LÃO THANH

Chiều nào cũng vậy, khi mặt trời chỉ còn cách dãy núi trước mặt khoảng một cây sào là lão Thanh bắt đầu chuẩn bị áo phao, mái chèo, dây thừng… lên thuyền để sang bên kia bờ đón chuyến khách cuối cùng qua sông. Nói là khách cho oách chứ hơn chục năm nay, lão lái đò đưa khách qua quãng sông này lão chưa từng nhận của ai một đồng. Khi khách yên vị trên thuyền, lão rút dây thừng ở neo, cắm cây sào đẩy thuyền ra là lão bắt đầu hò. Giọng hò của lão khàn đục như nước sông mùa lũ, ngàu ngàu phù sa, lọt vào vách đá, vọng ngược trở lại rồi thả thẳng xuống lòng sông. Nghe không hay nhưng lại cảm thấy nỗi niềm trong lòng lão như được bày trên mặt sông đen ngòm khi chiều buông. “Hò ơi! Sông quê nước chảy đôi bờ để anh chín đợi mười chờ thương em…”

Bến En từ khi có dự án trồng cây cao su là dân tứ phương dồn về, đông nhưng không có mấy người trụ lại để “lập nghiệp”. Cái mảnh đất, nghe đồn thổi thì hay ho lắm nhưng đến rồi mới biết “chó ăn đá, gà ăn sỏi”. Những người như lão Thanh đến không xin được việc ở công ty cao su vì nhiều tuổi cũng không được nhập khẩu vì chẳng có giấy tờ gì. Lão lang thang, ai thuê gì làm nấy. Đám trẻ háo hức đến rồi “bỏ của chạy lấy người” cho kịp thế nên khi lão trụ lại, lại có nhiều việc để làm mà chả phải tranh giành với ai. Rồi lão cùng với mấy nhà mới đến Bến En theo nhau làm bè, làm xuồng sống tạm ở bến sông. Coi như cũng có chỗ chui ra chui vào, không cần phải mua đất cát giấy tờ cho mệt người. Lão nghĩ. Dần dần, có người tích cóp, dành dụm được ít vốn thì đóng thuyền, dựng nhà trên thuyền. Mới đó, mà xóm chài cũng trên dưới chục hộ dân. Lão Thanh là một trong những người đến đầu tiên nhưng chỗ lão ở bây giờ là lụp xụp nhất. Cái thuyền lão ở bé tẹo, cắm mấy cọc tre, quây tạm bằng một lớp bạt mỏng ở trong và vỏ bao xi măng ở ngoài . Bao nhiêu công sức cả vài chục năm lão dành dụm mua được cái thuyền bé lão ở và cái thuyền to chỉ để chở người qua sông không lấy tiền. Ghi nhận đóng góp của lão, xã cấp cho cái giấy tạm trú tạm vắng nên lão giữ nó như mạng sống của mình. Nhiều đêm, dân xóm chài vẫn thấy lão ngồi ở mũi thuyền ngửa mặt lên trời, thì thầm gì đó mà cứ nghe tiếng ục ục trong cổ họng như khóc như cười…

Không chỉ mọi người ở xóm chài chê lão hâm mà cả Bến En đều nghĩ lão hâm. Hâm thật ấy chứ! Người ta dành tiền mua đất, mua thuyền làm nhà ở cho chắc chắn thì lão lại ki cóp từng đồng tiền lẻ có được đi kéo cá đêm, đi làm thuê để mua thuyền chở khách qua sông. Ngày ba bận, sáng, trưa, chiều tối. Lão nghĩ, đời người ngoài ăn, ở thì cũng nên sống cho có nghĩa. Lão phiêu bạt cả tuổi trẻ để rồi neo đậu ở Bến En mà không lo người ta xỉa xói, không bị rủ rê rượu chè cờ bạc mà tan nát gia  đình. Trên khuôn mặt đã ngũ tuần của lão vẫn còn dấu vết của một thời trai trẻ nay đây mai đó. Những nếp nhăn đau khổ cứ chồng xếp lên nhau mà lúc lão vui, lão cười nó cũng chẳng giãn ra được là bao. Vết sẹo kéo dài từ đuôi mắt vào giữa má đến sát cằm là vết cắt, cắt đứt mọi liên hệ của lão với cố hương. Lão chưa từng trở lại hay nhắc đến từ khi lão nhập Bến En. Kể ra, đời lão mà may mắn, có khi giờ này cũng cấp bậc này nọ trong quân ngũ rồi đấy. Nhưng đời lão nó bạc. Mỗi bận lè nhè say lão vẫn thường nói thế! Bạc như dòng nước chảy dưới mạn thuyền, cứ thế đi thôi, có bao giờ vòng lại mà nhìn người lái đò mải miết, muốn ghì lấy nước vào lòng cho thỏa nỗi nhớ mong…nỗi nhớ xóm chài trên sông Bưởi xứ Thanh.

