Đến với Tam Đường

Tôi được sinh ra khi đất nước đang ở những năm đầu thời kì đổi mới. Quê tôi mới chuyển đổi từ tên của ngôn ngữ địa phương là Mường Lự, tiếng phổ thông gọi là Bình Lư. Khi chưa tách tỉnh Lai Châu thành hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên thì Bình Lư là một xã của huyện Phong Thổ. Địa hình đồi núi cao, khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm. Không biết có phải do các cô gái nơi đây được tắm nước từ những dòng suối trong vắt mát lành từ khe núi chảy ra mà ai ai cũng sở hữu một làn da trắng sáng, mái tóc đen mượt, đặc biệt là nét mặt rất thanh tú. Từ thời Tây Bắc còn tồn tại chế độ “chúa đất”, Đèo Văn Ơn với đội mỹ nữ múa xòe nổi bật ở Mường So, Phong Thổ đã là vùng đất được mệnh danh có nhiều gái đẹp nổi tiếng.
Hồi đầu những năm chín mươi, người dân lúc này chủ yếu trông chờ vào lúa nương, làm một vụ, cơm gạo tơi bở và có màu đỏ như gạo lứt. Cùng khoảng thời gian đó, hạn hán mất mùa, đến cả lá sắn ở bờ rào cũng phải hái về ăn cho qua bữa. Rồi người ta đồn nhau giai thoại, một người Mông đi làm nương cuốc được cục vàng lộ thiên, một đồn mười, mười đồn trăm, dân tứ chiếng tụ về bãi vàng Chinh Sáng đông như hội. Tuổi thơ tôi lại được chứng kiến người dân quê tôi lao đao, chao đảo bởi thứ kim loại màu quý hiếm ấy. Một số ít người ăn nên làm ra, trở thành triệu phú. Còn đại đa số cơ ngơi tàn lụi, gia đình tan tác vì quản lý kém hiệu quả, khai thác chui, điều kiện lao động nguy hiểm dẫn đến tai nạn, khiến các bưởng phải lấy tiền ra đền bù để lấp liếm. Người từ bãi vàng về hoặc là nằm cáng vì sập hầm mà tử nạn, không thì ốm yếu, nghiện ngập, hay các tệ nạn khác, để lại hệ lụy nhức nhối cho xã hội.
Năm 1995, mới bắt đầu có điện lưới, một vài nhà có tiền mua ti vi và đầu đĩa video, đài cát-sét. Có nhà mở dịch vụ cho thuê băng, xem phim thu tiền 2.000 đồng/1bộ phim, như kiểu rạp chiếu phim thời nay thu nhỏ, nhưng ngồi trên ghế mây và món ăn vặt là ngô răng ngựa (ngô thời xưa, hạt to và cứng). Thế mà ngồi xem ai cũng im phăng phắc, hồi hộp theo từng phim chưởng của đài TVB Hồng Kông, hay “Tây du ký” bản 1986, rồi xúc động theo các vở ca cải lương hơn cả xem phim Hàn Quốc bây giờ. Ngày ấy, cả nhà mê cải lương, chị gái tôi được các bạn rủ đi xem phim, hay dẫn tôi đi cùng, tôi vẫn còn nhớ mấy vở như: Vụ án Mã Ngưu; Lệnh truy nã; Lương Sơn Bá – Trúc Anh Đài; Đời cô Lựu,… Thế rồi đến năm chín tám, chị tôi mua được tivi, mua cả đầu chạy băng, oách nhất xóm. Tôi chỉ cần ở nhà cũng được xem cầu thủ Hồng Sơn đá bóng, xem phim các loại. Cứ chập tối các anh chị trong xóm tập hợp ở nhà tôi xem tivi, vui như hội. Tôi ngồi cạnh vuốt mái tóc dài đen mượt của chị, ngồi xem quên cả học bài, bị đòn vì điểm kém, chị bắt tôi “cai tivi”. Đối với tôi lúc ấy, thật không còn nỗi buồn nào hơn.
Năm 2002, huyện Tam Đường được thành lập trên cơ sở chia tách huyện Phong Thổ cũ. Năm 2004, tỉnh Lai Châu được tách làm hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu. Thị xã Lai Châu được thành lập trên một phần diện tích của huyện Tam Đường. Huyện Tam Đường mới bao gồm: thị trấn Tam Đường (trên diện tích của xã Bình Lư cũ) và 12 xã. Nhờ có sự thay đổi này, mà quê hương tôi chuyển mình mạnh mẽ, đến nỗi những người đã rời bỏ nơi này mà đi, giờ quay trở lại phải trầm trồ ngạc nhiên trước sự phát triển. Chợ cũ ngày trước chỉ có vài hàng quán lèo tèo, từ khi Khu hợp khối Trung tâm hành chính