Chim tăng ló thôi kêu tiếng buồn

        Đó là tôi mượn câu chữ trong một tập truyện của anh để nói lời chia tay. Nhà văn Hà Phong, chọn đúng lúc mùa xuân tươi đẹp nhất nơi núi rừng Tây Bắc để đi xa. Trong ánh mắt cuối cùng của anh với nhân gian chắc vẫn in dấu những cánh đào phai, những cánh rừng hoa mơ hoa mận trắng xoá, những “nương chàm biếc xanh màu lam ngọc” lẫn khói lam chiều bên “bến suối”…

          Người ta vẫn nói tài hoa bạc mệnh. Trong kiếp sống nhân sinh ngắn ngủi ấy, Hà Phong (1967 – 2021) đã sống bằng nghị lực phi thường nhất như đoá đỗ quyên vẫn nở rực rỡ trên đỉnh Putaleng quanh năm giá lạnh. Gặp nhà văn với hoàn cảnh trớ trêu để cảm nhận rõ triết lý “sống hết mình ở thời khắc này”, sống nghiêm túc trong từng khoảnh khắc, trong suốt khoảng thời gian sống được hạn định. Dù bạo bệnh ập tới, anh chưa một lần buông bỏ. Đôi bàn tay bấy bớt ấy vẫn nâng nhẹ trên bàn phím máy tính để để lại cho văn đàn nhiều tác phẩm giá trị. Tiểu thuyết Vượt qua dãy Hoàng Liên (2009, Giải B của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (không có giải A), Bàng bạc mưa rừng (32 tản văn, 19 truyện ngắn, 2010), Chim Tăng ló kêu tiếng buồn (28 truyện ngắn, 2014), Hoa vẫn nở trên Pu Ta Leng (Tự truyện, 2019)… và nhiều công trình sưu tầm, nghiên cứu, biên dịch văn hoá dân tộc Thái, Giáy: Then Giáy, Từ vựng Thái trắng, Dân ca tình yêu Thái Mường So, Truyện thơ TháiBấy nhiêu thôi là bao công sức lao động nghệ thuật miệt mài, là bao tình yêu đã gửi cả vào những trang viết về mảnh đất Mường So, về Lai Châu, về văn hoá Thái, về thế thái nhân tình ở vùng trời nơi cuối trời Tây Bắc này.

Có một Lai Châu anh dũng, kiên cường vượt qua những năm tháng kháng chiến gian khổ trong Vượt qua dãy Hoàng Liên: “Thời thực dân Pháp đô hộ, vùng đất này đã chứng kiến biết bao nhiêu số phận nghiệt ngã. Nhiều gia đình phải chịu ly tán hoặc sống một cuộc sống tối tăm mù mịt không lối thoát. Trước cảnh áp bức của thực dân và lũ tạo, phìa tay sai, đã có những người con nơi đây tìm đường đến với Đảng, Bác Hồ dù phải trả giá bằng gia khổ và hy sinh. Chiến thắng Điện Biên đã đem lại tự do cho dân tộc Việt Nam, trong đó có các dân tộc tỉnh Lai Châu. Ngày nay, những người con nơi đây đang được hưởng thành quả cách mạng của các thế hệ trước”.

“Người thơ phong vận như thơ vậy”. Cho nên, ngoài tiểu thuyết Vượt qua dãy Hoàng Liên mang giọng điệu hào hùng, đậm màu sắc sử thi thì đa số các truyện của Hà Phong đều đượm buồn. Đọc văn anh, ta thấy quang cảnh, thấy tình người, nhưng dường như đều được nhìn qua một màn sương, một màn mưa bàng bạc. Man mác thôi đủ để người đọc lắng lại, chứ không gây cảm giác sầu thê lương, buông bỏ. Văn Hà Phong như một dấu chấm cảm để người ta đứng lên vững vàng bước tiếp.