 

***

 

Xóm chài nằm chơ vơ giữa dòng nước trong veo mùa thu nhưng lại ngầu đỏ như mắt cá vào mùa lụt. Vỏn vẹn trên dòng sông Bưởi đoạn chảy qua Tây Hương chỉ có 3 nhà chài, trong đó có nhà Thanh. Cuộc sống dập dềnh trên sông nước nên mỗi nhà chài đều chọn một khúc sông sâu, nước trong, dòng chảy không quá xiết để nuôi cá lồng. Những mùa cá trên sông năm được năm mất, ruộng vườn không có, bữa cơm hàng chài phụ thuộc vào số tôm cá kéo được trong đêm. Ăn uống còn thiếu thốn thì nói gì đến học hành. Ấy thế mà nhà bà Ba vẫn gắng để Thanh học hành tử tế cho bằng bạn bằng bè. Bà vẫn hay động viên Thanh:

– Học đi rồi kiếm cái ngành, cái nghề mà thoát li con ạ. Ở cái xóm chài này cả đời không được đâu.

Thanh hiểu niềm mong mỏi của mẹ. Người đàn bà mắt hấp him như cái lò xo gắn ở mí, một đời ngược xuôi trên bến dưới thuyền, chạy long nhong theo mùa nước để kiến hạt muối, thìa mắm cho con có chất mặn. Người ta nói, tại nhà chài ăn thiếu muối nên mắt ai nấy đều như thế! Nên khi đẻ được mụn con trai, vợ chồng ông Ba dành hết tiền để mua đủ mắm, muối cho con ăn. Mà Thanh lớn lên khác những đứa trẻ xóm chài thật. Đôi mắt sáng, cái trán cao như hói thừa hưởng của ông Ba khiến ông sung sướng lắm. Kéo chài cả đêm không biết mệt. Mà có mệt, chỉ cần nhìn thằng Thanh ăn no ngủ ngon lành trong màn là ông lại thấy như có thêm sức mạnh. Ông đã cắm con dao ở mũi thuyền thề với thần sông thần núi là chết cũng phải cho thằng Thanh thành người, nhất là giữ để mắt nó không nhấp nháy như mấy giàn đèn trên phố huyện đêm giao thừa được. Đó là khi người ta đồn thằng Thanh không phải con ông. Ông đang gỡ cá mắc ở lưới mà nhảy phắt lên thuyền rút con dao nhọn cắm vào mũi thuyền tuyên bố:

– Tao mà nghe đứa nào xì xèo thì tao chém chết. Có mù cũng phải thấy cái trán hói của ông chứ.

Cả đám kéo cá đêm thấy vậy liền ngãng ra, chèo thuyền đi nơi khác. Còn ông Ba vẫn lặng lẽ ngồi ở mũi thuyền rít điếu thuốc lào sòng sọc rồi phả hơi thuốc vào không trung. Đêm mờ mịt trăng khuya, mấy nhà chài dập dềnh trên sông đã tắt đèn tranh thủ chợp mắt đợi kéo mẻ cá mới. Đêm nào cũng thế, tầm trăng lên là đám dân trong làng đi kéo cá đêm cùng ghé qua xóm chài kiếm điếu thuốc lào hay chén rượu nhạt, nghỉ ngơi mươi mười lăm phút rồi lại mới tiếp tục cuộc mưu sinh trong đêm.

