Ở Việt Nam, người La Ha có khoảng 7000 người , cư trú tập trung tại các tỉnh Lai Châu và Sơn La. Tại Lai Châu, dân tộc La Ha cư trú ở xã Tà Mít, huyện Tân Uyên. Dân tộc La Ha là dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Ka Đai. Người La Ha còn có tên gọi khác là người Xá (Xá Trả – La Ha trắng và Xá đen). Văn hoá La Ha rất đa dạng, phong phú với những đặc trưng riêng rất độc đáo và giàu bản sắc.
Đối với bất cứ một tộc người nào, ngôi nhà là một yếu tố đặc biệt quan trọng phản ánh văn hoá dân tộc. Đối với dân tộc La Ha, một dân tộc có nền kinh tế nông nghiệp du canh, du cư thì ngôi nhà trong truyền thống của họ chỉ đơn giản là nơi che nắng che mưa. Xưa kia, người La Ha chỉ có những căn nhà nhỏ gọi là dảo (lều) chứ không phải là khôm (loại nhà bền vững như hiện nay). Ngày nay, do đã sống định canh, định cư. Làng bản ngày một đông, nhà của đồng bào đã được làm chắc chắn. Nhiều nhà lợp mái prô – xi măng thay cho mái lợp gianh.
Việc làm nhà đòi hỏi không ít thời gian và công sức. Từ việc chuẩn bị nguyên vật liệu, chọn địa điểm làm nhà, chọn hướng cho đến việc dựng nhà và bố trí mặt bằng sinh hoạt trong nhà đều phải tuân theo những quy tắc và có những kiêng kỵ nhất định. Đặc biệt, trước khi dọn lên nhà mới, người La Ha phải làm lễ Khửn khôm man(lễ lên nhà mới).
Người La Ha tin rằng khi ngôi nhà chưa được làm lễ Khửn khôm man thì con người chưa thể sinh sống ở ngôi nhà đó. Đặc biệt người ta kiêng nổi lửa trong nhà trước khi diễn ra các nghi thức đuổi ma xấu.
Lễ lên nhà mới của người La Ha thường diễn ra vào buổi chiều (khoảng từ 5 giờ đến 6 giờ chiều) của ngày làm nhà xong. Đây cũng là ngày đã được chọn trước. Đó phải là ngày chẵn, không trùng với ngày mất của tổ tiên và cũng không trùng với ngày sinh của gia chủ.
Ngay sau khi ngôi nhà được hoàn thành, nghi lễ đuổi ma xấu, gọi ma bếp chính thức bắt đầu. Bốn nam giới khoẻ mạnh đứng ở bốn góc nhà, người ôm cậu méo (con mèo), người cầm một mắc pặc (quả bí đao) người cầm một chiếc mỏ nứng (cái ninh đồng) và một cái hoỏng (cái chõ), người cầm một phun he (cái chài). Ở cửa bên xịch (cửa lên nhà từ phía bếp), ông chủ nhà đứng cầm một cái phang nả (cái nỏ) ở trên tay. Dưới sân là lung ta (ông cậu) và những người thân trong gia đình, mỗi người đều mang đồ đạc để sẵn sàng lên nhà mới.
Khi mọi người đã ổn định vị trí, ông chủ hét to: Wạ – Y!, có nghĩa là: Đi đi!. Với câu hét đó, ông đã lên tiếng đuổi các ma xấu hiện đang trú ngụ trong nhà, đồng thời, ông giương nỏ bắn một mũi tên găm vào cây cột cái – nơi có tấm vách đặt hoóng rồi ông bước qua cửa nhảy lên, đôi bàn chân rơi xuống sàn tạo thành một tiếng động mạnh. Tiếp đó, ông mang cây nỏ treo vào mũi tên cắm trên cây cột cái. Đám thanh niên, trai tráng sẽ tung những con mèo, quả bí, cái ninh đồng, cái chõ, cái chài ra giữa nhà, đồng thời hô to: Thu ly tét ới, thu lu thu lán, tu lu pu lán! – Làm ăn thuận lợi, được làm được ăn, đừng ốm đau nhé!. Tất cả các nghi thức trên tuy chỉ diễn ra trong khoảng thời gian rất ngắn (khoảng hơn một phút) nhưng lại là một nghi lễ không thể thiếu trong lễ lên nhà mới của người La Ha.
Mỗi hành động, mỗi vật trong nghi lễ này được lí giải như sau:
Mũi tên găm vào cây cột cái: Là hành động bắn vào các ma xấu đang trú ngụ, ẩn nấp trong nhà. Cây cột cái được xem như “đầu đàn” trong toàn bộ ngôi nhà. Khi ma cầm đầu lũ ma xấu tháo chạy thì các ma xấu khác cũng sẽ tháo chạy theo.
Cái nỏ treo vào mũi tên găm trên cây cột cái: Là nhằm trị tà ma, để cho các ma xấu vừa bị đuổi ra nhìn thấy mà sợ, không dám tìm cách qua trở lại nữa. Trước đây, cây nỏ được treo ở vị trí đó vài năm. Ngày nay, người ta chỉ thực hiện nghi thức này bằng một cây cung tượng trưng. Cánh cung làm bằng tre, dây cung làm bằng chỉ, khi bắn cũng chỉ bắn lấy lệ mà không có mũi tên. Sau khi làm xong nghi thức này, cây cung được gác (cùng với những đồ cúng ma tà) lên cái giá ở trên bức vách ngăn giữa gian ngủ của chủ nhà và gian thờ
Tiếng thét WA … Y! đồng thời với cú nhảy mạnh của gia chủ: Là hành động hù doạ, xua đuổi các ma xấu hiện đang trú ngụ trong nhà. Hành động này phải do đích thân gia chủ thực hiện nhằm thể hiện sức mạnh của gia chủ trước cái xấu. Người La Ha cho rằng nếu người khác làm thay thì các ma xấu sau khi chạy sẽ quay trở lại vì chúng không biết sợ gia chủ.
