Bảo tồn văn hóa dân tộc gắn với phát triển, hội nhập

Trải qua thăng trầm của thời gian, văn hóa luôn được coi là cội nguồn sức mạnh của dân tộc. Lai Châu với 20 dân tộc, là “Cái nôi” bản sắc văn hóa. Trong giai đoạn 2020-2023, cùng với những bước tiến trong phát triển kinh tế, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc đã có những hoạt động thiết thực để bảo tồn văn hóa. Quan trọng nhất là sự chung tay, đồng lòng từ phía nhân dân đã góp phần để văn hóa được lưu truyền đến các thế hệ kế cận, trở thành món ăn tinh thần, những hoạt động thường ngày tại cộng đồng họ sinh sống.

Sắc màu văn hóa các dân tộc thiểu số
Các dân tộc sinh sống trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc có phong tục tập quán, các lễ hội, trò chơi dân gian, dân ca, dân vũ độc đáo… Trong thời kỳ hội nhập, mỗi địa phương chú trọng giữ gìn đặc sắc văn hóa của từng dân tộc thiểu số đang góp phần tạo nên sắc thái riêng của Lai Châu.
Cuốn hút ánh nhìn đầu tiên của du khách là bộ trang phục truyền thống rực rỡ được làm trên nền vải dệt tự nhiên rồi nhuộm chàm. Kỳ công đến vậy rồi nhưng tỉ mẩn nhất, ròng rã nhất là công đoạn thêu từng sợi chỉ màu. Mỗi đường chỉ thêu, họa tiết gói ghém bề dày của thời gian, thể hiện góc nhìn của các dân tộc về đời sống. Cũng bởi thế, mỗi bộ trang phục được làm trong thời gian dài, đòi hỏi sự khéo léo và mang giá trị văn hóa riêng của mỗi dân tộc.
Tôi thấy mình may mắn bởi đã vài lần được chiêm ngưỡng việc trình diễn trang phục dân tộc. Không phải là loại trang phục may từ vải có sẵn trong vài ngày mà chính là bộ trang phục gốc, do bàn tay của phụ nữ địa phương làm thủ công hàng tháng trời. Trang phục của các cô gái Mông Hoa tuy là váy xòe nhưng có độ nặng nhất định nên khi di chuyển, từng nếp váy đung đưa theo nhịp bước song vẫn kín đáo, ý nhị. Trang phục của cô gái Hà Nhì phối màu sặc sỡ mà hài hòa: gam màu đỏ chủ đạo, điểm xuyết thêm sắc vàng, xanh, trắng, đen ở phần mũ, hai cánh tay. Sắc màu ấy đan cài cùng màu trắng đồng bạc nơi thân áo, màu chàm dưới tà áo làm nên bộ trang phục hoàn hảo, hút hết mọi ánh nhìn. Vẫn trên những chất liệu ấy, dân tộc La Hủ thiết kế chiếc mũ bằng các tua chỉ màu kết nối hạt cườm, tôn gương mặt thanh tú của cô gái và sắp xếp các dãy đồng bạc dọc theo hàng cúc áo làm nổi bật dáng vóc. Dân tộc Si La vấn tóc cùng dải khăn đen, phần trước thân áo sử dụng nhiều đồng xu nhỏ lấp lánh trang trí tinh tế trên nền vải chàm, tà áo dài màu xanh nước biển…
Đến các xã, bản, chúng tôi được tiếp xúc cùng những người phụ nữ trong các trang phục truyền thống. Nghệ nhân ưu tú Hù Cố Xuân – bản Seo Hai (xã Can Hồ, huyện Mường Tè) sau khi hát tặng chúng tôi bài dân ca mượt mà của dân tộc Si La thì hạnh phúc khoe: “Đội văn nghệ bản tôi, dù là ở xã trong ngày thường hay đi biểu diễn ở tỉnh và Trung ương, đều mặc trang phục này bởi vì đó là sự quen thuộc, sự tự tin để mọi người hiểu thêm về dân tộc mình”. Ý thức gìn giữ trang phục của mỗi người dân đã và sẽ tạo nên điểm ấn tượng tốt đẹp đầu tiên trong lòng du khách đến với Lai Châu.

