Phong tục sinh đẻ của người Mảng ở Lai Châu

Thuộc ngữ hệ Nam Á, nhóm Môn – Khmer, dân tộc Mảng cư trú tập trung ở các huyện: Mường Tè, Nậm Nhùn và Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu). Đây là một trong những dân tộc bản địa đến nay còn giữ được nhiều phong tục và lễ nghi truyền thống, một trong số đó là phong tục sinh đẻ và chăm sóc trẻ sơ sinh.

Tập quán sinh đẻ và bảo vệ trẻ sơ sinh

Phụ nữ người Mảng khi mang thai kiêng ăn các con vật có chửa, cá vảy đen, không đi dự đám tang và tới nghĩa địa vì sợ khó đẻ… Khi sản phụ bị ốm, gia đình sửa lễ xôi, gà mời thầy cúng về làm lễ cúng gọi hồn (ta nhủy) cho sản phụ.

Trước kia, sản phụ người Mảng sinh con một mình trong cái lán dựng ở bìa rừng. Sản phụ Mảng đẻ ngồi, hai tay bám vào sợi dây hoặc thanh xà treo ngang. Nếu đẻ khó, thầy cúng thực hiện lễ cúng cầu sinh nở (o sà lỷ pết vẳn). Trường hợp nhau thai ra chậm, thầy cúng thực hiện nghi lễ cúng ra nhau (o thà lỳ báy); cả hai nghi lễ đều sử dụng đạo cụ là 1 con dao nhọn và 1 ống tre đựng sáp ong và cánh kiến vàng, 1 mảnh vải nhỏ. Cúng xong, người vợ phải kẹp mảnh vải vào nách hoặc để dưới áo trước bụng. Sau khi sinh, sản phụ và đứa trẻ ở cữ tại chỗ, ba ngày sau mới đưa trẻ về nhà.

Để có sữa cho trẻ, sản phụ người Mảng ăn cơm với cá vảy trắng và thịt gà. Gia đình cắm một cành lá xanh ở đầu cầu thang (nhà sàn) hay ở cửa chính (nhà trệt) hoặc ở cối giã gạo dưới chân cầu thang làm tín hiệu cấm cửa nhằm ngăn các loại ma dữ, vía độc vào nhà. Ai vô tình vào nhà phải rót một bát nước cho sản phụ uống để tránh mất sữa.

Tập quán đặt tên cho trẻ

Ba ngày sau khi sinh, gia đình làm lễ giữ hồn cho trẻ (o thà lỷ nhủy). Mười ngày sau khi sinh, gia đình làm lễ đặt tên cho trẻ (tri piêu vẳn); nếu đứa trẻ là con đầu lòng sẽ do ông ngoại đặt tên, những đứa trẻ sau được người cha đặt tên; nếu dịp ấy gia đình có khách thì người khách sẽ được mời đặt tên và nhận trẻ làm con nuôi (vẳn hẳng). Lễ đặt tên cho đứa bé được tiến hành vào buổi tối; gia đình chuẩn bị 1 con gà, 2 chén rượu, 3 sợi chỉ đen và 3 sợi chỉ đỏ. Mọi người ngồi gần bếp lửa, người đặt tên cho trẻ uống 2 chén rượu, ăn 1 đùi gà và đầu gà rồi mới bắt đầu nghĩ tên để đặt cho đứa bé rồi thông báo cho mọi người biết cái tên được chọn. Sau đó, người đặt tên lấy 3 sợi chỉ đen xoắn với 3 sợi chỉ đỏ buộc vào cổ tay trẻ đồng thời cất lời chúc phúc cho trẻ và mừng cho trẻ hào bạc (hoặc ít tiền lẻ) lấy may. Trường hợp ông ngoại hoặc khách đặt tên cho trẻ thì bố mẹ trẻ phải lạy ba lạy để tạ ơn.

Tập quán bảo vệ trẻ sơ sinh

Khi trẻ đầy tháng, gia đình làm lễ buộc chỉ cổ tay (óp pé chưng tỷ). Nếu trẻ hay ốm, nghi lễ có thể được tiến hành sớm hơn nhưng không trước 2 tuần tuổi. Lễ vật gồm 1 con gà, 1 chai rượu, 3 sợi chỉ màu (1 đen, 1 đỏ, 1 trắng) bày trên một cái mẹt nhỏ, đặt gần bếp. Thầy cúng ngồi quay mặt về phía mặt trời lên đọc bài cúng cầu an lành cho trẻ rồi lấy ba sợi màu chỉ se lại và buộc vào cổ tay trẻ.

Trường hợp trẻ hay quấy khóc, thầy cúng bói tìm nguyên nhân. Nếu nguyên nhân do hồn trẻ bỏ đi chơi lạc thì người ta làm lễ gọi hồn (ta nhủy vẳn hả). Thầy cúng cầm 1 túi vải nhỏ màu đỏ đựng 1 quả trứng gà luộc ra bến nước của bản niệm chú gọi hồn trẻ vào túi rồi mang về lấy quả trứng cho trẻ ăn. Trường hợp trẻ quấy khóc, người Mảng làm lễ cúng ma cho trẻ (o xà lỷ pli). Thầy cúng tay trái cầm dao nhọn, tay phải cầm đoạn tre có sáp ong và cánh kiến, một miếng vải đỏ bằng bàn tay, ngồi gần chỗ ngủ của trẻ, niệm chú làm phép đuổi ma rồi kẹp miếng vải đỏ vào nách trẻ.

Lễ cúng xin con (tri goàng to vẳn)

Người Mảng quan niệm cặp vợ chồng nào lấy nhau đã lâu mà không có con là do trời hoặc ma trách phạt, phải làm lễ cúng thì mới có con. Thầy cúng bói dao tìm nguyên nhân là do ma (pli) hay do trời (plỉnh) làm hại. Nếu cúng ma, lễ vật có 1 con gà, 1 đĩa xôi, 1 mảnh vải; nếu cúng trời, lễ vật gồm 1 đôi gà (hoặc 1 con lợn 5 – 6 kg), 2 chai rượu, 2 sải vải, 5 – 6 đồng bạc trắng, 1 đĩa xôi. Mâm lễ đặt cạnh bếp, thầy cúng cầm con dao nhọn gõ vào đoạn ống tre đựng sáp ong khấn cho cặp vợ chồng hiếm muộn để họ có con. Kết thúc lễ cúng, chỉ có thầy cúng và cặp vợ chồng hiếm muộn được thụ lễ, những người khác trong gia đình không được ăn đồ lễ này. Sau lễ cúng 1 – 2 năm, cặp vợ chồng hiếm muộn sinh hạ được đứa con đầu lòng sẽ tạ ơn thầy cúng 1 con lợn (nếu đẻ con trai) hoặc 1 con gà (nếu đẻ con gái).

Ngày nay, sản phụ người Mảng đã thực hiện sinh đẻ tại các cơ sở y tế, việc đẻ tại lán không còn, việc chăm sóc trẻ và điều trị hiếm muộn cũng được thực hiện theo hướng dẫn của các y bác sĩ. Nhưng tập quán đặt tên cho trẻ vẫn được đồng bào duy trì. Các nghi lễ chăm sóc trẻ được thực hiện sau khi điều trị ở bệnh viện về.

BÙI QUỐC KHÁNH

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.