“Lúa ở nương chết cháy/ Ốc ở ruộng chết khô/ Củ mài trên rừng, trong đất cũng khô héo/ Trời hạn hán, không có nước đến khô cả chân/ Xin chủ trời cho nước mưa xuống/ Xin cho mưa thuận gió hòa, xin nước trời cho mạ, cho cánh đồng/ Để cho bệnh tật, dịch bệnh rơi vào lửa, rơi vào đất, trôi xuống suối/ Xin chủ trời, xin chủ đất… Bảo vệ cho con trâu, con lợn, con gà, con vịt không bị bệnh dịch/ Bảo vệ cho dân bản từ người già đến trẻ nhỏ không bị ốm đau. Luôn luôn mạnh khỏe. Thóc đầy nhà, trâu, bò, lợn, gà đầy chuồng”… Câu cúng tế lầm rầm vang lên từ ông Lò Văn Pẩu (83 tuổi) – thầy cúng Lễ hội Bun Vốc Nặm xã Nà Tăm, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Bum Vốc Nặm theo đúng ý nghĩa của lời cúng là Lễ hội té nước cầu may của dân tộc Lào – một lễ hội mang đầy đủ màu sắc về văn hóa, tín ngưỡng và những nét đặc trưng trong đời sống cộng đồng dân tộc Lào. Giữ gìn bản sắc không chỉ hiển hiện trong cuộc sống thường ngày, mà còn ở nhận thức của dân tộc mình. Dù đời sống kinh tế, tinh thần của dân tộc Lào ở Lai Châu ngày một phát triển song họ vẫn giữ quan niệm từ thời cha ông về nước – khởi nguồn của sự sống. Mưa xuống cho vạn vật tốt tươi, thần linh che chở cho bản làng. Và cầu mưa trở thành tiềm thức mỗi người, trở thành lễ hội cộng đồng quan trọng trong năm của dân tộc Lào.
Lễ hội Bun Vốc Nặm được đông đảo người dân tham gia té nước cầu may mắn.
Dân tộc Lào trải qua thời gian định cư lâu dài trên mảnh đất Lai Châu, có lối sống quần tụ và tình đoàn kết keo sơn. Trước khi tổ chức Lễ hội, những người có uy tín trong xã đã họp mặt và giao việc, cắt cử từng gia đình chuẩn bị lễ vật, chọn lựa những người đủ điều kiện về phẩm chất đạo đức tham gia các nghi thức trong Lễ hội. Ngày cúng là ngày lành tháng tốt do thầy cúng lựa chọn trước đó.
May mắn được tham gia Lễ hội Bum Vốc Nặm năm 2023, chúng tôi lạc trong sắc chàm chủ đạo và màu bạc trắng trên trang phục truyền thống của dân tộc Lào với những đường nét thổ cẩm tinh tế, khác biệt. Lễ hội bắt đầu bằng nghi thức trang nghiêm của bài cúng thần linh. Chòi cúng của dân tộc Lào tên là “phị bản”. Lễ vật gồm có: bánh chưng, lợn, gà, rượu, chè, xôi, mía… Lời cúng tế thể hiện suy nghĩ của dân tộc, cầu mong thần trời, thần đất phù hộ một năm mùa màng thuận lợi. Đây là mong muốn điển hình của cư dân miền núi trồng lúa nước. Ở Tây Bắc, dân tộc Thái cũng có Lễ hội té nước (Then Kin Pang), nhưng mỗi văn hóa dân tộc có một khác biệt. Từng dự cả hai lễ hội, tôi thấy được sự khác biệt cả trong cách tổ chức của phần lễ và phần hội. Từ cách thức sinh hoạt của cộng đồng mà quyết định sự khác biệt trong từng lễ té nước. Bum Vốc Nặm của dân tộc Lào có một nghi thức chỉ có riêng biệt tại lễ hội này, đó là nghi thức xin nước mưa để cúng tượng phật. Đoàn người đi xin nước mưa là 80 chàng trai, cô gái đủ tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, sự khéo léo đã được lựa chọn từ các gia đình trước đó. Tất cả đều diện trang phục truyền thống chỉnh tề. Các cô gái đầu đội khăn vải chàm, điểm xuyết thổ cẩm và những phụ kiện trang trí. Các cô còn khéo léo gài một bông hoa tươi làm nổi bật nụ cười của hàm răng nhuộm đen nhánh truyền thống của dân tộc. Trang phục đầy đủ gồm váy, áo, khăn làm thủ công truyền thống, cũng là niềm tự hào của bất kỳ cô gái Lào trưởng thành. Các chàng trai mặc trang phục chàm đơn giản và quấn đầu bằng mảnh khăn trắng đã được trang trí họa tiết. Đoàn đi xin nước mưa trong tiếng gõ trống, khua chiêng sẽ lần lượt đến các gia đình (đã chọn trước) để xin mở cổng và xin nước. Bài hát dân ca mở cổng và xin nước được đoàn người hát lên, thể hiện âm nhạc, nhạc cụ độc đáo của dân tộc Lào. Giọng hát nữ thanh cao, giọng nam trầm ấm hòa cùng tiếng nhạc tạo nên không gian âm nhạc riêng biệt của dân tộc Lào. Chủ nhà sẽ có lời đáp lại và hướng dẫn đoàn người mang ống đi lấy nước.
