Các quy định về hôn nhân của dân tộc Mảng

Dân tộc Mảng là một trong các dân tộc ít người nhất Việt Nam và là một trong bốn dân tộc (Mảng, Si La, Cống, La Hủ) chỉ sinh sống duy nhất ở Lai Châu.  Đây là cư dân bản địa, là chủ nhân của vùng Tây Bắc. Địa bàn cư trú của người Mảng chủ yếu ở huyện Sìn Hồ, huyện Mường Tè. Cũng giống như nhiều dân tộc cư trú ở vùng cao, người Mảng cũng có những quy định riêng trong hôn nhân.

Người Mảng cấm kết hôn giữa những người có cùng huyết thống, cùng dòng họ, cùng một tổ tiên. Họ cho rằng anh em gần, cùng một bố mẹ sinh ra con cái không được kết hôn cùng nhau vì có quan hệ cùng huyết thống không đảm bảo cho sự duy trì phát triển nòi giống, dòng tộc của mình. Việc kết hôn cùng họ phải qua 3-4 đời, khi đó các thế hệ con cháu đã lấy những người khác họ, lai khác dòng máu. Ví dụ, những người cùng gốc một họ như họ Lò thì không thể kết hôn cùng với người họ Lò vì có chung nguồn gốc tổ tiên, ông bà, là anh em thân tộc với nhau. Song trong dòng họ Lò thì lại chia thành các nhóm họ Lò khác nhau, do vậy giữa nhóm họ Lò này có thể kết hôn cùng nhóm họ Lò kia, nhưng phải không cùng gốc.

Tục hôn nhân của người Mảng không cho con cháu cùng họ kết hôn lấy nhau, ông Lò A Nhi cho biết anh em cùng họ lấy nhau sẽ có cùng huyết thống (nhóm máu, dòng máu) sinh đẻ con cái sẽ bị  khuyết tật; tổ tiên  trừng phạt làm cho con cháu họ đó không thể phát triển cuối cùng tự diệt vong, trong cộng đồng làng không còn tồn tại họ đó nữa. Do vậy, khi đi tìm hiểu, người con trai Mảng bao giờ cũng chú trọng hỏi bố mẹ mình về họ hàng anh em họ nhà mình để biết còn tránh. Ví dụ cùng họ Lò, con ông bác là con trai, con ông chú (tức em trai ruột của bác hoặc em trai họ gần) thì không thể lấy nhau được. Phải qua 3-4 đời, con cái mới có thể lấy nhau. Người Mảng cho rằng, nếu người cùng họ mà lấy nhau sẽ bị thần sét đánh chết, hoặc nếu không thì đi qua sông qua suối sẽ bị con thuồng luồng (con rồng nước) kéo xuống nước. Lấy nhau cùng họ sẽ không đúng lý của dân tộc sẽ bị trời và đất làm cho không sống được. Tộc người quan niệm thuồng luồng tượng trưng cho thế giới thần đất, nơi có con người cư trú sinh sống trên mảnh đất cuộc sống dựa vào thiên nhiên. Khi chết đi hồn người mất được thăng thiên lên trời ở theo dòng họ tộc người, còn thể xác được đem chôn vào lòng đất và nằm ở đó vĩnh viễn hoà tan thành đất.

Tuy tục lệ hôn nhân của người Mảng rất khắt khe, nhưng con chú, con cô lại có thể kết hôn lấy con dì, con cậu của vợ chồng ông chủ họ Lò hoặc họ Chìn. Cũng giống như người Kinh, em trai của bố gọi bằng chú, anh trai của bố gọi bằng bác, em gái của bố gọi bằng cô. Em trai của mẹ gọi là cậu, em gái của mẹ gọi là dì. Khi chị gái họ Chìn lấy chồng họ Lò, thì con cái của các em bên chồng và bên vợ có thể kết hôn cùng nhau. Vì không phải cùng dòng máu (huyết thống) nên chúng lấy nhau được cả cộng đồng công nhận và tôn trọng cuộc sống của đôi vợ chồng đó. Nếu chẳng may có anh em cùng huyết thống mà cố tình lấy nhau sẽ bị cộng làng đuổi ra khỏi làng không cho quay về làng nữa vì cộng đồng cho rằng những người đó không phải là dân tộc Mảng nên không thể ở cùng làng với tộc người được.

