Chúng tôi đi Sì Lở Lầu mà không có kế hoạch trước. Thực ra, trong đoàn ba người chúng tôi thì nhạc sỹ Vũ Thanh Phương và nhà thơ Đới Xuân Cường luôn luôn trong tư thế chuẩn bị lên đường, bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. Còn tôi, đã quen với thói quen đi đâu cũng phải có kế hoạch trước, nhưng lần này tôi phá lệ, Sì Lở Lầu là địa danh tôi đã nghe từ lâu, là nơi xa nhất của tám xã vùng cao biên giới huyện Phong Thổ. Lai Châu rộng lớn, rất nhiều những cái tên, những địa danh vẫn còn mới mẻ, đòi hỏi sự khám phá cả đối với những người sinh sống ở Lai Châu, hứa hẹn những nguồn đề tài đối với thơ và nhạc.
Sau cuộc họp Ban Chấp hành của Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh, anh em văn nghệ sỹ gặp nhau vui vẻ bên mâm rượu, có Phó Chính uỷ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lai Châu, đại tá – Lê Công Thành, một anh bộ đội biên phòng rất có duyên với văn nghệ, rất đa tài trong lĩnh vực âm nhạc, biểu diễn. Nhạc sỹ Thanh Phương nhân chuyến ra thành phố Lai Châu muốn một cuộc đi biên giới. Anh Thành hưởng ứng luôn, ngày mai anh đi dự Hội nghị trên các đồn biên phòng Vàng Ma Chải, Sì Lở Lầu, chúng tôi sẽ đi cùng anh. Anh Thành đã hơn 30 năm là lính biên phòng, thông thổ địa bàn, vào ra biên giới như đi chợ, thuận lợi cho văn nghệ sỹ theo anh đi sáng tác.
Sì Lở Lầu không chỉ là xã biên giới mà là xã biên giới cuối cùng trên tuyến Phong Thổ – Dào San. Phong Thổ là huyện gần thành phố Lai Châu nhất nên khi đi thực tế biên giới, chúng tôi thường ưu tiên đi những vùng xa xôi như Mù Cả, Ka Lăng, Thu Lũm của huyện Mường Tè, xa tới hơn 200km chứ Dào Dan, Phong Thổ cách 50km thì thuận lợi quá! Nhưng đi rồi mới thấy, Sì Lở Lầu mang đầy đủ những yếu tố của mảnh đất biên cương. Từ thành phố Lai Châu, sau khi đổ hết đèo Hồng Thu Mán vào đất Mường So, chúng tôi ngược dốc leo Sì Lờ Lầu, quãng đường gần 60km, xe ô tô đi hơn 2 tiếng với những khúc cua tay áo, cung đường này là một thử thách đối với tất cả cánh lái xe. Cũng phải nói thêm, người miền núi không tính đường bằng cây số, cũng không ai hỏi đường xa bao nhiêu cây số, khắc đi, khắc đến, quan trọng là đi nhanh hay chậm thôi. Trước những năm 2000, chưa có tuyến đường nhựa, phương tiện phổ biến nhất là đi bộ. Nhanh thì ngủ dọc đường một đêm, không thì mất vài ngày đêm ngược núi là chuyện bình thường. Đấy là vào mùa khô, đường thông; còn vào mùa mưa, đường sạt lở thì không có giới hạn thời gian cho tuyến đi Sì Lở Lầu.
