Đông sang, từng đợt gió về thảng thốt không hẹn trước, trời đổi rét bất ngờ. Vậy là mùa đã sang rõ rệt. Đêm đắp chăn ấm trong phòng kín vẫn nghe ngoài cửa sổ gió mùa Đông Bắc mang mưa về rét mướt. Bỗng lòng thao thức hoài niệm về ngày xưa. Ngày của những mùa đông thơ bé cũng là mùa lo âu của bố mẹ. Ngày đó xóm tôi nghèo khó, đã thế nhà nào cũng đông con. Gia đình ít nhất cũng bốn đến năm người, có nhà đông đến chín, mười người con. Bố mẹ tôi lấy nhau chưa đầy mười năm sinh bảy anh chị em tôi lít nhít. Mỗi đầu đông sang có trăm thứ phải lo, mà lo nhất có lẽ là sửa soạn áo quần ấm cho chúng tôi để chống chọi với mùa đông giá rét.
Bố bắc thang trèo lên xà nhà, nơi gác mấy tấm ván làm chỗ cất đồ đạc, lấy xuống tải quần áo mùa đông năm cũ. Mẹ mở bao soạn đếm từng bộ. Cái này năm trước chị cả mặc giờ có còn vừa không? Nếu không chuyển cho anh hai. Năm nay chị ba lớn quá rồi, cao bằng chị cả biết mặc cái gì? Cái áo nhỏ nhất này để thằng út mặc nhưng qua sáu mùa anh chị sử dụng rồi giờ vá chằng vá đụp biết nó có chịu mặc đi học không? Mẹ thở dài lo âu sau mỗi lần lật giở từng manh áo. Những mũi kim cần mẫn bên ánh đèn dầu mẹ thức thâu đêm vá đầy tình yêu thương vào manh áo cho chúng tôi.
Hiểu được nỗi vất vả của mẹ cha nên có gì mặc nấy chúng tôi không ai kén chọn. Em bé mặc lại của anh chị lớn cũng chẳng cần biết quần áo con gái hay con trai. Mỗi cái quần, cái áo mặc đi mặc lại qua mùa được giữ gìn cẩn thận có khi từ chị cả đến em út. Nếu bị rách hay bung chỉ chỗ nào thì khâu vá lại. Anh chị lớn mà được mua quần áo mới thì các em cũng chẳng tị nạnh gì khi không được mua. Mẹ còn bảo mặc lại quần áo của anh chị ấm hơi cho nhanh lớn. Hơn nữa mặc thế mới có tình cảm ruột thịt để sau này lớn lên dù có đi đâu làm ăn xa nơi góc bể chân trời vẫn còn nhớ đến nhau, vẫn còn yêu thương nhau máu mủ ruột già. Lúc đó tôi chưa hiểu lắm về những lời dạy của mẹ, chỉ thấy mắt mẹ ngân ngấn lệ khâu áo cũ ướm lên người thì thương mẹ rất nhiều. Tôi lau giọt nước đọng trên khóe mắt mẹ rồi khen. Áo này khâu nhiều lớp còn ấm hơn cả áo mới mẹ nhỉ. Mẹ ôm tôi vào lòng mắng yêu, cha bố anh khéo nịnh. Nước mắt mẹ ấm trên má tôi. Tôi dụi đầu vào áo len ấm áp của mẹ. Đó là chiếc áo bà ngoại để lại hồi môn cho mẹ trước lúc qua đời. Bà ngoại cứ dặn đi dặn lại không được chôn theo, cái áo còn tốt, nhưng cũng là vì thương con gái đi lấy chồng bao nhiêu năm không có manh áo ấm lành lặn. Lúc nào mẹ cũng nâng niu giữ gìn chiếc áo đó như vật gia bảo chỉ mặc ở nhà, mặc đi đám chứ không mặc đi lao động, làm đồng bao giờ.
Biết là những manh áo cũ chẳng đủ ủ ấm chúng tôi những hôm đại hàn. Bố đi xin những ống bơ sữa bò người ta uống xong bỏ đi về làm cho mỗi đứa một cái ống sưởi. Bố lấy chiếc đinh, búa khéo léo đục từng lỗ nhỏ ở đáy lon thành hình ngôi sao năm cánh vừa để thoát khí và để tro lọt ra ngoài. Đục thêm hai lỗ đối xứng nhau trên miệng lon để buộc dây thép nhỏ làm quai. Khi đi học hay đi chăn trâu ngày giá rét, chúng tôi gắp mấy viên than hồng vào lon, cho thêm những đoạn củi vụn vào rồi cầm chiếc dây quai dài quay lấy gió cho lửa bốc từ than sang củi cháy lên để sưởi. Những chiếc ống sưởi bé nhỏ đó đã sưởi ấm chúng tôi suốt những mùa đông gian khó.
Giờ đây lớn khôn, mỗi mùa đông sang, khi những đợt gió lạnh tràn về tôi không thôi hoài niệm nhớ về những ngày đông thơ bé. Tôi nhớ mỗi sáng đi học qua cánh đồng làng đầy gió, mấy anh chị em lại bấu víu sát vào nhau để vượt qua cái lạnh tái tê người. Nhớ những chiếc ống sưởi để ngay dưới chân bàn bốc khói trong lớp học. Tối về cả nhà quây quần bên bếp lửa với củ sắn, bắp ngô và nghe bà kể chuyện tích xưa. Đêm khúc khích chui vào ổ rơm thơm say những giấc mơ thảo hiền. Các anh chị em tôi cứ lớn lên, trưởng thành qua khó khăn, vất vả nhưng biết nhường nhịn, yêu thương, biết sẻ chia, đoàn kết. Để giờ đây dù ai đi xa góc bể chân trời vẫn nhớ về quê hương, nguồn cội. Anh chị em biết đùm bọc nhau với hơi ấm gia đình. Trong đủ đầy biết nâng niu tình máu mủ. Nghĩ về những mùa đông xưa giá rét thiếu thốn vật chất mà thấy ấm áp trong lòng.
TRƯƠNG HUY