Khác loài

 

Tuấn vừa mở cổng, con LyLy mừng rỡ ngoáy tít đuôi, miệng ư ử chào, chân rối rít lũn cũn chạy theo anh dắt xe vào sân. Đến góc sân, nó ngồi bệt xuống nền gạch, ngửa mặt chờ anh dựng xe. Ngày nào cũng thế. Sáng. Nó tiễn anh ra trước cánh cổng này, đợi anh nhắc: “Thôi vào đi!” nó mới dừng lại bên trong cánh cổng, nhìn qua khe hở đến khi bóng anh lẫn vào dòng người tấp nập trên đường nó mới lặng lẽ trở vào nằm im trong cái lồng inox xinh xinh chờ đợi. Chiều nhá nhem tối, biết anh sắp về nó ra ngồi hóng chỉ để thưởng vài phút nồng nàn anh dành tặng nó khi anh còn chưa kịp tháo giày đã xoa đầu, vuốt ve bộ lông trắng muốt bờm xờm loài chó Nhật của nó. Mắt nó hấp háy nhìn anh không rời. Nó biết anh cũng mệt mỏi sau ngày dài học tập, rồi lại vượt qua quãng đường gần ba chục cây số bụi bặm về đây, thế nên việc đợi chờ để được vuốt ve với nó là sự sung sướng khó tả. Sau màn chào hỏi thân thiết là trò chơi “nhặt bóng”. Anh dứ dứ quả tennis lông xù màu vàng xanh vào mũi nó. Lúc mới về đây chính anh tặng nó quả bóng này để nó tự chơi đùa khi anh vắng nhà. Giờ thì nó không còn hứng thú với cái vật thể chỉ biết lăn tròn lông lốc nếu không có anh dứ cho nó vờn rồi bất ngờ tung về cuối sân để nó hộc tốc đuổi theo, cố gắng bắt giữ quả bóng nhanh nhất rồi mang về thả vào tay anh như một chiến công để được anh nựng bằng cái xoa đầu. Trò chơi dứ, tung, đuổi, nhặt bóng chỉ kết thúc khi cụ ông từ trong nhà đi ra nói lớn:

– Tuấn về rồi à, ông cắm cơm nhé!

Tuấn đứng dậy, ghé sát tai ông nói to:

– Ông cứ để đấy, con nấu bây giờ đây!

Ông gật đầu:

– Ừ!

Rồi tỉ mẩn quét sân. Bao giờ cũng thế. Tuấn đi nấu cơm nhưng không quên tạm biệt trò chơi bằng cái bắt tay thân tình với LyLy. Thế là từ lúc ấy đến khi tắt đèn đi ngủ, anh cứ đi bước nào LyLy lẽo đẽo theo sau bước ấy.

Tuấn vào bếp, chả hứng thú gì với dặt những nồi xoong, mâm bát bừa bộn từ bữa trưa chưa rửa. Hoặc giả có rửa rồi thì anh cũng bê ra vòi nước rửa lại vì mỡ còn bám trong nồi nấu canh, trên miệng bát. Rõ thật con gái đỏng đảnh, rửa cái bát cũng không sạch. Bực dọc Tuấn ném cái nhìn lên quán xong rồi ngay sau đó anh lại quên luôn. Cái nhìn ấy Tuấn dành cho bà chị họ và những cô gái trẻ măng là học viên của chị trên quán. Cái quán ấy chị họ Tuấn mượn của bố mẹ anh để mở tiệm làm đẹp. Khách học việc, khách đến làm đẹp ngày nào cũng tấp nập. Thời điểm tết nguyên đán, khách đông, chị phải làm thâu đêm. Ấy thế mà tiền điện, tiền nước, tiền ga, tiền gạo chị chả góp đồng nào. Ông nhắc là chị khóc. Khóc như là oan uổng lắm. Rằng con chi tiêu đủ thứ… Nước mắt có ma lực. Ông không muốn mất lòng cô cháu ngoại nên thôi. Không nói nữa. Còn bố và mẹ Tuấn lúc nào cũng một câu giống hệt nhau:

– Con và chú đi cả ngày, chị ở đấy cũng là có người để mắt tới ông chứ ông ngoài tám chục tuổi rồi! Ông ở nhà một mình bố mẹ không yên tâm.