Lên Sì Lở Lầu, chúng tôi qua các địa danh mà nghe qua cũng gợi nhiều thiện cảm: Dào San, Pa Vệ Sủ, Tông Qua Lìn, Vàng Ma Chải…. Sì Lở Lầu chủ yếu là bà con dân tộc Dao và Hà Nhì Đen. Người Hà Nhì ở Lai Châu có hai nhánh. Phụ nữ Hà Nhì Hoa ở vùng Bắc Ka Lăng, huyện Mường Tè có trang phục nổi bật với những họa tiết chủ đạo màu đỏ, vàng, mũ vải đội đầu cũng những dải hạt cườm xanh đỏ. Bắt gặp một đám thiếu nữ Hà Nhì Hoa trong ngày hội bản, người lạ liên tưởng ngay đến một vườn hoa di động đủ sắc màu. Còn người Hà Nhì Đen ở vùng này mang trang phục màu xanh đen, tối và trầm. Cái tên Sì Lở Lầu, theo tiếng Dao, trước nay vẫn có nghĩa là 12 tầng dốc. Nhưng anh theo bộ đội biên phòng Tẩn Văn Minh, thì Sì Lở Lầu có nghĩa là 12 nóc nhà. Trước đây, vùng này khởi nguyên từ 12 mái nhà người Dao ở bản trung tâm. Tôi thì vẫn thích Sì Lở Lầu với nghĩa 12 tầng dốc hơn vì lên đến được đây phải vượt qua 12 đoạn đèo dốc nguy hiểm, từ độ cao vài trăm mét của thành phố Lai Châu đến độ cao gần 2000m. Đường vòng vèo mì tôm. Đi cả tiếng vẫn nhìn thấy chợ Dào San, chỉ là ở phía dưới, cách một tầng núi. Nhà thơ Đới Xuân Cường có thói quen nhìn độ cao qua app trên màn hình ô tô, cứ qua mỗi khúc quanh, anh lại nói: độ cao 1.400m; độ cao 1.550m, lên đến sân Đồn biên phòng Sì Lở Lầu là 1.800m.
Trung tâm xã Sì Lở Lầu là bản người Dao có tên Gia Khâu, mang dáng dấp một thị tứ đang phát triển, những ngôi nhà hai tầng với nhiều cửa hàng tạp hoá, cửa hàng ăn, có cả cửa hàng bán – sửa xe máy. Phụ nữ Dao Đỏ ở Sì Lở Lầu vẫn mặc trang phục truyền thống trong sinh hoạt ngày thường với hoa văn màu đỏ, hàng cúc bạc nổi bật, quần trùng thêu hoạ tiết xanh đen, mũ vải màu đỏ có chóp nhọn. Nhưng các thiếu nữ thì đã ăn mặc hiện đại với váy dài, váy ngắn, quần sooc lửng, đủ màu. Khoảng chục năm nữa, có lẽ trang phục truyền thống có lẽ chỉ còn bắt gặp trong những ngày lễ hội.
Rừng núi chắc hẳn là quá cũ đối với đồng bào nhưng là thanh tân với chúng tôi. Rừng xanh ngút ngàn, cây cối xanh tươi trải dài theo các vạt rừng, khe núi. Trong khi các tỉnh miền xuôi đang chịu đợt nắng nóng đỉnh điểm thì nơi đây nhiệt độ vào cuối tháng 6 khoảng 16 – 18 độ với sương mù như những làn khói mỏng quấn quýt dưới chân. Đang là mùa lê, mùa mận và bắt đầu vào mùa đào rừng, dọc con đường từ đồn biên phòng Sì Lở Lầu xuống chợ, những cành lê lúc lỉu sà xuống vừa tầm với. Nhạc sỹ Thanh Phương níu tay hái lê, nói: “Biểu hiện của sự no đủ là đây, hoa quả không ai ăn. Ngày trước thì chưa kịp chín trẻ con đã ăn hết!”. Từ Đồn đến chợ, đi bộ mất khoảng 30 phút, chúng tôi đã lỡ mất ngày chợ phiên. Ngày chợ là ngày hôm qua. Cùng với chợ Dào San, chợ Sì Lở Lầu nổi tiếng cả vùng bởi sự đông vui, nhộn nhịp. Mùa nào thức ấy, bà con diện váy áo đẹp đẽ, mang nông sản gia đình trồng cấy hoặc sản vật kiếm được từ rừng về chợ bán và mua những vật dụng thiết yếu. Chợ họp vào ngày con có sừng là con Trâu và con Dê. Ngày hôm qua là ngày con Trâu. Gặp mấy người già trong cửa hàng tạp hóa, chúng tôi hỏi, tại sao ngày con có sừng mới họp chợ, ai cũng lắc đầu, không biết. Không biết là không biết nói bằng tiếng phổ thông cho chúng tôi hiểu hay không biết tại sao vào ngày con có sừng thì họp chợ. Chúng tôi đành tự suy đoán, tự ngàn xưa, có lẽ Trâu và Dê là phương tiện duy nhất đưa bà con vùng cao xuống chợ, dù ngày nay, chắc hẳn, nhà nào cũng đi chợ bằng xe máy.
