Hàng ngày, cứ tầm năm giờ chiều là tiếng xe của người quét rác lại “cút kít, loạch xoạch” rộn lên dọc con phố nhỏ. Nó đã trở thành một thứ âm thanh quen thuộc, đến nỗi không cần gọi, không cần chuông, chỉ cần nghe thấy âm thanh ấy là mọi người xách vội những xô, những hộp rác ra đổ vào thùng xe hoặc để ngay đầu ngõ nhà mình.
Người quét rác là một cựu binh có dáng người khắc khổ, nước da đen đúa. Trước đây, gia đình anh ở tận một xã vùng hạ huyện. Anh vốn người miền xuôi, cha mẹ anh lên khai hoang từ những năm bảy mươi của thế kỷ trước. Đi bộ đội tham gia bảo vệ biên giới, trở về với một mảnh đạn pháo tí xíu còn nằm trong đầu, ngay cạnh hốc mắt nên nhiều lúc căng thẳng, anh có biểu hiện của người bị bệnh thần kinh. Tuy nhiên “nồi nào vung ấy”, một thời gian sau anh xây dựng gia đình với một cô gái nghèo mà nhan sắc cũng không đến nỗi tệ. Thế rồi ngoảnh đi ngoảnh lại, hơn chục năm sau, anh chị đã có hai đứa con một gái một trai, đứa nào cũng khôi ngô, khỏe mạnh. Chỉ mỗi tội nhà nghèo, nghề nông mà ruộng ít, làm gì cũng gặp khó khăn nên nuôi bọn trẻ ăn học thật vất vả. Nghe nói trên thị trấn thành lập Hợp tác xã môi trường, anh nhờ người xin cho một chân làm công nhân vệ sinh và được người ta chấp nhận với mức lương chỉ hơn bốn triệu đồng một tháng. Hàng ngày anh có hai ca làm việc, buổi sáng từ bốn giờ đến sáu giờ, buổi chiều từ mười bảy đến hai mươi giờ, anh phải thu gom và quét rác trên đoạn đường một nửa cây số được giao. Rác gom lại đã có xe ép rác đến chuyển đi. Những ngày bình thường còn đỡ, vất vả nhất là sau những đêm ngày giông bão hay mùa lá rụng, vẫn với đoạn đường ấy mà có khi cả hàng tấn rác thải. Công việc cực nhọc và ô nhiễm thật khó để so sánh với những nghề khác.
Vì nhà cách thị trấn gần hai chục cây số, đi về ngày bốn lần rất bất tiện nên anh đưa vợ con lên thị trấn thuê nhà ở trọ giá rẻ rồi cho vợ làm nghề nhặt và thu mua phế liệu để bán cho các chủ vựa. Không ngờ, cái việc thu nhặt phế liệu tưởng vớ vẩn mà lại khá hơn nghề làm ruộng. Mỗi ngày đạp cái xe lọc cọc quanh thị trấn, chị kiếm một hai trăm bạc mà ngỡ như nằm mơ. Anh cũng giúp chị ít nhiều từ chính công việc của mình bằng cách đeo thêm vài cái bao vào chiếc xe gom rác. Gặp những đồ nhựa, hộp các tông hay sắt thép vụn người ta bỏ đi, anh phân loại rồi hết buổi chở về cho vợ. Từ ngày theo bố mẹ đi ở nhà thuê trên thị trấn, cuộc sống vật chất cho các con của họ cũng được cải thiện tốt hơn. Chúng được xin lên nhập học ở trường thị trấn theo dạng hộ khẩu tạm trú. Nhưng chúng lại đang chịu áp lực tinh thần vì cách đối xử phân biệt của mấy đứa con nhà giầu. Chúng bị gọi là “con nhà ve chai”, “con nhà quét rác”. Mấy lần nghe các con hậm hực, anh đã phải khuyên chúng:
– Thì chúng nó nói có sai đâu? Bố mẹ làm nghề ấy thật mà! Các con cứ học cho giỏi, mai kia kiếm công việc danh giá hơn bố mẹ là được!
– Sao bố mẹ không tìm nghề khác mà làm? Chúng nó bảo bố mẹ làm cái nghề hôi hám nhất trong mọi nghề!
Bọn trẻ vẫn hậm hực hỏi lại.
– Xã hội phân công lao động rồi các con nhé! Ai cũng chọn nghề thơm tho thì rác rưởi đầy nhà đầy phố à? Mình làm nghề có phải chịu mùi hôi hám một chút, nhưng tâm hồn mình sạch sẽ là được!
Cũng may, cả hai đứa con đều biết thương bố mẹ nên chúng ngậm ngùi bỏ qua những lời nói đầy kỳ thị của bọn con nhà giầu mà học hành ngày càng tiến bộ.