 Du khách chụp ảnh lưu niệm cùng bà con Bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ).

Ngay trong đời sống hàng ngày, những tập quán sinh hoạt của các dân tộc thiểu số cũng được các cấp, ngành chức năng quan tâm, khuyến khích gìn giữ. Đó là kiến trúc nhà ở độc đáo như: nhà sàn của dân tộc Thái bên dòng Mường So (huyện Phong Thổ), nhà sàn dân tộc Lự (xã Bản Hon, huyện Tam Đường), nhà trình tường dân tộc Dao (xã Phăng Sô Lin, huyện Sìn Hồ)… Trong mỗi góc sinh hoạt của căn nhà, từ bộ bàn ghế mây tiếp khách đến góc nấu ăn, chỗ ngủ đều mang giá trị văn hóa, phản ánh tư duy mỗi dân tộc. Khung cảnh ấn tượng nhất là khi chúng tôi bắt gặp nụ cười với hàm răng đen nhánh của thiếu nữ dân tộc Lự bên hiên nhà sàn, ánh nắng nghiêng theo điệu cười duyên, và những thước vải dần hiện ra dưới bàn tay tài hoa.
Thể hiện rõ nét, quy tụ đặc sắc văn hóa các dân tộc thiểu số nhất chính là khi chúng tôi được hòa mình trong một lễ hội dân tộc hay khi đi chợ phiên Dào San (huyện Phong Thổ) ngày “con có sừng”. Ở đó, có thể đắm say trong làn điệu dân ca, dân vũ; mở lòng cùng với rộn rã nhạc cụ; thú vị khi tìm hiểu về tín ngưỡng; vui vẻ cùng thưởng thức ẩm thực các món ăn dân tộc thiểu số; hòa mình cổ vũ các trò chơi dân gian. Nhưng quan trọng hơn cả là say từ lời ăn tiếng nói đến cách đối nhân xử thế mang đậm bản sắc dân tộc thiểu số địa phương. Đó là sự chất phác, thuần hậu, tình cảm và thân thiện. Không riêng tôi, rất nhiều người khi đến đây đã thấy được điều đó. Để mỗi lời dân ca thủ thỉ cũng làm nên hồn đất, sự kết hợp gia vị ẩm thực thể hiện tình cảm của con người; mỗi cảnh đẹp của xanh thẳm đại ngàn, mơn man gió núi vẽ lên cảnh hùng vĩ, nên thơ đặc trưng…
Phát triển du lịch cộng đồng gắn với gìn giữ bản sắc văn hóa
Chúng tôi có dịp đến thăm bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ). Đúng như những gì chúng tôi từng được ngắm nhìn qua các phương tiện thông tin truyền thông và mạng xã hội, bản nhỏ 123 hộ dân vẫn còn nguyên vẹn bản sắc văn hóa dân tộc Mông. Bản đã được Hiệp hội Du lịch Việt Nam công nhận là 1 trong 4 điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn nhất Việt Nam. Và mới đây nhất, ngày 15/4/2023, bản nhận được Giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN 2023 trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch ASEAN – ATF 2023. Dù đã đón rất nhiều đoàn khách du lịch thập phương đến nhưng bản vẫn giữ những nét đẹp truyền thống, hòa nhập mà bảo tồn văn hóa bản địa. Xung quanh bản nhà những con đường hoa địa lan, khí hậu trên cao mát mẻ, cây cối xanh mướt mắt.
Anh Hảng A Xà – một tấm gương điển hình có sức ảnh hưởng lớn ở bản chia sẻ với chúng tôi việc tiên phong cùng mọi người dân trong bản làm du lịch cộng đồng: Văn hóa dân tộc Mông được lưu giữ từ trong mỗi nếp nhà, trong hoạt động cộng đồng, các nghi lễ truyền thống, ngày lễ, tết. Bà con yêu chuộng trang phục dân tộc Mông Hoa và làm ra các bộ trang phục cách điệu, các sản phẩm du lịch: ba lô, bông tai, túi xách… họa tiết dân tộc mình bán cho khách thập phương. Những nghề truyền thống: nhuộm chàm, vẽ hoa văn trên vải bằng sáp ong, làm