Nghệ sĩ Cà Thị Thắm đam mê biên đạo múa

“Ở cuối trời Tây Bắc có Lai Châu/ Nơi Sông Đà chảy quanh núi cao…”. Mượn lời bài hát của nhạc sĩ Phạm Hoàng Huy khi nói về Lai Châu – mảnh đất núi non điệp trùng, hùng vĩ thơ mộng ấy có một cô gái Thái xinh đẹp, tài năng, đam mê yêu múa, yêu nét đẹp văn hóa các dân tộc nơi đây. Đó là nghệ sĩ múa Cà Thị Thắm (nghệ danh Hồng Thắm).

Cà Thị Thắm lớn lên trong một gia đình nhà nông tại bản Hẹo, phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La). Cô bé Thắm ngày nào là thành viên múa của Đội Văn nghệ thanh niên bản Hẹo, cơ duyên may mắn trúng tuyển và được đi học lớp múa K4 – Dân tộc, trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân Đội. Với năng khiếu sẵn có, được tiếp xúc với múa từ khi còn nhỏ cùng mẹ và các anh chị trong Đội múa của bản nên em tiếp thu nhanh tất cả các môn. Trái với mong muốn của bạn bè là sau khi ra trường sẽ lập nghiệp tại Hà Nội. Thắm tự thấy mình yêu đất trời Tây Bắc, mong muốn đem những kiến thức cơ bản mình được học ở trường để về phục vụ quê hương, bản mường, được múa cho bà con xem các điệu múa dân gian dân tộc Tây Bắc nên năm 2010, Cà Thị Thắm chính thức được tuyển dụng vào công tác tại Đoàn nghệ thuật tỉnh Lai Châu (nay là Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật tỉnh Lai Châu).

 Chương trình nghệ thuật của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Lai Châu tham gia Liên hoan ca múa nhạc tàn quốc năm 2021

Với sức trẻ, lòng nhiệt huyết đam mê, Thắm có những chuyến công tác xa dài ngày trên những cung đường bậc thang trên mây hay đến những vùng núi cao xa sôi của đồng bào dân tộc: Giáy, Lự, Mảng, La Hủ, Cống, Si La… Ở nơi đâu với cô gái trẻ cũng có thể là nhà, là ánh đèn sân khấu, mang món ăn tinh thần tới phục vụ bà con yêu mến nghệ thuật dân tộc. Có nhiều nơi, bà con chưa biết đến văn công, chưa được tận mắt xem diễn viên biểu diễn dưới ánh đèn lung linh sắc màu. Thắm tâm sự với cô, mỗi chuyến đi là một trải nghiệm, tích lũy vốn kiến thức văn hóa văn nghệ cho mình để áp dụng thực tiễn trong những bài tập biên đạo của mình. Là người say mê nghề, mặc dù cuộc sống của nghệ sĩ nơi miền núi cao còn gặp khó khăn, vất vả nhưng nghệ sĩ Hồng Thắm vẫn quyết tâm trở lại trường và theo học hệ Đại học. Có tố chất biên đạo nhưng Thắm chọn học lớp huấn luyện múa bởi huấn luyện lại là nền tảng vững chắc nuôi dưỡng biên đạo. Học huấn luyện múa để nắm chắc cơ bản, bổ trợ cho biên đạo các động tác, đó là cách suy nghĩ rất thông minh của một cô gái nguyện sống vì nghề múa đến trọn đời.

Cà Thị Thắm hiện là Tổ phó tổ múa, với tính cách của một người lính được đào tạo trong môi trường Quân đội, nghệ sĩ Hồng Thắm vẫn hàng ngày lên lớp cơ bản cho đồng nghiệp của mình, chỉnh sửa, chau chuốt từng động tác để có hơi thở, cảm xúc, sự đồng đều cho một tập thể múa. Lãnh đạo Phòng Nghệ thuật Biểu diễn tin tưởng, giao cho nghệ sĩ Hồng Thắm kết nối cùng với các biên đạo Trung ương xây dựng chương trình nghệ thuật của Đoàn tham gia hội diễn, hội thi, các chương trình mới, hàng năm bổ sung các tiết mục để phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh, Trung ương.

Là diễn viên múa có chuyên môn tốt, một cánh chim đầu đàn của tổ múa luôn được các biên đạo tin tưởng, giao cho những trích đoạn solo, nhiều lúc không làm được động tác khó, Thắm lại trăn trở tìm tòi, tập bằng được để không phụ lòng của các biên đạo. Say sưa với các tác phẩm múa trong những mùa Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp khá vất vả, ăn ngủ lăn lộn trên sàn tập đến một, hai giờ sáng vẫn chưa song, có lẽ cái nghiệp đã đeo bám để rồi đam mê khi không được múa lại không chịu nổi. Những tác phẩm múa mà nghệ sĩ Hồng Thắm tham gia được huy chương qua các kỳ hội diễn mang vinh quang về cho đơn vị phải kể đến như múa: “Mầm cội” của biên đạo NSND Minh Thông, “Mùa dâng” của biên đạo NSƯT Khánh Toàn. Năm 2015, nghệ sĩ Hồng Thắm vinh dự được nhận Bằng khen của Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam trao tặng vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong cuộc thi Ca múa nhạc chuyên nghiệp Toàn quốc đợt 1 tại tỉnh Thái Nguyên.

Không chỉ huấn luyện giỏi, biên đạo Hồng Thắm còn có nhiều ý tưởng sáng tạo để biên đạo các tác phẩm múa như: “Nhịp sống bản Mông”, “Mùa bông bản Lự” đạt Huy chương vàng Liên hoan múa không chuyên Toàn quốc năm  2016, 2019; “Vũ điệu về nguồn” đạt Huy chương bạc Liên hoan ca múa nhạc Toàn quốc năm 2021. Giúp đỡ chuyên môn, biên đạo cho các đơn vị, trường học, Lực lượng vũ trang trong toàn tỉnh tham gia các cuộc Hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng của ngành, của tỉnh và đi thi cấp Trung ương giành nhiều giải cao. Năm 2020, nhận nhiệm vụ biên đạo chương trình nghệ thuật tham gia “Tuần Văn hóa – Du lịch Lai Châu tại Hà Nội”, nghệ sĩ Hồng Thắm đã trăn trở cùng ê kíp xây dựng kịch bản, chương trình nghệ thuật “Rực rỡ sắc màu Lai Châu” đậm đà bản sắc các dân tộc Lai Châu đến với thủ đô Hà Nội được lãnh đạo, đồng nghiệp và khán giả ghi nhận, đánh giá rất cao. Ngoài ra, nghệ sĩ Hồng Thắm còn tham gia biên đạo một số chương trình nghệ thuật lớn của tỉnh như: “Kỷ niệm 110 năm thành lập tỉnh – 70 năm thành lập Đảng bộ tỉnh Lai Châu”, “Ngày hội Văn hóa – Thể thao các dân tộc thành phố Lai Châu”, “Ngày hội Văn hóa – Thể thao các dân tộc huyện Tam Đường”……

Những cống hiến của nghệ sĩ trẻ Hồng Thắm trong những năm qua đã được các cấp lãnh đạo quan tâm, ghi nhận khi cô vinh dự đứng vào đội ngũ đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, Hội viên Hội nghệ sĩ múa Việt Nam; được nhận Bằng khen UBND tỉnh các năm: 2009, 2015, 2020: là chiến sĩ thi đua cơ sở nhiều năm liền; đại diện thanh niên tiêu biểu tỉnh Lai Châu tham dự “Đại biểu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác Toàn quốc lần thứ VI năm 2020”.

         LÒ HẢI LAM

 

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.