Con mèo được tung vào nhà: Nhằm thể hiện sự tôn trọng của người La Ha với hình tượng con hổ mà trong nghi thức này, con mèo được chọn làm vật thay thế. Trong tâm thức của người La Ha, con hổ là một vật rất gần gũi với con người. Người La Ha có truyền thuyết kể về mối quan hệ gần gũi giữa con người và hổ. Cũng có cách giải thích khác cho rằng, xưa kia con hổ là con vật thường xuyên phá hoại cuộc sống bình yên của con người và nó là nỗi ám ảnh ghê gớm của con người. Do đó việc tung con mèo vào nhà trong lễ lên nhà mới là mong cho hổ và con người luôn luôn hoà thuận, không phá hoại lẫn nhau.
Quả bí đao được tung vào nhà: Là thể hiện ước vọng của con người về một cuộc sống no đủ, dồi dào; bí đao là món thực phẩm rất được La Ha ưa chuộng nên được chọn làm đại diện cho các loại thực phẩm nói chung khi tiến hành nghi lễ.
Cái ninh đồng và cái chõ được tung vào nhà: Cái ninh đồng và cái chõ là những đồ vật dùng để nấu cơm – món ăn chính của người La Ha nên chúng được chọn làm vật tượng trưng cho bếp núc và cuộc sống đầy đủ, ấm no. Hành động tung ninh đồng và chõ vào nhà nhằm thể hiện nguyện vọng của con người là cơm gạo sẽ luôn theo về đầy ắp trong nhà, con người sẽ không bao giờ bị đói cơm gạo.
Cái chài được tung vào nhà: Thể hiện ước vọng của con người – mong sao đánh bắt được thật nhiều cá – nguồn thực phẩm chính của người La Ha bên cạnh thức ăn có được từ săn bắn.
Khi các nghi thức trên được thực hiện xong, những người đang đứng ở dưới sân bắt đầu lên nhà. Ông cậu của gia chủ đi trước, trên tay ông cầm một cái ninh đồng, tiếp sau là toàn bộ người trong gia đình mang theo những đồ đạc thiết yếu như: chăn đệm, nồi xoong, bát đũa… Đi cuối cùng là anh em, họ hàng. Đồ đạc mang lên nhà được đặt ở góc gian quản (gian ngủ của chủ nhà). Sau đó, người ta đặt hoóng(gian thờ). Người đặt hoóng là chủ nhà. Nếu gia chủ già yếu, mắc bệnh… thì con trai cả hoặc anh trai hay em trai của gia chủ sẽ thực hiện việc này.
Cùng với hoóng, bếp cũng là một bộ phận quan trọng trong niềm tin của đồng bào vì bếp có Ky dạ ly thu (ma bếp). Ma bếp sẽ cùng với ma nhà phù hộ cho sức khoẻ và sự thịnh vượng của gia đình. Do đó, việc đặt bếp được hết sức coi trọng.
Việc đặt bếp của người La Ha bao gồm cả việc đặt Ly thu (bếp đun) và Ly hoóng (bếp sưởi). Với những ngôi nhà nhỏ thì người ta chỉ đặt bếp đun chứ không đặt bếp sưởi. Để đặt bếp sưởi, người ta lấy bốn thanh gỗ để quây ván thành một ô hình chữ nhật rồi lấy một đoạn thân cây chuối đập dập lót ở phía dưới, sau đó lấy đất lấp đầy khối hình chữ nhật. Còn với bếp đun thì cách làm cũng tương tự như bếp sưởi, chỉ khác là sau khi đổ đất, người lấy ba hòn đá tròn đều như nhau đặt lên trên làm chỗ kê nồi khi đun nấu. Khi đã đặt xong, ông cậu gia chủ sẽ nổi lửa cả hai bếp. Bếp sưởi không được đun nấu gì, còn bếp đun sẽ đun ngay một nồi nước.
Bếp được đặt xong, gia chủ sẽ mổ một con gà. Khi cắt tiết, người ta nhỏ máu gà vương ra bốn góc nhà, bốn góc bếp. Đồng thời, người ta mở một chum rượu cần và khiêng đi một vòng quanh nhà, vừa đi vừa gạt cho rượu chảy vào bốn góc nhà, bốn góc bếp bằng một thanh tre nhỏ.
Ngay khi thực hiện xong các nghi thức trong lễ lên nhà mới, gia đình sẽ bầy cỗ rượu mời tất cả mọi người đang có mặt chung vui cùng gia đình và cảm ơn mọi người đã giúp mình dựng nhà. Trong bữa cỗ, mỗi cá nhân đại diện các gia đình hàng xóm sẽ mừng tân gia một chút quà nhỏ. Thông thường quà là một chai rượu, một bát gạo, một sải vải trắng, nếu thân thiết hơn thì mừng một con lợn giống hay một đôi già… cùng với lời chúc gia đình ấm no, hạnh phúc.
NGUYỄN HIẾN