khèn, sáo Mông, rèn, đan lát… được duy trì. Các trò chơi dân gian: Ném pao, tù lu, đẩy gậy… được tổ chức chơi trong ngày hội. Đội văn nghệ bản tập luyện dân ca, dân vũ truyền thống để biểu diễn. Văn hóa ẩm thực dân tộc Mông đa dạng: mèn mén (bánh ngô), bánh giày, thịt treo gác bếp… Đặc biệt là những ngôi nhà truyền thống giờ chuyển thành homestay, tuy đã đầu tư để phù hợp nhu cầu của khách du lịch, xong trong từng góc nhà đều giữ nguyên vẹn nét tập quán văn hóa bản địa. Trải nghiệm sống trong môi trường đậm nét văn hóa khác biệt đã khiến du khách đến với Sin Suối Hồ nhiều hơn. Bản Sin Suối Hồ ngoài những điểm đến đã có dấu ấn trong lòng du khách như: Thác Trái Tim, đỉnh Sơn Bạc Mây, Bạch Mộc Lương Tử còn có những cánh rừng thảo quả, con đường đá cổ PaVi… Trong một không gian ưu thế với sự phát triển đúng định hướng, Sin Suối Hồ sẽ còn thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.
Anh Lù A Nghi – Trưởng bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu (huyện Tam Đường) dẫn chúng tôi thăm thú không gian văn hóa dân tộc Dao Đầu Bằng của bản. Trên độ cao 1.500m so với mực nước biển, bà con còn duy trì được Lễ Nhảy lửa, Lễ Tủ cải của dân tộc. Chị Lù Thị Điềm chia sẻ với chúng tôi: Sau khi tham gia lớp tập huấn hướng dẫn viên du lịch địa phương, mình được đơn vị lữ hành hướng dẫn các kỹ năng giới thiệu cho khách du lịch về những nét nổi bật trong văn hóa dân tộc Dao Đầu Bằng. Giới thiệu những cảnh quan, văn hóa phi vật thể, các nghề thủ công truyền thống của dân tộc: đan mũ lông đuôi ngựa, mây tre đan…
Hiện nay, bản Sì Thâu Chải đã phối hợp với Câu lạc bộ dù lượn Vietwing của Hà Nội xây dựng điểm bay dù lượn quốc tế và tổ chức biểu diễn dù lượn hàng năm vào các dịp tổ chức các sự kiện văn hóa du lịch cấp tỉnh; mở rộng loại hình chinh phục đỉnh Pu Ta Leng; Trekking từ xã Bình Lư đến thác Tác Tình, bản Sì Thâu Chải đến ruộng bậc thang, cánh đồng dong riềng… Định hướng phát triển của bản gắn với việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa tộc người, mỗi người dân đều có ý thức sâu sắc, coi trọng văn hóa gốc, cội nguồn dân tộc.
Hiện nay, nhiều nội dung bảo tồn vùng dân tộc thiểu số, phục dựng lễ hội được các cấp chính quyền địa phương, từ tỉnh đến hện quan tâm thực hiện. Quan trọng nhất là trong quá trình tuyên truyền, thế hệ trẻ được nâng cao nhận thức, phần nào hiểu được vốn quý của dân tộc và cảm thấy mình cần đóng góp vào việc làm ý nghĩa này. Chỉ khi mỗi nếp nhà của các dân tộc thiểu số nhen lên văn hóa thì không gian văn hóa bản làng mới tạo được dấu ấn riêng biệt. Những lớp nghệ nhân như ông Lò Văn Chiến – dân tộc Giáy (thành phố Lai Châu), Lò Văn Sơi – dân tộc Thái (huyện Than Uyên)… ngoài việc viết sách, để lại nguồn tư liệu, cũng đang dần có những hoạt động truyền lại vốn văn hóa quý báu cho thế hệ sau với mong muốn văn hóa các dân tộc thiểu số được truyền đời, không mai một theo thời gian. Văn hóa không chỉ là cội nguồn của sức mạnh của các dân tộc, còn là nguồn lực cho sự phát triển chung của tỉnh trong thời gian tới .

Yến Nghĩa


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.