Mấy năm nay, từ ngày Tuấn đỗ đại học, bố mẹ vui như mở cờ trong bụng phần vì Tuấn vào học được trường yêu thích, phần vì có thêm người trông nom ông thay cho bố mẹ đi làm ăn xa. Mẹ nói:

– Con ráng đi lại, về nhà ở với ông cho tình cảm, không khí gia đình thêm ấm cúng.

Tuấn không phản ứng, từ bé anh đã sắm vai một đứa con ngoan, một đứa cháu đích tôn chăm chỉ, biết nghe lời người lớn nên giờ Tuấn về quê ở cùng với ông là lẽ đương nhiên. Ngót ba chục cây số từ thành phố về nhà vào giờ tan tầm sau một ngày học tập tương đối mệt mỏi.

Cơm tối xong là ông lên giường và ngáy. Tuấn thì còn làm bài tập, thức với cây đàn, trầm tư cùng những nốt nhạc. Có khi nửa đêm cây đàn của anh vẫn vút lên những âm thanh trong trẻo. Quá nửa đêm, lúc Tuấn vừa chợp mắt thì ông trở dậy, tự nói chuyện hoặc mở ti vi xem một mình. Lẽ đương nhiên, người nặng tai như ông nói rất to và đã bật ti vi cũng phải bật âm lượng lớn gần hết cỡ. Tuấn phải trùm kín chăn và bịt tai để ngủ. Gần sáng cụ đi ngủ lại và thế là lúc Tuấn ra khỏi nhà thì cụ vẫn say giấc. Nhà còn có chú làm công nhân. Tuần chú làm ngày, tuần làm đêm luân phiên. Ngoài giờ làm chú hay giao du với bạn bè quán xá nên có khi cả tuần hoặc cả tháng Tuấn không chạm mặt chú một lần dù sống chung một mái nhà. Ba người đàn ông, ba thế hệ, ba phong cách sống trong một ngôi nhà đã nửa trăm năm tuổi được sửa sang lại để mỗi người có một không gian riêng. Nhiều khi Tuấn ước, giá nhà chỉ có một gian be bé. Trong gian nhà ấy mọi người đi và về buộc phải chạm mặt nhau, phải nói với nhau vài lời mỗi ngày. Đằng này, ông thì lặng lẽ như cái bóng, chú thì chả mấy khi gặp, nhiều khi Tuấn muốn làm gì đó cho ồn ào lên một tý mà không biết ồn với ai, thành ra Tuấn lại tha thẩn với LyLy. Những đêm LyLy khó ngủ, nó nằm phục ở cửa sổ phòng Tuấn chực chờ anh ra ngoài, đến quá nửa đêm không thấy anh ra nó bắt đầu biểu tình bằng cách cào cửa. Cào đến khi nào Tuân ra mở cửa thì thôi, còn nếu Tuấn cứ nằm ì là nó tru lên như sói hoang gọi bầy. Thế là kiểu gì Tuấn cũng phải trở dậy, dù khá bực nhưng anh vẫn vuốt ve bộ lông xù dỗ cho nó ngủ say rồi anh mới rón rén vào phòng ngủ lại. Người ngoài nghe nó tru hú giữa đêm khuya thanh vắng chắc chắn sẽ rờn rợn nhưng Tuấn thì biết LyLy vốn hiền lành. Ban ngày nó chỉ quanh quẩn trong sân ngắm mấy gã gà trống sặc sỡ nhưng có khi lại thấy ngao ngán khi chứng kiến cảnh bọn này ăn rồi quèn quẹt quệt mỏ xuống nền gạch rồi cứ vô tư đứng chỗ nào thải ra chỗ đó.

