Biển của miền ký ức

Quê tôi – một vùng quê nghèo quanh năm nắng gió và tiếng sóng biển rì rầm. Gần hai mươi năm ở biển, mặc nhiên với tôi, biển như một phần cơ thể không thể thiếu, đến độ khi tôi đi xa, nỗi niềm đau đáu trong tôi về miền quê – nơi có mẹ thì luôn luôn có biển!

Tuổi thơ khốn khó của tôi gắn liền với biển. Mỗi sáng, đồng hồ báo thức của tôi là tiếng sóng biển ầm ì, bữa sáng là củ khoai lang ngồi ăn bên bờ biển, đồ chơi là những chiếc vỏ ngao, vỏ sò và những mảnh nhựa màu từ biển dạt vào. Lớn hơn chút nữa, tôi cùng các anh chị đi đào ngao dọc bờ biển, tìm trứng mực… cải thiện bữa ăn cho gia đình. Tuổi thơ tôi làm bạn với biển, vậy mà mỗi ngày không thiếu những trò vui. Nhớ những ngày biển động, buổi tối mấy mẹ con nằm trong nhà đóng cửa vẫn nghe tiếng ầm ì gào thét của những con sóng bạc đầu. Biển oằn mình theo những con sóng, chẳng hiểu sao khi ấy tôi lại tưởng tượng ra hình bóng mẹ nhỏ nhoi mỗi chiều trên triền đê với gánh nặng trên vai để lo cái ăn, cái mặc cho những đứa con.

Biển quê tôi khi ấy cũng chính là nơi nuôi sống biết bao lớp những người dân quê. Nước biển theo các cửa biển vào những cánh đồng muối để thành muối trắng cho diêm dân. Cát biển vào các ruộng vườn, dưới sự cần cù của người dân quê sẽ cho những mùa quả ngọt, nào dưa, nào mía, nào khoai, nào lạc… mùa nào thức ấy. Những người đàn ông cùng nhau lên thuyền lênh đênh trên biển, bù lại là mỗi sáng cá nặng trắng bạc đầy khoang. Hồi đó, ông và bố tôi mỗi người một chiếc te sào (một dụng cụ để bắt cá biển), cứ hai giờ sáng ra biển, bảy giờ trở về với cơ man nào là tép moi và những con cá óng ánh bạc. Khi ấy, mẹ lại tất bật mang tôm cá vào chợ bán. Dù là cô giáo làng nhưng đồng lương giáo viên của mẹ không đủ cho lũ con trứng gà trứng vịt đang độ ăn độ lớn nên mẹ vẫn tranh thủ đi chợ bán mớ rau con cá. Lũ trẻ chúng tôi cứ lớn lên hồn nhiên như cây cỏ cùng với sự lam lũ của mẹ cha.

Những buổi trưa hè oi ả, rừng phi lao chắn sóng ven biển là chỗ nghỉ lý tưởng nhất cho cả xóm. Chỉ một chiếc võng buộc vào hai cây phi lao là đã có chỗ nằm mát rượi với tiếng gió và tiếng sóng rì rầm như lời ru của bà, giấc ngủ cứ đến thật yên bình và dịu êm. Sau giấc ngủ, lũ trẻ chúng tôi nhỏm dậy cùng nhau đi tìm những tổ chim trên những cây phi lao, khi phát hiện ra tổ, cả lũ lại kiểm tra xem chim con đã nở chưa rồi sung sướng ngắm nhìn những chú chim non nhỏ xíu.