huyện được hoàn thành, chợ trung tâm Tam Đường xây xong, tiểu thương khắp nơi tìm về, tạo thành khu buôn bán sầm uất. Người nông dân giờ đã trồng được lúa 2 vụ, có cán bộ hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, làm trang trại trồng rau sạch cung cấp cho thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Những người dân tộc sống trên núi cao, ngoài trồng lúa, còn trồng được hoa quả ôn đới có giá trị cao như mận, đào, lê, táo mèo, mắc-ca,.. công tác bảo vệ rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, thông qua dịch vụ môi trường rừng cũng được triển khai hiệu quả.
Đi chợ phiên của Tam Đường sáng thứ bảy và sáng chủ nhật hàng tuần, không chỉ được ngắm nhìn những bộ váy áo truyền thống nhiều màu sắc sặc sỡ, độc đáo của 11 dân tộc anh em, mà còn được thưởng thức những đặc sản vùng sơn cước như bánh ngô, bánh mật, bánh chít, nấm hương rừng, măng rừng, đặc biệt là các loại dược liệu từ “rừng vàng” như: đương quy, tam thất, hà thủ ô, nấm linh chi… Đi chợ không chỉ để mua sắm thông thường, đi chợ để anh em, bạn bè lâu ngày không gặp, uống chén rượu giao lưu, hay mời nhau bát phở mười lăm nghìn đồng đậm cái tình, cái nghĩa. Không quen thành quen, đã thân, lại càng thân thiết hơn, người miền núi nghĩ gì, nói nấy, bản tính thật thà. Cùng bán hàng đấy, mà khách mua của ai, thì bán hộ chứ không chèo kéo, bắt chẹt của nhau. Để đến khi về, ông nào không say thì cũng tây tây, ngày trước cưỡi ngựa thì leo lên ngựa vợ dắt về, ngày nay có xe máy thì lại ngồi lên ngựa sắt để vợ đèo. Đi làm vất vả mãi, có ngày vui vui uống một vài chén, các chị cũng chả nỡ mắng mỏ, say không quậy phá thì tình cảm vẫn thắm nồng, vẹn nguyên.
Khi người dân sống khấm khá hơn, không còn kiểu làm ăn phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên như trước, người ta có điều kiện và thời gian để thảnh thơi, đi chơi và thăm thú nhiều nơi. Với lợi thế về thiên nhiên và con người, Tam Đường bắt đầu là điểm sáng mới về du lịch. Làm theo từng địa điểm, kết hợp với những nét đặc sắc về trang phục, lối sống của người dân tộc nơi ấy, như ở xã Bản Bo thì có guồng nước Nà Khương của người Thái; xã Khun Há thì có điểm du lịch cộng đồng Lao Chải I của người Mông; xã Hồ Thầu thì có bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải của người Dao; thị trấn Tam Đường thì có chợ phiên,… Nhà nước đầu tư, dân bỏ công sức, cùng nhau quản lý và phát triển. Mảng du lịch của Tam Đường còn thu hút cả đầu tư tư nhân như guồng nước Phiêng Tiên của Bản Bo; du lịch Bản Thẳm của xã Bản Hon; mới đây nhất là khu du lịch Cầu kính Rồng Mây nằm trên địa bàn xã Sơn Bình (cách Sa Pa 18km nên nhiều người nhầm tưởng Cầu kính Rồng Mây thuộc Sa Pa). Đây được xem là cây cầu kính cao và đẹp nhất Việt Nam; vừa quảng bá du lịch Tam Đường, vừa tạo công ăn việc làm tại chỗ cho nhân dân, phát triển kinh tế về lâu dài.
Với nhiều chính sách cải cách của nhà nước, thu hút đầu tư từ địa phương mà những nơi miền núi như Tam Đường, đang phát triển rạng rỡ từng ngày. Không ít ngườichọn nơi đây làm quê hương thứ hai để gắn bó. Tam Đường đã và đang là một điểm đến thú vị, hấp dẫn trên bản đồ du lịch nội địa. Sẽ thật đáng tiếc nếu đi du lịch trải nghiệm mà bỏ qua một nơi vừa kỳ vĩ về phong cảnh thiên nhiên, lại rất thú vị, độc đáo về bản sắc con người. Nơi đó có cái tên thật ngọt “Tam Đường”.

THÙY TIÊN


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.