Thằng Thanh lớn lên bằng những đêm cùng bố mẹ kéo lưới như thế. Trong giấc ngủ muộn, nó vẫn nghe tiếng gió thổi trên mặt sông những đêm trăng thanh hay tiếng thở dài của mẹ khi bàn chuyện tương lai của nó…

 

***

 

Đêm ấy, Bến En có hội. Cả xóm chài chỉ còn lại mình lão Thanh ở lại coi thuyền. Trăng giữa tháng lên lấp ló phía đỉnh núi. Cơm nước cũng vừa xong lão xách điếu đóm ra mũi thuyền ngồi. Chưa kịp rít xong điếu thuốc lào, lão nghe tiếng kêu phía bên kia bờ:

– Cứu! Cứu tôi với!

Chiếc thuyền tròng trành, lắc nhẹ giữa dòng nước, lão đặt cái điếu cày xuống rồi lắng tai nghe. Vẫn cái giọng yếu ớt:

– Có ai không, làm ơn cứu tôi với.

Lão Thanh nhìn với sang như phản xạ chứ trời tối, trăng cũng vừa lên, khoảng cách từ bên này sông sang bên kia bờ cũng mất mấy phút chèo thuyền mà đôi mắt ngũ tuần ấy đâu còn tinh tường như thuở đôi mươi nữa, lão vừa ngó nghiêng vừa hỏi:

– Ai? Ai ở đó?

Lão nghe rõ một một tiếng rên khe khẽ, giọng nói như đứt hơi của một người phụ nữ:

– Làm ơn làm phúc cứu mẹ con tôi với.

Lão với vội cây sào rồi đẩy thuyền ra giữa dòng, đến bờ bên kia, lão hoảng hồn vì những gì mình đang thấy. Một người phụ nữ đang mang bầu, nằm lăn lộn trên đất. Lão lập cập hỏi:

– Chị làm sao thế này?

Chị ta cố đẩy người ngồi dậy nói trong tiếng thở dốc:

–  Tôi sắp sinh, cầu xin ông cứu mẹ con tôi… ái… ái… đau quá!

Lão Thanh nghe xong thì ngây người ra. Đời lão đã biết đàn bà là gì đâu, giờ lại chửa đẻ, lão thấy hơi sợ sợ. Gió từ mặt sông cứ vô tư phả vào mặt lão, khuôn mặt nhợt nhạt vì sợ hay vì lạnh cũng không biết nữa. Giọng người phụ nữ đau đớn, rên rỉ van xin khiến lão choàng tỉnh, tay vò đầu, miệng lắp bắp:

– Tôi… tôi phải làm gì bây giờ? Xóm chài đi xem hội hết rồi. Trời ơi! Tôi làm gì cho chị được. Chị nói đi…

Người phụ nữ như hiểu được tình cảnh của lão và của mình. Chị cố nhoài người dậy, chỉ cho lão cái ba lô. Lão Thanh vừa run lập cập vừa lôi hết đồ trong ba lô ra để tìm những thứ chị ta cần. Trong phút chốc, chiếc áo mưa được trải vội lên bờ cát, cùng với sự hỗ trợ của lão, chị đã nằm gọn dưới ánh trăng sáng vằng vặc, bầu trời không gợn bóng mây. Đến lúc này thì chị ta không rên rỉ nữa. Chị cắn chặt môi, thi thoảng lại ứ lên một tiếng đơn độc như tiếng con sói bị thương gọi bầy cầu cứu. Ánh trăng bàng bàng bám riết lấy đôi chân trần của người đàn bà mà đón đứa trẻ ra đời… giọng lão lạc đi:

– Con trai. Một thằng con trai! Trời đất ơi, xin hãy phù hộ cho nó…

Mồ hôi nhễ nhại trên mặt, chảy xuống cổ, xuống lưng lão. Cái lưng trần cháy nắng, đen bóng dưới trăng giống như tấm gỗ mun được mài nhẵn còn đôi bàn tay thô ráp, lòng khòng, khô khốc đang ngượng ngùng nhấc đứa trẻ còn nhầy nhụa đặt lên chiếc chăn nhỏ mà mẹ nó đã chuẩn bị sẵn. Mọi động tác lão làm đều là lần đầu nhưng đến khi nghe tiếng thằng bé khóc lại trở nên thuần thục khác thường. Người đàn bà mệt mỏi nằm ngẹo đầu sáng một bên nhưng vẫn cố rướn đôi mắt về phía lão:

– Xin ông cứu mẹ con tôi… Tôi không còn chỗ nào để đi.

