Người Mảng có hai loại nhà ở: Nhà truyền thống và nhà hiện đại. Để phân biệt nhà truyền thống và nhà hiện đại ngày nay chỉ căn cứ vào đặc điểm là cột chôn và cột kê. Nhà truyền thống chỉ chôn cột xuống đất, còn nhà hiện đại thì không chôn hoặc dùng đá để kê chân cột.
Tuy nhiên, so sánh cấu trúc giữa nhà ở truyền thống ngày xưa và nhà ở hiện nay thì đã có sự thay đổi. Sự thay đổi ấy để phù hợp với điều kiện sống, sinh hoạt, nhưng vẫn giữ được những nét chủ đạo về cấu trấu và cách bố trí truyền thống của một ngôi nhà dân tộc Mảng.
Tùy từng vùng khác nhau mà người Mảng kiêng hoặc không kiêng chọn ngày lên rừng lấy vật liệu để làm nhà. người Mảng ở các bản thuộc xã Nậm Ban thì khi đi lấy vật liệu dựng nhà cũng phải xem ngày tốt. Họ kiêng những ngày xấu như ngày con hổ, con trâu, con ngựa và ngày mà trong gia đình có người chết. Ngoài ra, các ngày còn lại thì tuỳ vào chủ nhà chọn để đi lấy vật liệu. Vật liệu đi lấy ở rừng gồm cây để làm cột, kèo, xà; tre để làm sàn và thưng quanh nhà; gianh để kết thành tấm lợp mái. Khi đốn ngã cây to thì theo lý của người Mảng phải lấy một hòn đá nhỏ bỏ lên gốc và nói:
– Tín tủ đà o bơ, ù o ló mè, tô dê ó mề, no mì chô, tuất mị. (Tôi chặt rồi, tôi đưa cho hòn đá, sau này không được ảnh hưởng đến tôi)
Ngày xưa, người dân chỉ lấy dụng cụ như dao (pia), rìu (bà nổng) để chặt cây. Gỗ làm nhà gồm đa dạng các loại, không yêu cầu, kiêng kị đặc thù một loại gỗ nào. Vì vậy mà nhà truyền thống ngày xưa của người Mảng từ cột, kèo, xà và vật liệu để dựng khác rất thô sơ, không được bào nhẵn và đục đẽo mà giữa các chỗ nối chỉ buộc bằng lạt giang, dây rừng (dua dỉ), dây mây (dua nỉ). Nếu cây to như cột và kèo thường buộc bằng dây rừng và dây mây; chỗ nối giữa các cây nhỏ thì buộc bằng lạt giang. Sau khi chuẩn bị vật liệu xong thì tiến hành chọn đất để dựng nhà, không cần để vật liệu khô mới làm.
Trước khi làm phải xem hướng, người Mảng chọn chiều dọc của nhà là hướng chính, đó cũng là hướng để chọn làm cửa chính của nhà. Cửa chính cửa nhà phải làm về hướng đông. Vì người Mảng quan niệm rằng cửa chính là con trai, cửa phụ là con gái. Hướng Đông khi mặt trời mọc thì ra hiên để sưởi ấm, và lên nương, còn con gái ở cửa phụ gần bếp để nhóm lửa nấu cơm. Chọn được hướng của cửa chính rồi thì đặt cột từ cửa chính trở đi.
* Quy trình dựng nhà.
– Nền nhà (tý nhoả): Các vật liệu chuẩn bị xong thì chọn đất, kè đá làm móng đổ đất vào cho bằng phẳng, có gia đình không kê đá để bồi đất vào mà san đất cho bằng phẳng. Tuy nhiên, vẫn có nhà không san bằng đất mà tính chiều dốc để làm cột, phía trên của nhà tựa vào sườn núi thì cột sẽ ngắn hơn, làm như thế nào để sàn nhà bằng phẳng không dốc. Tuy nhiên, nếu nhà nào không làm sàn thì buộc phải có đất bằng để làm nền nhà. Khi dựng nhà phải chọn cửa chính và buộc phải dựng từ cửa đó.
Hình: Một bên vày của nhà ở truyền thống
– Cột nhà (gặng nhoá): Khi nên, móng làm xong thì tiến hành đo đặc kích thước cột để dựng. Qua khảo sát thì cột một số nhà cỏ truyền còn lại đến ngày nay thì việc bỏ hay để vỏ cây vậy là tuỳ vào chủ nhà. Mỗi bên xà gồm có 3 cột thường có đường kính khoảng 20 – 25cm (Cột cái: gặng hạ – có hai cột hai bên; cột quân: gặng tría – một cột ở giữa làm trụ nóc và có chiều dài hơn cột cái). Cột chôn sâu thẳng xuống đất. Nếu nhà hai gian thì phải dựng thêm hai cột cái hai bên mái nhà. Cứ thêm một gian là thêm hai cột cái.
