Dễ có đến chục năm chúng tôi mới có dịp trở lại thăm bản Nà Ún (xã Pắc Ta, huyện Tân Uyên). Ngày ấy đường sá, nhà cửa, cảnh quan của bản còn đơn sơ và nghèo nàn lắm. Vậy mà giờ đây Nà Ún đã khoác lên mình bộ quần áo mới trong cả diện mạo lẫn tư duy. Lần này trở lại, tôi có chút xuyến xao không nói rõ thành lời.
Trưởng bản Nà Ún Tòng Văn Đanh đón chúng tôi ở ngõ bản bằng nụ cười thật ấm áp. Anh từ tốn, điềm tĩnh tiếp chuyện chúng tôi với thái độ niềm nở, chân thành. Sau cái bắt tay thật chặt, anh dẫn chúng tôi đi thăm tuyến đường giao thông nội bản đang trong quá trình san nền còn nguyên màu đất mới.
Anh Đanh nói bằng giọng tràn đầy hy vọng: Đây là công trình được đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia. Năm ngoái xã đã đổ bê tông cho bản được đoạn đường chừng 700m, năm nay sẽ cố gắng hoàn thành 1,3km nữa là xong tuyến đường nội bản, tạo điều kiện cho người dân đi lại dễ dàng hơn. Bản có 128 hộ với 99% là đồng bào dân tộc Thái, bà con dân bản đồng tình ủng hộ cao, đồng ý hiến đất mở rộng nền đường bởi làm đường cũng là để phục vụ cho dân đi lại, sinh hoạt, chuyên chở nông sản. Đây là công trình nhà nước và nhân dân cùng làm nên mỗi đoạn đường đều thấm đẫm ý Đảng, lòng dân. Thời điểm này đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ để công trình được bàn giao đưa vào khai thác, sử dụng.
Giữa giờ buổi sáng, chúng tôi bước thong dong trong lòng bản, không gian nhỏ hẹp, ấm cúng nhưng có phần vắng người qua lại, anh Đanh bảo, giờ này trẻ nhỏ đến trường, người già nghỉ ngơi còn những người trong độ tuổi lao động thì ra đồng, lên nương, lên rẫy. Nhiều thanh niên trong bản cũng tỏa đi muôn nơi tìm kiếm việc làm, chắt chiu góp vốn về xây dựng nhà cửa, đầu tư vào ruộng vườn và kiếm kế sinh nhai. Có đến hơn 100 lao động trong bản đi về các tỉnh miền xuôi làm công nhân hoặc buôn bán, làm việc với mức thu nhập ổn định và đều có tiền tích lũy gửi về quê.
Nói đến việc hỗ trợ của nhà nước giúp dân xóa đói, giảm nghèo thì phải kể đến 2 hộ an Quàng Văn Xuân và anh Lù Văn Vương. Do đất sản xuất ít nên gia đình 2 anh cũng chật vật với việc đủ no, đủ sống, chưa nói đến xây nhà xây cửa. Thế nhưng được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách – xã hội huyện cho vay nguồn vốn lãi suất thấp, gia đình 2 anh đã cân đối nguồn tiết kiệm của gia đình để xây nhà ở kiên cố hơn. Ngoài ra còn mua máy móc phục vụ sản xuất nên năng suất, sản lượng cây trồng khá hơn. Cộng với tính tình chăm chỉ, chịu khó, ngày nông nhàn thì đi làm thuê kiếm thêm thu nhập. Năm nay 2 gia đình anh Xuân, anh Vương chắc hẳn đón tết vui hơn phần vì từ hộ nghèo trở thành hộ cận nghèo, phần vì có thêm thóc, thêm gạo và thêm chút tiền mua sắm. Đến hết năm nay, cả bản chỉ còn 15 hộ nghèo (giảm được 3 hộ so với năm 2022).
Câu chuyện đưa chúng tôi bước dần ra phía cánh đồng thênh thang như chiếc lòng chảo giữa ba mặt là những cánh rừng xanh, còn lại là đường dẫn ra từ bản. Tôi đang phân vân chưa kịp hỏi tại sao có tiếng máy rì rầm từ cánh đồng vọng lại thì anh Hoàng Văn Dương – Trưởng ban công tác mặt trận bản phân trần: Đơn vị doanh nghiệp đang liên kết với người dân trồng cây dưa nếp, hôm nay đưa máy cày vào để hỗ trợ bà con làm đất trồng. Cả bản có 80ha lúa 2 vụ và 37ha lúa 1 vụ, mọi năm sản xuất xong 2 vụ là bà con bỏ đất không. Nhưng năm nay, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, nên vụ đông này, xã phối hợp với Công ty TNHH Trọng Nghĩa (thị trấn Tân Uyên) vận động bà con dân bản trồng 2ha dưa nếp và cam kết bao tiêu sản phẩm. Lần đầu tiên trồng vụ 3, nhiều hộ còn đắn đo, chưa mạnh dạn trồng nhưng được chính quyền, đoàn thể xã vận động nên các hộ thuận tình theo.