Trong văn anh, ta thấy tất cả những vẻ đẹp tinh tế nhất của mảnh đất Mường So (huyện Phong Thổ, Lai Châu). Mọi người ở đây, có khi vì quá quen mà không cảm nhận thấy sự riêng khác, không biết cách làm cho bạn bè bốn phương biết về mảnh đất này qua văn chương. Người ta yêu là khi đang nắm giữ mà vẫn sợ mất, ngay bên cạnh mà vẫn thấy nhớ nhung. Hà Phong hay nói tới “nỗi nhớ quắt quay”, “nỗi nhớ cồn cào” Mường So; có những khi “bỗng dưng bồn chồn, bỗng dưng nhớ,… nhớ lắm tiếng lục lạc loeng xoeng, loeng xoeng, tiếng vó ngựa thong dong, khoan thai, lốc cốc gõ qua cửa nhà vào buổi tinh sương, ngày chợ phiên cuối tuần. (Lốc cốc vó ngựa ngàn xanh). Cả một trầm tích văn hoá thiêng liêng, đẹp đẽ ẩn chứa dưới từng con chữ.

Yếu tố văn hoá đậm nét trong văn Hà Phong. Với gốc là người dân tộc Thái Trắng cho nên Hà Phong hiểu rất sâu sắc về văn hoá dân tộc mình. Bằng tài năng, anh đã tự hào, khéo léo khoe nhiều vẻ đẹp của văn hoá dân tộc mình qua từng tác phẩm. Tập quán sinh hoạt, những lễ hội, phong tục, kiến trúc nhà sàn, trang phục truyền thống, ngôn ngữ độc đáo của dân tộc Thái… Tất cả đều hiển hiện trong các câu chuyện anh kể. Ngoài ra, Hà Phong cũng có những trang viết về dân tộc Mông, thể hiện sự am hiểu của anh về người bạn láng giềng với người Thái ở mảnh đất biên giới Lai Châu này như các truyện ngắn: Mật rừng, Khói sương mù xám, Đỉnh non mây ủ…

Đọc văn Hà Phong, người đọc có thể cảm nhận rất rõ về một tâm hồn tha thiết sống, luôn sẵn sàng mở rộng tâm hồn đón nhận, cảm nhận từng vẻ đẹp tế vi ở xung quanh. Dẫu cho cuộc đời ngoài kia vốn lắm bão giông, nhưng nhìn sâu, nhìn vào phía sau nó lại thấy ánh lên những niềm tin vào bản tính thiện lương của con người, lấp lánh khát vọng sống, khát vọng yêu. Càng đọc càng thấy, Hà Phong trọng nhân tình lắm. Bao nhiêu câu chuyện đời đều chỉ để gửi đi một thông điệp: Hãy trao nhau yêu thương để tạo phép nhiệm màu.

          Văn Hà Phong nhẹ nhàng reo rắc vào lòng người niềm tin và hi vọng. Người núi kiên cường mạnh mẽ. Muôn nỗi vất vả bạc màu manh áo, vậy mà nụ cười lúc nào cũng sáng bừng trên khuôn mặt người dân quê ta (Lắng lòng quê thương). Tiếng khèn vẫn đầy khát khao và dào dạt sức sống như trái tim của chàng trai ấy. Đến cỏ cây ở đây cũng tràn đầy sức sống: Mùa đông dù lạnh giá khắc nghiệt đến mấy, thì hoa cà đắng vẫn cứ ngạo nghễ tím; Cải ngọt tựa như người dân bản Tẹo, sống bám vào đá nhưng vẫn mơn mởn, hắt xanh lên cả. Dẫu có khốn khổ trăm bề, chỉ có bàn chân trần thôi, ý chí thì lớn cao như trời. Những bàn chân bám chặt lấy đất quê như bộ rễ biết đi, với niềm tin sắt son rằng: khắc đi, khắc đến. Bộ rễ kiên trì bám vào nương dốc: sẽ có ngô mọc, rồi trổ cờ, ra bắp, kết hạt; bám vào ruộng bậc thang: sẽ có lúa lên; chạm vào đá cứng: đá cứng hoá mềm… Họ nhọc nhằn bám vào đất đá để mưu sinh nhưng không ai nản, vẫn luôn bước với những bước chân mạnh mẽ, vô tư  khà khà cười rung lá rừng, và tin rằng rồi đây cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn.