– Xà nhà (be nhoả): Khi chôn cột nhà xong thì bắc xà nối giữa các cột dọc nhà và ngang nhà, rồi buộc chắc bằng dây rừng, hoặc dây mây.
– Kèo nhà (xà dúa): Gồm hai cây có đường kính khoảng 10 – 15 cm, nối từ cột cái hai bên lên đỉnh của cột quân, dùng dây mây hoặc dây rừng buộc chắc. Phần dưới của kèo nối với cột cái để dài ra khoảng 50 – 60 cm để lợp mái. Sau đó đặt vày nóc. Dùng một khúc cột dài từ nóc xuống xà ngang của cột giữa để chống vày ở khúc nối gian. Có bao nhiêu gian, bao nhiêu cột nối gian thì có bấy nhiêu cột chống nóc.
Hình: Hai cột nối gian và cột chống nóc.
– Mái nhà (pang nhoả): Sau khu dựng phần khung xong thì tiến hành lợp mái nhà. Mái nhà được lợp bằng những tấm gianh. Người ta lấy gianh về phơi khô và kết lại thành tấm. Khi kết tấm thì gấp khoảng hai phần ba kể từ gốc kẹp vào một thanh tre, hoặc cây nứa nhỏ và dùng lạt giang bện chắc. Tấm gianh kết phải một bên gốc, một bên ngọn, để khi lợp phần bên gốc hướng xuống dưới. Khi lợp vẫn để hở nóc, sau 3 ngày mới được nối các tấm gianh lợp hai bên lại kín nóc. Từ đó, phải kiêng đưa lá xanh, thịt tươi vào nhà, nếu đưa vào thì phải che dấu và mang qua cửa phụ.
– Sàn (dản): Lợp xong mái, thì chọn chiều cao của sàn để bắc xà. Tuỳ chủ nhà muốn làm sàn cao hay thấp thì bắc xà dưới đúng như vậy. Chọn cây có đường kính 15 – 20cm để nối các cột theo chiều ngang của nhà và trải cây gỗ hoặc cây tre lên trên buộc chặt. Dưới xà sàn thì làm thêm các cọc chống đỡ sàn cho vững chắc. Sau đó, dùng các cây tre già đập dập trải ghép lên trên, rồi dùng lạt giang buộc chặt. Nếu làm nền nhà đất thì không làm sàn. Làm sàn thì dù cao hay thấp vẫn phải làm cầu thang. Lý của người Mảng phải làm cầu thang, vì người trần bước lên được, nhưng tổ tiên, con ma nhà không có cầu thang thì sẽ không lên nhà được. Hai bên cửa phải làm sàn rộng ra khoảng 50 – 60cm để đặt cầu thang lên xuống và làm nơi sinh hoạt khác như đan lát, rửa ráy, thái rau… Tuy nhiên, người Mảng ở trong rừng sâu, ngày xưa do có thú dữ nhiều nên dù làm sàn cao, hay thấp nhưng đa số các gia đình đều làm sàn để nhằm mục đích trách thú giữ. Đồng thời cũng để phía dưới sàn làm nơi nuôi gà, lợn, dê…
– Cầu thang (ma đạ): Quan niệm của người Mảng thì dù làm sàn thấp bước lên được, trừ khi làm nhà nền đất thì không làm cầu thang. Còn tất cả nhà sàn đều phải làm cầu thang lên nhà. Cầu thang mấy bậc phụ thuộc vào chiều cao của sàn nhà. Người ta dùng hai cây gỗ có đường kính khoảng 14 – 16cm rồi đẽo các nấc cách nhau khoảng 20cm và lấy các cây có đường kính khoảng 10 – 13cm, chiều dài 60 – 70cm bắc vào, rồi dùng dây rừng, hoặc lạt giang buộc chặt. Một đầu cắm xuống đất, một đầu gác lên thanh xà ngang của sàn và buộc chặt để lúc người lên xuống không bị ngã cầu thang.
– Cửa (lắng): Người Mảng dựng nhà thường làm hai cửa, một cửa chính và một cửa phụ. Nhưng có gia đình do không có điều kiện thì chỉ mở một cửa chính. Cửa được mở phải theo chiều dọc của nhà, tức là hai bên trái nhà. Người mảng cũng chỉ làm cánh cửa bằng tre để đóng khi ngủ và vắng nhà.
