Măng đắng cuối mùa

Tôi ghé vào một hàng măng đắng ven đường. Những chiếc măng cuối vụ gầy gò và mệt mỏi được xếp gọn gàng trên mảnh bao tải cũ. Nhìn vỏ măng đã chuyển màu xanh thẫm, những chiếc tai măng dỏng lên nhọn hoắt thì biết cái vị đắng của măng đã đủ để người thưởng thức chúng rùng mình, ái ngại và đắn đo. Nhưng rồi tôi vẫn chọn mua vài chiếc. Cái vị đắng đến vặn xoắn cả cảm xúc và vị giác như một thử thách mạo hiểm hóa ra lại là sự thú vị vừa khó nhớ lại vừa khó quên. Khiến người mua khi cầm trên tay cái măng vừa muốn buông lại vừa muốn nhặt.

Hình như măng đắng rất kị hoặc cũng có thể là rất hợp với âm thanh. Tiếng sấm đầu mùa gọi thức trong măng vị đắng, tiếng ve đầu hè nhắc nhở sự kết thúc vị đắng, kết thúc thân phận măng đắng để vụt lớn lên thành cây tre.

Măng đắng có sớm nhất trong các loại măng. Vào khoảng cuối tháng mười một, khi ngọn đồi còn vàng úa già nua, vài mảnh nương còn đỏ quạch khô cằn, buổi sáng trong bản đã í ới tiếng người gọi nhau đi đào măng đắng. Ở những ngọn núi cao quanh năm có sương trắng là nơi cây tre măng đắng mọc. Những dải sương đặc quánh buổi sớm, màn sương mỏng manh cuối chiều luôn giữ mát cho rừng và nuôi lớn những mầm măng. Tre măng đắng cũng khác với những loài tre khác. Chúng không mọc thành bụi mà sống riêng lẻ, có lẽ vì thế mà những thân tre luôn thẳng tắp vươn cao trước gió bão. Cái măng khi mọc cũng không gần mẹ cây mà vươn đi thật xa. Đào một củ măng, người ta không thể biết cái măng ấy mọc ra từ cây tre nào.

Lúc này những chiếc măng còn ngủ sâu trong lòng đất. Khi thấy dưới nách lá, đầu những cành con nhú nhí mọc lên những búp non tím sẫm bóng nhẫy thì gọi nhau đi tìm măng. Cái búp cây non báo hiệu măng trên rừng đã mọc. Năm nào búp trên cây ra nhiều thì năm đó thì mưa sẽ thuận và măng sẽ ngon hơn. Muốn lấy được măng tận dưới lòng đất sâu thì phải tìm bằng kinh nghiệm. Bới hết lớp lá khô quanh gốc tre, thấy chỗ nào đất có vết nứt nhằng nhịt như rễ cây và bị đẩy lên khum khum căng nhức là chỗ ấy có măng. Hoặc dùng chân dậm mạnh xuống đất, nghe bình bịch thì đào. Có người nắm lấy thân tre mẹ rung mạnh rồi áp tai xuống đất nghe ngóng tìm hướng măng mọc. Cái măng đầu tiên phải thưởng thức ngay. Lúc này, măng chưa mọc khỏi mặt đất nên rất ngọt. Bóc hết lớp vỏ tím nhạt, củ măng trắng nõn. Lấy gói muối ớt nướng đem sẵn từ nhà đặt ngay xuống lớp lá khô để chấm. Măng giòn rồm rộp. Có lẽ chỉ măng đắng người ta mới ăn sống, vì chúng không có vị he gắt và cay nồng như các loại măng khác.

Cũng có khi người ta tìm măng theo vết đào của con dúi. Măng là món ưa thích nhất của dúi. Dúi chỉ ngửi qua là biết chỗ nào có măng đang ngủ. Nhưng măng ở sâu mà con dúi thì nhỏ. Nó hì hục đào từ tối đến sáng mà còn chưa thấy cái măng. Sáng ra thì người cũng lên rừng tìm măng. Nghe tiếng bước chân, dúi trốn vội vào hang. Người chỉ việc tìm những hố chúng bới dở, đào thêm mấy nhát thuổng là đã có cái măng cho vào túi. Người biết nghĩ thì để lại cho dúi một mẩu măng, người tham thì lấy cả. Tội nghiệp chú dúi đói meo ngồi trong hang nhìn ra tiếc nuối. Đợi người đi mới chạy ra gặm chút gốc măng còn sót lại. Nằm đói khát đợi đến đêm mò ra, hì hục bới đào. Dù biết chưa chắc đã được ăn, nhưng vẫn phải cố đào vì chút hi vọng mong manh và vì cái bụng đang cồn cào đói.