Lão Thanh dường như cảm nhận được điều gì đó nên lão mỉm cười ân cần:

– Nếu chị không chê, tôi đưa chị về thuyền của tôi trước đã.

Người phụ nữ không nói gì chỉ khe khẽ gật đầu. Người chị cũng ướt nhẹp mồ hôi, tóc tai dính bết trên mặt nhưng dường như chị quên hết những đau đớn vừa trải qua. Trong suy nghĩ của chị, chỉ còn hình ảnh của đứa con bé bỏng mà chị vẫn tưởng tượng mỗi đêm.

Lão Thanh luống cuống dìu người phụ nữ lên thuyền nhưng đúng lúc cần sức mạnh để chị ta xuống khoang thì cái chân của lão giở chứng, cái vít ở đầu gối rơi ra, chiếc chân giả tuột khỏi đùi, rồi nước ở đâu ào ra nhầy nhụa lên cả chiếc chân vừa rơi. Lão lúng túng đặt người phụ nữ nằm ngay ở mũi thuyền, tay bám vào mạn thuyền, vội vàng lắp cái chân giả vào rồi xuống khoang lôi lên đống áo phao lót người cho chị. Người phụ nữ lại khấp khởi mừng ra mặt khi đã ôm chặt thằng bé trong lòng và thấy người đàn ông đang dọn dẹp bên cạnh mình. Chị hướng mắt về phía vầng trăng đang lõa lồ với mây trời mà thì thầm cảm ơn trời đất Bến En rộng lượng đã đón nhận mẹ con chị dù hoàn cảnh có hơi ngặt nghèo. Bây giờ, chị bắt đầu thấy lạnh, người run lên cầm cập. Lão Thanh hình như cảm nhận được những biểu hiện sinh lí sau sinh của người phụ nữ nên kéo chiếc chăn cũ còn thơm mùi nắng trong ngăn thuyền đắp lên người cho chị. Người đàn bà thiếp dần đi. Hình ảnh thằng bé đang mút mút đầu môi chóp chép rồi nở nụ cười chúm chím như nó vừa mơ một giấc mơ đẹp hiện ra trước mắt chị. Nó mơ giấc mơ của chị… Người ta vẫn nói “người chửa cửa mả”, chị chửa sắp đến ngày hạ sinh lại đi một quãng đường xa xôi đến Bến En… bây giờ mẹ tròn con vuông chị như thấy mình được sống thêm lần nữa. Trong phút chốc, người đàn bà ấy dường như đã quên hết cả những đắng cay, tủi cực mà chị của cuộc đời. Tiếng khóc chào đời của thằng bé vang vọng vào không gian mênh mông của đêm khiến chị có thêm động lực để sống. Chị nghĩ. Phải sống bằng mọi giá để thằng bé được nên người…

Lão Thanh chèo thuyền về đến bến tự lúc nào. Lão cứ tây ngây như tượng phỗng khi thầy người đàn bà ôm con thiêm thiếp dưới trăng. Như sực tỉnh, lão quay vội mặt đi vì xấu hổ. Đời lão chưa từng ngắm một người phụ nữ nào thế nhưng hồi nãy, lão như bị hút hồn với vẻ đẹp của người phụ nữ vừa sinh dưới ánh trăng của Bến En.

Lão đẩy chiếc thuyền vào sát chòi của lão rồi lay người phụ nữ:

– Chị nằm đây sương đêm không tốt. Kia là nơi ở của tôi, chị chịu khó bước sang cẩn thận. Đưa tôi bồng thằng bé cho.