          Hà Phong là người nhân văn, hướng thiện. Anh kể nhiều câu chuyện có cốt truyện đơn tuyến, giản dị, tình huống truyện như chính đời sống thường ngày của người dân xứ sở nhưng thấm đẫm tình người. Truyện thường kết thúc có hậu như là mơ ước của tác giả về những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Đó là bởi anh học được từ người mẹ bao dung: Mẹ biết kể truyện thơ Khun Lú, Nàng Ủa, biết kể sự tích Nàng Han anh hùng đánh giặc… Và nữa, mẹ còn thường xuyên dạy chúng con biết mở rộng lòng cảm thông, chia sẻ, đừng bao giờ bất nhẫn, giả vờ… Mẹ luôn là nắng ấm giữa mùa đông, cho con rất nhiều nghị lực, rất nhiều yêu thương. Vẻ đẹp nhân văn của văn học chân chính có thể làm lay động tâm hồn người đọc, khiến cõi người trở nên đẹp đẽ, nhẹ nhàng hơn. Mưa xuân bay bay là một câu chuyện như thế. Vợ chồng Lản – Thín không giàu có, cả một năm đầu tắt, mặt tối, phải tiết kiệm, còn bị con trai ông Tem – bà Bân ăn trộm đồ đến “phát bực”. Nhưng khi thấy hoàn cảnh của ông bà éo le, con cái hư hỏng, Tết mà “căn nhà trống”, “bếp sàn lạnh tanh không tí lửa” thì họ lại động lòng. Lản và Thín giúp mua sắm tết, gói bánh chưng mang biếu ông bà để họ có một cái tết ấm cúng, vui vẻ hơn. Lản và Thín cũng như bao người dân bản khác nơi đây quan niệm đơn giản lắm: “Người tốt như cây quế thơm giữa rừng. Kẻ xấu như cọng rơm khô giữa ruộng. Vợ chồng mình sẽ cùng làm cây quế thơm. Anh là thân cây còn em sẽ là cành lá”. Sự yêu thương, bao dung, rộng lượng, lá lành đùm lá rách khiến mùa xuân trở nên ấp ám, tươi đẹp, để lại dư vị ngọt ngào trong lòng mỗi người.

          Hà Phong viết bằng cả bút pháp hiện thực và lãng mạn. Đọc văn anh thấy cả một đời sống vùng cao, nhất là mảnh đất Lai Châu trải dài từ quá khứ đến hiện tại. Ở đó, người đọc có thể hình dung được rất chi tiết về một vùng văn hoá bởi các yếu tố hiện thực. Nhiều khi những tình tiết kịch tính được đẩy lên cao trào như trong tiểu thuyết Vượt qua dãy Hoàng Liên. Các truyện ngắn của anh cũng thường có những nút thắt, rồi được tháo gỡ bằng những cách rất nhẹ nhàng như lối ứng xử của người Thái Mường So nơi đây. Truyện hầu hết được kể theo kết cấu truyền thống, theo trật tự thời gian, dễ thưởng thức, dễ đọc. Nhìn chung, Hà Phong có một lối viết văn nghiêng về trữ tình, lãng mạn, nhẹ nhàng – như chính con người và tâm hồn anh. Đọc văn Hà Phong mà cứ ngỡ như đọc thơ văn xuôi vậy. Chất trữ tình lãng mạn thấm đẫm trong cốt truyện, ngôn từ và cách diễn đạt. Nhưng ẩn chứa sau đó là cả một tâm hồn khát khao cháy bỏng được sống, được yêu. Như cái cách mà cô gái Thái tên Đón trong Phượng hoàng bay đi đâu dám sống với tình yêu cháy bỏng, đòi hỏi phải được yêu dưới ánh sáng mặt trời. Để dù khi chết đi rồi thì khát khao yêu của cô vẫn hiển hiện trên “bộ lông đỏ của phượng hoàng nom rực lửa như muốn thiêu đốt tất cả xung quanh”. Truyện của anh dù là kết thúc có hậu hay không thì vẫn để lại những dư âm buồn. Nhưng từ cái buồn ấy vẫn ánh lên vẻ đẹp của tình người, của hi vọng, của ngày mai tươi sáng.

