Sự tích tên gọi cá canh được người Thái kể lại như sau: Ngày xưa, có một đoàn thuyền người Thái đi trên sông Đà. Đoàn thuyền chở nặng hàng ngược dòng sông Đà lên Mường Lay. Chuyến đi này cũng bình thường, thuyền nào cũng mang theo chài lưới. Khúc sông, bãi cát nào thuận tiện thì cho người ra quăng chài kiếm cá cải thiện bữa ăn, bởi vì sông có rất nhiều cá.
Hôm ấy, họ quăng chài được nhiều cá. Có một loại cá vảy trắng, nơi hai vây ngực có vảy đốm xanh, con to nhất khoảng hai cân, họ cũng chưa biết gọi tên cá này là cá gì. Đoàn thuyền ghé bãi cát bằng phẳng để nghỉ ngơi và nấu cơm ăn. Họ kê đá làm bếp cạnh vách đá. Vách đá thẳng đứng cao chót vót(¹), ở giữa vách đá có hang nhỏ, một cây gỗ mọc ở trong hang thò cành lá xanh tươi ra ngoài hang đón nắng.
Đoàn phu thuyền nấu cơm vừa chín, nồi canh cá tỏa mùi thơm ngào ngạt. Mọi người chuẩn bị ăn bữa cơm cá ngon lành lấy lại sức để tiếp tục chèo chống thuyền đi tiếp quãng đường xa. Đúng lúc đó, chợt có một trận gió lướt qua làm rụng một chiếc lá cây trên hang đá, chiếc lá bay liệng theo gió rơi xuống nồi canh cá đã nấu chín. Kỳ lạ! Cá chín trong nồi đồng loạt quẫy đuôi sống lại nhảy xuống sông.
Đoàn người khiếp sợ trước cảnh tượng kỳ lạ chưa từng thấy bao giờ. Có phải thần sông hay ma quỷ trêu ngươi họ? Về sau họ mới nhận ra, chiếc lá cây rơi vào nồi canh chính là “da lok” (thuốc cải tử hoàn sinh) đã làm cho cá sống lại.
Biết lá cây trên hang đá là thuốc quý, đoàn người cùng nhau tìm cách hái lấy lá cây lạ đó nhưng đành chịu vì không có cách nào lên được. Họ lấy cây nối dài để khều, chọc nhưng cây nối dài bao nhiêu cũng không tới. Họ luyến tiếc ra về và đặt tên hang đá có cây lạ là: “Thẳm da” (hang thuốc). Loại cá sống lại từ nồi canh là: “Pa canh” (con cá nấu canh). Từ đó loại cá này (cá trôi) mới có tên tiếng Thái là “Pa canh” .
(1) Địa điểm vách đá có hang đá trong câu chuyện là có thật, ở sông Đà quãng giữa từ xã Nậm Mạ, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu xuống Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La.
ĐIÊU VĂN THUYỂN