VÀI NÉT VỀ NGÔI NHÀ CỦA NGƯỜI LỰ

Người Lự gọi nhà là Hờn.

Cũng như các dân tộc ở nhà sàn khác trong vùng, người Lự sống nhiều thế hệ trong một ngôi nhà. Xưa kia, một ngôi nhà cờ tới 12 -15 người thuộc nhiều thế hệ sinh sống là chuyện phổ biến. Nhưng hiện nay,  đồng người Lự đã hình thành nhiều gia đình 2 thế hệ: bố mẹ và con cái.

Tuỳ số lượng người trong gia đình mà người Lự quyết định việc làm nhà to hay bé. Diện tích trung bình của một nhà người Lự khoảng 72 m2 (rộng: 6 m x dài, 12 m). Nhà có thể thay đổi diện tích nhưng phần lớn nhà của người Lự là 3 gian, 12 cột. Đó là những ngôi nhà truyền thống, mỗi vì kèo có mọt cau hung (cột cái) với hia sau tém (cột quân).

Mái nhà, người Lự gọi là ngập. Một ngôi nhà có 4 ngập: 2 ngập luông (mái chính), mái phía hiên đối diện với phía đặt cầu thang bao giờ cũng dài hơn, 2 ngập nòi (mái hồi). Mái nhà của người Lự lợp bằng những phên gianh. Phủ ngoài một hệ thống đòn tay, dui, mè. Va rui (đòn tay) được làm bằng mạy hu. Mạy hu là một loại cây thẳng, dài, gỗ nhẹ và không bị mọt. Người Lự chặt mạy hu to bằng cây tre để làm đòn tay và những cây nhỏ hơn để làm rui. Vỏ mạy hu được người Lự bóc ra, ngâm nước khoảng một tháng, vớt lên, để ráo rồi chẻ ra làm dây buộc ghìm hệ thống đòn tay và rui, buộc phụ trợ cho các mộng ghép giữa cột và kéo.

Người Lự coi cầu thang rất quan trọng trong một ngôi nhà. Họ coi hướng đặt cầu thang là hướng chính của ngôi nhà. Người Lự quan niệm, cầu thang chính là nơi đầu tiên đón nhận những điều may mắn đến nhà. Cầu thang thường có 5, 7 hoặc 9 bậc tuỳ theo độ cao của ngôi nhà. Cầu thang có số lẻ như vậy theo quan niệm của người Lự thì số lẻ mới sinh sôi của cải và tuổi thọ cho chủ nhà. Cầu thường rộng từ 1,3 – 1,5m.

Cầu thang của người Lự không chỉ là nơi để lên, xuống mà còn là nơi thực hiện những nghi lễ mang tính phong tục, tín ngưỡng. Đây là nơi buộc ta leo trong những ngày giỗ, ngày kiêng kị của gia đình. Ta leo là một tấm đan bằng lan, tre, nứa hoặc giang, đan theo hình mắt cáo có 7 lỗ, một lỗ ở giữa, sáu lỗ xung quanh.

Nơi thờ cúng:

Giống như người Thái, người Lự thờ cúng tổ tiên ở gian hoóng (gian thờ cúng). Nhưng khác nhau ở chỗ: gian hoóng của người Thái ở sát cầu thang quản (cầu thang chính), có cửa ra vào riêng và được ngăn cách với gian chủ của vợ chồng chủ nhà bằng một bức vách. Còn gian hoóng của người Lự thì ở phía đầu nhà, không có cầu thang và thông luôn với gian chủ của vợ chồng chủ nhà mà không có bức vách ngăn cũng như không có cửa ra vào riêng.

Hàng năm, gia đình người Lự thường cúng hoóng vào dịp tết, đám cưới, cúng cầu phúc, cúng cầu  xin sức khoẻ người ốm.

Theo phong tục, các gia đình người Lự làm bàn thờ bằng một tấm phên tre hoặc nứa đan và để trong góc phòng theo hướng dọc theo nhà. Trên bàn thờ, trong gian hoóng của người Lự không có bát hương vì người Lự không thắp hương. Khi thờ cúng thì chỉ đốt nến bằng sắp ong.

