Trước đây, bản Nậm Cầy, xã Nậm Hàng, thuộc đất Mường Tè. Năm 2011, địa danh này trở thành đơn vị hành chính của huyện Nậm Nhùn theo chương trình chia tách thành lập huyện mới. Được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước với nhiều chương trình, chính sách đặc thù, đời sống của bà con đã có nhiều đổi thay. Bản Nậm Cầy có 246 hộ, 1046 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Thái sinh sống.
Có lẽ, với người Lai Châu khi nhắc đến địa danh Nậm Cầy người ta lại nghĩ đến cảnh nghèo đói, lạc hậu. Trở lại Nậm Cầy lần này, chúng tôi ngỡ ngàng trước một bản làng đổi mới, những con đường bê tông phẳng lỳ, sạch đẹp, hai bên san sát những mái nhà sàn lợp tôn đỏ, lấp ló trong những lùm cây xanh mát.
Bí thư Chi bộ bản Nậm Cầy, Cà Văn Phấn đón chúng tôi trong cái bắt tay thật chặt.Anh dẫn chúng tôi gặp một người mà bà con vùng vẫn quen gọi là “bố bản” Lò Văn Sơn, năm nay đã ngót 80. Bên cốc trà xanh mát lịm như với đi một phần cái nắng nóng khắc nghiệt của vùng đất Nậm Nhùn, “bố bản” Sơn kể chúng tôi nghe câu chuyện một thời khốn khó của người dân Nậm Cầy. Thời trước, có những năm trời hạn hán, thiên tai liên tiếp xảy ra, kéo theo là dịch bệnh làm cho đàn gia súc, gia cầm trong bản chết sạch. Cả bản, hầu như nhà nào cũng đói và trông chờ vào cứu trợ của nhà nước. Ngày đó, người dân chỉ biết trồng ngô, trồng sắn và khai thác các sản vật từ rừng để sống qua ngày. Vào những ngày Tết mà vẫn có nhà đi vay gạo ăn. Nhưng giờ đã thay đổi rồi, sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, nhiều chương trình, dự án dành cho đồng bào dân tộc thiểu số đã làm đổi thay cuốc sống người dân vùng sâu, vùng xa, trong đó có bà con bản Nậm Cầy.
Là bản 100% là dân tộc Thái, diện tích đất ở hạn hẹp mà dân số ngày càng tăng, lượng nhà mới dựng lên nhiều, khiến không gian bản ngày càng chất chội. Trước thực trạng trên, tháng 5 năm 2022, huyện Nậm Nhùn triển khai công tác giãn 101/246 hộ về nơi tái định cư giãn dân mới, cách điểm bản cũ khoảng 800m. Công tác di chuyển các hộ dân dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 12/2022. Sau 5 tháng về nơi ở mới, cuộc sống của các hộ dân trong dự án ở bản Nậm Cầy đã dần ổn định. Khuôn viên nhà cửa rộng rãi, thoáng đãng, hệ thống giao thông điện nước thuận lợi. Các hộ đến khu tái định cư giãn dân mới được nhà nước hỗ trợ trên 300m2 đất làm nhà, hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ để thực hiện công tác di chuyển, hỗ trợ cây con giống để người dân ổn định sản xuất.
Gia đình bà Lò Thị Ánh là một trong 101 hộ thuộc bản Nậm Cầy đã hoàn thành xong việc di chuyển đến nơi ở mới. Giờ đây, cuộc sống của gia đình bà đã có những thay đổi rõ rệt, một căn nhà sàn khang trang thoáng mát, sân vườn rộng rãi. Bà Ánh phấn khởi: “Trước gia đình tôi ở bản cũ nhà cửa rất chật hẹp, gần như không có diện tích để xây dựng các công trình phụ. Gia đình tôi có nguyện vọng và được các các ngành chấp thuận cho việc di chuyển đến nơi ở mới. Khi chuyển về nơi ở mới cuộc sống, của gia đình đã thay đổi rất nhiều. Ở đây, đất rộng nên nhà cửa cũng được rộng rãi, khang trang hơn.”.
Đường nông thôn ở Nậm Cầy khang trang, sạch đẹp.
Nghe bà con Nậm Cầy chia sẻ câu chuyện làm ăn kinh tế, bà con ai cũng vui mừng vì được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đã dành nhiều dự án chính sách dành cho đồng bào vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt sự quan tâm, sát sao của chi bộ bản trong công tác tuyên truyền vận động bà con phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo như tiếp thêm nguồn sinh khi mới cho cho bà con nơi đây. Hằng ngày, trực tiếp cán bộ xã, bản xuống tuyên truyền vận động bà con trồng rừng, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà theo hướng hàng hóa. Từ nuôi lợn gà theo hình thức truyền thống thả rông, nay bà con đã biết xây dựng chuồng trại kiên cố, sạch sẽ đầu tư thức ăn chăn nuôi và nuôi với số lượng lớn, nhiều hộ gia đình thu về vài chục triệu đồng/năm. Có được nơi ở ổn định, bà con chú trọng đầu tư cho con đi học lấy cái chữ, đến nay tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mầm non, tiểu học và trung học cơ sở đến trường đạt 100%; thanh niên trong bản ai cũng biết đọc, biết viết…
Bản Nậm Cầy có 36 đảng viên, đa số là đảng viên nông thôn, nên việc họp chi bộ cũng gặp nhiều khó khăn. Xác định nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ có vị trí, vai trò quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Đảng bộ xã thường xuyên quán triệt sâu sắc các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, huyện về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ tới tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhân dân. Chi bộ đã xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng tiêu chí để có biện pháp thực hiện hiệu quả. Tiếp tục phát động phong trào thi đua yêu nước và thực hiện có hiệu quả việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, vận động nhân dân tăng gia lao động sản xuất, tiết kiệm, xây dựng đời sống văn hóa.
