Niềm tin xanh ngát hương chè

Từ bao lâu, người Tây Bắc nói đến chè ở Lai Châu là nói đến những nông trường chè ở huyện Tam Đường, huyện Tân Uyên, Đội 9 (xã Phúc Than, huyện Than Uyên). Ít ai biết rằng trong mù sương núi cao có một vùng chè đang âm thầm sinh trưởng. Những cây chè cần mẫn bám đất, nảy những búp non xanh. Và ở nơi ấy, chè ngậm sương uống gió, chắt lọc linh khí đất trời để dâng tặng con người một vị trà đặc biệt – đó chính là vùng chè mới ở phía tây dãy núi Hoàng Liên Sơn – vùng chè Tà Mung.

Tà Mung là một xã vùng cao nằm ở phía nam của huyện Than Uyên, có độ cao trung bình hơn 1300m so với mặt nước biển, xung quanh giáp các xã Khoen On, Ta Gia, Mường Kim của huyện Than Uyên, xã Lao Chải của huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Với 90% địa hình là núi cao nên quanh năm Tà Mung có mây và sương mù, điều kiện tự nhiên thổ nhưỡng rất phù hợp với các loại cây lâu năm, cây công nghiệp và cây dược liệu, gia vị. Người dân nơi đây từ lâu đã trồng các loại cây như: sa nhân, thảo quả, sơn tra… Gần đây, cây chè được đưa vào trồng trên diện rộng, là một loại cây trồng hứa hẹn phủ xanh những nương đồi và chuẩn bị sẵn sàng cho ngành sản xuất trà của Than Uyên.

Nói chuyện với chúng tôi, ông Phùng Tiến Hưng – chủ tịch UBND xã Tà  Mung vui vẻ kể về những ngày đầu tiên đưa cây chè về mảnh đất này. Những ngày khó khăn và đầy kỉ niệm. Cây chè trước đây chưa từng được trồng ở địa bàn xã, do vậy khi có chủ trương đưa cây chè lên với Tà Mung, thời gian ban đầu gặp rất nhiều khó khăn, nhân dân chưa đồng thuận ủng hộ. Họ băn khoăn, lo lắng, các loại cây lương thực ngắn ngày như sắn, ngô, trồng sau một thời gian sẽ cho thu hoạch ngay, mang lại nguồn thu cho nhân dân, còn cây chè, thời gian trồng rất lâu, tương lai không biết sẽ như thế nào… Nắm rõ tình hình, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể của xã đã vào cuộc quyết liệt để tuyên truyền, vận động, giải thích cho nhân dân. Huyện còn hỗ trợ đưa cán bộ và đại diện các hộ dân của xã đi tham quan vùng chè các huyện Tân Uyên, Tam Đường, gặp trực tiếp một số hộ dân người Mông làm chè để tìm hiểu về nghề trồng chè, hiểu được giá trị mà cây chè mang lại…

Ở độ cao và khí hậu phù hợp, cây chè Tà Mung bắt đầu bén rễ và phát triển. Bây giờ những cây chè Tà Mung trồng năm 2017 cũng đã cao 70-80cm, có cây cao 1m. Những ngày đầu tiên đưa cây chè non về trồng là những ngày cán bộ xã thường xuyên kiểm tra, lo lắng từng chút… Rồi khi đo chiều cao của cây, thấy cây lớn dần mới thở phào nhẹ nhõm. Các lớp tập huấn kĩ thuật được mở. Cán bộ kĩ thuật hướng dẫn người dân đánh đường đồng mức trên các ngọn đồi, rồi hướng dẫn kĩ thuật đào hố, trồng và chăm sóc chè, bón phân, thu hoạch, cắt tỉa. Bao nhiêu lớp tập huấn đã được mở ở các thôn bản là bấy nhiêu buổi, cán bộ nông nghiệp và lãnh đạo xã đến tận bản để hướng dẫn và động viên bà con.

Hiện nay, sau gần 5 năm thực hiện việc trồng chè, diện tích chè hiện tại của xã đã đạt 265,4ha, trong đó có 141ha chè kinh doanh, sản lượng ước đạt 829 tấn. Cây chè đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn của xã, tăng thu nhập, ổn định đời sống cho nhân dân. Trong các kế hoạch làm việc hàng quý, hàng năm, Ủy ban Nhân dân xã đã chỉ đạo bà con chăm sóc số diện tích chè đã trồng. Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 – 2025, Tà Mung phấn đấu trồng đạt 300ha chè, sản lượng ước đạt 1800 tấn, mang lại nguồn thu khoảng 11 tỷ đồng/năm.

Nói chuyện với các cán bộ xã Tà Mung, chúng tôi biết việc làm chè còn để phục vụ cho nhu cầu phát triển du lịch cộng đồng gắn liền với cảnh quan và sản xuất nông nghiệp. Tà Mung có cầu treo, có ruộng bậc thang, dù mùa lúa xanh hay lúa chín đều đẹp ngây ngất; có núi cao xanh biếc, có hang đá với những nhũ đá nhiều hình thù lạ mắt, có thác Nậm Mở nước đổ trắng xóa, có những bản người Mông vẫn giữ nguyên nếp sinh hoạt truyền thống, có chợ phiên Nậm Pắt đầy màu sắc vào thứ bảy… Nếu thêm những nương chè bát ngát vào lộ trình khám phá Tà Mung, hẳn là bạn cũng sẽ thấy rất thú vị.

Từ Tà Mung quan sát, phía xa xa kia, bên trên Cầu Vàng là những nương chè xanh biếc đang vào tuổi cho búp, những nương chè hình trái tim, hình vân tay…. Người dân Tà Mung đã bắt đầu biết tạo hình cho những nương chè. Sẽ không chỉ là vùng chè sản xuất phục vụ cho ngành trà mà còn là một vùng du lịch xanh, du lịch sinh thái gắn với sản xuất nông nghiệp.

Bởi tình yêu của đất và người Tà Mung, cây chè sẽ sinh sôi phát triển, nở những mùa hoa, ra những mùa quả, lại tiếp nối vẽ xanh những đường vân tay của núi, làm nên những lứa chè búp tươi non thơm ngát hương vị mây ngàn.

ĐINH HỒNG NHUNG


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.