Bao lâu nay, tiếng kèn Pí lè đã đi vào đời sống văn hóa của dân tộc Giáy Lai Châu. Trong đám cưới, các đám ma của người Giáy bao giờ cũng không thể thiếu mục thổi Pí Lè. Người Giáy quan niệm những giai điệu từ Pí Lè là phương tiện giao tiếp của con người với thế giới tâm linh. Cũng nói thay lời tâm tình của lòng người với trời đất, núi rừng; lời của con cái với cha mẹ; của nam nữ, lứa đôi…
Trong đám cưới, tiếng Pí Lè nghe như mời mọc, đón đợi quan khách, họ hàng hai bên về chung vui ngày hạnh phúc. Khi Pí Lè vang lên, người ta thấy sự ồn ào, náo nhiệt, hào hứng và thiêng liêng. Đội thổi Pí Lè gồm có bốn người, trong đó hai người thổi Pí Lè, một người đánh chũm chọe “Tý xáo”, một người đánh bộ gõ. Bộ gõ gồm một trống con, một la to, một la vừa, một la nhỏ, người Giáy gọi là “Tý chong lá”. Người thổi Pí Lè và người đánh bộ gõ đều phải theo nhịp của chũm chọe, lấy nhịp chũm làm chuẩn.
Pí Lè có bài sẵn và thổi theo bài, ai biết nhiều bài Pí Lè và biết thổi Pí Lè điêu luyện thì đó là người thổi Pí Lè giỏi. Người thổi Pí Lè hít hơi bằng mũi, thổi bằng mồm người Giáy gọi là “Lừ Srươi” tức là đổi hơi, nên có thể thổi hàng tiếng đồng hồ mà tiếng Pí Lè vẫn không dừng, không dứt. Có người biết rất nhiều bài Pí Lè, nhưng lại không thành người thổi Pí Lè giỏi vì người đó không biết “đổi hơi” tức là không biết hít hơi bằng mũi, thổi bằng mồm.
Các bài Pí Lè không có lời như bài hát, mà chỉ điều khiển bằng các nốt Pí Lè Người Giáy gọi là “Sòng lé”. Nghĩa là nốt nhạc. Học thổi Pí Lè chỉ điều khiển bằng chín ngón tay vào những nốt nhạc Pí Lè. Học âm thì miệng xướng âm theo thầy dạy cho thuộc lòng. Người đi thổi Pí Lè trong đám ma thì đeo khăn trắng, ăn chay. Người đi thổi Pí Lè trong đám cưới thì đeo khăn đỏ, không phải kiêng cấm gì cả.
Pí Lè có rất nhiều bài, khi đi thổi cho đám cưới, trên đường từ nhà trai đến nhà gái thổi bài “đi qua đường, qua bản”. Khi đến bản thì thổi bài “mở cổng bản”, đến nhà gái thì thổi bài “mở cổng, mở cửa” và bài “bước qua cửa vào nhà”. Khi đến bữa tiệc thì thổi bài “mở tiệc rượu”, đến nửa đêm thì thổi “đêm khuya”; đến sáng hôm sau thì thổi bài “chào buổi sáng”, đến giờ đón dâu thổi bài “đón dâu” và bài “tạm biệt”… Đặc biệt, người thổi Pí Lè giỏi, lúc chia tay nhà gái, họ còn thổi lên những bài hát dân ca, người Giáy gọi là “Pò lé vươn”, nghĩa là thổi Pí Lè hát, nghe thật xao xuyến và xúc động lòng người. Còn lúc nàng dâu, chàng rể ra quỳ trước bàn thờ tổ tiên, tiếng kèn vang lên nghe sao mà lâm ly. Không khí lúc đưa dâu ra khổi nhà gái, tiếng Pí Lè thổi lên nghe mới lưu luyến, bịn rịn xúc động lòng người làm sao? Người làm bố, làm mẹ, hay những người thân thích trong gia đình đã không cầm được nước mắt, vì từ giờ phút đó trong nhà họ sẽ vắng mặt một người con thân thiết. Cô dâu cũng vậy, cứ gào khóc lên vùng vằng không chịu ra đi vì nhớ bố mẹ, xa bố mẹ và những người thân thích trong gia đình. Những lúc như thế, vì giờ tốt đã đến, nên buộc những người đi đón dâu không đợi chờ mà phải lao vào kéo, giành cô con dâu của mình từ trong đám đông mà đưa về bên nhà chồng.
Còn đi thổi Pí Lè trong đám ma, người ta thường hay thử tài người thổi Pí Lè bằng cách mời hai người thổi Pí Lè quỳ xuống trước vong linh người chết, vừa thổi Pí Lè. Khi nhặt những đồng xu, người thổi Pí Lè chỉ thổi bằng một tay, nhặt những đồng xu nhúng mỡ trơn từ đĩa này sang đĩa khác mà tiếng Pí Lè vẫn không dừng, không dứt người đó sẽ được trọng thưởng. Những người thổi Pí Lè chưa giỏi, thường không giám nhận lời thách như thế.
Tiếng Pí Lè của dân tộc Giáy không chỉ vang lên trong các đám cưới, đám ma, mà còn vang lên trong các ngày lễ, ngày hội như: hội tung còn, hội xuống đồng, hội tòng quân, hội rước cờ thi đua, rước huân chương, bản, về xã… Và cứ thế tiếng Pí Lè càng thổi, càng hấp dẫn người nghe. Người thổi Pí Lè hay thì phải tập nhiều và không nhiều người thổi được, nhưng người thích nghe Pí Lè thì lại ngày càng đông. Tiếng kèn Pí Lè vẫn sẽ còn mãi với thời gian và được truyền từ thế hệ dân tộc Giáy này qua thế hệ khác.
Lò Văn Chiến