Nơi ngủ:

Trong ngôi nhà người Lự, nơi ngủ thường được ngăn dọc nhà, trước đây thì theo hàng cột cái (loại nhà một vì có ba cột: một cột cái và hai cột quân); ngày nay, thì theo hàng cột quân ở phía đặt cầu thang vì hiện nay, hầu hết nhà người Lự làm nhà một vì,  4 cột: 2 cột quân và 2 cột cái.

Gian ngủ của vợ chồng chủ nhà đồng thời là gian hoóng. Người Lự có câu: “Pẫu hoóng cang, lang hoóng hấu” Nghĩa là, con dâu thì được nằm sát với bố mẹ, mà con gái (chưa chồng) chỉ được ở sát cầu thang thôi.

Tiếp theo đến gian ngủ của vợ chồng con trai cả. Nếu bố (mẹ) vợ ông chủ nhà ở cùng thì sẽ ở gian này. Mặc dù là người cao tuổi nhất trong nhà cũng không nằm cạnh hoóng. Tiếp theo là gian ngủ của vợ chồng các con trai. Cuối cùng, giáp cầu thang là gian ngủ của những người con chưa lập gia đình.

Nơi tiếp khách:

Trước đây, khách của ông bà chủ, khách của những cặp vợ chồng trong gia đình đến nhà thường được mời ngồi ở ghế mây quanh “tau phảy nơ” (bếp lửa trên). Bếp lửa này thường đặt thẳng cửa gian hoóng. Ngày nay, phần lớn nhà người Lự không còn bếp này nữa. Vị trí ấy bây giờ là một bộ bàn ghế. Còn bạn bè của những người con chưa lập gia đình, con rể (trong thời gian ở rể) thì chỉ được ngồi ở tau phạy hệt kin (bếp làm đồ ăn).

Chỗ ngủ của khách: trước đây, khi nhà có khách ngủ lại thì trải đệm ở cạnh cửa sổ đối diện với phòng ngủ của hai ông bà chủ. Khác với người Thái, khách có thể ngủ ở gian ngủ của các con chưa lập gia đình. Khách nam thì ngủ ở phòng của các con trai, khách nữ thì ngủ ở phòng của các con gái. Hoặc có thể trải đệm cho khách ngủ ở ngoài. Nhưng với người Lự thì người ngoài, kể cả họ hàng không bao giờ được phép bước chân vào bất kỳ một gian ngủ nào của gia đình. Nếu vi phạm sẽ bị phạt làm lý rất nặng. Nếu bị phạt thì phải mua một cho lợn nhỏ chừng 5 – 7 kg, một đôi gà, hai chai rượu để làm lý.

Nơi làm nghề thủ công:

Nghề thủ công của người Lự chủ yếu là nghề đan lát và dệt. Vị trí để đặt khung cửi thường là ở gầm sàn. Hoặc ở trên hiên nhà. Mỗi nhà người Lự thường có từ 2 đến 4 khung cửi, tuỳ theo số phụ nữ ở trong nhà. Chàn (sàn phơi) thường được nối tiếp từ hiên phía đối diện cầu thang lên. Chàn để phơi thóc, ngôi, sắn lát… Đây cũng là nơi để đàn ông ngồi đan chài, lưới, đồ dùng gia đình. Đàn bà ngồi quay sợi, thêu đan.

Điều kiêng kị trong nhà của người Lự:

Việc người ngoài, kể cả con rể trong thời gian ở rể trong nhà và các con  đã ra ở riêng không được bước chân vào hoặc vạch ri đô nhìn vào một gian ngủ nào của các thành viên trong gia đình là một điều cấm kị. Người Lự giải thích cho tục này là: Trong các gian ngủ là nơi để của cải quí trong gia đình, là nơi sinh hoạt tình cảm thiêng liêng, kín đáo của các thành viên trong gia đình. Cũng có những ý kiến cho rằng trong quá trình tồn tại và phát triển của mình trong suốt thời kỳ phong kiến, người Lự luôn bị các dân tộc đông người chèn ép, đe doạ. Vì vậy, để bảo tồn số lượng ít ỏi của mình, để tránh sự ám hại của kẻ xấu, bằng bùa ngải ném vào gian hoóng, gian ngủ, nên người Lự mới có điều cấm kỵ như vậy.

Chiêu Huy


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.