Không phải ngày chợ phiên nhưng vẫn mua được mọi thứ. Cửa hàng tạp hoá gia đình, mang dáng dấp một siêu thị mini, từ chăn màn, phích nước đến giày dép nhựa; từ mì tôm, phở gói đến kim chỉ, cúc áo, nhiều cửa hàng có cả lồng gà đằng trước… Một người đàn ông ngồi trước gian hàng chạy dài hết một khúc quanh, ông bảo quê ở Thái Bình, lên đây buôn bán chục năm rồi. Người các tỉnh miền xuôi lên buôn bán là phổ biến. Bà con mua hàng, ngoài tiền mặt, còn có hình thức ghi nợ, đến mùa thu thóc thu ngô, bán nông sản thì trả; ngoài ra, còn có hình thức trả bằng hàng hóa, thóc ngô… Chủ hàng lại bán những thứ thu nợ cho cánh buôn hàng. Giá cả chênh lệch giữa mì tôm, bánh kẹo… trả bằng thóc lúa là không tính được. Đời sống bà con các dân tộc nơi đây, so với những năm trước, nay đã bớt khó khăn. Ngoài vật nuôi, cây trồng truyền thống, người dân nơi đây đang khai thác có hiệu quả chè cổ thụ, sâm, thảo quả… Theo báo cáo của UBND xã Sì Lờ Lầu, hàng năm, người dân bán ra thị trường từ 1,8 – 2 tấn chè thành phẩm, cho doanh thu khoảng 1 tỷ đồng; toàn xã hiện đang trồng 10,28ha sâm và 221ha thảo quả đang cho thu hoạch.
Ba chúng tôi ngồi trước mái hiên quán tạp hóa nhỏ của chị Tẩn U Mẩy, một người phụ nữ dân tộc Dao, nụ cười rất sáng bởi chị có hai cái răng bọc vàng. Nhà chị ở trên triền đồi, quán xây dưới này để bán hàng. Quán nhỏ của chị Mẩy cái gì cũng có. Tôi đồ rằng phần nhiều là hàng nhái, từ mì tôm tới nước ngọt; nhiều nhất là những loại bánh kẹo, nước ngọt đủ màu sắc gói bọc cầu kỳ hình hoa lá chim muông, bắt mắt trẻ em. Mấy đứa trẻ cỡ chừng 7, 8 tuổi đến lấy đồ ăn. Chị Mẩy năm nay 45 tuổi nhưng đã lên chức bà; đứa trẻ chừng 2 tuổi đang bế trên tay là cháu ngoại, hai bé gái chừng 7, 8 tuổi là cháu nội. Bố chúng đang đi làm ở Quảng Ninh. Bọn trẻ bóc 1 thanh nước ngọt màu đỏ, uống hết rồi vứt vỏ nhựa xuống chân. Mấy năm gần đây, những đứa bé đã thôi không ăn hoa quả rừng, thứ chúng thèm muốn và háo hức là những đồ ăn, thức uống xanh đỏ có giá một vài nghìn như thế. Chúng tôi ngồi uống cà phê G7 tự pha, bàn là ghế mây thấp lùn đặc trưng của người miền núi. Trước mặt chúng tôi là con dốc nhỏ, một bên là nhà dãy nhà hai tầng xây kiến cố, kiến trúc hiện đại rất đẹp, một bên là tà luy âm, có nhóm người đang gia cố bờ kè. Thấy bảo xuôi dốc này chừng một tiếng là cột mốc 71 phân định biên giới Việt – Trung. Một tiếng là bà con bảo thế chứ với chúng tôi chắc chừng nửa ngày.
Sì Lở Lầu khiêm nhường nép mình dưới những ngọn núi, như bất kỳ một làng bản bé nhỏ nào trên miền biên viễn, đẹp như một bức tranh. Nhưng sự thực, đây là nơi đã trực tiếp tham gia vào những ngày tháng của cuộc chiến gần nhất trong lịch sử dân tộc. Chiến tranh biên giới tháng 2 năm 1979.
