Nắng đẹp về chiều

Đến tuổi “tri thiên mệnh”, tôi mới chợt ngộ ra: Nắng đẹp lúc sang chiều. Không có vẻ đẹp vui phơi phới với những gam màu tươi sáng tràn đầy năng lượng, tô điểm cho bức tranh thiên nhiên vô cùng thơ mộng của bình minh, như một nhà thơ nào đó từng ca ngợi: “Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy. Ta có thêm ngày mới để thương yêu”. Mỗi bình minh đem đến cho chúng ta một niềm vui sống lạc quan, yêu đời. Buổi chiều tà, nắng không còn rực rỡ, lung linh nhưng vẫn có sức quyến rũ lạ lùng bởi nắng đằm và dịu hơn, huyền diệu hơn và có chiều sâu hơn. Từ bao đời nay, biết bao họa sĩ, nhạc sĩ và thi sĩ đã rung cảm tự tâm hồn mà hiến dâng cho đời bao bức tranh tuyệt tác, bao nhạc phẩm đắm say, quyến rũ và bao áng thơ tình bất hủ.
Hoàng hôn là thời khắc đất trời kết tinh mọi nét đẹp lộng lẫy, kiêu sa với muôn màu sắc huyền bí: đỏ, cam, vàng, xanh và có thể có cả màu đen nữa. Ngắm hoàng hôn dù là ở thành phố hay núi rừng, biển cả, ta thấy lòng mình lắng đọng, điềm tĩnh và thanh thản lạ thường. Mỗi khi ngắm nhìn những tia nắng buổi chiều tà hay ngắm cảnh hoàng hôn chầm chậm buông, tôi thường nghĩ đến lớp người đã “bước qua bên kia cái dốc của cuộc đời” hay nói như cách ví von so sánh của đồng bào miền núi “mặt trời sắp lặn vào khe núi”. Không khỏi có chút buồn man mác. Song đã bước qua cái tuổi “tri thiên mệnh”, chúng ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản, sẵn sàng buông bỏ những sân si để tâm trong sáng hơn khi tận hưởng chầm chậm những dư vị ngọt ngào của cuộc sống và tình yêu.
Tôi có rất nhiều người bạn cao tuổi thuộc đủ mọi ngành nghề khác nhau trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Có thể là những người bạn từ thuở ấu thơ, bạn thời sinh viên, bạn đồng nghiệp trong suốt cả cuộc đời công tác rày đây, mai đó, các bạn văn chương gặp gỡ giao lưu nhau trong các trại sáng tác, thậm chí cả những người bạn từng giao lưu với nhau trên các diễn đàn văn học mạng suốt hai chục năm qua mà chưa một lần có may mắn được hội ngộ giữa cuộc đời. Với tôi, mỗi người bạn cao tuổi trong mọi ngành nghề đều vô cùng đáng quý. Riêng trong lĩnh vực văn học nghệ thuật – mỗi người bạn thông qua các tác phẩm của mình, đều mang một vẻ đẹp riêng, chân quý vô cùng như tôi đã từng viết: “Mỗi loài hoa – một sắc hương/ Mỗi giọng thơ – một giọng thương giữa đời”.
Ở Chi hội Văn học Nghệ thuật Thành phố Lai Châu có rất nhiều văn nghệ sĩ cao niên khả kính như các cụ ta từng đúc kết: “Gừng càng già càng cay”. Chàng trai người Pú Nả (một nhánh của dân tộc Giáy) một lòng đi theo Đảng, từng làm Chủ tịch huyện Tam Đường ngày nào giờ đã trở thành cụ ông ngoại bát tuần nhưng vẫn rất phong độ, đẹp lão. Mọi người nhắc đến ông nhiều hơn ở sự nghiệp văn chương. Ông say sưa sưu tầm, nghiên cứu và phổ biến bảo tồn Văn hóa dân tộc Pú Nả. Ông sáng tác thơ song ngữ ca ngợi cuộc sống – đất và người Lai Châu cần cù chịu khó, bao dung nhân hậu và mến khách. Thơ Lò Văn Chiến mộc mạc, giản dị mà lạc quan yêu đời, thể hiện độc đáo tình yêu quê hương, đất nước, con người, tình yêu lứa đôi. Lò Văn Chiến còn rất đa tài khi luôn có tác phẩm ảnh đặc sắc tham gia triển lãm và đạt giải cao tại khu vực. Ông đạt Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Lai Châu lần thứ II năm 2017, Giải B, tác phẩm “Mua nả mo của người Pú Nả ở Lai Châu”; Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Lai Châu lần thứ III năm 2022, giải C, tác phẩm “Then của người Pu Nả ở Lai Châu”; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đã có thành tích xuất sắc đóng góp trong phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh vùng đồng bào DTTS tỉnh Lai Châu giai đoạn 2014 – 2019; Bằng khen của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam đã có thành tích trong công tác sưu tầm, nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian…
Cùng tuổi với tác giả Lò Văn Chiến, cùng đam mê văn chương cháy bỏng là Nhà giáo Huỳnh Nguyên – chàng trai gốc Huế lớn lên tại Thủ đô Hà Nội đã xung phong tình nguyện lên Lai Châu công tác từ cách đây gần bẩy thập kỷ. Với vốn sống phong phú, với bút lực dồi dào, ông viết đều trên cả hai mảng thơ và văn xuôi. Thơ văn ông phản ánh hiện thực, luôn đan xen quá khứ – hiện tại – tương lai với nhiều suy tư trăn trở sâu lắng. Đọc ông để hiểu hơn về tình đất – tình người Lai Châu. Nhà văn Huỳnh Nguyên đã nhận các giải thưởng về văn học nghệ thuật của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2002, 2012, của Ban Tuyên giáo Trung ương năm 2009, 2018 và các giải thưởng văn học nghệ thuật của tỉnh Lai Châu năm 2012, 2017, 2022. Tháng 5/2023, ông vinh dự được Báo Người Lao Động vinh danh trong Chương trình “Mai Vàng tri ân”.
