Những ngày cuối xuân, cả núi rừng Tây Bắc bạt ngàn sắc trắng hồng của những đóa ban. Màu ban lẫn với màu trời bàng bạc, bảng lảng như sương khói. Trong màn sương ấy, pằng nảng (cây hoa gạo) vẫn rực đỏ, nổi bật một góc trời. Dù đứng ở đằng xa lắm, vẫn có thể nhận ra.
Ở xứ núi này, pằng nảng ít khi mọc ở giữa bản. Người ta hay thấy pằng nảng đứng đơn độc giữa rừng. Mà thường là những cây to sừng sững, cao lớn hơn vạt cỏ cây xung quanh. Người núi vẫn bảo pằng nảng là giống cây thiêng, “trâu không ăn, người không chặt” nên cây cứ ở đó, lớn lên. Đơn độc và kiêu hãnh.
Những gốc pằng nảng giữa rừng không có cái thế uy nghi, cổ kính như ở các làng quê dưới xuôi. Pằng nảng ở đây lớn lên tự nhiên, thường khẳng khiu, cao mãi lên trời xanh. Nhất là khi cây mọc giữa các khe núi, cạnh các vách đá thì cứ cao mãi lên chứ không xum xuê. Riêng chỉ có điều này thì pằng nảng ở xứ nào cũng vậy. Những gốc cây càng sù sì, càng già cỗi thì dường như hoa lại càng đỏ thắm hơn, càng tha thiết, mãnh liệt hơn. Mỗi mùa tháng ba, tháng tư, hoa nở đỏ rực một góc rừng. Mãn hoa cũng là lúc những đóa hoa năm cánh xoay đều, rơi rơi trong gió, rơi đầy gốc cây đơn côi. May lắm mới có những người đàn bà xứ núi đi rừng ghé qua mà thấy. Chẳng ai nỡ dẫm đạp lên những đóa hoa dù lìa cành rồi vẫn còn đỏ tươi như niềm khát khao sống mãnh liệt này. Phụ nữ Mông hay phụ nữ dân tộc nào thì cũng thế thôi, cũng muốn được sống, được yêu cho xứng đáng với kiếp sống này. Chứ chẳng ai muốn đơn độc như những đoá pằng nảng giữ rừng bao la.
Chẳng khi nào người ta thấy pằng nảng mọc thành hàng, thành dãy. Thưa thớt trong cánh rừng này có vài cây già cỗi, cũng ít khi thấy những cây non. Mùa xuân khi hoa nở thì bướm ong tìm đến ríu rít. Hết mùa hoa, sang mùa lá, cây dường như cũng buồn hơn. Cây cứ lặng lẽ như cái cách mà bao đời qua, những bà, những mẹ, những cô gái Mông cứ lủi thủi đi đi về về giữa cánh rừng này. Làm cách nào để sống khác đi? Ai cũng biết cần sống khác đi mà sương mù cứ giăng kín lối. Đời một người đàn bà Mông dài lắm. Họ trở thành phụ nữ từ khi còn rất trẻ. Chưa kịp hiểu nhiều lí lẽ, mới chỉ vừa đi chợ phiên hò hẹn một đôi lần. Mà chớp mắt một đã là mẹ của mấy đứa con. Đứa địu đứa bế. Hai mấy tuổi làn da sạm đen, tóc cháy vàng như màu nắng. Bao nhiêu lãng mạng tình yêu đêm tình tự mùa xuân bên gốc đào, gốc mận hôm nào giờ đành quên hết. Cứ đi nương một mình nhiều khiến những người đàn bà Mông ít nói. Gió thời đại mới đang thổi đến. Nhưng ở ngọn núi này dường như xa quá. Những người đàn bà vẫn cam chịu, vẫn ấp ủ những khát vọng tình yêu không thể nói ra, không đủ sức mạnh để thay đổi.