Những ngày mưa bão, biển dâng nước qua cả triền đê dài, khi ấy, những nhà dân trong làng lại đón biết bao hộ dân ở xóm ven biển vào trú nhờ vì nước biển tràn vào tận nhà. Nhà tôi bao giờ cũngx nhiều người đến nhất, một phần vì bố tôi cũng là dân xóm ven biển, lại có nhà ở trong làng rộng rãi. Mẹ tôi tất bật chuẩn bị chỗ nằm, cơm nước cho ba đến bốn gia đình vào trú. Người lớn ánh mắt nặng trĩu lo toan vì những ngày trước mắt, chỉ có lũ trẻ chúng tôi vui mừng vì gặp nhau, được nghỉ học, được ngủ chung và bày thêm nhiều trò chơi khác. Dẫu vậy, chẳng bao giờ những người dân xóm biển có ý định di dời nhà cửa để kiếm chỗ khác an toàn hơn, cứ hết những ngày mưa bão họ lại gói ghém hàng trang, đồ đạc quay về, sửa sang lại nhà cửa, chăm chỉ trồng lạc, trồng khoai trên vùng đất vừa ngập nước.

Cũng có thể thương người dân quê nghèo khổ, mỗi năm biển lại mang về phù sa và lấn thêm một phần đất gieo trồng ngoài nguồn lực cá, tôm bao giờ cũng dồi dào. Những người dân quê quen với biển, với nước nên nhìn mực nước hôm nay có thể đoán định con nước ngày mai, nhìn mặt trời, mặt trăng và ngửi mùi gió có thể dự đoán được thời tiết. Nhất là những người đàn ông đi biển, họ tính được ngày biển động không có cá, tôm, trong những chuyến ra khơi, nhìn trời, nhìn nước họ có thể kéo dài thời gian trên biển hoặc trở về xóm vì có thể có bão. Cũng những người dân chài lưới ấy, những ngày bão biển họ cùng nhau cứu hộ những thuyền gặp nạn, mắt họ đỏ ngầu chưa hẳn vì thức đêm mà đưa tiễn những người bạn không may xấu số…

Biển quê tôi giờ đã nhộn nhịp trên thuyền dưới bãi. Cá tôm trở về cung cấp cho vùng đất du lịch ngay xã bên. Cái xóm ven biển đói nghèo khi xưa lại thành vùng trù phú, sự cần cù của người dân đã được đền đáp. Biển phù sa nên đất càng màu mỡ, những cánh đồng màu xanh cứ lan dài ra theo sự đắp bồi của biển. Những ngôi nhà tạm được thay bằng nhà tầng khang trang, chiếc xe đạp để chở hàng được thay thế bằng xe máy. Phụ nữ chỉ biết cặm cụi bên những luống đất lo cho đủ bữa ăn trong gia đình thì nay đã được tham gia các hội, đoàn, tìm niềm vui chung và chăm sóc cho bản thân.

Con người đổi thay nhưng biển quê tôi vẫn vậy, khi ồn ào, khi lặng lẽ, khi bình yên, khi thét gào, mang lại no ấm cho người dân nhưng rồi cũng có thể tràn về cuốn phăng đi tất cả. Thế mới biết, thiên nhiên kỳ diệu lắm, ta có yêu người thì người mới yêu ta, mới mang cho ta sự hiền hòa và phồn thịnh! Bởi vậy, người dân quê tôi luôn gắn mình với biển, coi biển là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Mẹ tôi ở tuổi bảy mươi, mỗi sáng vẫn cùng các bà, các chị đi bộ hay thong dong đạp xe ra bờ biển tập thể dục rồi nhặt rác trên bờ biển như một sự biết ơn; các bạn thanh niên thì trồng thêm những rừng sú, vẹt bên những bãi bồi ven biển để giữ biển và chống bão giữ đê… Người dân quê tôi cứ âm thầm mà bền bỉ, vững vàng và tin tưởng gắn bó với mảnh đất ấy, để những đứa con như chúng tôi lớn lên, sải cánh bay đi. Dẫu vậy, sâu lắng trong tâm hồn những đứa trẻ chúng tôi, quê và biển luôn hiện hữu, để khi có dịp là chúng tôi mau mắn trở về, đắm mình trong dòng nước đục bởi phù sa, lấp đầy tâm hồn, nạp đầy năng lượng rồi lại bước những bước chân cứng đá mềm!

Yêu lắm vùng biển quê tôi!

NGUYỄN CHANH


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.