Trên đường ra khu vực tổ chức lễ hội, đoàn người tiếp tục đi trong tiếng trống, chiêng, tiếng đập mẹt, tuốt lạt, tuốt lá cọ khô… Theo mô phỏng của các nghệ nhân lúc vừa đi vừa khua lên, đây là thanh âm biểu đạt của tiếng sấm sét, tiếng mưa rơi lúc hạt to hạt nhỏ, lúc rầm rào, khi lạch tạch… Tận mắt chứng kiến cảnh vật này, chúng tôi như đắm chìm trong không gian văn hóa phi vật thể đặc sắc của dân tộc Lào. Không chỉ là nghi lễ truyền thống mang tính tâm linh mà đây còn là những hành động mang ý nghĩa phồn thực, mong cầu những cơn mưa tưới mát ruộng, nương, cho bông lúa uốn câu, bắp ngô trổ cờ, hoa trái sai trĩu, thóc về đầy bồ, ngô đủ chăm sóc gia súc, gia cầm…
Trên con đường đoàn xin nước đi qua, dân bản đứng hai bên đường, sử dụng nước té vào đoàn rước để mong muốn cho nhau sức khỏe, may mắn và giàu có. Gương mặt ai cũng hoan hỉ vui vẻ như chính phẩm cách sẵn có của dân tộc mình. Nghi lễ cúng cầu mưa được thầy cúng thực hiện tại chòi cúng nhỏ dựng bên bờ suối. Dân bản mang hương hoa, đồ lễ đưa cho thầy cúng để thực hiện nghi thức dâng hương. Sau khi đặt lễ xong, bài khấn của thầy cúng tiếp tục nói lên ước mong của bà con về một năm không bị thiên tai, dịch bệnh, con người khỏe mạnh và gia súc gia cầm sinh sôi, lúa ngô tươi tốt. Khi được thầy cúng cho phép, đoàn rước hoa và nước tiếp tục tiến vào trong chòi cúng. 2 lần dâng hoa sẽ tiếp tục 1 lần tưới nước và thực hiện đến khi hết hoa. Nghi lễ rửa tượng Phật được thầy cúng thực hiện tỉ mẩn, cẩn thận với mong muốn tẩy uế, rửa đi hết những bụi bặm của trần gian trong một năm qua và cầu mong những điều mới mẻ, sạch sẽ nhất cho năm mới.
Kết thúc các nghi lễ của phần lễ là phần rộn ràng mong chờ nhất của bà con khi vào hội. Giữa dòng suối đã được trồng cây chuối để tượng trưng cho mùa màng đang sinh sôi, nảy nở. Trai gái trong các bản ùa xuống suối té nước cầu mưa, không phân biệt người già, trẻ nhỏ. Giữa dòng suối trong xanh, không còn khoảng cách về lứa tuổi, giàu nghèo, nam nữ. Họ chỉ có chung một quan niệm ai được té nhiều sẽ mang nhiều may mắn cho năm mới. Trong bầu không khí thoáng đãng, từng luồng nước bay lên, tung tràn, trắng xóa, những cánh tay vung lên, tưởng như toàn không gian đã chật đầy tình đoàn kết, gắn bó, sự thân thiện, những nụ cười hân hoan của dân tộc Lào. Hòa trong không khí đó, càng thêm trân trọng nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình.
Lễ hội Bun Vốc Nặm còn được nối dài với các trò chơi dân gian truyền thống thể hiện sức mạnh của núi rừng như kéo co, đẩy gậy, và những cô gái lại cất tiếng ca trong điệu vũ dân tộc mình. Những giải thưởng đã được trao tay, và những lời hẹn về lễ hội sau vẫn còn vang mãi. Ai ra về cũng mang theo mình những quyến luyến, dù quần áo đã ướt sũng, ra xem hát, chơi trò chơi, lại khô và tiếp tục được té nước… nhưng ấn tượng về Bum Vốc Nặm thì còn đây, cùng với dấu ấn về một dân tộc yêu văn hóa truyền thống, luôn hết lòng gìn giữ, bảo tồn nét độc đáo văn hóa dân tộc Lào.
Bài, ảnh: Hải Yến