Những điều kỳ diệu

– Ê phù thủy mày lại đi móc mắt trẻ con về à. Cho chúng tao xem ngón tay biến dị của mày. Lêu lêu…

Bọn trẻ trong đội đang chơi đánh khăng bỗng lêu lêu khi nhìn thấy Trường vác bó củi qua. Ức lắm nhưng một mình chẳng làm gì được cả đám đông nên Trường cứ nín nhịn đi qua. Ấy vậy là chúng không để yên, còn nhặt đá ném theo Trường cười khoái trá. Trường vừa đi vội để tránh xa bọn chúng nước mắt vừa lã chã rơi.

Trường sinh ra có ngón tay áp út bên tay trái to bất thường, nó to gấp 3 lần ngón giữa và dài hơn đến 2 đốt ngón tay. Không những vậy, bàn tay Trường còn mọc thêm một ngón nhỏ chồi ra từ ngón út. Chính vì bàn tay sáu ngón bất thường mà từ nhỏ Trường bị bọn trẻ trong đội đặt cho biệt danh phù thủy và xa lánh, ghẻ lạnh. Chúng thêu dệt rằng đó là ngón tay dùng để móc mắt trẻ con, móc mắt các con thú của ma cà rồng được đầu thai vào Trường. Chẳng có điển tích hay cơ sở nào về điều đó nhưng lũ trẻ cứ tin như vậy và xa lánh, cô lập Trường.

***

– Thưa bác sĩ có một ca phẫu thuật thoát vị bẹn. Bệnh nhân tám mốt tuổi có bệnh lý nền, vào viện sáng nay. Nếu phẫu thuật được sớm thì tốt… hay là muộn rồi chúng ta để ngày mai ạ?

– Cho tôi xem hồ sơ bệnh án.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ năm phút, bác sĩ Trường gọi ê kíp làm việc hội chẩn quyết định mổ lúc chín giờ đêm. Đến mười giờ mười lăm phút ca mổ kết thúc thành công tốt đẹp. Đây là kỹ thuật mổ mới được chuyển giao từ tuyến trên, các bệnh viện trong cả khu vực Tây Bắc chỉ có vài bác sĩ thực hiện được. Trường kết thúc ca làm việc đột xuất về đến nhà đã hơn mười một giờ đêm, lúc này vợ con đã đi ngủ. Anh mở lồng bàn ăn cơm với thức ăn nguội ngắt.

Cả tuổi thơ của Trường sống trong sự trêu đùa ác ý của lũ trẻ trong bản. Vì vậy tính cậu nhút nhát, tự ti. Lúc nào cũng chỉ ở quanh nhà hoặc theo ông bà, bố mẹ lên nương, ra ruộng không có bạn bè. Đến năm sáu tuổi, bố mẹ đưa đi học cậu khóc lóc một mực từ chối không chịu. Bởi vì đám trẻ trong lớp đó chính là những người thường xuyên trêu chọc cậu. Cậu mà đi học chỉ làm trò cười cho chúng hằng ngày. Động viên con mãi không được, đánh ép Trường cũng không chịu nghe lời, bố mẹ đành chấp nhận cho cậu ở nhà với nỗi buồn con sẽ thất học.

Bệnh nhi sáu tuổi, bị u nang ống mật chủ bẩm sinh. Nếu trước đây ca bệnh này phải chuyển tuyến lên Trung ương. Nhiều gia đình nghèo sẽ không cho con tiếp tục chữa bệnh vì không có chi phí đi lại, ăn ở. Rất may hiện nay bệnh viện tỉnh nhà đã có bác sĩ Trường nhận chuyển giao kỹ thuật cắt túi mật, cắt đoạn ống mật chủ, nối mật ruột áp dụng máy cắt nối tự động Stapler. Bước ra khỏi phòng mổ đã hơn chín giờ đêm. Bác sĩ Trường nhận được điện thoại của bác sĩ Xuân từ khoa nhi.

– Anh ơi có bệnh nhi sơ sinh non thiếu tháng, được ba ngày tuổi, nặng một cân bảy nghi bị viêm ruột hoại tử. Bây giờ biến chứng thủng ruột, mời anh xuống hội chẩn xem có thể phẫu thuật được không!

Một ý nghĩ thoáng lên trong đầu, máy gây mê cho tuổi này không có, điều kiện hồi sức sơ sinh của khoa còn hạn chế. Kiểu này lại ngồi bóp bóng cả đêm và rồi lại phải giải thích cho gia đình bệnh nhân… vất vả cũng có thể chịu đựng được nếu có hy vọng về kết quả tươi sáng. Nhưng trường hợp này nếu đúng như chuẩn đoán thì “kết quả đã được báo trước”.