Sau tết, khi trận mưa mới đem theo tiếng sấm đầu mùa ùng ùng chạy dọc trên mái nhà, chạy ngang ngoài ruộng mạ thì những chiếc măng đắng trong rừng vươn mình đội đất chui lên. Tiếng sấm gọi măng dậy. Tiếng sấm truyền cho măng cái hồn, cái tính, cái đắng. Măng ùn ùn vươn lớn. Những tai măng như những chiếc tai dúi dỏng lên mà nghe sấm, đón mưa.

Rồi thì cái vị ngọt của măng sẽ chuyển dần sang vị đắng. Lúc đầu còn nhằng nhặng, sau rồi đắng giòn, đắng dai. Bữa cơm tối chỉ đĩa măng luộc bổ bốn, vài cái măng nướng bổ đôi. Chấm miếng măng vào bát chẩm chéo, rồm rộp nhai. Vị đắng đến ù tai, đến xoắn lưỡi, thế mà thấy ngon, thấy thích, thấy nhớ. Thấy thèm đến cồn cào khi một mùa măng nào đó phải xa núi, xa nhà.

Cũng có người không ưa vị đắng gắt, nhưng lại vẫn thèm cảm giác giòn rụm, ngọt lử của cái măng đầu mùa, thì đã có lá phắc mạ non, một loại lá có vị chát nhất trong các loại lá chát. Lúc này, ven bờ suối, cây phắc mạ đã bung ra những chùm lá mơn mởn, bóng nhẫy, tím ngắt.  Hái chùm lá về, cuốn tròn quanh miếng măng, chấm vào bát chẩm chéo, đưa lên miệng, nhòm nhèm nhai. Thấy vị đắng chỉ còn mỏng như vệt sương chiều, vị ngọt giòn đậm đà như măng đầu vụ xen lẫn vị bùi của lá chát, vị cay xé của quả ớt rừng, vị thơm tê lưỡi của quả mắc khén, vị mặn mòi của muối. Ăn miếng măng trong bữa cơm chiều ấm áp mà thấy đủ cả những ngọt bùi đắng cay.

Cây phắc mạ chỉ mọc ven suối, măng đắng ưa sống ở núi cao. Ai đã nhận ra mối lương duyên của chúng? Cũng không biết nữa. Những kinh nghiệm quý thì đời trước bảo cho đời sau, đời sau truyền cho đời sau… cứ thế.

Những ngày cuối năm, sớm đầu xuân mới, trong lễ cúng bản. người già vẫn bảo: Ông bà ngày xưa mất nhiều công sức, có khi cả tính mạng mới tìm được những củ quả có thể ăn, những lá, những cây có thể chữa bệnh. Rừng rộng mênh mông, còn nhiều bí ẩn. Mỗi khi vào rừng, đừng chỉ dựa vào kinh nghiệm có sẵn, mà phải biết tìm cho mình những kinh nghiệm quý, mà kể vào tai cho hàng xóm, để nói lại cho cháu, cho con. Chỉ một câu nói ấy, từ năm này sang năm khác. Những người già trước nói đi, những người già sau dạy lại, mà không bao giờ cũ.

Sáng nay tôi đi qua con suối, chợt đứng ngẩn ngơ trước cây phắc mạ. Từng chùm lá non bóng mượt tím ngắt đã chuyển sang màu xanh biếc từ bao giờ. Ngơ ngác ở đầu cành, thẹn thùng dưới nách lá, nhu nhú từng chùm nụ vàng tươi như những giọt mật ong ruồi uống nắng. Ẩn trong vòm lá mướt, lác đác đã có vài tiếng ve sớm gọi hè. Chỉ vài ngày nữa thôi là những giọt mật vàng sẽ nở bung thành hàng trăm bông hoa rực rỡ.

Khi ấy mùa măng đắng cũng qua…

KIỀU DUY KHÁNH

 

 

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.