Quang cảnh cánh đồng ở bản Nà Ún khi bà con khẩn trương sản xuất vụ đông.
Dưới chân ruộng, chị Lò Thị Pỏm đang nhanh tay, rắc vôi bột trắng xóa mặt ruộng, chị nói vọng lên như muốn át đi tiếng máy: “Gia đình tôi đang làm đất trồng 1.200m2 dưa nếp theo vận động của xã và doanh nghiệp, đây là năm đầu tiên trồng cây vụ đông nên tôi cũng chưa biết kết quả ra sao. Được đơn vị doanh nghiệp đến tận ruộng hướng dẫn cách bón phân, rắc vôi và cách làm đất đảm bảo kỹ thuật, tôi cũng thấy yên tâm”. Chị Pỏm yên tâm là có lý, bởi nhìn cách mà anh Lê Văn Phượng – Giám đốc Công ty TNHH Trọng Nghĩa tận tay hướng dẫn bà con cách bón phân, đánh luống cho tôi hiểu sự tận tâm của doanh nghiệp này. Cũng phải thôi, hiện nay Công ty đang vận động người dân trên địa bàn xã nâng cao hệ số sử sụng đất, canh tác thêm vụ 3 bằng việc trồng giống dưa nếp, mở rộng quy mô diện tích để sản xuất ra sản phẩm đủ cho chuyến hàng xuất về xuôi, do đó rất tha thiết mong bà con hợp tác. Cái “bắt tay” giữa người nông dân và doanh nghiệp sẽ có lợi cho rất nhiều bên, trong đó xã Pắc Ta, bản Nà Ún giải quyết được vấn đề lớn về công ăn việc làm và thu nhập cho người dân.
Ngoài đất ruộng, Nà Ún còn có 58ha chè đang cho thu hoạch và đàn gia súc với trên 200 con phục vụ sức cày kéo cho ruộng đồng. Bản còn có trên 300ha rừng tái sinh mỗi năm đem về cho dân bản nửa tỷ đồng từ tiền dịch vụ môi trường rừng. Chẳng thế mà bà con rất có ý thức giữ rừng, không ai chặt phá, đốt nương làm ảnh hưởng đến cây rừng. Nà Ún còn sở hữu mó nước khoáng nóng – mỏ vàng từ lòng đất ban cho. Nơi đây mỗi năm đón hàng trăm lượt khách đến thư giãn, thưởng thức, mang lại nguồn thu cho dân bản. Giờ đây khách bốn phương về thăm Pắc Ta – mảnh đất mật ngọt sinh sôi đều phải đến thăm Nà Ún 1 lần, để được ngâm mình trong dòng suối ấm nóng, thư giãn cơ thể và kể cả chữa lành các bệnh ngoài da.
Khi nhắc đến các hoạt động văn hóa tinh thần, chúng tôi còn được các đồng chí lãnh đạo bản cho biết, bản có 2 đội văn nghệ bao gồm của người cao tuổi và phụ nữ trung niên. Những tiết mục múa xòe, hát dân ca hòa trong tiếng đàn tính tẩu vẫn vang lên trong mỗi mùa lễ tết, hội bản hay đám cưới, tiệc vui. Các trò chơi tó má lẹ, ném còn, đánh trống, xòe chiêng sôi nổi diễn ra khắp bản. Ở Nà Ún không có tệ nạn xã hội – điều làm nên bất ngờ và ngưỡng mộ của chúng tôi với dân bản nơi đây. Đó cũng là lí do để bản có tới 92% số hộ đạt gia đình văn hóa – một con số đáng ghi nhận.
Dạo một vòng quanh bản đã khiến tôi vơi bớt nhớ nhung Nà Ún. Chúng tôi rời bản khi trời đã xế trưa, trong những âm thanh đặc trưng của một vùng quê trù phú với những ngôi nhà sàn, nhà xây vững chãi, tôi thấy khấp khởi trong lòng và ước gì có nhiều vùng quê bình yên, ấm no, trù phú giống như nơi đây, để đời sống người dân bớt đi gian khó.
THU TRANG