Cơn mưa chiều bất chợt dội xuống khi nắng vẫn còn vàng óng ả trải vàng trên mặt sông Nậm Na nhấp nhô mỏm đá. Tôi ngồi trên chiếc xuồng, dưới sự điều khiển của Nhất. Nhất khiến tôi gợi nhớ đến người lái đò sông Đà thuở nào chinh chiến với con sông hung dữ mà trữ tình một cách điệu nghệ. Thời tiết đẹp như đang chiều lòng người muốn khám phá thượng nguồn dòng Nậm Na – cả một vùng văn hóa và lịch sử gắn liền với dòng sông miền biên viễn.
Mưa đầu mùa như cô gái mới lớn đỏng đảnh mà ham chơi, ào ào đổ sấp cả bầu trời nước trắng xóa xuống mà chẳng cần phải báo trước rồi vội vã đi cùng mây, cùng gió. Có khi trái tính lại kéo ngược về vùng thượng nguồn rong chơi rồi cả tuần sau mới trở lại. Và chỉ sau mươi phút, nước ở các con suối nhỏ cùng ầm ào dồn về, trong phút chốc, cả mặt nước trong xanh, yên bình lại cuộn dòng, nước đỏ ngầu cả khúc sông xa. Cứ thế, dòng Nậm Na hiền hòa mùa xuân trở nên giận dữ khi hè sang, cuốn trôi lá vàng mùa thu và gật gù ngái ngủ lúc đông về để chuẩn bị khoác áo mới cho mùa xuân năm sau.
Đến Lai Châu mà không theo dòng Nậm Na đi đến điểm khởi đầu của con nước thì cũng coi như phí cả một hành trình thú vị. Nậm Na không phải là mẹ của các dòng sông, cũng không hẳn là nhánh sông bé nhỏ lẩn khuất giữa rừng già. Nậm Na cuộn dòng theo chân núi, chân đồi phủ kín những bông lau mà điểm bắt đầu là ở Pa Nậm Cúm, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ rồi đi thẳng hướng Tây Nam theo quốc lộ 12 về xã Lê Lợi của huyện Nậm Nhùn thì hợp dòng với sông Đà tại ngã ba sông theo hình chữ V. Trên hành trình ấy, Nậm Na luôn mở lòng để đón các dòng suối nhỏ từ các núi cao đổ về, trong đó có dòng Nậm So gắn liền với điệu xòe Thái, với lễ hội Then Kin Pang, lễ hội Nàng Han ở khu vực Phong Thổ. Đến ngã ba sông huyền sử lại lưu luyến với cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, bí ẩn. Nơi đây còn lưu giữ bút tích của vua Lê Lợi dẹp loạn Đèo Cát Hãn ở thế kỉ XV hay phế tích của dinh thự vua Thái một thuở khiến ai một lần đến cũng ngơ ngẩn trước vẻ hoang sơ mà trữ tình.
Chúng tôi ngược dòng Nậm Na từ ngã ba sông trên chiếc xuồng máy nổ ành ạch giữa không gian mênh mông rừng núi. Nhất kéo chiếc bạt dù quân đội kín khung vòm làm mái che một góc trên xuồng khi nắng chiều hắt vào tôi. Rồi lật mớ quần áo chài lưới ẩm ướt chưa kịp phơi, lôi ra chai rượu ngô trong vắt như thủy tinh mời tôi: “Uống một chén đi chị, thế mới thấu cảm giác ngược dòng”.
Tôi lên Lai Châu hơn mười năm nhưng mãi khi thủy điện Lai Châu khánh thành tôi mới có dịp đi thuyền trên sông nước ở vùng nước ngập từ Nậm Tăm đến Nậm Mạ nên chuyến đi này, tôi đã chuẩn bị cả tháng và rất tò mò, cơ hồ như là đi tìm lại kí ức tươi đẹp của tuổi thanh xuân mà mình bỏ quên đâu đó trên đường đời. Tôi ngửa cổ, uống một hơi hết cả ly rượu khiến Nhất tròn xoe mắt. Tôi hiểu ánh mắt ngạc nhiên ấy nhưng cuộc sống ở vùng cao dạy cho tôi biết nhiều thứ, nhất là khi được sống cùng với đồng bào người Thái ở Lai Châu. Từ món nậm pịa thấy hơi sợ khi nghe giới thiệu nguyên liệu đến vị cay xé lưỡi của ớt rừng trong từng món ăn hay hớp rượu ngô nồng nàn, tôi đều mạnh dạn thưởng thức để rồi thích những thức ăn của rừng, của núi tự bao giờ. Gió từ mặt sông phả ngược lên mái dù cùng với tiếng máy nổ ành ạch rất đau đầu và khó chịu. Vì thế, khi xuồng chạy vào khúc sông bị kẹp giữa hai dãy núi cao, gió như bị hút xuống, kéo theo âm thanh nhức óc xuống lòng sông mất một quãng rồi lại dập dềnh theo con sóng đập vào ghềnh đá ở đoạn sông mình đã đi qua, khi ấy cả gió, cả tiếng máy mới bị sóng hất lên không trung hòa vào không gian tĩnh lặng của rừng già.