Trong mắt Tuấn, LyLy là một chú chó ngoan ngoãn, thông minh và trung thành. Nó đảm nhiệm sứ mệnh trông nhà, trông chủ, mang niềm vui đến cho chủ nhưng đôi lúc cũng làm chủ mất ngủ. Nhưng với mọi thành viên trong nhà thì nó là một con vật đáng ra không nên tồn tại ở đây. Thế nên, nó có thể bất ngờ bị đá phốc vào bụng nếu lỡ chạy loăng quăng mà vướng vào chân ai đó. Nó biết phận mình nên cũng cố nhịn mấy gã gà trống lắm, cơ mà khi tức quá quên bẵng mất trận đòn đe nẹt, nó lao ra dồn con trống choai màu cờ đỏ chót lúc con này nhảy phốc lên hiên ị toẹt một bãi sáp sáp trên thềm. Bỗng cái dép từ đâu bay vào vèo vào lưng. Nhớ ra phận mình là chó, nhớ ra rằng Tuấn đi vắng thì đã không kịp nữa. Nó đau đớn vừa kêu ăng ẳng vừa chui tọt vào lồng nằm im, mắt rơm rớm, lè lưỡi tự liếm chỗ đau. Nằm gọn trong lồng rồi nhưng tiếng đe nẹt, dọa dẫm cùng cặp mắt giận giữ của người ném dép vẫn đuổi theo nó. Ông, chú và chị họ của Tuấn đều cục mịch như nhau. Ngày mới về, LyLy nghe được chú nói chuyện với Tuấn:

– Ông lúc còn trẻ khỏe mạnh nhất làng nhưng lại hiền lành như đất thế nên hay bị người làng bắt nạt. Bị bắt nạt nhiều ông hóa ra người cục tính. Đi làm đồng, ai đó trêu chọc ông đúng lúc gặp con bò đi qua là ông sẵn sàng túm mũi con bò rồi vật nhau với nó. Mà lần nào ông cũng thắng. Con bò nào đã bị ông vật ngã chênh hênh ra đường thì lần sau gặp ông chỉ có nem nép cúi đầu bước nhanh hoặc lồng lên phi như chạy trốn. Tuy thế ông lại là người rất khéo léo đan lát và rất thảo tính. Rảnh là ngồi đan cái rổ, rá, thúng, mủng, … dư của nhà dùng, hàng xóm đến chơi nhà họ chỉ cần khen đẹp là ông cho luôn hoặc ai nhờ gì ông cũng sẵn sàng giúp.

LyLy về ở quê với Tuấn là do mẹ nhặt được nó bị lạc chủ lúc miệng còn vương hơi sữa vào một buổi tối mùa đông gió bấc hun hút thổi. Nó đói, rét run lẩy bẩy trong tay bà. Thế mà chỉ sau một tuần nó lột xác thành đứa trai sạch sẽ, hồng hào. Qua tháng thì bụ bẫm. Mẹ cũng chả nuôi thú cưng bao giờ nên nghĩ mãi không biết gọi nó là gì, cuối cùng mẹ gọi nó là Ly nhưng thằng út thì bảo gọi là LyLy cho đẹp. Bố của anh thì khác, ông ghét tất cả các loại chó, mèo. Ông tốt bụng nhưng là người gia trưởng và thực tế. Ông không chấp nhận bất cứ ai ôm ấp, ve vuốt thú cưng. Đối với ông, việc vợ nuôi LyLy trong nhà là điều không tưởng. Thế nên, ngay từ hôm LyLy về, ông nạt vợ:

– Em không cho nó đi thể nào cũng có ngày…

Ông bỏ lửng câu nói nhưng bà hiểu cái bỏ lửng ấy là gì. Gần ba chục năm làm vợ, bà luôn canh cánh trong dạ một điều muốn gia đình êm ấm, các con được vui vẻ thì không thể nào khác là nhất nhất mọi việc ông đã quyết thì chỉ có một đường “nghe lời ông”. Lúc ông vắng nhà, bà ôm LyLy than bằng giọng rầu rĩ:

– Hết cách giữ LyLy rồi! LyLy ơi là LyLy!

