KỸ THUẬT TẠO HOA VĂN TRÊN VẢI CỦA NGƯỜI MÔNG

Người Mông có câu: “Gái đẹp không biết làm lanh cũng xấu. Trai khoẻ không biết cày nương cũng hèn”. Vì thế, con gái Mông từ nhỏ đã được mẹ, được chị dạy bảo cách làm lanh, may vá, thêu thùa để lớn lên còn đi làm dâu.

  1. Từ kỹ thuật trồng lanh dệt vải

Vải của người Mông được dệt từ vỏ cây lanh, tiếng Mông gọi là chaoz mangx hay áma. Lanh được trồng ở những chỗ thoáng đãng, màu mỡ, bằng phẳng, ít đá. Hạt lanh được gieo vãi khá dày để cây không đẻ nhánh và không bị đổ khi có gió lớn. Quanh nương, lanh được gieo thưa cho cây phát triển to khoẻ lấy hạt làm giống cho vụ sau. Một vụ lanh kéo dài từ tháng hai, tháng ba âm lịch cho đến tháng năm, tháng sáu.

Lanh sau khi thu hoạch được phơi khoảng ba nắng, hai sương là có thể tước được. Theo kinh nghiệm, tước lanh phải tước đều tay. Lanh sau khi phơi sẽ được tước ngay và phải giã cho mềm rồi mới nối. Phụ nữ Mông dù đi đâu, làm gì, miễn đôi tay được “rảnh” là lại thoăn thoắt nối sợi.

Khung dệt của người Mông đơn giản. Ngoài cái thoi, cái go, lược chia sợi thì chỉ còn vài thanh gỗ, thanh tre và một ít dây buộc. Chiếc khung dệt chỉ có hai chân nên người ta phải buộc gắn nó vào vách nhà. Người dệt ngồi trên ghế, buộc đai nối với trục cuốn vải vào lưng để làm căng sợi dọc và trở thành một bộ phận của khung dệt. Khi dệt, người dệt dùng chân điều khiển dây nối với bộ nâng sợi, khi kéo dây về phía sau cần tách sợi sẽ tách hai luồng sợi làm đôi tạo một khoảng trống để đưa thoi vào bằng tay thuận, tay kia dập go cho các sợi ngang khít lại với nhau…

Vải dệt xong được nhuộm chàm. Theo kinh nghiệm của người Mông, chàm được ngâm cả thân và lá trong nước vài ngày cho tan hết thì vớt bã ra rồi cho vôi và nước lọc tro bếp vào, quấy đều, để lắng. Khi vôi quện với chàm lắng xuống đáy thùng thì chắt nước đi, dùng vải dày lọc cho kiệt rồi phơi trong bóng râm khoảng 10 ngày cho khô là được cao chàm. Cao chàm làm năm nào chỉ dùng năm đó, nếu để năm sau sẽ bị lên men chua, không nhuộm được nữa.

  1. Đến các kỹ thuật tạo hoa văn

Kỹ thuật thêu của người Mông cũng là thêu đột, thêu luồn và thêu vắt chỉ nhưng nét độc đáo ở chỗ họ thêu hoa văn không cần mẫu. Phụ nữ Mông có cái nhìn khái quát, giàu óc tưởng tượng, hoàn toàn dựa vào trí nhớ để thêu hoa văn. Vì thế, trước khi thêu, họ phải tính toán tỉ mỉ, đếm từng sợi chỉ, nhớ từng kích thước hoạ tiết trang trí để có được hoa văn ưng ý. Đặc biệt, các hình thêu của người Mông được thực hiện ở mặt trái của vải nhưng sản phẩm lại nổi lên ở mặt phải, chỉ cần một sơ suất nhỏ, nhầm một mũi kim, tính sai một sợi vải là đã khiến cho mũi thêu bị sai lệch.

– Kỹ thuật ghép vải tạo thành các đường nét hoa văn bởi các băng dải, các khoang vải màu khác nhau ở cổ áo, ống tay, nẹp ngực, khoang dài gấu váy và cả vuông vải che váy. Các đường nét hoa văn nhỏ, phức tạp ở yếm, cổ tay áo cũng đều được tạo bởi kỹ thuật ghép vải. Vải ghép thường có gam màu nóng làm riềm nhỏ bao bọc cho các hoạ tiết hoặc tự tạo thành một mô típ hoa văn riêng biệt.

– Khó nhất trong kỹ thuật tạo hoa văn trên vải của người Mông là kỹ thuật in hoa văn bằng sáp ong. Sáp ong được đun cho nóng chảy rồi dùng bút để vẽ. Bút vẽ có nhiều loại, có loại vẽ các đường thẳng to, có loại vẽ các đường thẳng nhỏ, có loại vẽ hai đường thẳng song song, lại có loại chuyên vẽ các hình chấm, loại vẽ hình tròn, loại vẽ hình soáy ốc. Nghệ nhân chấm bút vào chảo sáp ong nóng chảy cho sáp ong tràn vào buồng chứa ở ngòi. Khi nhấc bút lên phải cầm ở tư thế cho cạnh lưỡi nằm song song với mặt đất cho sáp không chảy ra. Khi vẽ thì phải nghiêng dần ngòi bút tỷ lệ thuận với lượng sáp ong đã chảy ra khỏi buồng chứa cho đến khi sáp chảy hết mới chấm tiếp. Nhưng để có sản phẩm hoa văn in sáp ong thì hôm sau nghệ nhân còn phải nhuộm chàm cho sản phẩm. Độc đáo chính là ở chỗ này. Những nét vẽ bằng sáp ong có tác dụng ngăn không cho màu chàm ăn vào vải để sau khi nhuộm xong, vải được đem ngâm trong nước nóng làm cho sáp ong chảy ra mới để lộ ra những hoạ tiết hoa văn theo ý đồ tạo tác.

Ngoài ra, trong các kỹ thuật tạo hoa văn trên vải của người Mông còn phải kể đến biện pháp kỹ thuật ghép các hạt cườm, những đồng bạc trắng hay đồng xu… mang đầy tính biểu tượng. Các phương pháp tạo hoa văn trên nền vải được khéo léo kết hợp với nhau khiến cho mô típ hoa văn tuy không nhiều nhưng khi được kết hợp với nhau sẽ sinh ra nhiều mô típ khác, vừa tạo cảm giác hoa văn luôn biến đổi liên tục vừa góp phần tạo hiệu quả về màu sắc. Trong đó, màu xanh lơ nhạt của vải in sáp ong trở thành màu trung gian, dung hoà với các màu đậm của vải ghép, của chỉ thêu khiến cho màu sắc, đường nét cũng như mô típ của hoa văn có sự chuyển động phong phú, nhịp nhàng.

Trong bối cảnh các sản phẩm công nghiệp sản xuất theo dây truyền tràn ngập thị trường hiện nay thì những kỹ thuật tạo hoa văn trên vải đầy khéo léo và sáng tạo của người Mông không chỉ là một bảo tàng sống về lịch sử phát triển trong một khía cạnh của mỹ thuật, của kỹ thuật… mà còn là sự tiếp nối không ngừng dòng chảy đời sống vật chất và tinh thần phong phú của người Mông.

BÙI   KHÁNH


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.