Thật ra, pằng nảng cô đơn từ trong sự tích rồi. Chuyện kể rằng: Ở một bản nọ có chàng trai nghèo khoẻ mạnh, yêu cô sơn nữ xinh đẹp. Họ chuẩn bị cưới thì trời đổ mưa, cơn lũ lớn cuốn phăng ngôi nhà và lễ vật của chàng. Dân bản trồng cây nêu để chàng lên trời hỏi sự tình. Ngày ra đi, chàng buộc vào tay cô gái bằng vải đỏ, mỗi đầu có tua năm cánh thay cho lời thề thuỷ chung. Lên đến cõi trời thì chàng bị giữ ở lại làm thần Mưa. Mỗi lần khóc nhớ thương người yêu nơi hạ giới là trời đổ mưa. Còn sơn nữ, ngày nào cô cũng trèo lên cây nêu trông ngóng. Một lần, Ngọc Hoàng xuống hạ giới, biết chuyện, ngài cho cô một điều ước. Và sơn nữ ước biến cây nêu thành loài hoa có rễ bám sâu, thân thẳng, ngọn cao để cô nhìn thấy chàng trai, dải vải đỏ biến thành bông hoa để chàng trai nhận ra mình. Thoả nguyện, sơn nữ gieo mình từ trên cao xuống. Nhìn những bông hoa đỏ nâng niu linh hồn người yêu, nước mắt thần Mưa rơi lã chã. Người ta gọi đó là hoa gạo (tiếng Mông gọi là pằng nảng).
Màu đỏ pằng nảng tượng trưng cho sự thuỷ chung, cho tình yêu nồng thắm. Loài hoa mà khiến ai đi ngang qua cũng phải dừng lại ngắm nhìn từng bông dưới thảm cỏ, rồi lại ngước nhìn trên cao vút kia. Những bông hoa ngạo nghễ đỏ, in vào nền trời. Rồi rơi xuống, gây những nỗi niềm mênh mang khó tả. Những cô gái khéo tay nhặt hoa về làm ruột gối, làm ruột pao. Để mỗi mùa xuân lại day dứt trong điệu hát: “Anh ném pao, em không bắt – Em không yêu, quả pao rơi rồi…”.
Người ta hẹn Mí ở gốc pằng nảng này. Hay là Mí xuống núi? Rời xa tất cả vùng đá tai mèo này, biết đâu đời sống sáng lạn hơn. Dù gì Mí cũng đã học hết lớp chín, biết đọc, biết tính toán, không ai lừa Mí mà mang đi đâu được. Thế rồi Mí định bỏ lời hẹn ước với Páo, Mí sẽ đến gốc pằng nảng để chuẩn bị cho một chuyến đi xa. Đường xa nhưng chân phải đi thì mới tới. Phải bắt đầu bằng những bước chân đầu tiên. Mí bảo với bố mẹ sẽ đi làm xa, chứ ở nhà bao giờ cuộc đời mới đổi thay được. Mí bảo với mẹ, Mí không thích thành người đàn bà cả đời lầm lũi như mẹ, chẳng bao giờ biết đó đây. Bố cứ lặng yên bùi ngùi. Hay ở nhà làm thổ cẩm bán? Nghề truyền thống quê mình! Mí bảo bố cứ cho con đi học hỏi. Bạn con tốt lắm, chuẩn bị, chỉ lối dẫn đường hết rồi. Con có vốn rồi trở về làm nghề truyền thống cũng chưa muộn. Ừ, thì cũng phải. Có phải đứa gái nào cũng dám đi xa đâu. Cứ giữ nó ở nhà thì bao giờ mới lớn. Bao khát vọng sống cứ cho bay lên như cánh bồ công anh trong gió. Nhỏ bé cũng phải bay đi. Duy chỉ có hẹn ước với A Páo là không biết nói sao cho Páo hiểu. Còn thương nhau thì chờ nhau thôi. Nếu không thì Páo cứ đi kết đôi với ai khác. Páo chỉ buồn chẳng biết nói gì. Páo có gì trong tay đâu. Chỉ đang học nghề rèn dao với ông nội. Đôi tay thô kệch, đến chạm vào người con gái mình thương còn ngại.