Nhưng bà vẫn cùng út nuôi giấu LyLy được một tháng ở cái kho chứa đồ lặt vặt sau nhà. Ông thì cứ đinh ninh là LyLy đã được cho đi rồi. Để nuôi LyLy, bà giả bệnh nằm riêng phòng. Tối, khi ông đi uống nước chè với mấy ông bạn già thì bà cho LyLy vào nhà thế là nó tha hồ tung tăng chạy nhảy khắp nơi, nhưng chỉ cần cái then cổng kêu đánh cạnh một cái là nó được bế phốc ra sau đặt trong ổ là cái thùng cát tông có lót áo ấm. Dường như, nó cũng cảm nhận được cần im lặng khi có ông chủ trong nhà nên ngoan ngoãn nằm im trong ổ. Đợi đến khi phòng ngủ của ông tắt điện, bà mở cửa sau rón rén bế LyLy vào phòng bà gãi đầu cho nó ngủ say rồi bê cả thùng đặt về chỗ cũ.

Hơn tháng sau, khi ấy là dịp tết dương lịch, bà nói với chồng:

– Em về quê thăm hai ông cháu, dọn dẹp nhà cửa và mua sắm mấy thứ cần thiết để ông con, chú cháu dùng.

Lúc lên xe bà không quên kẹp LyLy dưới cánh tay trong cái áo khoác rộng bồng bềnh. LyLy về quê ở với cụ, với ông chú và Tuấn. Không đến nỗi phải nuôi giấu như ở với mẹ vì dẫu sao chú cũng chỉ văng tục và dọa mỗi khi LyLy đuổi gà, nhá dép:

– Đập chết mẹ giờ!

Cũng vì chuyện nuôi Ly LyLy mà Tuấn bị stress một dạo. Mọi người trong nhà ép Tuấn bán hoặc cho đi với lý do, ông đi vớt cá chết ở mương ngoài rìa làng về nấu cho nó ăn. Ông trượt chân ngã, cũng may người làng nhìn thấy kéo ông lên. Bố của Tuấn biết chuyện xa xả mắng qua điện thoại:

– Mày không bán hoặc cho nó đi bố về là bố đập chết đấy! Chó với chả mèo, nhỡ ông làm sao thì có lấy lại được không? Mẹ con mày chỉ mua cái nhức đầu.

Rồi bố quay về phía mẹ hằm hằm:

– Cái con mẹ này, đã bảo là cho đi lại còn đem về quê. Nói không ăn nhời!

Mẹ chỉ biết ngồi im. Tuấn phân bua:

– Con chó bé bằng cái bắp chân, ăn một miếng cơm là no. Nó có bao giờ ăn cá ông mang về đâu. Lần nào ông mang về con cũng đem đổ đi. Con nói với ông như thế, ông ừ ừ mai ông không đi vớt nữa nhưng hôm sau con đi học là ông lại đi vớt thì bố bảo có phải lỗi là do con Ly đâu!

– Mày im mồm, không có nó thì ông có đi vớt cá chết không? Mày phải hiểu như thế chứ! Bố tao quan trọng hay con chó của mày quan trọng?

Độ ấy đúng vào mùa thi năm thứ hai. Lịch học ở trường của Tuấn dày kín, ngoài ra cậu còn phải học thêm một số môn lấy chứng chỉ phục vụ cho công việc đi làm sau này. Cậu thường phải đi từ lúc năm giờ sáng, về nhà vào lúc hơn mười một giờ đêm. Về nhà chỉ làm được hai việc chính là tắm và ngủ mà mất khá nhiều thời gian đi lại. Hai cậu bạn bàn với Tuấn thuê chung một phòng ở gần trường để có thêm thời gian tự học và nghỉ ngơi. Bố mẹ đã đồng ý, phòng cũng thuê xong nhưng từ lúc quyết định ra ngoài ở thì đêm nào cậu cũng mất ngủ dù mắt rất thèm ngủ. Mỗi lần gọi điện thoại nói chuyện với mẹ là khóe mắt cậu rỉ ra thứ nước mằn mặn. Cậu thấy day dứt, lo lắng đêm hôm ông chỉ có một mình? Rồi còn LyLy nữa, ai tắm, ai chăm sóc nó?

