Quyết định số 04 ngày 17/1/2020 của UBND tỉnh về “sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2017 – 2021”. Cùng với lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình: 30a/CP, nông thôn mới… Theo đó, huyện tập trung hỗ trợ làm lồng cá với kinh phí 10 triệu đồng/lồng, cấp cá giống, hỗ trợ một phần thức ăn cho các hộ tham gia nuôi cá lồng. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ được vay vốn từ các ngân hàng: Chính sách xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để phát triển kinh tế gia đình, tạo công ăn việc làm ổn định, nâng cao thu nhập nhằm thoát nghèo bền vững.

Tại làng cá bản Thẩm Phé, xã Mường Kim, chúng tôi ngỡ ngàng giữa lòng hồ mênh mông là hệ thống bè nổi khá quy mô, cạnh đó dịch vụ nhà hàng nổi, có tàu du lịch đưa khách tham quan trải nghiệm. Hình ảnh những đàn cá chép, cá lăng, đạp nước bì bõm trắng xóa cả một vùng khi có nhân viên báo hiệu đến giờ ăn, mới thấy cảnh lao động vùng lòng hồ nhộn nhịp làm sao.

Lò Thị Dung, cô gái Thái nhỏ nhắn cũng là Giám đốc HTX Thanh niên Thẩm Phé là một trong những lớp người đầu tiên mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi cá lồng bè trên lòng hồ tại Mường Kim. Có lẽ đến giờ này Dung và bà con Thẩm Phé vẫn nhớ như in tâm lý lo lắng mất đất canh tác khi vén dân lên nơi ở mới, nhường đất cho thủy điện. Được sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con được vay vốn ưu đãi từ các tổ chức Đoàn, Hội liên kết với Ngân hàng Chính sách xã hội…

Từ con số 5 lồng cá khởi nghiệp ban đầu, vượt qua những khó khăn, đến nay HTX Thanh niên Thẩm Phé đã mở rộng quy mô lên tới 60 lồng nuôi các loại cá đặc sản. Câu chuyện của nữ giám đốc trẻ Lò Thị Dung càng thuyết phục hơn, khi chị giới thiệu quy mô nuôi cá lồng bè đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 11 lao động địa phương. Để tăng thêm thu nhập các thành viên, ngoài công việc chăm sóc cá, HTX Thanh niên Thẩm Phé còn chế biến, đóng gói các loại đặc sản, sản phẩm từ cá; các mặt hàng độc đáo làm quà lưu niệm; kèm các dịch vụ, thuê tàu du lịch, trải nghiệm câu cá. Với thu nhập bình quân từ 8 – 10 triệu đồng/người, mô hình nuôi cá lồng kết hợp làm du lịch của các hộ dân trên hồ thủy điện Bản Chát đang “thay da, đổi thịt” từng ngày.

Rời cảng cá Thẩm Phé, chúng tôi ghé mô hình nuôi cá lồng bè của anh Đỗ Anh Tuân, Giám đốc HTX Dịch vụ Tuân Anh (bản Nam, xã Ta Gia). Hiện giờ với 25 lồng nuôi cá trong lòng hồ Thủy điện Huội Quảng, chủ lực là cá chiên, lăng, quất đang phát triển tốt. Trung bình, mỗi năm HTX xuất bán ra thị trường hơn 10 tấn cá đặc sản các loại. Với giá bán cá lăng 100.000 – 120.000 đồng/kg, cá chiên 450.000 – 480.000 đồng/kg…, sau khi trừ chi phí, HTX có lãi hơn 300 triệu đồng/năm”, anh Tuân cho hay.

Được biết, hàng năm Hội Nông dân các cấp phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Đến hết 30/11/2023 tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH ủy thác thông qua tổ chức Hội là 1.039.107 triệu đồng, với 15.614 hộ vay vốn, thông qua 412 tổ tiết kiệm.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lai Châu – Dương Đình Đức cho biết: “Các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề cho hội viên trong những năm qua đã góp phần đáng kể giúp nông dân làm giàu và giảm nghèo bền vững. Các mô hình Quỹ hỗ trợ nông dân đã tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống cho người nông dân. Qua đó, tinh thần năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất của hội viên nông dân được phát huy, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển, đạt hiệu quả cao, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới”.

HÀ MINH HƯNG

 

 

 

 

 

 

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.