Lão đón thằng bé từ tay người phụ nữ, một tay vịn vào mép thuyền để đi, tay kia ôm chặt nó, ép sát vào lồng ngực như một vật báu mà lão vừa có được. Vào đến thuyền, phải trả lại thằng bé cho mẹ nó mà lão lại cảm thấy lưu luyến… Sắp xếp cho mẹ con chị lên thuyền xong, lão cẩn thận lấy túm nhau của thằng bé cho vào túi bóng và nói:

– Hai mẹ con cứ nghỉ đi. Tôi đi chôn rau. Tý nữa tôi nhờ mấy chị em xóm chài giúp chị.

Nói rồi, lão tập tễnh lết chân bước ra khỏi thuyền đi lên bờ, lẫn vào ánh trăng nhờ nhờ trắng như dòng sữa của người phụ nữ vừa sinh con.

 

***

 

Đêm gần về khuya. Mặt sông càng tĩnh lặng, gió cuồn cuộn ngược dòng như đẩy ngã người đàn ông đội đèn pin đào hố chôn nắm nhau. Đất cát nên lão Thanh làm thoăt thoắt như cú đêm thấy chuột. Lấp xong, lão ngồi phệt xuống bãi cát, bó lại chỗ nối chân giả với khớp đầu gối. Giờ lão mới cảm thấy nó đau ê buốt như lúc vừa bị cắt chân năm nào…

Sau khi thi trượt đại học. Thanh thất vọng mà đi theo đám bạn chơi bời mặc cho bà Ba khóc đến không mở được mắt. Cũng chẳng có cách nào để Thanh về nhà, ông Ba bàn với vợ xin cho Thanh nhập ngũ. “Quân lệnh như sơn”, ông hi vọng thằng Thanh thành người tử tế khi được huấn luyện ở môi trường nghiêm khắc, kỉ luật như trong quân đội. Đời ông mải miết chài lưới mà quên cả ước mơ tuổi trẻ. Giờ thằng Thanh lớn rồi, không thể để nó bươn chải sông nước như ông, càng không thể để nó bất mãn mà theo lũ côn đồ xăm trổ như bị ghẻ lở đầy người kia được. Rồi có ngày lại mọt gông ở tù. Gọi được Thanh về, ông nói ý nguyện của mình không ngờ Thanh đồng ý ngay. Thế là nó nhập ngũ.

Thanh nhập ngũ chưa được bao lâu thì bị thương khi làm nhiệm vụ rà phá bom mìn ở bãi chiến trường cũ Him Lam. Thanh tưởng mình chết sau tiếng nổ inh tai mà đến lúc tỉnh lại vẫn thấy như tiếng của chiếc máy bay phản lực đang lao thẳng vào lỗ tai của mình. Toàn thân đau đớn không cựa được. Cảm giác cơ thể mình trống trải, thiếu gì đó, Thanh muốn nhấc tay, nhấc chân để kiểm tra nhưng cả cơ thể lại chẳng chịu theo sự điều khiển của lí trí. Thanh mở mắt nhìn xung quanh. Ông Ba ngồi ngay đó, tay chống một bên đầu mệt mỏi. Không kìm được lòng, Thanh để giọt nước mắt chảy dài xuống gối khi nhìn ông Ba già đi trông thấy và tiều tụy hẳn. Cũng phải, vốn dĩ cuộc sống mưu sinh toàn thức đêm khiến sức khỏe ông giảm sút nhiều. Giờ lại thấy cảnh thằng con trai duy nhất của ông như thế này, đau lòng mà cũng chẳng gánh đỡ cho nó được. Thanh muốn gọi bố mà miệng đắng chát, cứng ngắc như đang ngậm hột thị, không làm sao để gọi… Vậy là hết. Thanh nghĩ. Không chết nhưng thân tàn ma dại là chắc. Thanh đảo mắt xung quanh căn phòng tìm kiếm với hi vọng là mình đang mơ? Nhưng bố ngồi vẫn ngồi đó, các anh em trong đơn vị đứng đó, cả y tá bác sĩ nữa… Họ đều là thật, khuôn mặt ai cũng lo lắng… Thanh nhìn thẳng vào bố, ông Ba vội vàng ghé sát vào người Thanh:

– Thanh à, nhận ra bố không?