Quả thực, làm cái nghề quét rác theo đúng nghĩa này, bên cạnh sự sẻ chia, thấu hiểu của nhiều người, thì anh cũng nhiều lần phải nghiến răng chịu đựng cách hành xử vô tình của một số người ỷ thế, coi người như rác. Đa số, mọi người đều biết gom rác vào thùng rồi đến giờ mang ra cổng, anh chỉ việc đổ vào xe và quét sạch trên đường nhưng cũng có những người cho rằng mình đã trả tiền môi trường hàng tháng thì người làm công việc ấy phải có việc để làm. Thế là họ vứt đồ thải bừa bãi, lộn xộn trước cổng, khi đến dọn, anh phải làm cật lực mới xong. Đúng là người xã hội. Anh để ý, có một ông chắc là cán bộ hưu trí, ngày nào cũng cứ đến giờ đổ rác là tay thì xách thùng rác ra, tay thì cầm chổi, cùng anh quét sạch sẽ phần hành lang trước nhà rồi hỏi han anh rất ân cần. Nhiều lần khi anh đến thì phần đường trước nhà ông đã sạch sẽ tinh tươm, chỉ còn một hộp rác gọn gàng chờ anh đổ lên xe. Có những hôm, ông còn đưa cho anh một túi đầy những vỏ lon và chai nhựa ông cất công để riêng cho anh. Những ngày lễ tết, thấy anh lầm lũi với công việc lúc đêm đã muộn, ông còn ra hỏi thăm và động viên rất chân tình làm anh cảm thấy ấm lòng. Nhưng anh cũng nhận thấy một bà ở cái biệt phủ lừng lững đầu phố thì lại có thói khinh đời quá đáng. Nghe nói ông chồng bà ta làm chức sắc gì cũng kha khá, có quyền có thế lắm. Đã mấy lần, khi xe rác của anh đến thì nhà họ chưa đưa thùng rác ra, hai cánh cổng vẫn đóng im ỉm. Nhưng khi anh đi đến những nhà tiếp theo thì bà ta ra và gọi bằng cái câu vô cùng miệt thị: “Rác ơi!” hay: “Này rác!”. Đã có những lần anh lờ đi như không nghe thấy, thì bà ta gọi to hơn: “Rác! Này! Điếc à?”. Anh lẳng lặng quay xe lại đổ thùng rác của nhà họ mà không nói nửa lời, rồi đẩy xe đi với cục ức như quả tạ trong lòng và cái mảnh đạn bỗng giật nhoi nhói bên mắt trái. Vẫn biết thân phận mình hèn kém, nhưng hành xử thế này thì quá đáng lắm. Một hôm, khi bà ta vừa lạch bạch xách cái thùng rác ra và cất tiếng gọi: “Rác ơi!”, anh liền đẩy xe rác lại phía bà ta khá mạnh, còn mình đứng im. Cái xe hơi quá trớn, chút nữa thì húc vào cái tấm thân phì nộn ấy. Bà ta vội tránh rồi hét lên:
– Mày làm cái gì đấy? Định giết người đấy à?
Anh chẳng trả lời mà chỉ vào cái xe rác:
– Bà gọi rác thì rác của bà chạy đến đấy!
Rồi anh kéo cái khẩu trang xuống, giọng vẫn nhã nhặn:
– Tôi là người nhé! Bà có cần biết tên không?
Thấy mấy người hàng phố để ý nghe chuyện, bà ta không nói gì thêm mà vội đổ thùng rác vào xe, lầm bầm mấy tiếng trong họng rồi lủi nhanh vào nhà, hai cánh cổng lập tức khép kín. Cũng từ đấy, nhà ấy thường để rác ra đường đúng giờ nên chẳng mấy khi anh chạm mặt họ. Làm cái nghề này, anh cũng dễ nhận ra sự giầu nghèo qua cái thùng rác của mỗi gia đình, nhất là sau các dịp lễ, tết. Ví dụ những nhà nghèo, bình dân thì họ chỉ bỏ lá bánh chưng, vỏ hộp kẹo hoặc vỏ trái cây đi. Nhưng những nhà giầu, có khi họ bỏ đi cả những chiếc bánh chưng mới chớm mốc lá, những chiếc giò nạc còn già nửa chớm thiu, những hộp bánh đắt tiền ăn dở hoặc cả những hộp bánh kẹo quá hạn sử dụng, những cây đào, cây quất mà trước tết có giá vài ba triệu bạc.