Trong cộng đồng người Mảng cũng có những quy định về việc người con gái cả trong gia đình, khi đến tuổi lập gia đình mà chưa có ai đến tìm hiểu, đặt áo để làm vật tin,; trong khi cô em gái đã có người đem áo đặt, đánh dấu cô gái đó đã có chủ. Trường hợp này, người em gái chưa được phép cho người yêu về ở rể tại gia đình vì chị gái cô chưa cho ai ở rể, chưa có chồng. Cô chị đi trước các em mới được đi lấy chồng. Tộc người quan niệm người em gái mà đi lấy chồng trước chị, sau này người chị sẽ bị ế, sẽ không có ai lấy nữa. Cô chị sau này nếu có lấy được chồng thì làm ăn không phát triển được, tộc người đã đúc kết kinh nghiệm và có câu nói, đại ý, chặt cây trên tất phải đổ vào cây dưới (có nghĩa là người em gái lấy chồng trước chị gái sau này chị gái sẽ bị chết sớm, không phát triển được).

Xưa kia, tộc người Mảng có tục kết hôn nối dây, nhưng chỉ thực hiện đối với gia đình bên ngoại (tức gia đình vợ). Ví dụ, người con trai họ Lò qua thời gian ở rể làm rất nhiều công việc nặng nhọc, việc gì cũng giỏi, tính tình hiền lành và tốt bụng. Lúc đám cưới đón dâu về nhà trai, chung sống một thời gian, chẳng may người đó bị mắc bệnh chết hoặc tai nạn chết, qua thời gian để tang 1-3 năm, gia đình bố vợ thấy người con rể này tốt bụng lại gả cho cô em gái (của người chị vừa mất) lấy chàng rể trước để làm chồng. Vì quan niệm tập tục người Mảng cho rằng rể tốt khó tìm cũng như trâu khoẻ, tốt khó chọn. Do vậy, nếu chẳng may người vợ có chết mà gia đình có em dì sẽ lại gả tiếp cho chàng rể này. Tuy nhiên, chàng rể đó chỉ được phép lấy người em gái của vợ mình chứ không được lấy người chị của vợ. Người em gái đó nối dây lấy anh rể của mình coi như thay chị gái chăm sóc các con, nếu người vợ trước đã có con thì chúng cũng gọi dì bằng mẹ giống như mẹ của chúng khi còn sống. Tục nối dây này chỉ thực hiện ở gia đình bên họ nhà gái, chứ không có lệ như thế ở bên gia đình trai. Chẳng hạn khi đám cưới đón con dâu về nhà rồi, chẳng may người chồng chết thì  người vợ phải qua 3 năm mới được đi bước nữa. Chồng của cô ta không phải là anh hoặc em trai của chồng, vì không có lý đó. Khi muốn lấy chồng nữa thì bà vợ goá đó sẽ lấy người khác chứ không phải là anh em họ tộc của nhà chồng.

Tộc người Mảng có chế độ hôn nhân một vợ một chồng, song vì nhiều nguyên nhân và lí do khác nhau nên hoặc vợ hoặc chồng có thể đi bước nữa lấy chồng lấy vợ mới (nếu một trong hai người bị chết). Tuân theo quy luật tự nhiên cuộc sống, làm gì cũng phải có đôi, có giống đực và giống cái thế mới tốt mới phát triển. Theo quy luật thì trai lớn dựng vợ, gái lớn gả chồng rồi tiếp tục sinh con đẻ cái sinh sôi phát triển, làm nhà làm cửa rồi lại lấy vợ lấy chồng cho con cái của mình.

