Hương bưởi

Khi Tết vừa hết, mẹ trẩy quả bưởi cuối cùng trên cây (những quả mà mẹ bọc rất kỹ để phần con cháu), cũng là lúc vườn nhà ngập tràn hương hoa bưởi. Dạo một vòng quanh khu vườn của mẹ, cảm giác thư thái, dễ chịu len nhẹ vào lòng. Với tay vít một chùm hoa hít hà, ngắm màu trắng tinh khôi của hoa bưởi làm cho tôi nhớ lại một thời tuổi thơ với bao nhiêu kỷ niệm.

Ngày đó, mỗi độ tháng ba về, chúng tôi lại háo hức chơi trò cô dâu chủ rể ngay tại vườn bưởi trước nhà. Chúng tôi chọn những gốc bưởi cổ thụ nhất, dưới những tán râm mát để chơi trò chơi. Hôm nào cũng vậy, mấy đứa con gái lại tranh nhau nhận làm cô dâu, nhưng vài lần mới đến lượt (vì chúng tôi phải luân phiên nhau). Trong ánh mắt của bọn trẻ chúng tôi, hình ảnh cô dâu cài những chùm hoa bưởi sao mà đẹp đến thế. Lúc đó, tôi đã từng nghĩ rằng, sau này làm cô dâu, nhất đinh phải cài chùm hoa bưởi trắng thơm kia và mình sẽ là cô dâu xinh đẹp nhất. Trong khi hai nhân vật chính đang được cài hoa lên tóc và ngực thì chúng tôi cử người đi nhặt những cánh hoa rụng ngâm vào nước để làm nước hoa và xức cho cô dâu chú rể rồi chí chóe cãi nhau xem lần sau đến lượt đứa nào. Rồi đám cưới diễn ra cũng có chủ hôn, đại diện hai bên gia đình như chúng tôi được chứng kiến ở những đám cưới của các cô chú trong xóm. Chỉ có điều, qua ngôn ngữ ngô nghê của bọn trẻ con, những trận cười xen lẫn tiếng cãi nhau râm ran cả khu vườn. Hôm nào cũng vậy, cuộc chơi của chúng tôi cũng kết thúc bằng tiếng quát tháo của mẹ vì tội dám hái hoa để chơi trò chơi. Mẹ bảo, hoa bưởi để ướp nấu chè hoặc bột sắn cho thơm, còn lại để đậu quả sau này bán lấy tiền mua quần áo và đồ dùng học tập cho chúng tôi. Mặc dù vậy, trò cô dâu chú rể của chúng tôi vẫn diễn ra cho đến hết mùa hoa bưởi.

ý nghĩa hoa bưởi

Ngày bà nội còn sống, bà là người hảo ngọt, vì thế mỗi khi đến mùa hoa bưởi mẹ hay hái làm nước đường hoa bưởi để nấu chè. Cách làm của mẹ thật cầu kỳ, mẹ bảo tôi “học theo mẹ để sau này còn nữ công gia chánh”. Trong suy nghĩ của tôi lúc đó, tôi không hiểu “nữ công gia chánh” là gì, nhưng cũng tò mò quan sát cách làm của mẹ. Mẹ bảo, hoa bưởi phải hái buổi sáng mới thơm. Hoa bưởi hái về, mẹ tỉ mỉ nhặt bỏ phần cành, lá và phần cánh bị dập nát hoặc thối, sau đó lấy nước mưa rửa sạch. Sau khi để hoa vào rổ cho thật ráo nước thì mẹ cho vào hũ thủy tinh, cứ một lớp hoa lại đến một lớp đường. Khi đầy hũ mẹ đậy kín và ngâm khoảng 10-15 ngày là đã có nước đường hoa bưởi để dùng. Mỗi lần mẹ nấu chè, bà nội luôn nhắc mẹ múc lên thắp hương mời ông, vì ông cũng thích ăn chè có hương hoa bưởi. Bọn trẻ chúng tôi thì ríu rít lắm, đứa nào cũng háo hức chờ đến khi hết hương trên bàn thờ để được thưởng thức mùi hương hoa bưởi hòa quyện vào từng hạt nếp dẻo ngon, béo ngậy qua bàn tay khéo léo của mẹ. Còn bà nội, miệng móm mém nhai từng chút chậm rãi, ánh mắt hướng về xa xăm – hình như bà đang nhớ đến ông với những kỷ niệm cùng hương hoa bưởi.

Lớn lên một chút, khi có những rung động đầu đời, mùi hương hoa bưởi lại ở cùng tôi với cảm xúc của người con gái mới lớn. Người ta bảo hoa bưởi tượng trưng cho tình yêu trong sáng, tinh khiết làm cho tôi càng yêu hơn loài hoa ấy. Không hiểu vì sao, tôi lại thích hát “Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay, cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm” và nghĩ vu vơ về anh bạn cạnh nhà. Không giấu hoa trong khăn tay, nhưng đến mùa hoa bưởi, tôi lại gọi với mời anh lấy vài chùm về cho thơm rồi tự hỏi không biết người ta có cảm nhận được sự đặc biệt trong chùm hoa ấy?

Thời gian lặng lẽ trôi, bà nội tôi đã đi gặp ông, mẹ đã già không còn làm nước đường hoa bưởi. Và cũng đã lâu lắm, mải mê với cuộc sống lo toan, tôi cũng quên mất rằng hoa bưởi vẫn thơm ngát và trắng tinh khôi mỗi độ tháng ba về. Đôi lúc giật mình khi vô tình đọc được một vài bài báo viết về hoa bưởi. Nhưng chỉ khi về với khu vườn của mẹ thì hoa bưởi mới nồng nàn đánh thức tuổi thơ tôi.

THANH XUÂN


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.