* Cách bố trí trong nhà (Trình di chi xa).
Sau khi dựng nhà xong, thì mới làm phòng ngủ và bếp. Cách bố trí trong nhà truyền thống hiện nay còn sót lại rất lộn xộn, nhưng vẫn có quy định rõ ràng, bếp làm ở đâu, phòng ngủ làm như thế nào và phòng nào là của tổ tiên, phòng nào là của bố mẹ, con cháu.
– Bếp (lủi): Bếp được làm bởi 4 cây gỗ, hoặc các thanh gỗ ghép lại mỗi bên rộng khoảng 1,2 – 1,5m. Sau đó đổ đất sạch vào và xuống suối lấy 3 hòn đá cuội về kê làm kiềng nấu. Quan niệm của người Mảng bếp phải làm trước gian của chủ nhà. Ngoài ra, trong nhà còn làm một bếp phụ ở góc phải của cửa phụ đi vào, theo như quan sát thì dù nhà có một cửa chính thì bếp cũng được làm ở góc trái cuối nhà, không làm bếp cạnh cửa chính. Ông Tào A Chắng, 85 tuổi, ở bản Nậm Nó 1 cho biết: Ngày xưa, kiêng không cho con dâu lại gần bếp của bố mẹ chồng, vì vậy mỗi cặp vợ chồng đều phải làm một bếp riêng trước phòng mình.
– Chạng bếp (ma đuồng): Phía trên bếp, người ta thường làm một cái chạng dùng để xong nồi, bát đũa, lương thực cần sấy khô và các vật dụng nhẹ khác. Dùng 4 đoạn thân cây tre dài khoảng 1 – 1,2m buộc lại và đan các thanh tre chẻ nhỏ bằng 2 ngón tay thành tấm, rồi buộc vào khung, dùng dây rừng hoặc dây mây buộc treo lên trên xà nhà, cách mặt bếp khoảng 1,5 – 1,8m. Ngoài ra, người Mảng còn bắc chạng trên xà nhà để đồ dùng gia đình như chăn, đệm… và lương thực như: bao thóc, ngô, đồ đan lát chưa dùng đến…
– Buồng ngủ (cò ti): Trong nhà người Mảng thường ngăn và làm mỗi gian mỗi phòng ngủ. Nhà truyền thống thì người ta chỉ lấy một tấm vải, hay phên nứa ngăn kín trước và hai bên hông phòng, chỉ để lại một lối ra vào phòng. Phía dưới chỉ trải đệm hoặc chiếu để nằm ngủ. Quy định của dân tộc Mảng thì trong nhà phải có một buồng dành cho tổ tiên và ma nhà về ở. Buồng của tổ tiên bao giờ cũng là buồng đầu tiên được tính từ cửa chính vào. Tiếp theo là buồng của chủ nhà, rồi đến buồng của con cháu. Buồng bao giờ cũng được làm hướng về bên trái tính từ cửa chính bước vào. Tuy nhiên, do điều kiện gia đình đông người và nhiều cặp vợ chồng nên phải làm sang bên kia nhà và cửa buồng hướng vào nhau. Buồng ngủ bao giờ cũng được che kín đáo, hai bên đều được thưng bởi tre đập dập, còn phía trước dùng tre thưng hoặc tấm ri đô che. Vì đó là nơi sinh hoạt riêng biệt, kín đáo của mỗi cá nhân và mỗi cặp vợ chồng.
– Bàn khách (bàn ét): Ngày xưa không có bàn khách bằng gỗ mà chỉ dùng cây mây hoặc tre nứa để đan thành một cái bàn tròn vừa làm bàn uống nước, vừa làm bàn ăn cơm. Thường bàn uống nước và ăn cơm của gia đình để giữa gian nhà.
Như vậy nhà truyền thống của người Mảng có nhiều nét khác biệt với các dân tộc khác. Nó mang một bản sắc văn hoá riêng của dân tộc, với quan niệm riêng, để tạo nên một nét văn hoá ở của dân tộc Mảng mà ít có dân tộc nào có được. Điều này, chúng ta lại càng thấy được ý thức hình thành, sự cố kết và xây dựng của mỗi cá nhân, mỗi dòng họ và từng bản của người Mảng là rất cao, để họ có thể tồn tại và phát triển đến ngày hôm nay.
VÂN THANH