Bên cạnh đó,  tộc người cũng những quy định việc để tang  từ một đến ba năm. Nếu chồng (vợ) chết trong khoảng thời gian đó, người kia không được phép đi lấy chồng hoặc lấy vợ. Nếu cố tình tái hôn,  thì sẽ bị người chết trừng phạt làm cho cuộc sống khốn khó, làm ăn không phát triển được. Nếu như ở dân tộc Kinh, đeo khăn tang trắng thể hiện tấm lòng của người còn sống đối với những người đã khuất thì tộc người Mảng lại có hình thức để tang khác.  Sau đám tang, tất cả các thành viên trong gia đình đều cắt một nhúm tóc mái trước đém gói vào lá gài lên mái nhà (bên gian buồng mọi người nằm ngủ), theo thứ tự từ người nhiều tuổi cho đến người ít tuổi. Chồng (hoặc vợ) chết thì người còn sống và các con cũng phải làm như thế để bày tỏ tấm lòng của người còn sống đối với linh hồn người đã khuất. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian 1-3 năm đó, người sống ở lại vẫn được phép tìm hiểu người khác cho đến khi hết hạn tang mới được tiếp tục đi bước nữa. Trường hợp nếu là người chồng chết (người vợ còn rất trẻ), người vợ sẽ tìm một người đàn ông khác để làm chỗ dựa, sau khi đã mãn hạn tang chồng, người con dâu trong gia đình đó sẽ đi theo người đàn ông thích mình. Khi đi, họ sẽ chốn bỏ đi khoảng 1-3 tháng sau, cả hai người dẫn nhau về xin phép báo cáo bố mẹ người chồng cũ, xin phép cho họ được lấy nhau. Bố mẹ chồng cũng đồng ý, trước khi đi còn mổ gà và làm bữa cơm cho hai người đó ăn rồi mới cho đi. Nếu mà đôi vợ chồng đó đã có con nhỏ thì gia đình nhà chồng sẽ nuôi dạy cháu lớn trưởng thành.

Tộc người Mảng quan niệm, những người goá chồng goá vợ khi đi tiếp bước nữa  sẽ không tổ chức đám cưới như những đôi vợ chồng mới lấy nhau lần đầu. Tuy nhiên, nếu là đàn ông goá vợ mà lấy gái tân sẽ phải nộp một khoản tiền nhỏ để mua cô gái đó về làm vợ tuỳ theo yêu cầu của bố mẹ cô gái. Nếu người chồng có con với người vợ trước thì người đến sau sẽ nuôi con chồng, cùng nhau làm ăn phát triển kinh tế gia đình cho bàng những gia đình khác ở trong bản.

Có những trường hợp đặc biệt, khi người chồng lấy vợ mà người phụ nữ không  sinh được con cho nhà chồng thì chị ta sẽ đi tìm và chọn cho chồng thêm một cô vợ nữa để sinh con đẻ cái cho chồng. Người vợ cả trực tiếp đi hỏi cô gái đó, nếu người vợ không đồng ý thì người chồng đó cũng không được lấy thêm vợ nữa.

Người con gái khi đi lấy chồng sẽ phải mang họ nhà chồng, chết làm ma nhà chồng. Vì gia đình trai đã bỏ tiền và lợn gà để mua cô gái họ khác về làm con dâu nhà mình và trở thành thành viên chính thức của dòng họ khác. Tộc người Mảng có nhiều điểm nét tương đồng với các dân tộc khác là dùng tiền bạc để mua con gái nhà khác về làm dâu nhà mình, phải có trách nhiệm và nghĩa vụ đối với thành viên khác là em trai của chồng, khi chúng lớn phải lo việc cưới xin, khi chết được làm ma ở theo khu vực cư trú anh em nhà chồng trên cõi thiên đình. Những gia đình có con bị bệnh tâm thần, bị dị dạng tật nguyền bị câm, cụt tay cụt chân thì không bao giờ được quyền kết hôn. Họ chỉ sống như vậy cho đến khi lìa đời, lúc đó bố mẹ và các thành viên khác có trách nhiệm chôn cất chu đáo.

Hiện nay, nhiều phong tục tập quán truyền thống trong hôn nhân của đồng bào dân tộc Mảng phần nào bị mai một,  do sự ảnh hưởng của đời sống hiện đại, sự giao thoa văn hóa với các dân tộc khác. Tuy nhiên, còn nhiều  những quy định được tuân thủ chặt chẽ trong cộng đồng và là một yếu tố giúp tộc người gắn kết, phát triển cùng thời gian.

Nguyễn Thanh


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.