Thanh khẽ gật đầu, bố lại tiếp:

– Con thấy trong người thế nào?

Thanh không trả lời mà hỏi ngược lại ông Ba:

– Bố, con bị có nặng không?

Ông Ba lắc đầu:

– Sống là tốt rồi con ạ. Con sẽ khỏe lại thôi.

– Sao con không cử động được? Sao dưới chân con lại đau nhức và mát mát thế kia?

Ông Ba quay mặt đi giả vờ không nghe Thanh hỏi, cố giấu nỗi đau đớn đang cắt cứa trong lòng. Sau lưng ông, giọng Thanh như van lơn:

– Con xin bố, bố nói thật cho con biết đi. Các anh, các anh cho em biết đi…

Ông Ba biết, tính Thanh lì lợm, bản lĩnh nhưng lại hay tiêu cực. Một khi nó muốn thì phải biết bằng được nhưng lại không giữ được bình tĩnh khi có chuyện không như ý muốn xảy ra nên ông “rào trước đoán sau”:

– Mìn nổ thế còn sống là phúc đức nhà ta dày lắm con ơi! Đợi vết thương lành, bố đưa con về xóm chài, ngày ngày kéo lưới câu cá sống bình yên, khỏe mạnh với bố mẹ, cho bố mẹ đỡ cô quạnh lúc tuổi già…

Xong. Thanh nghĩ. Con người bố vốn thẳng như ruột ngựa mà hôm nay ông cứ vòng vo thế này thì chắc chắn có chuyện rồi. Thanh quay mặt vào trong, vết thương ở cổ chạm vào gối rát như đốt lửa ngay dưới da… Căn phòng bệnh viện trắng toát, lặng thinh, tưởng chừng không khí đang dừng lại. Nước mắt cứ thế trào ra, chảy xuống gối, xuống cổ xót xa, mặn chát. Ông Ba ngồi bên cạnh, nhìn chiếc chăn phủ kín nửa người dưới của thằng Thanh mà khóc như cười. Cả đời ông khốn khó rồi. Những tưởng đời thằng Thanh sẽ khác. Có ai ngờ…

Thanh xuất ngũ khi sức khỏe đã ổn định. Về lại xóm chài, phải đến nửa năm sau Thanh mới bình phục hoàn toàn. Thế mà, có lúc ông Ba lại ước nó cứ què quặt, ốm đau nằm một chỗ để ông chăm có khi còn sung sướng hơn. Khỏe lại, có chân giả, Thanh lại tìm hội bạn năm xưa kết giao rồi lao đầu vào rượu chè, cờ bạc cho quên đi những mất mát trên cơ thể. Thằng đàn ông, thiếu cái chân thì còn làm được cái đếch gì cho đời mà không chơi. Chơi cho quên ngày tháng, chơi quên cả bố mẹ già lúc nào cũng nơm nớp lo sợ mỗi khi Thanh ra khỏi thuyền. Bà Ba thương con, xót con mà đổ bệnh, bỏ ông Ba ngồi lạnh lẽo trên chiếc thuyền chòng chành giữa dòng nước mùa mưa. Nhìn quanh, trong nhà chả còn gì để bán mà kiếm cho bà cỗ áo quan tử tế như người ta. Ông cứ ôm mặt khóc rưng rức như khi nhìn thằng Thanh cưa mất một chân. Nhắn người gọi nó về nhìn mặt mẹ lần cuối mà đến nửa ngày sau Thanh mới lếch thếch về thuyền trong bộ dạng thân tàn ma dại. Mà cũng lạ, người xóm chài mang về cho ông Ba mấy mét vải mới và manh chiếu để liệm cho vợ nhưng vuốt mắt cho bà không được. Mấy người xóm chài nhặng lên hô hoán nhau đi tìm thằng Thanh:

– Không gọi được thằng Thanh về, bà ấy không nhắm mắt được đâu.

– Từ từ hẵng liệm. Bà ấy chưa muốn đi chắc là vì đợi thằng Thanh.