Thế rồi, khi cả rừng còn chưa thức dậy, Mí đã đi. Mí đến gốc pằng nảng cũng là khi con gà rừng cất tiếng gáy le te đầu tiên chào ngày mới. Trời đầy sương mờ. Những cánh pằng nảng mới rơi còn đẫm hơi sương, như ngậm giọt nước mắt. Mí cầm hoa trên tay mà cứ bâng khuâng, nôn nao. Cảm giác này lạ quá. Như là bất an hay là do Mí lần đầu đi xa mà tưởng tượng ra thế thôi. Người ta đã hẹn ngày giờ đúng chốn này rồi. Mí mong ngóng quá nên tới sớm thôi. Một mình giữa rừng mà Mí không thấy sợ. Chắc rồi người ta sắp đến rồi. Họ bảo sẽ đi xe đến đón Mí, sẽ đưa Mí đến nơi ăn ở đàng hoàng, công việc tử tế, lương cao. Một tháng lương mua được cả một vụ ngô mấy tháng của bố Mí. Thế thì chẳng phải là tốt quá ư. Mặt trời dần lên, chiếu những tia nắng đầu tiên xuống thung lũng đầy sương, ánh cả lên đoá pằng nảng trên tay Mí. Mí cho bông hoa vào túi, định mang theo về phố thị.
Người ta đến rồi kìa. Đông quá, những ba người đàn ông đi cùng Sơi – vốn buôn đồ nông sản thi thoảng đến bản Mí. Ô, sao mà người ta nhìn Mí lạ thế. Mí nép vào sau lưng Sơi. Thế mà mấy gã kia vẫn chòng ghẹo, sờ tay vào má, vào mông Mí. Mí lí nhí gọi Sơi. Sơi cười khà khà, bỏ ra gốc pằng nảng ngồi, châm thuốc hút. Mấy tên kia bắt đầu cởi áo khoác như chơi trò đuổi bắt với Mí. Theo bản năng Mí bỏ chạy mà vẫn bị dồn vào gốc pằng nảng. Váy áo bị xé rách. Những vết xước đầy trên ngực. Bọn chúng nhét giẻ vào mồm Mí rồi, Mí không kêu được nữa. Chỉ kịp gọi A Páo có một tiếng thôi, không biết giờ này A Páo ở đâu có nghe thấy Mí không.
Thôi rồi, Mí không còn sức mạnh mà chống cự nữa rồi. Dù chúng nó bảo con gái Mông khoẻ thế, giãy mãi mà không mệt. Mí định buông xuôi. Thì bất chợt có tiếng quát. Đúng tiếng A Páo rồi. Mí choàng mở mắt. Páo đi cùng với mấy người bạn cùng trang lứa. Những con dao Mông sáng loáng. Lũ người khốn khiếp đang giữ Mí không kịp chuẩn bị nên không có vũ khí gì, chấp nhận buông Mí ra.
Páo đưa Mí trở về. Những bông pằng nảng bị dẫm nát dưới gốc cây. Đau xót quá. Việc Mí rời đi khỏi cái đỉnh núi này có phải là chuyện dễ dàng đâu. Bước ra khỏi núi là những cám dỗ bủa vây. Hành trang để xuống núi hoá ra cần nhiều hơn những điều mà trái tim non nớt của Mí nghĩ.
Mí trở về. Ám ảnh mãi về những đoá hoa bị xéo nát. Duy có bông pằng nảng Mí nâng niu để vào trong túi thì vẫn vẹn nguyên. Lần đầu tiên Mí hiểu tình yêu thầm lặng mà nồng cháy mà những đoá pằng nảng này gợi về là như thế nào. Páo ơi, đợi Mí theo với…
THÙY GIANG