Cho tới tận hôm nay, ký ức của nhiều người dân ở Sì Lở Lầu vẫn không thể quên những ngày tháng đó. Nơi đây là điểm đầu tiên trong mũi tấn công thứ hai của kẻ địch trên tuyến Phong Thổ, nhằm vào các xã: Sì Lở Lầu, Ma Ly Chải, Vàng Ma Chải và Dào San. Tháng hai, thời điểm vừa qua tết Kỷ Mùi. Tết của đồng bào các dân tộc vùng cao thường kéo dài ít là mười ngày, năm ngày cuối tháng Chạp bắt sang năm ngày đầu tháng Giêng. Dư âm của hội xuân vẫn còn vương vất, những cành đào, cành mận còn đang độ rực rỡ nhất, không khí của làng bản, núi rừng vẫn ướt đẫm hương xuân. Đêm miền rừng thanh bình, tĩnh lặng bị đánh thức bởi những tiếng bước chân gấp gáp, sau đó là những loạt pháo kích từ bên kia biên giới. Đồn Biên phòng 289 – Đồn 1, Công an Nhân dân vũ trang Lai Châu (nay là Đồn Biên phòng Sì Lở Lầu) bị tấn công. Trước đó, bộ đội ta đã ghi nhận những tín hiệu cho thấy phía bên kia chuẩn bị một trận chiến, quân đội tập trung đông, súng ống, đạn dược chuyển đến sát biên giới. Ngày 17/2 ghi vào lịch sử. Cán bộ, chiến sỹ Đồn 1 trong một cuộc chiến không cân sức. Trên đầu là tiếng đạn, tiếng pháo rền, các chiến sỹ giành giữ từng tấc đất, từng mét giao thông hào với địch. Mặt đối mặt với kẻ thù, có đồng chí là quản lý đơn vị bị thương cánh tay phải sắp rơi vẫn kẹp AK vào nách tay trái bóp cò; một chiến sĩ người dân tộc Mông khi địch nhảy vào hào đã dùng báng súng đánh giáp mặt. Lực lượng địch đông, có pháo yểm trợ tấn công, những cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Sì Lở Lầu đã bắn đến viên đạn cuối cùng. Địch chiếm Đồn trong cảnh vườn không nhà trống, hoang tàn. Chúng đã đốt cháy toàn bộ doanh trại.
Ngày 19/12/1979, Đồn 1, Công an nhân dân vũ trang tỉnh Lai Châu được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Những trang lịch sử hào hùng của Đồn đã ghi lại: “Sáng 17/2/1979, địch có pháo yểm trợ tấn công, cán bộ, chiến sĩ Đồn Sì Lở Lầu ngoan cường chiến đấu, đánh trả quyết liệt, diệt nhiều tên địch, đẩy lui các đợt tấn công của chúng…”.
Đồn Biên phòng Sì Lở Lầu hôm nay được xây khang trang từ nền cũ. Khi xây dựng lại Đồn, đội thi công vẫn tìm thấy rất nhiều vật dụng cá nhân, vũ khí và cả hài cốt của bộ đội. Ngày nay, trong số những liệt sỹ hy sinh còn nhiều anh chưa tìm thấy cốt. Các anh vẫn đang nằm đâu đó dưới khe suối, dưới tầng lớp đất trong những cánh rừng già, lá rừng, nước suối của mảnh đất linh thiêng bao bọc các anh. Năm 2014, gần 35 năm sau chiến tranh biên giới, bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ được xây dựng ngay trên đồi cao trong khu vực đồn. Bia ghi tên 27 liệt sỹ, phần lớn trong số đó ghi ngày hy sinh 17/2/1979, tuổi đời còn rất trẻ, trung bình khoảng mười tám, đôi mươi.
