Vài nét ẩm thực của dân tộc Thái ở Lai Châu

Tập quán ăn uống  hay những món ăn, cách ăn khoái khẩu của người Thái vào 6 chữ sau: Ngọt – Bốc – Sấy – Đồ – Nộm  – Nướng .

Ngọt: tập quán thích ăn ngọt của người Thái còn đi vào lời chúc bao hàm cả ý nghĩa ăn khỏe, ăn ngon chẳng hạn ngày tết chúc các cụ già hoặc người lớn thường chúc: Chiêng pi mẩư pú gia dú hảo kin van lơ/ Năm mới chúc ông ngoại nhiều sức khỏe nhé; Má khớn lơ, nhấư luông lơ, phà đăng chiêng pi mấư hẩư man lơ dú hảo kin van lơ, nhấư luông lơ, nhấư pin sao dạo pin báo lơ…/ Lớn nhanh nhé, lớn to nhé, trời sấm tết năm mới cho may mắn nhé. Khỏe mạnh lớn to nhé, lớn thành cô gái chàng trai nhé.

Như vậy, mặc dù chua, cay là vị của món ăn ai cũng thích nhưng rõ ràng ngọt vẫn là khẩu vị được đề cao trong ăn uống của người Thái.

Bốc: ăn bốc không chỉ là tập tục mà còn là một nét trong văn hóa ẩm thực của người Thái. Nhưng để dùng tay nắm xôi ăn thì bản thân người ăn phải rửa tay sạch. Khách đến ăn cơm, bao giờ gia đình cũng chuẩn bị một chậu nước âm ấm và một cái khăn lau tay. Đây là một sinh hoạt văn minh. Món xôi cũng được chế biến rất nghệ thuật làm sao vừa mềm lại vừa khô, không bị dính tay khi bốc xôi và nắm lại, xôi càng nắm chặt thì càng dẻo, càng bùi… Các món nướng, món đồ, của đồng bào thì phương thức ăn tiện nhất là bằng tay. Đến cả các món rau, đỗ quả đồ đồng bào cũng ăn bốc. Khoái khẩu này của người Thái cũng là nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực của họ.

Sấy: người Thái cũng thích ăn món sấy: Cá, thịt thú rừng, thịt thú nhà, chim muông… đều được sấy khô treo gác bếp để ăn dần. Trước khi ăn có thể đồ lại hoặc nướng, vừa bảo toàn được dinh dưỡng lại vừa tích trữ thức ăn được lâu. Đặc biệt là món cá sấy kiểu rất thơm ngon, ngậy và bổ.

Đồ, hấp: đồ hay hấp cách thủy cũng là một tập quán ăn uống đặc sắc của người Thái. Bộ dụng cụ chế biến món đồ không bao giờ thiếu trên bếp của họ, bao gồm: Bộ ninh (nựng có nơi gọi là nửng) bao gồm một cái ninh đồng. Ninh là một kiểu nồi đồng, chôn loe to, đựng nước, miệng thắt nhỏ có gắn một đĩa hình khuyên để đặt cái chõ (hay) đựng thức ăn ở trên. Đổ ít nước vào cái đĩa hình khuyên, khớp giữa miệng ninh và đáy hay được nước bịt kín chắc chắn. Nước trong ninh có sôi không cạn, đủ giữ không phì được hơi nóng ra. Nhà nào không có ninh thì cũng có một cái chảo gang để đặt chõ gỗ lên để chế biến các món đồ, hấp.

Các món đồ của người Thái ngoài đồ xôi, đồ bánh, đồ thịt cá sấy, đồ cá tươi, đồ bột ngô… thì thức ăn như măng, đỗ quả, rêu, rau… cũng được đồ lên để ăn. Các món đồ vừa giữ được dưỡng chất trong thức ăn,vừa giữ được hương vị tự nhiên của thức ăn. Mỗi món ăn chế biến bằng cách đồ cũng chủ động được độ chín hơn. Có thể đồ chín tới, cũng có thể đồ qua như trần qua nước sôi, cũng có thể đồ nhừ thức ăn.

Nộm: món nệm tiêu biểu là món nộm rau đắng, dạ xách trâu (phắc bì diến chụp). Rau đắng thường mọc nhiều ở các vùng đất lầy, lá gần giống với rau ngổ nhưng không có lông và có màu tím. Rau đắng hái lấy ngọn non đem về rửa sạch, luộc cho sôi độ 20 phút rồi vớt ra để cho ráo nước; dạ xách trâu làm sạch, luộc chín, ngâm trong  nước lạnh cho giòn, rồi nhúng lại nước sôi, thái lát mỏng.  Rau đắng và dạ xách trâu đem trộn đều với vừng trắng rang vàng, rau mùi, lá tỏi, lá chanh thái nhỏ cho thêm Bột ớt, mák khén, mì chính, muối, thảo quả.

Món đắng có tác dụng kích thích tiêu hóa, dễ ăn, ăn được nhiều dù ăn với cơm hay nhắm với rượu trắng…

Gỏi: tiêu biểu là món gỏi cá (pa cỏi). Muốn có gỏi cá ngon, phải có cá tươi, cá sống dưới sông, suối thịt mới thơm ngon, không tanh như cá ao. Cá làm sạch, thái vát mỏng đem ướp với các loại rau thơm như rau mùi, húng quế, húng chó, mùi tầu, rau răm, lá lốt, củ sả, ớt, hoa chuối rừng hoặc nõn cây chuối non thái nhỏ,  cho thêm một chút muối, chanh hoặc dùng nước măng, nêm mák hắm hoặc hạt tiêu bắc vào cho đủ mùi vị thơm cay rồi trộn thật kỹ. Món gỏi cá cũng là món người Thái cúng tổ tiên vào những dịp lễ tết.

Cung cách ứng xử trong ăn uống của người Thái mang những nét riêng biệt đặc sắc tạo nên văn hóa của mỗi tộc người. Trong gia đình, đàn bà con gái, con rể không bao giờ được ngồi ăn cùng mâm với ông chủ nhà và đàn ông. Dù đi ăn cỗ cưới, cỗ mừng nhà mới của người khác cũng vậy. Trong đám cưới lễ hay lên nhà mới, bao giờ người ta cũng bố trí mâm cho người cao tuổi (đàn ông, trung niên, thanh niên) một dãy hoặc một khu riêng. Đàn ông uống rượu thì có từ chiều đến sáng hôm sau, đàn bà cũng phải túc trực để thêm rượu làm thêm thức ăn, thay canh nóng. Họ hàng gần, xa nếu cùng dự một bữa cỗ thì đàn bà, con gái không được ngồi cùng mâm đàn ông bề trên (chú, bác, anh…) có buộc phải ngồi cùng mâm thì phải ngồi xổm mà ăn.

Người Thái rất hiếu khách. Khách đến nhà dù có con gà cuối cùng hay chỉ còn một chút thức ăn cũng mang đãi khách. Và dù có mổ mấy con gà thì miếng ngon bao giờ cũng mang ra mâm khách.  Người Thái  cũng rất rất phóng khoáng trong ăn uống. Nếu một nhóm người đàn ông đi săn, bắt thú mà được thú về sau khi chia nhau họ mang về nhà chế biến món ăn và gọi anh em, họ hàng đến cùng ăn.

Nguyễn Thanh

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.