Hà Phong là người không cầu kì con chữ. Anh viết gì là tự nhiên như dòng cảm xúc, như chính bản tính con người miền núi, như chính trải nghiệm và cái hồn hậu trong tâm hồn anh. Hà Phong có cách diễn đạt rất tự nhiên. Đúng màu sắc của người dân tộc, chứ không phải cố gắn vào miệng họ những câu cho ngượng nghịu. Người đọc có thể vừa đọc vừa khoái chí với cách nói không thiếu trong tác phẩm của Phong: Cho đến khi hơi men của “lẩu kép” như thấm từ ngọn tóc cho đến đầu ngón chân thì chủ nhà bắt đầu kể chuyện bằng những bài hát; thứ rượu thơm nồng làm say đến cả con chuồn chuồn đậu trên bờ rào đá; gọi là lợn cắp nách vì đường xa, lợn con mệt đi sao được nên phải cắp nách (Chợ rừng);

          Nói là diễn đạt tự nhiên, nhưng Hà Phong cũng khéo léo lắm. Anh biết đan xen những từ địa phương vào tác phẩm để điều đó tạo thành bản sắc – bản sắc của vùng quê anh, bản sắc văn phong của anh mà không phải ai cũng làm được. Anh gọi tên chi tiết từng sự vật, món ăn… bằng tiếng Thái. Anh đưa cả vào truyện những câu hát dân ca, tục ngữ Thái, Mông, mang cả một nền văn hoá Thái vào tác phẩm. Tự câu chữ được lựa chọn đã là nghệ thuật – nghệ thuật của sự bình dị nhưng cũng lấp lánh như những ánh sao trên nền trời Phiêng Đao. Cả tản văn và truyện của Hà Phong đều rất nhẹ nhàng, sâu lắng, giàu cảm xúc. Tên tác phẩm như thơ: Tản văn đã như thơ (Tháng sáu mùa mưa, Mùa xuân mở cửa sổ hoa và bướm, Lốc cốc vó ngựa xanh…); Tên truyện ngắn lại như tên tản văn, như thơ (Gió lay hoa mận, Ngước mặt nhìn ngô, Bàng bạc mưa rừng, Đêm sương trôi rơi, Cỏ hát tìm nhau, Khói nương mù xám, Hoa núi biên thuỳ, Đỉnh non mây ủ, Chơi vơi lá vàng…). Cảnh vật Tây Bắc mơ màng như thơ, văn phong cũng rất nhẹ nhàng, tình cảm. Lối hành văn từ từ, chậm rãi, khiến người đọc không thể vội vã, không cần nóng ruột. Mọi thứ cứ như một dòng suối mát lành, chảy vào tâm hồn người đọc.

          Nhiều thế giới nghệ thuật của Hà Phong được đẩy xa về thời xưa xa lắm, khiến người đọc như rơi vào một miền đất huyền thoại: Phượng hoàng bay đi đâu, Hoa núi biên thuỳ… hoặc những chuyện từ thời ấu thơ của anh ở miền đất Mường So tươi đẹp… Rồi chuyện được đẩy dần về hiện tại, những câu chuyện thường nhật đời thường thông qua lăng kính của người đàn ông hiền lành, ít di chuyển mà thấy đời không chỉ bằng mắt, bằng tai, mà bằng cả tâm hồn: Áo cóm đợi xuân, Mưa xuân bay bay, Chim tăng ló kêu tiếng buồn… Chỉ bấy nhiêu nghệ thuật thôi, đã làm nên một cây bút Hà Phong đầy sức sống, khiến những người trẻ phải trầm trồ ngưỡng vọng.

Cố nhà văn Hà Phong với những cống hiến, tình yêu lớn lao cho quê hương mình xứng đáng được gọi là nhà văn tiêu biểu của Lai Châu. Anh từng chia sẻ: Tây Bắc yêu thương mãi không hết. Thương lửa bếp toả ấm dưới mái nhà sàn buổi chiều đông. Thương hương cốm bay mùa nếp thơm tháng chín. Thương hoa chuối rừng trổ đỏ thắm lối ta đi qua. Thương điệu múa tỏ ong lỏ ong nhịp đôi, nhịp ba. Thương bến suối có mế già, có em gái nhỏ hái rêu (Cau trầu ở lại chẳng về xuôi). Anh luôn đau đáu một nỗi niềm: Ta lắng lòng để tự hỏi ta đã làm gì cho quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của ta, nơi ta từng nhận được rất nhiều ân tình sâu nặng? Đời người trôi giọt nước, chẳng ai bắt ta phải trả nợ nghĩa, nợ tình. Nhưng vì thế mà ta lại càng cảm thấy mình là người mang nợ. Và anh viết để trả những ân tình. Trong đó anh lấy gia đình người thân, quê hương bản quán mình mãi mãi là cội gốc. Quê hương chính là nơi anh đã gửi trao lời hẹn thuỷ chung như trái sấu rơi vào nước ba năm vẫn còn tươi nguyên, không hỏng. Văn của Hà Phong vì vậy mà sâu lắng, nghĩa tình lắm thay!