Nhất dừng xuồng cạnh một bãi cát hẹp rồi chỉ cho tôi những điểm có thể nhìn bao quát dòng Nậm Na uốn khúc như suối tóc mượt mà của cô gái Thái. Nhất tranh thủ quăng câu trong khi chờ mấy anh bộ đội biên phòng mà tôi đã hẹn từ trước. Nhất ngồi trên mỏm đá nhìn mơ màng về phía bờ bên kia như chờ đợi điều gì đó… “Vùng này, nổi tiếng là điệu xòe phải không Nhất?”. Nhất vừa giật câu, vừa trả lời tôi như nói với dòng sông: “Xòe Thái, mê hồn và bí hiểm như lòng sông này, chị ạ”.
Nghe kể thì điệu xòe Thái nguyên thủy chính là điệu múa giao lưu của trai bản gái mường. Họ cùng nắm tay nhau thành vòng tròn, nhảy theo nhịp đàn, nhịp trống chiêng. Tương truyền, vua Đèo Văn Ân rất mê các điệu xòe nên mười hai người vợ đều rất xinh đẹp và múa xòe rất giỏi. Thời vua Đèo Văn Ân cai trị, khắp các bờ bãi dọc sông Nậm Na đều có các cuộc xòe vui bất tận. Cho nên, dù theo giặc Pháp nhưng Ân không đối xử tệ bạc với người dân vùng này. Các cô gái Thái mặc áo cóm, các chàng trai mường đi thuyền đuôi én đến bắt chuyện làm quen rồi cùng nhau uống rượu ngô, chơi đàn tính tẩu, kéo nhị, gõ chiêng, gõ trống rộn vang khắp bản làng để điệu xòe kéo dài thâu đêm suốt sáng, mộng mị, miên man…
Sau này, khi đất nước thống nhất, người Thái ở Phong Thổ vẫn giữ được bản sắc của các điệu xòe và tổ chức thường xuyên trong Lễ hội Then Kin Pang, Lễ hội Nàng Han. Ở phía bên kia bờ, cũng có một cô gái đắm say điệu xòe mà tìm cách vượt sông, làm bạn với các chàng trai cô gái bên này. Nhưng nào ngờ, trong những đêm xòe mộng mị, cô gái ấy lại bị mê hoặc bởi tiếng đàn tính tẩu của Lý Nơi. Dưới ánh lửa bập bùng, khi cuộc xoè đã tan cũng là lúc Lý Nơi rung động trước vẻ đẹp của cô thôn nữ miền sơn cước. Họ yêu nhau và thề non hẹn biển nhưng chẳng có cách nào để bước qua đường biên một cách đoàng hoàng như những cặp trai gái yêu nhau khác. Thậm chí, sự có mặt của Nhất cũng không xóa bỏ được định kiến khiến Lý Nơi phải trả vợ về phía bên kia dòng sông… “Và cũng từ ấy, em không được gặp mẹ nữa”. Nhất vẫn nhìn đầy hi vọng về phía bên kia bờ nói với tôi. Đã hơn chục năm, Nhất lênh đênh trên dòng sông này vừa để làm tròn tâm nguyện của người cha quá cố cũng vừa muốn gặp lại mẹ. Trong kí ức của Nhất, mẹ là người phụ nữ tảo tần và cam chịu. Dù ai mắng hay xa lánh, mẹ đều cúi đầu chịu đựng, chưa một lần đáp lại lời người đời. Mẹ chỉ nói chuyện khi cả nhà đến bãi cát này trong những đêm trăng lên. Bố Lý Nơi chơi đàn tính tẩu, mẹ nhẹ nhàng cầm tay Nhất múa điệu xòe Thái dưới trăng khuya… Tôi sẽ đợi một dịp khác để hiểu thêm câu chuyện gia đình của Nhất bởi tôi hiểu khoảng lặng trong lòng Nhất lúc này. Đó là nỗi khao khát tình mẹ mà chẳng gì có thể lấp đầy được.
Màn đêm buông xuống, tôi cùng với các anh bộ đội biên phòng đốt lửa nướng cá dầu, cá suối. Dù không phải là đêm xòe Thái miên man như trong lễ hội. Không có cô gái Thái mặc áo cóm thướt tha, chẳng có chàng trai mường đi thuyền đuôi én hát lời giao duyên. Nhưng những điều tôi được thưởng thức từ món ăn, không gian, cảnh vật hay cách các anh tạo ra không khí tươi vui, ấm cúng khiến tôi được sống lại một không gian văn hóa bên dòng Nậm Na thuở nào.
CHÂM VÕ