Khi mùa xuân đến, trai gái người Giáy trong bản muốn đi chơi, đi thăm anh em, bạn bè hoăc đi đám cưới ở bản khác mà không biết hát, thường rất lo lắng vì ngại, bị mang tiếng là người không biết hát dân ca dân tộc mình. Bởi thế, từ lâu hát dân ca có vai trò rất lớn trong đời sống sinh hoạt của người Giáy Lai Châu.
Trong kho tàng văn hoá dân gian các dân tộc thiểu số, dân ca dân tộc Giáy
có tới hàng ngàn bài hát khác nhau. Dân ca Giáy chia thành nhiều loại bài hát như: Bài hát truyền thống, hát có đầu có cuối, hát ví… Cũng có loại bài hát, hát theo ngẫu hứng, trong các loại bài hát đó, có loại hát trong lễ hội, có loại hát trong bữa tiệc, hát bên mâm rượu… Hát có tổ chức là hát có trình tự như: Hát chào khách, hát mời điếu, hát ca ngợi nhà cao cửa rộng. Những bài hát chính, người Giáy gọi là “vươn chìn tiều”, thể loại này không thể thiếu được trong các cuộc hát ban đêm còn gọi là“vươn chang hầm”. Những bài dân ca xưa thường là hát ví (vừa ví vừa hát). Sau hòa bình lại có nhiều sáng tác mới phù hợp với từng đối tượng và hoàn cảnh thực tế. Một số bài hát chính tiêu biểu như: Hát cây “vươn mấy”, hát nước rơi thác “vươn tốc tặt”, hát trăng sáng “vươn ròng đươn”, hát vế chim “vươn rọc”, hát nước ra mỏ “vươn ọc bò”, hát về sao “vươn đao đì”, hát nửa đêm “vươn poòng hứn” hát sương mù “vươn lấp mọc”, hát hai ta “vươn tsoong rấu”, át về tình xưa “vươn dú cầu”, hát về tình nay “vươn dú mò”, hát gà gáy “vươn caỳ hăn”, hát trời sáng “vươn bưn ròng”, hát rửa mặt “vươn tsười ná”, hát chia tay “vươn tống poạc”…
Mỗi loại bài hát chính, người hát phải hát từ 12 loại bài trở lên mới được công nhận là người hát giỏi. Hát tùy hứng khi đã hát qua các bài hát chính có tính chất bắt buộc đối của một cuộc hát có trình tự. Ngoài các cuộc hát ban đêm “Vươn chang hầm”. Còn khi các bạn trai gái gặp nhau giữa đường, giữa chợ phiên, xuống đồng, hát ống thì hát theo tùy hứng do hai bên trai gái dẫn dắt, giao duyên; hát đối đáp, thì chọn loại bài nào có tính gợi duyên mà mình thuộc lòng và ưa thích. Còn hát ở các lễ hội hay hát bên mâm rượu, hát hỏi thăm nhau, hát trao dâu, hát đạo lý, hát khuyên răn… Thường là người già hoặc người có tuổi trung niên trở lên mới hay hát loại bài hát này.
Các cuộc hát ban đêm“vươn chang hầm” là những cuộc truyền thống của dân tộc Giáy. Hát ban đêm thường diễn ra, khi có bạn trai hoặc bạn gái ở bản khác đến chơi, nhất là mùa xuân, thì bạn trai hoăc bạn gái ở bản sở tại đến tổ chức hát với các bạn trai hoặc gái đến chơi tại bản mình, thì bên chủ động đến hát phải hát các bài hát mở cửa “vươn hai tu”. Mở đầu cho hát:
Vươn hai tu Dịch nghĩa. Hát mở của
Hai tu ẹt tu áo Mở cửa kéo mở cửa
Hai tu láo tu sính Mở cửa chính cửa to
Hai tu sính tsì sì Mở cửa cả bốn bên
Hấư chì hấu pây đâư Cho xin bước vào nhà
Hấư rá tóng tsao hạch Xin đươc chào quý khách.