Hà Phong từng viết: miền biên cương ấy đẹp nhất khi xuân về “Và lúc này đây, khi tạo hoá đã gióng rộn những hồi trống chiêng mời xuân trình diện đất trời, để rồi mùa đưa ta đi dạo khắp niềm vui. Thế mà anh lại chọn một ngày mùa xuân tươi đẹp, hoa đào, hoa mận nở đầy trên các nẻo đường của mảnh đất Lai Châu để từ giã cõi trần gian này. Trong anh có thể là còn bao tiếc nuối. Và độc giả Lai Châu còn tiếc thương hơn gấp nhiều lần. Từ nay, không còn những câu chuyện mới từ “kho tàng” văn hoá Thái – Hà Phong. Chim tăng ló thôi kêu những tiếng buồn, thôi những cơn đau mà trôi mãi về xứ sở của những “bến suối”, những thảm hoa cỏ vĩnh cửu như trong mơ. Anh đi xa rồi nhưng để lại trong lòng người đọc một tấm gương sáng về nghị lực sống. Mấy bản thảo còn dang dở chưa được đông đảo bạn đọc biết đến. Chỉ còn tập sách cuối cùng Hoa vẫn nở trên Pu Ta Leng như một món quà tặng tâm hồn về sự mạnh mẽ, lạc quan, vượt lên số phận, đầy sức sống và hi vọng.

Còn nhớ cố nhà văn Hà Phong từng tâm sự: Cả cuốn truyện Vượt qua dãy Hoàng Liên lẫn cuốn Dân ca Thái, khi bắt tay vào viết tôi đều mường tượng đó là một ngọn núi cao. Tôi hiểu mình cần phải hết sức nỗ lực mới có thể vượt qua được nó. Nay tôi đã vượt qua được nó. Nhưng tôi vẫn chưa muốn chùn chân dừng lại… Tôi vẫn muốn thử sức như chính tôi từng viết: “Bàn chân trần của người dân quê tôi khi đạp lên những tảng đá cứng cản trên lối đi, tảng đá cứng cũng trở nên mềm… Bàn chân trần của người dân quê tôi bền, dẻo như sợi mây rừng vắt đủ qua chín mươi chín ngọn núi đất mường. Giông bão có thể quật gục đổ thân cây to cứng cáp, nhưng không thể khuất phục được thân dây mây săn dẻo”. Bằng nghị lực đó, anh đã cống hiến cho đời, cho Lai Châu những trang viết mang hơi thở, phong cách riêng. Và người đọc sẽ còn nhớ thương và trân trọng mãi những trang viết của anh.

Xin mượn lời nhà thơ Đặng Vương Hưng để nói một lời chia tay nhưng cũng rất đỗi tự hào vì Lai Châu đã từng có một Hà Phong như thế: “Vượt qua bão tố, phong ba, vượt qua những ngày hè nắng cháy, nhưng đêm đông lạnh buốt, có loài hoa vẫn âm thầm lặng lẽ nở trên Pu Ta Leng, thầm lặng hiến dâng hương sắc cho đời. Dù bị bệnh tật hiểm nghèo, nhưng Hà Mạnh Phong luôn tự hào “Vốn gốc sinh ra từ quê bản, mang dòng máu quê bản”. Có lẽ nhờ thế mà anh đủ nghị lực vượt lên số phận, vượt lên chính mình. Phong đã làm được nhiều việc mà một người bình thường không phải ai cũng làm được. Anh đã sống đẹp và luôn mong muốn sống có ích cho cộng đồng. Những trai bản, gái bản và bà con không chỉ ở quê hương Lai Châu, mà cả miền Tây Bắc đều có quyền tự hào về Hà Mạnh Phong!”.

THUỲ GIANG


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.