Xác định đảng viên là đầu tàu gương mẫu trong phát triển kinh tế, nắm bắt lợi thế địa phương, nhiều đảng viện đã mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi phương thức sản xuất, điển hình là nguyên Bí thư Chi bộ, Cà Văn Khám. Anh đã thành công với mô hình chăn nuôi với quy mô hơn 30 con trâu, bò và 2ha quế, hơn 0,5ha gỗ lát trên 20 năm tuổi. Với nguồn thu ổn định trên 150 triệu đồng/năm, đảng viên Cà Văn Khám trở thành điển hình trong phong trào đảng viên phát triển kinh tế của bản, xã.
Trong mỗi buổi sinh hoạt, cấp ủy quan tâm hơn đến việc thảo luận, đánh giá kết quả đạt được về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của bản tháng trước và chỉ ra hạn chế, đề ra nhiệm vụ giải pháp tháng sau. Những vấn đề chính tập trung bàn chủ yếu là chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới; phòng chống tệ nạn xã hội. Chi bộ còn phổ biến các văn bản cấp trên; cung cấp thông tin thời sự trong nước, quốc tế và địa phương. Đặc biệt là các chuyên đề thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực tiễn địa phương.
Gia đình anh Cà Văn Tâm trước đây chỉ trông chờ vào sổ hộ nghèo, nhờ có sự tư vấn, giúp đỡ của các đảng viên trong chi bộ, anh đã mạnh dạn chuyển đổi và có những thành quả trong phát triển chăn nuôi, trồng trọt: “Hồi trước, gia đình nghèo lắm, nhà cửa lụp xụp. Mặc dù đất ruộng nhiều nhưng gia đình chỉ biết trồng ngô và các loại rau màu, nhà lại đông con. Sau khi được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật do Trung tâm Khuyến nông huyện tổ chức, gia đình chuyển toàn bộ 2 ha đất đất bỏ hoang sang trồng quế. Ðể có vốn đầu tư sản xuất, gia đình đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng. Từ thay đổi nếp nghĩ, cách làm mà gia đình tôi đã thoát khỏi cảnh nghèo túng”, Cà Văn Tâm chia sẻ.
Cũng như Cà Văn Tâm, gia đình Lò Văn Báu với 6 nhân khẩu, quanh năm lo cái ăn, cái mặc. Từ một hộ nghèo, được sự quan tâm động viên của Bí thư Phấn. Báu, tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình, các dự án hỗ trợ để đầu tư phát triển chăn nuôi, sản xuất, Báu đã thành công với mô hình nuôi trâu tập trung. Giờ đây, anh Báu được bà con Nậm Cầy gọi với biệt danh “vua trâu”. Trong chuồng nhà anh lúc nào cũng có trên 40 con trâu. Khi được hỏi bí kịp nào giúp anh thành công, Báu trải lòng: “Để có cuộc sống đổi mới như hôm nay, công đầu tiên là nhờ sự động viên của các anh lãnh đạo ở đây. Các anh ấy luôn sát dân, gần dân, hiểu dân trong cách nếp nghĩ, cách làm. Dân bản Nậm Cầy bây giờ không còn thả nuôi gia súc, gia cầm dưới chân nhà sàn, nhà nào cũng có chuồng trại chăn nuôi riêng. Bà con đã biết tổ chức sản xuất lúa nước, làm vườn, chăn nuôi, biết đến trạm y tế mỗi lúc ốm đau, biết ăn chín uống sôi…”.
Bí thư Đảng ủy xã Nậm Hàng, Nguyễn Văn Giáp phấn khởi: “Trước đây Nậm Cầy thuộc diện khó khăn của xã, kinh tế kém phát triển, người dân chỉ biết trồng trọt, chăn nuôi theo tập quán cũ. Từ khi được huyện, xã tuyên truyền, đầu tư, người dân Nậm Cầy dần thay đổi nhận thức, nhiều hộ tự vươn lên trong cuộc sống, các chỉ tiêu phát triển kinh tế của bản vượt kế hoạch được giao, tỉ lệ hộ nghèo giảm, Nậm Cầy hôm nay là bản điểm về văn hóa, kinh tế để nhân rộng trên toàn xã…”.
Chia tay Nậm Cầy khi hoàng hôn buông trên những đỉnh núi phía chân trời, trước mắt chúng tôi là Nhà máy Thủy điện Lai Châu. Con đường xa làng dần, những mái nhà tôn đỏ au đang khuất dần vào phía núi. Trong những nếp nhà, đồng bào đang quây quần bữa tối. Chắc hẳn họ sẽ không quên một thời khó nhọc, không quên căn dặn con cháu phải đoàn kết, siêng học, siêng hướng tới một cuộc sống đủ đầy, no ấp, hạnh phúc.
HÀ MINH HƯNG