Khói hương trầm mặc, rừng núi tĩnh lặng trong buổi hoàng hôn. Đồn trưởng – Trung tá Nguyễn Văn Lâm thắp nén hương, khẽ giọng, các anh về đấy! Tôi nhìn quanh, không thấy con chim, con bướm nào, có một con ong vàng bay lượn. Rừng già đang ôm trọn lấy chúng tôi. Phía Tây, hoàng hôn đang quét một vệt nắng dài. Nghe rõ tiếng nước róc rách từ dưới khe sâu vọng lên. Con suối nhỏ bé có tên Na Mu Chi Hồ là đường thuỷ phân địn ranh giới giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Vào mùa khô, suối cạn, nước ít, chỉ cần mấy bước chân là sang được bên kia biên giới. Bản San Cô San bên kia biên giới ngay trong tầm mắt, nhìn thấy rõ nhà cửa, người xe đi lại. Sì Lở Lầu có gần 70% dân số là người Dao. Bản bên kia biên giới cũng là người Dao. Trung tá Lâm nói, từ năm 2021-2022, bên bạn phòng chống covid-19 đã dựng hàng rào thép tại dòng suối.
Tôi đi tìm cây gạo già huyền thoại trên đồi liệt sỹ. Cây gạo đã chết vì khói lửa tháng 2/1979, nhưng hàng chục năm sau, nó vẫn đứng sừng sững, vươn những cành khô cháy đen với những vết thương chằng chịt vì đạn pháo lên trời xanh. Cây gạo già kết thúc sứ mệnh sau vài chục năm là minh chứng lịch sử khi người ta chặt nó để lấy mặt bằng xây nhà tưởng niệm.
Bữa cơm tối ở đồn Sì Lở Lầu, chúng tôi được bộ đội chiêu đãi một bữa ăn sạch 100%. Rau củ, thực phẩm đều do đơn vị tự nuôi trồng, tăng gia. Buổi tối vùng cao trời tối hơn vùng thấp, có lẽ vì không có ô nhiễm ánh sáng. Một màu đen tinh khiết, trong veo, thăm thẳm của vũ trụ. Trời bắt đầu nổi gió. Bắt đầu vào giai đoạn mùa mưa ở miền núi. Trung tá Nguyễn Văn Tuấn, Chính trị viên trò chuyện, ở đây, có những giai đoạn cả tháng không thấy mặt trời, người và cảnh vật bồng bềnh trong mây. Quần áo thì thôi rồi, phơi cả tuần không thể khô được. Nhưng có những khó khăn khó mà viết hết bằng câu chữ. Đồn Biên phòng Sì Lờ Lầu quản lý địa bàn rất rộng, hơn 30 km đường biên với 9 cột mốc (từ cột mốc 70-78). Mà mốc nào cũng phải duy trì liên tục các hoạt động tuần tra, kiểm soát, nắm chắc địa bàn, bất kể mùa hè nắng nóng như đổ lửa hay mùa đông lạnh thấu xương. Có lẽ, hai chú ngựa rất đẹp thong dong gặp cỏ trong khu vực đồn mà tôi nhìn thấy hồi chiều là bạn của những người lính biên phòng trong những lần tuần tra qua núi cao, vực sâu.
Chúng tôi đang ăn cơm thì mất điện. Nghe nói, cắt điện luân phiên vì cả nước đang thiếu điện. Ồ, à! Cắt điện luân phiên ngay cả trên đỉnh núi này sao? Chừng một tiếng rồi cũng có điện lại. Tranh thủ những giờ phút quý giá, chúng tôi cùng chiến sỹ gặp gỡ, giao lưu. Chúng tôi cùng hát bài “Mùa xuân biên phòng”. Cán bộ chiến sỹ ở đây đều thuộc bài “Mùa xuân biên phòng” của nhạc sỹ Thanh Phương. Bài hát đã đạt giải Nhất trong cuộc thi Ca khúc viết về Biên phòng của Hội Nhạc sỹ Việt Nam năm 2008. Bài hát có những câu hát thật đúng, ý nghĩa với người và cảnh: “chốt biên phòng chúng tôi… Đường lên trời thì gần/ đường xuống suối thì xa…”.
Tôi là dân văn xuôi, sao trong đầu cứ ngân nga câu hát “Chốt biên phòng chúng tôi… Đường lên trời thì gần/ đường xuống suối thì xa/ Mỗi bước tuần tra mây vờn vó ngựa…”
Vân Nguyễn