Tiếp đó hát hổi “vươn xam”, rồi hát bài chào khách “vương tóng” rồi mới đến hát mời. Mời khách nhận điếu, nhận hương “tè cọc”. Sau khi khách nhận điếu, nhận hương, nếu khách không hát đáp lại, thì lại hát tiếp mời khách đáp lại. Nếu khách dùng dằng không chịu nhận điếu, nhận hương, không chịu hát đáp lại thì bên chủ vẫn phải kiên trì hát, mời đi, mời lại rất nhiều lần. Nếu gặp phải khách mà không hát từ chối nhận điếu, nhận hương “vươn chèo cọc”, thì bên chủ phải đối lại được, bên khách mới chịu ra nhận điếu, nhận hương từ tay bên chủ. Ngược lại nếu gặp phải loại khách không biết hát mà bên chủ đã hát mời, mời chán, mời chê rồi mà khách vẫn không chịu nhúc nhích, vẫn im hơi lặng tiếng thì bên chủ đành phải cầm nắm hương đã đốt sẵn trong tay vào buồng châm vào chân, vào tay của khách. Bó hương nhiều hay ít còn tuỳ thuộc vào số người của đoàn khách đến chơi, mỗi người khách thắp ba nến hương. Khi gia chủ chưa hài lòng thường sẽ hát những bài hát trách móc khách, bài hát có đoạn:
Không biết thì đừng đến
Đến gốc mây quay về
Không biết thì đừng xuống
Đến gốc thông quay về…
Này khách ơi này khách
Vầng trán để làm thớt
Đỉnh đầu dành thái rau…
Trai gái người Giáy đến tuổi hẹn hò mà chưa biết hát dân ca thì không dám ra khỏi bản, vì không tự tin giao tiếp với bên ngoài. Vậy nên nhà nào có tổ chức cuộc hát chủ nhà rất lo lắng, họ thường động viên bên khách, để khách ra nhận điếu, nhận hương, rồi khách hát đáp lại thì cả nhà mới vui, mới phấn khởi. Để đáp lại thị tình của phường hát, chủ nhà thết đãi một bữa ăn khuya gọi là“cưn seo dè”, khi ấy cả khách lẫn chủ cùng ngồi vào mâm tiệc, khi hứng lên, vừa ăn, vừa hát hát đối đáp nhau để cho đêm hát được liên tục. Và đã có trường hợp người Giáy ra ngoài không biết hát, không biết đối đáp làm giảm đi truyền thống của bản, nên nhiều người quyết tâm về nhà học hát cho bằng được và thành trở thành người hát giỏi để mùa xuân năm sau sẽ ra hát đối… Chính vì lẽ đó, người Giáy lớn lên ai cũng biết hát nhiều hay ít các làn điều dân ca dân tộc mình.
Hàng năm cứ đến dịp tháng Giêng, trai gái các bản lại rậm rịch tổ chức hát vào ban đêm. Có khi thèm hát quá mà cố tình đi chơi để được hát, hoặc rủ nhau đi chợ để có dịp gặp trai gái bản bên, họ gặp và hát giao duyên ngay tại chợ. Thậm chí, đi làm đồng gặp nhau họ hát bằng tiếng sáo và thổi sáo “ca rứt” là tiếng báo hiệu rủ bạn hát. Đặc biệt, trong những đám hát đối, có khi cả bản cũng kéo đến nghe, có người lúc đầu đến chỉ nghe, nhưng sau đó do tiếng hát lôi cuốn và mọi người cũng tham gia vào hát. Nếu bên đối mà bị thua hoặc có nguy cơ bị thua thì lại đi tìm người hát giỏi hơn đến ứng cứu, để cuộc hát lại được tiếp tục. Những cuộc hát đối đáp như thế thường là có sức hấp dẫn kỳ lạ, chả thế mà xưa có những cuộc hát đối đáp kéo dài cả ngày lẫn đêm, có khi còn kéo dài hai, ba ngày, thậm chí hát cả tuần mà vẫn chưa dứt. Thế nên hát dân ca của người Giáy thật là:
Lời hát muốn hết lại không hết
Bài hát muốn cạn lại không cạn.
Xuân Chiến