– Em cứ giải thích cho người nhà đi, anh nghĩ bệnh này mổ cũng chẳng cứu được đâu, rồi lại mang thêm vết mổ…

Cúp máy xong, định lấy xe về nhà, nhưng lương tâm không cho phép. Bác sĩ Trường lại đi thẳng xuống khoa nhi. Xuống đến nơi cả phó giám đốc bệnh viện đã ngồi sẵn:

– Tớ biết cậu nói vậy thôi nhưng vẫn sẽ xuống. Ca này rất nặng rồi nhưng chẳng còn cách nào cả… mà biết đâu đấy… Còn nước còn tát, hãy tin ở hoa hồng!

Cuộc hội chẩn diễn ra nhanh chóng. Bệnh nhân được đưa vào phòng mổ. Đứa trẻ sinh non thiếu tháng mấy ngày không ăn gì thoi thóp với bụng chướng như quả bóng sắp nổ. Khi bác sĩ Trường vừa rạch đường dao mở vào ổ bụng, một luồng khí mạnh phụt ra, với một phần thân dạ dày của bệnh nhi thủng toang hoác. Cả kíp mổ reo lên vui sướng: May quá! Chỉ là thủng dạ dày chứ không phải hoại tử ruột. Một bệnh lý cực kỳ hiếm gặp nhưng cơ hội sống cho bé sẽ nhiều hơn.

Điều kỳ diệu đã đến, mười ngày sau bé dần phục hồi. Nhìn bệnh nhi da hồng hào hơn, mũi đặt ống thở ô xy, mắt nhắm nghiền tay nhẹ nhàng chạm vào bình sữa mồm chóp chép bú các bác sĩ đều rưng rưng nước mắt. Cháu đã ăn được rồi. Chẳng mấy chốc sẽ được xuất viện.

 

***

Mới chuyển về công tác tại trường tiểu học nông trường, sau một tuần ổn định thầy Long vào các đội để thăm gia đình học sinh. Là thương binh trong chiến tranh biên giới thầy để lại chiến trường một bên chân phải. Giờ đi lại chỉ có một chân trái với đôi nạng gỗ khá khó nhọc.

Trong ánh chiều tà, các xã viên nông trường đang mải miết hái những búp chè xanh non để kịp tối về sao. Đang đi thầy Long thấy một em nhỏ lúi húi đào khóm sắn bên vệ nương chè. Lại gần, thầy xoa đầu đứa trẻ và hỏi:

– Em học lớp mấy rồi?

Thằng bé ngẩng đầu lên nhìn người đàn ông lạ ngơ ngác một chút rồi lắc đầu chạy lại chỗ mẹ. Thầy Long khó nhọc bước theo đến chỗ ba người phụ nữ đang hái chè rồi cất tiếng chào:

– Chào các bác, chè tốt quá. Tôi xin tự giới thiệu, tôi là thầy giáo mới chuyển về công tác ở trường tiểu học.

Mọi người ngừng tay quay lại chào hỏi thầy giáo rôm rả. Thằng bé lấp phía sau lưng mẹ thỉnh thoảng thò mặt nhìn trộm thầy Long.

– Cháu đây là con chị ạ? Cháu học lớp mấy rồi?

– Cháu tám tuổi rồi nhưng không chịu đi học vì bị các bạn trêu chọc thầy giáo ạ – người mẹ vừa nói vừa túm tay đứa trẻ giơ ra trước mặt thầy giáo – đây chúng nó cứ bảo ngón tay dị tật này của cháu là ma cà rồng. Xong còn ném đá vào cháu nữa.

Từ buổi tối hôm đó thầy Long cầm sách vở mang đến tận nhà xin bố mẹ dạy học cho cậu bé có bàn tay dị tật. Lần đầu tiên cậu bé biết đến con chữ. Chỉ hơn một tuần sau cậu đã nhận được mặt chữ và sau một tháng biết ghép vần đọc những từ đầu tiên. Vừa dạy học thầy vừa kể cho cậu bé nghe về câu chuyện của bản thân với một bên chân cụt vẫn vươn lên làm việc tốt cho đời. Thầy kể về những tấm gương tật nguyền không tay vẫn cố gắng học hành viết bằng chân và trở thành thầy giáo dạy học. Nhiều tấm gương khác được thầy Long kể hằng ngày. Cầm bàn tay dị tật của cậu bé, thầy Long vỗ về:

– Nếu em ở dưới xuôi các bác sĩ có thể phẫu thuật để chữa tay cho em thành năm ngón. Thầy nghĩ rằng bác sĩ giỏi có thể làm được.

– Em học giỏi có làm được bác sĩ không thưa thầy?

– Có chứ! Nhưng em phải đến lớp học, được nhà trường cấp bằng tốt nghiệp thì mới được học lên bậc cao và thi vào trường y. Chúng ta sống phải luôn có niềm tin vào những điều tốt đẹp.

Cậu bé Trường bắt đầu sự học với tình yêu thương và động viên bằng cả trái tim của thầy giáo Long như thế. Giờ đây trở thành bác sĩ phẫu thuật với chuyên môn cao Trường vẫn luôn nhớ lời thầy Long với niềm tin vào những điều tốt đẹp.

TRƯƠNG HUY


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.