Một lần, sau tết ít ngày, anh đang đổ những hộp rác của cái gia đình có ngôi biệt phủ kia vào xe để lấy hộp các tông về cho vợ bán thì phát hiện một điều lạ. Khi anh đổ một cái hộp khá đẹp đựng chừng hai chục quả cam sành đã mốc xanh mốc vàng, thì thấy dưới đáy có một chiếc bao lì xì màu đỏ khá dày. Anh vội mở ra xem và vô cùng kinh ngạc vì ruột của nó là cả một xấp tiền mệnh giá năm trăm ngàn mới cứng, chắc phải vài chục tờ. Anh nhìn quanh, chẳng có người nào, nhưng anh bỗng tóa mồ hôi hột như thằng ăn trộm bị bắt quả tang. Số tiền quá lớn so với những đồng lương ít ỏi và những chi tiêu ngày càng tăng của gia đình khi các con anh đang học lên cao. Đời anh chưa khi nào có số tiền ấy trong tay. Đã toan bỏ vào túi thì anh chợt nghĩ: “Nó đâu phải của mình?”. Anh liền chạy vào bấm chuông gọi cổng. Hai con béc giê sủa ông ổng một hồi mới thấy bà chủ nhà lạch bạch chạy ra. Cái cửa kiểm tra con con bằng bàn tay mở he hé, bà ta ghé mắt, thấy anh chàng quét rác liền cất tiếng hỏi mà không giấu được giọng trịch thượng:
– Có việc gì?
– Thì bà mở cổng ra tôi sẽ nói!
– Không nói thì không mở!
– Tôi trả bà cái này!
Anh quét rác bèn dứ cái bao lì xì. Vừa nhìn thấy cái phong bao chỉ chuyên để đựng tiền ấy, bà ta liền biến sắc mặt, thay đổi thái độ, vội vàng kéo chốt mở hé cánh cổng nhưng cũng chỉ vừa đủ cho cái tấm thân phì nộn của bà ta lọt qua rồi hỏi vồn vã:
– Cậu thấy nó ở đâu? Đưa tôi xem nào?
– Nó trong hộp cam mốc kia, là rác nhà bà mà!
Bà béo như giật lấy cái bao lì xì rồi chẳng ý tứ gì, mở vội ra xem. Nhìn thấy những đồng tiền ấy, bà ta như rú lên, vỗ đùi đét một cái:
– Ối giời! Lộc đây! Thảo nào, cái thằng ấy gọi điện đến cứ lấp lửng… À, mà có lấy tờ nào không đấy?
Bà ta bỗng lom lom nhìn soi mói toàn thân anh chàng quét rác:
– Tôi thèm vào! Nếu lấy thì tôi gọi bà làm gì?
Anh chàng đưa tay lộn các túi quần:
Bà ta tẽn tò, đỏ rần mặt. Một lát, như quên béng đi anh chàng quét rác đứng đó, bà ta vội đóng sập cửa chạy vào, miệng gọi líu lo như trẻ con:
– Anh ơi! Có lộc, lộc rơi lộc vãi đây này!
Anh chàng quét rác xì một tiếng, lắc đầu, mỉm cười rồi trở lại với cái xe rác của mình. Mùi cam mốc hăng hắc cộng với đủ mùi của rác thải làm anh hắt hơi liền mấy cái. Anh vội kéo lại cái khẩu trang che kín mũi rồi tiếp tục công việc. Thấy lòng nhẹ nhõm, anh vươn vai đón gió, khe khẽ chúm môi huýt sáo một khúc nhạc vui.
Tối hôm ấy, bên mâm cơm đạm bạc chỉ có cá khô, đậu phụ và bát canh rau cải cùng vợ con, anh kể lại câu chuyện về mớ tiền trong hộp cam mốc ban chiều và cái việc trả lại cho mụ béo mà lòng thanh thản như vừa đổ xô rác vào xe vậy. Vợ anh nghe xong thì buông bát ngồi thừ ra mất một lát mà không nói câu gì, chị quá hiểu tính chồng. Đứa con gái buông một câu đầy nuối tiếc:
– Giá có số tiền ấy thì sang năm con đi đại học, bố mẹ đỡ khổ bao nhiêu!
Thằng em đang học lớp chín vỗ bộp vai bố phán một câu rành rẽ:
– Thế thì làm sao tâm hồn còn thơm tho được, đồng chí bố nhỉ?
– Đúng là con trai bố!
Người mẹ cười hiền hậu nhìn hai bố con.
Anh công nhân môi trường đã ăn xong bữa cơm, đang ngồi bên bàn uống nước. Nhìn cảnh gia đình nghèo mà đầm ấm, trong lòng anh chan chứa yêu thương. Đối với anh thì có một công việc làm, có một gia đình yên ấm, có những đêm ngủ ngon giấc, anh đã là người hạnh phúc.
THANH PHƯƠNG