Chiều chủ nhật. Quần áo, laptop và đồ dùng cá nhân đã gọn gàng trong valy chỉ còn đặt lên xe là đi thì ông vào dúi cho Tuấn ít tiền lẻ. Ông nói:

– Con cầm mấy đồng uống nước, ra ngoài phố ở nhớ học hành chăm chỉ. Hôm nào con được nghỉ thì về thăm ông nhá. Con đi, đêm hôm chả biết thế nào…

Ông bỏ lửng câu nói. Tuấn thấy sống mũi cay cay, mắt hoe đỏ. LyLy vẫn luẩn quẩn bên chân. Bất chợt, Tuấn giũ tung đồ ra giường rồi nằm vật xuống ngủ một giấc, đến khi nghe tiếng ư ử của LyLy anh mới choàng tỉnh thì đã quá nửa đêm.

Cuộc sống như một dòng sông lúc lặng lẽ trôi xuôi lúc ào ào chảy. Hơn hai năm sau, dù không muốn thì anh vẫn phải xa nhà, xa những non ba tháng. Covid-19 bùng nên đợt dịch thứ tư, dữ dội và tàn khốc. Trường học của anh nằm giữa tâm dịch. Tuấn cùng các bạn trở thành thành viên của nhóm xung kích hỗ trợ chống dịch. Hơn hai tháng trời người nhớp nhúa mồ hôi trong bộ đồ bảo hộ. Dịch chưa hết nhưng đội xung kích của Tuấn được lệnh về trường hoàn thành đồ án tốt nghiệp. Trước khi về nơi cư trú, Tuấn vẫn phải thực hiện cách ly tập trung. Sớm nay, bọn chim sâu ríu rít trong vườn trò chuyện, bàn tán về dịch bệnh của loài người mà chúng đang chứng kiến, mỗi con đưa ra một ý kiến nhận định khác nhau rồi chẳng con nào chịu nghe lời con nào. Chúng cãi nhau om tỏi. Chán chê, cả đàn bay vút đi. Tuấn ngồi bên cửa sổ đọc cuốn “Đắc nhân tâm” của Dale Carnegie mà người bạn mới quen trong đợt chống dịch tặng anh, đọc đấy nhưng từng âm thanh ồn ào lách chách của lũ chim sâu ngoài vườn vẫn lọt vào tai không thiếu tiếng nào. Điều đó làm tăng thêm niềm vui âm ỉ trong anh. Ngày mai thôi là anh được về nhà với ông, với LyLy. Khi đọc tới đoạn đức Phật dạy: “…Oán không bao giờ diệt được oán, chỉ có tình thương yêu mới diệt được oán. Tranh cãi không giải quyết được bất hòa, chỉ có lòng khoan dung và thiện chí nhìn nhận sự việc bằng quan điểm của đối phương mới hòa giải được” thì điện thoại “tinh, tinh”. Tuấn mở tin nhắn: “LyLy chết rồi nha cậu! Sáng nay chị xuống mở cửa hàng thấy nó nằm chỏng chơ trong lồng, máu chảy ra từ mồm, nhoe nhoét. Chị kéo nó ra ngoài kiểm tra, người không có một vết thương nào, hình như nó tự cắn lưỡi. Ông đang đi lấy xẻng ra vườn đào đất để chôn. Chia buồn với cậu!”.

Tuấn lặng người, nước mắt chảy vào trong, anh bặm môi, tim run rẩy gọi thầm: “LyLy không thể đợi anh về hay em nghĩ anh không về nữa mà em dại dột thế? Lẽ nào…”. Phải lẽ nào nó không chịu được cảnh sống chung đụng với hai ả chó ta tên Mực của chú Tuấn mới đem về khoảng chục ngày nay. Hôm đem về chú có nhắn tin khoe với Tuấn, chú bảo: “Người yêu tặng”. Chú còn khen: “Hai con dở này nó đành hanh đanh đá lắm! Mới về mà chả lạ nhà gì cả cứ lao vào con LyLy sủa ăng ẳng”. Tuấn lo lắng: “Thế Mực của chú lại bắt nạt LyLy của con à? Lại khổ LyLy rồi! Chú canh nó cho con nhé, con sắp về rồi!”. “Mày nhờ ông đi. Tao có ở nhà đâu mà canh! Hôm nào về, mày cho ai con LyLy thì cho đi! Chó gì ai đến cũng mừng chả như hai con Mực chỉ cần khẽ có tiếng cạch cổng là chúng nó phi ra sủa oăng oẳng!”.

THANH TÁM


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.