Rồi mọi người cầm đâu về tờ lịch to, lật mặt chữ xuống úp mặt cho bà Ba còn mặt trắng ở trên để đợi Thanh về.

Thanh về, thấy mẹ nằm bất động, tờ giấy trắng úp trên mặt thì nó tin mẹ chết thật rồi. Đang chơi dở ván bài, người ta gọi nó tưởng ông Ba muốn nó về mà nói dối nên cứ bình chân ngồi chơi. Mà cái giống cờ bạc, đang chơi mà bị làm phiền thì kiểu gì cũng đen. Đen thì phải gỡ, không gỡ thì phí công cả tháng cày cuốc cho thằng khác nó ăn. Thanh hậm hực như con thú bị thương, càng đánh càng thua. Càng chơi lớn càng nhanh hết tiền… Mẹ kiếp! Cái chân giả mà có giá thì bán bố nó đi! Thanh lẩm bẩm khi trong túi chẳng còn xu nào. Cả cái xã này, có mỗi nó què thì gá cho ai được. Thế là nó đứng lên ra khỏi xới bạc về thuyền. Bà Ba nằm đó, mắt trợn ngược, trắng dã khi Thanh lật tờ giấy ra. Ông Ba vẫn ngồi bất động bên cạnh xác vợ, thấy Thanh về ông mới khục khặc nói trong cổ họng:

– Mẹ mày chết rồi. Mày còn nghĩ đến bà ấy thì vuốt mắt rồi ở nhà làm ma cho bà ấy, xong xuôi, mày muốn đi đâu thì đi.

Thanh chẳng nói chẳng rằng, trong đầu nó vẫn còn nghĩ đến số tiền vừa mất trắng ở xới bạc. Nó vô hồn, đưa bàn tay đen xì còn hôi mùa thuốc, mùi bài vuốt mắt cho mẹ. Vuốt đến ba lần cũng không được, Thanh bực bội:

– Mẹ. Đừng hành tôi nữa. Mẹ không nhắm mắt, tôi phải sống thế nào đây?

Rồi đứng dậy, đi ra mũi thuyền cúi ngưới vớt nước sông rửa tay. Thanh kì cọ đôi bàn tay két đất bám đen các đầu móng mà lâu ngày không được rửa, rồi vục nước sông hất cả vào khuôn mặt hốc hác, xám ngoắt, lởm chởm râu ria. Nước sông mát lạnh như hồi bé ngồi gỡ cá ở lưới cùng mẹ, được mẹ khen, mẹ vuốt tóc, rửa mặt cho. Nước chảy trên mặt như bàn tay mẹ vuốt ve, âu yếm… Thanh quỳ xuống, ôm mặt khóc hét vào lòng sông:

– Mẹ ơi!

Thanh cứ ôm mặt khóc như trẻ con, còn đám dân chài, người thì đứng chống tay ở hông nhìn chẳng biết làm gì, người thì thở dài nhìn Thanh xót xa. Bà Ba không nhắm mắt thì chôn kiểu gì? Ai cũng biết, bà Ba còn có khúc mắc trong lòng, lo lắng cho thằng Thanh mà chẳng chịu nhắm mắt xuôi tay. Cũng chẳng ai lí giải được, tại sao thằng Thanh rửa tay sạch sẽ xong vào vuốt lại mắt cho mẹ lại xuôi. Nét mặt trắng nhợt trở nên thanh thản khi mắt bà khép lại.

 

***

 

Đến gần nửa đêm, người dân xóm chài về lão mới nhờ mấy chị em trong xóm đến giúp mẹ con người phụ nữ. Chả mấy chốc, xóm chài trở nên tấp nập giữa đêm khuya. Thuyền chòi của lão Thanh phải đẩy ra gần giữa dòng vì mọi người đông quá. Người thì thay đồ, người thì đun nước pha sữa cho thằng bé nhưng phần đông là tò mò. Bao nhiêu năm nay, có thấy lão Thanh đi lại với ai đâu mà giờ lại có người đàn bà đẻ con ở đây. Không dưng, lúc vượt cạn người ta tìm lão chắc! Cái lão hâm hâm ấy mà kín đáo để… Mấy chị ngồi trong thuyền với người phụ nữ trêu lão:

– Lão kín quá đấy. Giờ nhất lão nhé, có thằng mà chống gậy.