Một tác giả tuổi bát thập được đông đảo độc giả trong và ngoài tỉnh biết đến nữa là cựu chiến binh, anh Bộ đội Cụ Hồ Nguyễn Thanh Luận. “Thơ Thanh Luận là tiếng lòng mộc mạc, chân tình của một người yêu đời – yêu người, bao dung, nhân hậu, lời ru của trái tim son sắt giữa tình đồng đội, ân nghĩa đồng bào bao năm tháng đùm bọc, sẻ chia gian khó nhọc nhằn” – (Lời giới thiệu tác phẩm tuyển chọn của tác giả Nguyễn Thanh Luận). Hơn ba mươi năm gắn bó với đất và người Lai Châu, ông đã cho ra đời những bài thơ, những truyện ngắn có giá trị neo đậu trong tâm hồn độc giả. Dù là thể loại nào, với tác giả Thanh Luận, sáng tác của ông luôn chìm đắm trong nỗi suy tư của một người lính và hướng về rẻo đất mà ông đang sinh sống. Bài thơ “Đến Lai Châu” của ông đã nói lên niềm tự hào về mảnh đất, con người nơi đây và đó cũng là cội rễ để tác giả tiếp tục có thêm những sáng tác sống mãi trong lòng mỗi bạn đọc: “Chỉ một lần được đến Lai Châu… Em được nghe chuyện rừng, chuyện suối/ Chuyện đất, chuyện người, huyền thoại thủa xa xôi/ Hai mươi dân tộc anh em, hai mươi đóa hoa tươi/ Sắc màu khác nhau nhưng chung một cội/ Em được nghe hai mươi tiếng nói/ Chân chất tình yêu, khát vọng cuộc đời”.
Nhà giáo Mạc Đích ngoại tám mươi tuổi cũng có gần nửa thế kỷ gắn bó với mảnh đất Lai Châu. Trong những tháng năm cần mẫn với nghề “gieo chữ” nơi địa đầu Tổ quốc, tâm hồn người thầy ấy thấm đẫm bao kỷ niệm với học trò, với tình người xứ núi. Phong cảnh thiên nhiên và tình cảm sâu nặng của các dân tộc nơi đây đã chất đầy cảm xúc, bật nảy những tứ thơ. Mạc Đích yêu người, yêu cảnh vật tha thiết, cũng vì thế trong mỗi câu thơ của ông đều thấp thoáng hình bóng mảnh đất Lai Châu với mây ngàn, gió núi và những bông hoa ban đặc trưng trắng muốt vùng đồi núi. Lớp bụi thời gian dẫu đã phủ dày ký ức, ông vẫn nhớ như in ngày đầu đến với miền núi cao theo tiếng gọi đi xây dựng miền đất mới. Thơ Mạc Đích thiên về thể loại lục bát, thể thơ dân tộc. Tình yêu nghề, mến trẻ, tình yêu thiên nhiên, đất nước, con người Lai Châu đã làm nên hồn cốt trong thơ ông.
Bên cạnh năm tác giả “bát thập” nhưng vẫn còn rất sung sức và nhiệt tình sáng tác trên, ở Chi hội Văn học – Nghệ thuật thành phố Lai Châu còn có một tác giả trẻ hơn – mới ngoài “thất thập”. Đó là tác giả Đào Chính – làm công việc thống kê, cái nghề tưởng như khô khan, máy móc mà thơ ông lại rất lãng mạn, trữ tình. Ông có khả năng quan sát tinh tế, miêu tả và thể hiện bằng hình ảnh độc đáo, ấn tượng. Thơ ông thường viết theo thể tự do, cảm xúc phóng khoáng như những ngọn gió đại ngàn bất tận… Thơ Đào Chính thiên về tình yêu đôi lứa của đồng bào các dân tộc miền núi, hồn nhiên chân chất mà vẫn lãng mạn, đắm say lòng người.
Tôi chưa bước tới tuổi “cổ lai hi” nhưng tôi yêu mến và tự hào về các văn nghệ sĩ cao niên của Chi hội Văn học thành phố Lai Châu vô hạn. Họ như những tia nắng đẹp về chiều sưởi ấm tâm hồn tôi, tiếp cho tôi thêm nghị lực để sống và sáng tác – làm những việc có ích cho đời. Bên cạnh đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ trung sung sức đầy triển vọng, họ là những “cây cao bóng cả” góp phần quan trọng tạo nên diện mạo văn học nghệ thuật tỉnh Lai Châu hôm nay… g


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.