– Cô may mắn thật. Lão Thanh tốt tính lắm.

– Ôi trời, sao cái miệng giống lão thế lão Thanh ơi!

Người phụ nữ vừa sinh xong nên mệt, nằm co ro ở một góc, chẳng nói lời nào. Còn lão Thanh thì cứ hỉ hả cười như địa chủ được mùa khoai… Đến lúc, đám dân chài về thuyền để nghỉ ngơi, lão vẫn ngồi một mình ở mũi thuyền rít thuốc lào.

Trăng khuya rệu rã, loang loang khắp cả mặt sông duềnh dàng sóng. Chiếc thuyền gặp gió lắc nhẹ như cách võng đung đưa ngày hè. Lão ngửa mặt nhìn trăng lại cúi xuống thì thầm gì đó với lòng sông. Vết sẹo trên mặt giật lên, giật xuống khiến khuôn mặt lão méo xệch đi… Lão đưa tay sờ lên vết sẹo nóng ran. Gần hai mươi năm rồi mà lão vẫn cảm thấy máu đang chảy trên tay, trên cổ khi bọn du côn đòi nợ rạch thêm một nhát vào mặt lão sau khi đâm trúng ông Ba đỡ nhát dao cho Thanh trên thuyền năm ấy. Trong đêm đó, lão phải chôn vội bố mình rồi bỏ xứ đến Bến En để làm lại cuộc đời. Bao nhiêu mùa trăng lên trên Bến En là bấy nhiêu lần nỗi đau từ quá khứ như nhát dao cắm ở ngực ông Ba giờ cắm lại vào ngực lão. Đau. Nhưng lão không khóc được. Cứ ngồi như tượng ở mũi thuyền dưới trăng để lưỡi dao ấy cắt dần, cắt dần từng thớ thịt trên cơ thể, khoét sâu vào trái tim chằng chịt vết vá của lão.

 

***

 

Suốt một tháng qua, lão Thanh và người phụ nữ ấy ở chung trên cái thuyền bé tẹo của lão. Người ta bảo, lão Thanh có vợ đẻ, bận bịu hẳn ra. Lão cũng thấy thế. Trước mình lão thì sống sao cũng được, ăn gì cũng được, đằng này có thêm người đẻ và trẻ con, có hôm lão phải buông lưới cả đêm, sáng ra lại vào chợ bán cá, đến bữa ăn lão mới về thuyền để cơm nước cho mẹ con chị. Vừa dọn bữa cơm chiều muộn, lão vừa thao thao kể đủ thứ chuyện ở chợ cho chị đỡ buồn. Bỗng chị nói:

– Ông đúng là người tốt. Mẹ con em chả biết lấy gì để báo đáp.

Lão Thanh nhìn chị ngạc nhiên:

– Sao chị phải khách sáo thế.

Giọng chị trở nên nghiêm túc hơn:

– Em là người Thái ở Sơn La, đi làm ở Lào Cai, không may có bầu. Quê em cũng không dám về, không chồng mà chửa thế này về nhục lắm. Nghe người ta nói Bến En dễ kiếm miếng cơm nên em đến, không ngờ lại đẻ con giữa đường. Không gặp ông chắc mẹ con em chết mất rồi…

Lão im lặng nghe hết câu chuyện của chị, rồi lão nói:

– Nếu cô không chê thì để tôi làm bố thằng bé. Dù sao, ông trời cũng run rủi để chúng ta gặp nhau…

Người phụ nữ im lặng cúi mặt nhìn đứa trẻ no sữa ngủ say trong chiếc chăn cũ của lão Thanh mà lòng rưng rưng cảm xúc. Hai mảnh đời chắp vá trên chiếc thuyền tròng trành giữa Bến En khi bóng chiều đang cố nuốt ánh hoàng hôn đỏ quạnh ở chân trời phía Tây. Rồi ngày mai, khi mặt trời thức giấc, đứa trẻ sẽ có một bình minh ở chính nơi nó ra đời.

   Châm Võ


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.